Vướng mắc, kiến nghị trong việc xác định căn cứ ly hôn thuận tình

vuong-mac-kien-nghi-trong-viec-xac-dinh-can-cu-ly-hon-thuan-tinh

Bài viết phân tích về căn cứ ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn, thực trạng xác định căn cứ ly hôn khi giải quyết yêu cầu ly hôn tại Tòa án, qua đó chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong việc xác định căn cứ ly hôn khi thuận tình ly hôn và đề xuất một số kiến nghị liên quan đến giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn.

1. Một số vướng mắc trong việc xác định căn cứ ly hôn thuận tình

 Qua nghiên cứu các qui định hiện hành và thực tế giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn tại Tòa án có thể thấy việc xác định căn cứ ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn vẫn có nhiều vướng mắc, thể hiện qua một số khía cạnh sau:

– Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án qui định: thỏa thuận của các bên về việc thuận tình ly hôn phải “trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”49. Mặc dù Luật này viện dẫn theo qui định của “Luật Hôn nhân và gia đình” nhưng theo qui định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành (cũng như Luật HN&GĐ năm 2000) thì chỉ xác định đối tượng cần quan tâm “bảo đảm quyền lợi chính đáng” là vợ và con, trong đó con bao gồm con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Việc qui định của Luật HN&GĐ hiện hành thể hiện tính kế thừa trong việc bảo vệ phụ nữ (người vợ) và trẻ em trong việc ly hôn và đây là một nguyên tắc trong pháp luật HN&GĐ. Từ góc độ bình đẳng giới, thì qui định của Luật HN&GĐ là có cơ sở và phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhằm đảm bảo giúp cho người vợ và con – những đối tượng thường gặp nhiều khó khăn hơn khi ly hôn – có thể ổn định cuộc sống sau khi ly hôn.

Đó là cơ sở để góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thực chất. Trên cơ sở của Luật HN&GĐ, BLTTDS năm 2015 cũng qui định tương tự: “sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con”.51 Sự qui định không thống nhất giữa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với Luật HN&GĐ năm 2014 và BLTTDS cần được sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý thống nhất khi thực hiện hòa giải trước và sau khi thụ lý yêu cầu thuận tình ly hôn, đồng thời đạt được mục đích của qui định về vấn đề này là quan tâm, bảo vệ những người yếu thế trong việc ly hôn.

Xác định sự thỏa thuận giữa các bên có “bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con” chưa có căn cứ cụ thể, rõ ràng. Trong các quyết định Công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án chỉ ghi sự thỏa thuận của các bên “là hoàn toàn tự nguyện và không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Các nội dung thuận tình ly hôn phù hợp với quy định của pháp luật” mà không thể hiện sự nhận định, đánh giá của Tòa án là sự thỏa thuận đó có “bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con” hay không, trong khi đây mới là nội dung cơ bản nhất trong giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn.

Việc xác định “sự tự nguyện thật sự” của hai bên vợ chồng chưa thống nhất tại các Tòa án. Xác định căn cứ ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn thì việc xác định sự tự nguyện thật sự của vợ chồng trong việc thuận tình ly hôn là quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất. Bởi vì sự tự nguyện thật sự mong muốn chấm dứt hôn nhân là yếu tố quyết định đến việc có ly hôn hay không ly hôn, đồng thời là cơ sở để giải quyết các vấn đề có liên quan khác như tài sản, con chung, cấp dưỡng giữa vợ và chồng (nếu có). Hiện nay, thực tế giải quyết việc thuận tình ly hôn các Tòa án có cách thức, quan điểm khác nhau về việc xác định “thật sự tự nguyện ly hôn”.

Có Tòa án chỉ cần thấy rằng các bên vợ chồng đã cùng thống nhất, thỏa thuận, thể hiện ý chí tự nguyện mong muốn ly hôn là được coi là có cơ sở xác định “thật sự tự nguyện”. Có Tòa án, bên cạnh xác định ý chí tự nguyện của các bên, “khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con…” để đưa ra phán quyết. Cách giải quyết không thống nhất của các Tòa án là ở chỗ, mỗi Tòa sẽ thấy có “cần thiết” hay không một cách khác nhau, tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể.

Khi giải quyết thuận tình ly hôn cần có sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng về tất cả các nội dung có liên quan: về quan hệ hôn nhân, tài sản, con chung và cả vấn đề cấp dưỡng giữa vợ và chồng. Tuy nhiên trong các văn bản pháp luật hiện hành cũng như trên thực tế xét xử hầu như không đề cập đến việc cấp dưỡng giữa vợ và chồng.

2.  Một số kiến nghị trong việc xác định căn cứ ly hôn thuận tình

Từ những phân tích trên, chúng tôi có một số suy nghĩ kiến nghị về hoàn thiện và áp dụng pháp luật về căn cứ giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn như sau:

2.1. Kiến nghị thứ nhất

Để đảm bảo giải quyết việc thuận tình ly hôn một cách khách quan, đúng thực chất của quan hệ hôn nhân thì Tòa án đánh giá, xem xét “thực sự tự nguyện ly hôn” của các bên không chỉ dựa trên ý chí tự nguyện, mong muốn chấm dứt hôn nhân của hai vợ chồng mà ý chí tự nguyện đó phải phù hợp với thực trạng khách quan, bản chất của quan hệ hôn nhân là hôn nhân đã thực sự tan vỡ, không thể có khả năng đoàn tụ, hàn gắn.

Do đó, qui định về căn cứ ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn cũng phải phản ánh được thực trạng quan hệ vợ chồng, tức là phải xem xét sự tự nguyện ly hôn có phù hợp với thực trạng hôn nhân là “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Điều này cần được qui định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn xét xử của Tòa án.

Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức ghi nhận các quyết định công nhận thuận tình ly hôn, trong đó cần ghi rõ cơ sở pháp lý để xác định chấm dứt hôn nhân. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn cần thể hiện được sự thỏa thuận chấm dứt hôn nhân của các bên phù hợp với thực trạng, bản chất của quan hệ hôn nhân.

Qui định như vậy sẽ tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật khi xét xử, đồng thời hạn chế được những trường hợp thuận tình ly hôn giả. Theo tôi, sự khác nhau trong giải quyết thuận tình ly hôn hay ly hôn do một bên yêu cầu là về thủ tục tố tụng, còn về bản chất quan hệ hôn nhân là giống nhau, tức là về quan hệ nội dung phải dựa vào thực trạng, bản chất của quan hệ hôn nhân để công nhận hoặc bác yêu cầu ly hôn.

2.2. Kiến nghị thứ nhất

Cần qui định rõ trong các văn bản hướng dẫn công tác xét xử các tiêu chí để xác định thế nào là sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng “bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con”. Theo tôi, xác định sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng “bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con” là sự thỏa thuận đó phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ như bảo vệ bà mẹ, trẻ em; phù hợp với qui định về quyền, nghĩa vụ của vợ và chồng; các quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con… được qui định trong Luật HN&GĐ và các văn bản pháp luật khác có liên

2.3. Kiến nghị thứ ba

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nên qui định thống nhất giống Luật HN&GĐ năm 2014 và BLTTDS năm 2015 về đối tượng được bảo đảm quyền lợi chính đáng là vợ và con. Tất nhiên, quyền lợi chính đáng của người chồng cũng cần được bảo vệ, nhưng trong mối tương quan giữa vợ và chồng thì cần quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của người vợ và con trước tiên, và có như vậy thì qui định này mới đảm bảo được ý nghĩa của nó.

2.4. Kiến nghị thứ tư

khi giải quyết thuận tình ly hôn, cần xác định là sự thỏa thuận của vợ chồng còn bao gồm cả thỏa thuận về cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn. Thực tế, có nhiều người, đặc biệt là người vợ không biết được rằng họ có quyền yêu cầu người chồng cấp dưỡng khi có đủ các điều kiện luật định. Trong trường hợp thuận tình ly hôn, người vợ không muốn yêu cầu người chồng cấp dưỡng cho mình để có thể nhanh chóng được ly hôn, nên việc giải quyết thuận tình ly hôn không bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người vợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon