Thủ tục phá sản doanh nghiệp

thu-tuc-pha-san-doanh-nghiep

Trong quá trình hội nhập kinh tế thì sự thành lập, tồn tại và hoạt động của các doanh nghiệp đóng góp vai trò rất quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp đầu tư thua lỗ, doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, không thể tiếp tục hoạt động, buộc phải rút lui khỏi thị trường theo các hình thức giải thể hoặc phá sản.

Hiện nay, các doanh nghiệp sử dụng giải pháp phá sản để rút lui khỏi thị trường một cách có trật tự, đồng thời cũng là cơ hội để làm lại từ đầu. Luật phá sản năm 2014 có quy định cụ thể về thủ tục phá sản doanh nghiệp, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về thủ tục này qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Phá sản năm 2014.

1. Quy định về phá sản doanh nghiệp

1.1 Thủ tục phá sản doanh nghiệp là gì?

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Thủ tục phá sản được hiểu là thủ tục tư pháp đặc biệt do Tòa án tiến hành khi có yêu cầu của người có quyền nộp đơn nhằm giải quyết tranh chấp lợi ích về tài sản phát sinh giữa chủ nợ và con nợ do con nợ mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Thủ tục phá sản doanh nghiệp có một số đặc điểm sau:

– Thứ nhất, thủ tục phá sản là một hoạt động đòi nợ tập thể nếu tiến hành đòi nợ theo thủ tục tố tụng dân sự thông thường, việc đòi nợ của các chủ nợ sẽ tiến hành một cách riêng lẽ, độc lập. Tuy nhiên, hoạt động đòi nợ theo thủ tục phá sản được tiến hành một cách tập thể. Theo qui định của pháp luật phá sản thì các chủ nợ phải tập hợp lại thành Hội nghị chủ nợ và việc đòi nợ cũng như trả nợ đều được tiến hành một cách tập thể.

– Thứ hai, thủ tục phá sản được diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt và là biện pháp cuối cùng của hoạt động đòi nợ. Thông thường, thủ tục đòi nợ và trả nợ có thể được tiến hành khi doanh nghiệp mắc nợ không trả nợ đến hạn cho chủ nợ. Tuy nhiên, thủ tục phá sản chỉ được tiến hành khi doanh nghiệp mắc nợ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn

– Thứ ba, thanh toán nợ trong thủ tục phá sản được tiến hành dựa trên cơ sở số tài sản còn lại của doanh nghiệp. Trong dân sự, trách nhiệm trả nợ phải được thực hiện đối với tổng số nợ của doanh nghiệp, tức là phải trả toàn bộ số nợ đến hạn của doanh nghiệp. Nhưng trong thủ tục phá sản, tài sản còn lại sẽ là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Nếu tài sản của doanh nghiệp còn lại lớn hơn hoặc bằng số nợ thì các doanh nghiệp cũng sẽ được thanh toán toàn bộ số nợ nhưng trường hợp này hầu như không xảy ra. Ngược lại, nếu số tài sản còn lại của doanh nghiệp ít hơn số nợ thì chủ nợ cũng chỉ nhận được lại số tài sản hiện có của doanh nghiệp và các khoản nợ còn thiếu thì các chủ nợ phải chịu rủi ro và được phân chia theo tỷ lệ nợ gốc. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp có chế độ trách nhiệm vô hạn như doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh thì không thể áp dụng nguyên tắc này.

– Thứ tư thủ tục phá sản thường dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Trong tố tụng dân sự, sau khi con nợ đã trả nợ xong họ vẫn tồn tại và hoạt động một cách bình thường. Nhưng trong thủ tục phá sản, Tòa án có thể phải ra quyết định pháp lý đặc biệt như quyết định chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp và tiến hành thanh lý tài sản. Sau khi quyết định tuyên bố phá sản được tiến hành, doanh nghiệp sẽ bị xóa tên trong số đăng ký kinh doanh, và chủ doanh nghiệp sẽ bị cấm kinh doanh trong một thời gian nhất định. Như vậy, việc tiến hành thủ tục phá sản trực tiếp dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh.

– Thứ năm, thủ tục phá sản là thủ tục có khả năng giúp con nợ phục hồi hoạt động kinh doanh. Khi tiến hành thủ tục phá sản thường là khi các doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán. Vì vậy, doanh nghiệp cũng không còn tài săn để trả nợ. Khi bị tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp chủ nợ cũng không hưởng lợi hoặc khả năng đòi nợ cũng không cao. Bởi vậy, trên thực tế đây không phải là biện pháp mà các chủ nợ nghĩ đến đầu tiên vì nó không có lợi cho họ. Do đó, pháp luật phá sản đặt ra mục tiêu quan trọng là giúp đỡ các con nợ thoát khỏi tình trạng phá sản, phục hồi hoạt động kinh doanh

1.2 Ý nghĩa của việc áp dụng thủ tục phá sản doanh nghiệp

– Thứ nhất, đây là một cơ hội để doanh nghiệp “hồi sinh”. Sau khi mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp không bị bắt buộc phải thanh lý tài sản ngay mà được áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh Bất kỳ chủ nợ hoặc cá nhân nào nhận nghĩa vụ phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều có quyền xây dựng dự thảo phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và nộp cho Toà án.

– Thứ hai, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, tất cả các quyền đòi nợ đều được đình chỉ và giải quyết theo một thủ tục chung nhất cho Tòa án tiến hành. Như vậy, áp lực trả nợ đè nặng lên doanh nghiệp sẽ được giảm đi.

– Thứ ba, nếu tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp cũng sẽ giảm bớt được gánh nặng tài chính. Doanh nghiệp chỉ cần thực hiện trách nhiệm trả nợ trong giới hạn phần tài sản hiện có, trừ doanhg nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Phí phá sản sẽ được thanh toán đầu tiên sau đó lần lượt thanh toán tới các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc cho người lao động, nợ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết, các khoản nợ không có bảo đảm. Vào thời điểm mở thủ tục phá sản, các khoản nợ chưa đến hạn thanh toán cũng được xử lý như các khoản nợ đến hạn nhưng không được tính lãi đối với khoảng thời gian trước hạn thanh toán.

– Thứ tư, giúp doanh nghiệp thoát khỏi các khoản nợ một cách hợp pháp. Đối với thủ tục giải thể, muốn tuyên bố giải thể các doanh nghiệp phải thanh toán toàn bộ các khoản nợ. Còn với thủ tục phá sản, doanh nghiệp chỉ trả nợ trong giới hạn tài sản của mình. Trừ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh, sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, các khoản nợ chưa được thanh toán đầy đủ cũng được coi như là đã thanh toán và chủ nợ không có quyền đòi nợ.

2. Thủ tục phá sản doanh nghiệp

Thủ tục phá sản doanh nghiệp quy định trong Luật Phá sản 2014 diễn ra gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Chỉ có người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn quy định tại Điều 5 Luật phá sản mới có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản

Bước 2: Tòa án xem xét, thụ lý yêu cầu

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án xem xét đơn, nếu đơn hợp lệ sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản.

Nếu đơn chưa hợp lệ thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn.

Nếu người nộp đơn không có quyền nộp đơn, hoặc từ chối sửa đơn… thì Tòa án trả lại đơn.

Bước 3: Tòa án thụ lý đơn

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.

Sau đó, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn).

Bước 4: Mở thủ tục phá sản

Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản Tòa án phải gửi thông báo đến những người liên quan.

Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu; tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng…

Đặc biệt sẽ kiểm kê lại tài sản, lập danh sách chủ nợ; lập danh sách người mắc nợ…

Bước 5: Hội nghị chủ nợ

Hội nghị chủ nợ là cuộc họp của các chủ nợ được triệu tập trong thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thảo luận thông qua phương án  hòa giải, giải pháp tổ chức lại hoạt động doanh nghiệp hoặc kiến nghị về phương án phân chia tài sản khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản

Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ, trừ trường hợp không phải tổ chức Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 105 của Luật phá sản.

Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

– Thanh lý tài sản phá sản;

– Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.

3. Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố thủ tục phá sản

3.1 Nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

Điều 110 Luật Phá sản 2014 quy định về nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản như sau:

– Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản quy định tại các điều 105, 106 và 107 của Luật Phá sản không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp người tham gia thủ tục phá sản có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

– Nghĩa vụ về tài sản phát sinh sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3.2 Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản

– Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản.

– Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.

– Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về thủ tục phá sản doanh nghiệp. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon