Thực trạng giải quyết vụ việc về bạo lực gia đình

thuc-trang-giai-quyet-vu-viec-ve-bao-luc-gia-dinh

Áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ, việc về bạo lực gia đình nhằm xử lý các hành vi vi phạm của người thực hiện hành vi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình, góp phần phòng ngừa tình trạng bạo lực gia đình. Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định rõ các chế tài để xử lý hành vi vi phạm cũng như các biện pháp cần thiết để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, song trên thực tế, việc áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình, bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân bạo lực gia đình vẫn còn những tồn tại.

1. Khái quát chung về giải quyết các vụ, việc về bạo lực gia đình

Bạo lực đình là hành vi của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại về thể xác, tinh thần hoặc kinh tế cho thành viên khác trong gia đình được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như bạo lực về thể xác, tinh thần, kinh tế hay tình dục hoặc những hành vi cưỡng ép khác nhằm tước bỏ tự do cũng như hạn chế thành viên gia đình thực hiện các quyền nhân thân và tài sản trong giới hạn được pháp luật bảo vệ. Các hành vi này cũng được xác định đối với cả cặp vợ chồng đã ly hôn hoặc trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Với sự đa dạng về hình thức, bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả làm tổn hại đến sức khoẻ tinh thần, thể chất, kinh tế đối với nạn nhân bạo lực gia đình. Có thể nói, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạo lực gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Nói một cách khác, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng phải chịu tổn thương nhiều nhất từ các hành vi bạo lực gia đình.

Vì vậy, việc giải quyết một cách nhanh chóng, công minh và triệt để đổi với các vụ việc về bạo lực gia đình không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình mà còn góp phần hạn chế và phòng ngừa hành vi vi vi phạm. Từ một góc độ khác, việc giải quyết thấu đáo các vụ, việc về bạo lực gia đình còn góp phần giúp cho người thực hiện hành vi nhận diện rõ hành vi vi phạm của mình, chấm dứt việc vi phạm, thay đổi hành vi và cách ứng xử, tôn trọng các quyền và lợi ích của các thành viên gia đình.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc giải quyết các vụ, việc về bạo lực gia đình thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Tuỳ từng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, việc giải quyết thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng khác nhau. Theo đó, nếu hành vi vi phạm cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị khởi tố và vụ, việc sẽ được giải quyết tại toà án theo thủ tục tố tụng hình sự. Trường hợp hành vi vi phạm không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính. Ngoài ra, người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho nạn nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, do đặc thù của việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ hôn nhân và gia đình, hành vi bạo lực gia đình còn có thể được xem xét giải quyết trong các vụ án ly hôn (trường hợp một bên vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình) hoặc áp dụng pháp luật giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Vướng mắc từ thực tiễn giải quyết các vụ, việc về bạo lực gia đình tại Ủy ban nhân dân

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Uỷ ban nhân dân cơ sở có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn thư tố cáo của người dân về các hành vi bạo lực gia đình, ngoài việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi vi phạm, Uỷ ban nhân dân cơ sở còn thực hiện việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, hoà giải mâu thuẫn đối với các trường hợp thuộc diện phải hoà giải để phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình cũng như hạn chế những thiệt hại, rủi ro đối với nạn nhân bạo lực gia đình.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, các vụ việc về bạo lực gia đình được giải quyết  tại Uỷ ban nhân dân cơ sở chưa được. Tồn tại này bắt nguồn từ những nguyên nhân sau: (i) cho rằng hành vi bạo lực gia đình không nghiêm trọng cho nên dẫn đến tâm lý xử lý chỉ để các bên đóng cửa bảo nhau; (ii) Sự việc xảy ra trong địa bàn xã, phường cho nên xử lý còn mang tính chất nương nhẹ; (iii) Chưa coi trong đúng mức công tác hoà giải mâu thuẫn đối với các trường hợp thuộc diện được phép hoà giải. Vì những lý do trên, dẫn đến nhiều trường hợp bạo lực gia đình tái diễn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, biện pháp cấm tiếp xúc ít được áp dụng hoặc áp dụng nhưng không hiệu quả. Theo quy định của pháp luật hiện hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân. Trường hợp cơ quan, tổ chức yêu cầu thì thì phải có sự đồng ý của nạn nhân BLGĐ6.

+ Hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân BLGĐ.

+ Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Nơi ở đó có thể là nhà của chính nạn nhân, nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở.

Có thể nói, với các điều kiện để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc nói trên thì việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch ít được áp dụng và nếu được áp dụng không có hiệu quả là một thực tế hiển nhiên. Bởi lẽ, muốn áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì phải thoả mãn tất cả các điều kiện trên. Trong khi Cơ quan Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội; cơ quan Công an; cơ quan nơi làm việc của nạn nhân hoặc tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội mà nạn nhân là thành viên cũng có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp cẩm tiếp xúc đó, chỉ tính riêng điều kiện yêu cầu về chỗ ở của nạn nhân và người gây bạo lực gia đình trong thời gian thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc đã là một vấn đề rất khó đảm bảo trên thực tế. Đôi khi vì lý do này mà nạn nhân không dám yêu cầu áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc vì bản thân nạn nhân cũng không biết phải đi đâu nếu như áp dụng biện pháp này.

Mặt khác, việc xác định “hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân BLGĐ” thì phải có căn cứ để chứng minh, chẳng hạn như: Có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra; Có dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân bạo lực gia đình;

Có chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình. Sự yêu cầu chặt chẽ về điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong trường hợp này không phù hợp với tình huống cấp bách cần phải phản ứng nhanh để bảo vệ nạn nhân khỏi sự nguy hiểm.

Từ phân tích này có thể thấy, việc áp dụng rất hạn chế hoặc áp dụng nhưng không hiệu quả biện pháp cấm tiếp xúc có nguyên nhân từ những bất cập của pháp luật khi quy định về điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi quy định về điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc nên được xem xét phù hợp hơn với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần phải giám sát thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc chặt chẽ thì việc cấm tiếp xúc mới phát huy được tác dụng bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

3. Về việc hoà giải mâu thuẫn đối với các vụ, việc bạo lực gia đình

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, đối với các vụ việc về bạo lực gia đình thuộc trường hợp được phép hoà giải. Việc tiếp nhận và giải quyết ở cơ sở chưa  chú trọng việc hoà giải mâu thuẫn, điều này cũng là nguyên nhân làm cho những trường hợp bạo lực gia đình tiếp tục tái diễn hoặc tái diễn ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Bởi lẽ, vấn đề cốt lõi trong đời sống hôn nhân vag gia đình là những mâu thuẫn giữa người thực hiện hành vi và nạn nhân phải được tháo gỡ. Mặt khác, trên thực tế khi có hành vi bạo lựa xảy ra, nếu việc hoà giải mâu thuẫn trong phạm vi gia đình, dòng họ không đạt được hiệu quả, nạn nhân bạo lực gia đình thường tìm kiếm sự hỗ trợ của chính quyền, mà bước đầu họ sẽ kêu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng dân cư, ví dụ kêu cứu tổ dân phố.

Vì vậy, nếu tiếp nhận kêu cứu của nạn nhân bạo lực gia đình và áp dụng hình thức phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư thì cần phải hoà giải mâu thuẫn để nạn nhân cũng như người thực hiện hành vi rút kinh nghiệm, tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền của các bên để phòng ngừa tình trạng bạo lực tái diễn.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc hoà giải mâu thuẫn, góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư chưa được quan tâm thích đáng. Những vướng mắc và tồn tại nói trên cho thấy, việc giải quyết các vụ, việc bạo lực gia đình được thực hiện ở cấp cơ sở chưa mang lại hiệu quả. Vì vậy, nạn nhân bạo lực gia đình cho rằng bạo lực gia đình thường bị coi nhẹ, họ không được tôn trọng và thường bị đổ lỗi để xảy ra bạo lực, các biện pháp ứng phó như hoà giải, xử phạt vi phạm hành chính không làm chấm dứt bạo lực.

Có những trường hợp người thực hiện hành vi thách thức, chế nhạo nạn nhân vì cho rằng cùng lắm họ cũng chỉ bị phê bình, nhắc nhở hoặc nặng hơn thì bị xử phạt một ít tiền. Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình còn cho rằng phạt tiền thì chính nạn nhân lại là người thiệt thòi vì nếu bị phạt tiền thì tiền nộp phạt đó suy cho cùng cũng lại lấy từ tài sản chung của vợ chồng.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon