Hoạt động gửi giữ vàng

hoat-dong-gui-giu-vang

Từ xưa đến nay, vàng vẫn là một trong những loại tài sản rất quan trọng, có giá trị lớn, được nhiều người cất giữ để làm tài sản đảm bảo về mặt tài chính. Theo đó, dịch vụ gửi giữ vàng cũng phát triển theo. Tuy nhiên, đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, tổ chức, doanh nghiệp muốn kinh doanh loại hình này cần phải nắm rõ những vấn đề pháp lý có liên quan. Hãy cùng Luật Dương Gia chi nhánh Đà Nẵng tìm hiểu nội dung này trong nài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 do Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 16 tháng 06 năm 2010;
  • Luật 17/2017/QH14 sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng do Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2017;
  • Bộ Luật dân sự 2015 do Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015;
  • Nghị định 24/2012/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 04 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
  • Thông tư 16/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 25 tháng 5 năm 2012 hướng dẫn một số điều của nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
  • Thông tư 02/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 26 tháng 2 năm 2016 hướng dẫn về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn của tổ chức tín dụng,

1. Quy định của pháp luật đối với việc gửi giữ tài sản nói chung

Việc gửi giữ tài sản và hợp đồng gửi giữ tài sản nói chung được quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:

  • Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

  • Quyền và nghĩa vụ của bên gửi tài sản

Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thoả thuận.

Có quyền yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

Có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

  • Quyền và nghĩa vụ của bên giữ tài sản

Bảo quản tài sản theo đúng thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thoả thuận.

Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công.

Có quyền yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn.

Có quyền bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.

  • Trả lại tài sản gửi giữ

Bên giữ phải trả lại chính tài sản đã nhận và cả hoa lợi nếu có, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Địa điểm trả tài sản gửi giữ là nơi gửi; nếu bên gửi yêu cầu trả tài sản ở địa điểm khác thì phải chịu chi phí vận chuyển đến nơi đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Bên giữ phải trả lại tài sản đúng thời hạn và chỉ có quyền yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn, nếu có lý do chính đáng.

  • Trả tiền công

Bên gửi phải trả đủ tiền công khi lấy lại tài sản gửi giữ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trường hợp các bên không thoả thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công.

Khi bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì vẫn phải trả đủ tiền công và thanh toán chi phí cần thiết phát sinh từ việc bên giữ phải trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Khi bên giữ yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì bên giữ không được nhận tiền công và phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Quy định của pháp luật đối với việc gửi giữ Vàng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc gửi giữ Vàng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 26 tháng 2 năm 2016 hướng dẫn về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn của tổ chức tín dụng. Cơ quan quản lý, điều hành trực tiếp là Ngân hàng nhà nước. Theo đó, việc gửi giữ tài sản là Vàng được thực hiện theo các quy định cụ thể như sau:

  • Đối tượng được nhận bảo quản, gửi giữ Vàng

Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 của Thông tư 02/2016/TT-NHNN, “Dịch vụ bảo quản tài sản” là dịch vụ của tổ chức tín dụng nhận bảo quản tài sản của khách hàng theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Trong đó, “Khách hàng” là các cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác theo quy định của Bộ luật dân sự sử dụng dịch vụ bảo quản tài sản; sử dụng dịch vụ cho thuê tủ, két an toàn của tổ chức tín dụng.

Do đó, chỉ có tổ chức tín dụng được phép mới được thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn. Nói cách khác, đối tượng được thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn là Tổ chức tín dụng, và Tổ chức tín dụng đó phải được cấp phép trước khi khi tiến hành hoạt động này.

Một số quy định liên quan, cụ thể về đối tượng là Tổ chức tín dụng này, chúng tôi xin được bổ sung thêm một số thông tin để Quý khách được rõ:

“Tổ chức tín dụng” là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

  • Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.
  • Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

Công ty cho thuê tài chính là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của Luật này.

  • Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.
  • Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Quy trình nhận bảo quản, gửi giữ Vàng

Tổ chức tín dụng nhận tài sản của khách hàng theo hình thức kiểm nhận hiện vật hoặc theo hình thức nguyên niêm phong.

a) Theo hình thức kiểm nhận hiện vật:

(i) Khách hàng lập bảng kê tài sản theo mẫu quy định;

(ii) Việc nhận vàng, kim khí quý, đá quý để bảo quản thực hiện theo quy trình nhận vàng, kim khí quý, đá quý theo hình thức kiểm định hiện vật tại quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý;

(iii) Khi nhận tài sản theo hình thức kiểm nhận hiện vật, tổ chức tín dụng lập biên bản giao nhận theo mẫu quy định.

b) Theo hình thức nguyên niêm phong:

(i) Khách hàng lập bảng kê tài sản theo mẫu quy định;

(ii) Tổ chức tín dụng nhận bao/túi/hộp tài sản nguyên niêm phong của khách hàng đã được đóng gói, niêm phong theo quy định không thực hiện kiểm định vàng, kim khí quý, đá quý, kiểm đếm tiền mặt, ngoại tệ tiền mặt, giấy tờ có giá và các tài sản khác của khách hàng;

(iii) Khi nhận tài sản theo hình thức nguyên niêm phong, tổ chức tín dụng lập biên bản giao nhận theo mẫu quy định;

Khách hàng chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lệ của những tài sản gửi tổ chức tín dụng bảo quản.

3. Các giao dịch khác liên quan đến Vàng

Theo như đã nêu tại Phần 1 của Thư tư vấn này, các giao dịch khác giữa các cá nhân, tổ chức liên quan đến tài sản là Vàng vẫn được thực hiện theo quy định tại Bộ luật dân sự hiện hành, bao gồm: Vay, mượn tài sản, hợp tác, góp vốn tài sản là vàng, v.v. ngoại trừ trường hợp: (01) gửi giữ, bảo quản vàng như đã nêu thì chủ thể được phép thực hiện là Tổ chức tín dụng được phép và (02) các kinh doanh vàng là một nghiệp vụ kinh doanh có điều kiện như: Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Trên đây là nội dung bài viết của Công ty luật TNHH Dương Gia, trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới việc gửi giữ vàng hoặc các vấn đề pháp lý có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon