Một số vướng mắc khi giải quyết việc giành quyền nuôi con

mot-so-vuong-mac-khi-giai-quyet-viec-gianh-quyen-nuoi-con

Ly hôn là một vấn đề không còn xa lạ trong xã hội hiện đại. Thậm chí, có quan điểm còn cho rằng, đây là một xác xử lý rất “văn minh”, bởi lẽ, khi các bên không còn tình cảm với nhau, mục đích hôn nhân không đạt được thì ly hôn là để cho nhau có cơ hội mới, có con đường mới của riêng mình. Tuy nhiên, nếu đã có con chung thì sẽ có rất nhiều vấn đề các bên phải thỏa thuận, Tòa án phải giải quyết. Cùng luật Dương Gia tìm hiểu một số vướng mắc trong việc giải quyết giành quyền nuôi con và các vấn đề pháp lý có liên quan trong bài viết dưới đây.

1. Thiếu thống nhất trong việc xác định thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định về thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 118 mà không quy định thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi vợ chồng ly hôn. Qua nghiên cứu các bản án cho thấy các Tòa án có cách xác định thời điểm cấp dưỡng khác nhau. Có Tòa án quyết định thời điểm cấp dưỡng là ngày bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực, có Tòa quyết định từ ngày Tòa tuyên án, lại có Tòa chỉ quyết định cấp dưỡng cho đến khi con đủ 18 tuổi mà không quyết định từ ngày nào.

Về vấn đề này hiện có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không có quy định thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi ly hôn nên Tòa án không cần phải ghi thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con vào quyết định, bản án của Tòa án29. Quan điểm thứ hai cho rằng thời điểm bắt đầu nghĩa vụ cấp dưỡng được xác định từ ngày  tuyên án bản án ly hôn sơ thẩm. Quan điểm thứ ba cho rằng nghĩa vụ cấp dưỡng được tính từ thời điểm cha, mẹ không sống với con chưa thành niên trên thực tế.

Chúng tôi cho rằng việc xác định thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con là cần thiết và đồng tình với quan điểm thứ ba. Do đó, khi Tòa án giải quyết ly hôn, nếu vợ chồng khai đã ly thân, thời điểm ly thân xác định được thì bản án ly hôn phải ghi rõ cấp dưỡng cho con từ thời điểm vợ chồng ly thân, tức là thời điểm mà người cha hoặc người mẹ không sống chung với con. Nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ được thi hành ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự. Có như vậy mới bảo đảm được quyền lợi của con. Quan điểm này cũng phù hợp với quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại khoản 2 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự.

2. Về căn cứ xác định mức cấp dưỡng nuôi con

Trong các vụ án ly hôn mà Tòa án giải quyết hiện nay, có những vụ tranh chấp về mức cấp dưỡng cho con. Thông thường, bên trực tiếp nuôi con yêu cầu bên kia cấp dưỡng một mức cụ thể nhưng bên kia không đồng ý cấp dưỡng hoặc chỉ chấp nhận mức cấp dưỡng thấp hơn yêu cầu của bên trực tiếp nuôi con. Có những vụ không đưa ra mức cấp dưỡng cụ thể mà hai bên yêu cầu Tòa án xác định. Trong những trường hợp như vậy, Tòa án phải xem xét để quyết định mức cấp dưỡng.

Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì khi quyết định mức cấp dưỡng nuôi con, Tòa án phải căn cứ vào hai yếu tố đó là việc cấp dưỡng phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Đây chỉ là nguyên tắc xác định mức cấp dưỡng. Để quyết định một mức cấp dưỡng cụ thể phù hợp với cả hai yếu tố trên là vấn đề rất khó đối với Tòa án.

Thực tiễn giải quyết tại các Tòa án trước đây và hiện tại thường vận dụng quy định tại khoản 2, phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để quyết định mức cấp dưỡng thông thường là bằng ½ tháng lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng nên có thể thấy rằng mức cấp dưỡng này là rất thấp, không đáp ứng được chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng con chưa thành niên. Mức lương cơ sở chỉ để xác định mức sống tối thiểu, trong khi xác định mức cấp dưỡng còn phải dựa vào khả năng của người phải cấp dưỡng, do đó, nếu người phải cấp dưỡng có thu nhập thực tế cao hơn rất nhiều so với mức lương cơ sở thì không thể chỉ quyết định mức cấp dưỡng bằng ½ mức lương cơ sở.

3. Kết luận

Giải quyết việc nuôi con và cấp dưỡng cho chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình khi cha mẹ ly hôn là vấn đề phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của con.

Trong thời gian qua, Tòa án đã dựa trên quy định của Luật Hôn nhân và gia đình để công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, cũng như cấp dưỡng cho con phù hợp với lợi ích của con. Song vẫn còn tình trạng công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng mà không xem xét lợi ích của con thỏa đáng nên vẫn có những bản án chưa bảo vệ được quyền lợi về mọi mặt của con khi cha mẹ ly hôn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
  2. Dương Tấn Thanh, “Vướng mắc về cấp dưỡng nuôi con trong các vụ án ly hôn”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 11/12/2019;
  3. Hồng Nhi, “Về quyền nuôi con trong các vụ án ly hôn”;
  1. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  2. Luật Thi hành án dân sự năm 2014;
Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon