Vợ nội trợ, chồng làm giám đốc, vợ có được chia tài sản khi ly hôn hay không

vo-noi-tro-chong-lam-giam-doc-vo-co-duoc-chia-tai-san-khi-ly-hon-hay-khong

Trong cuộc sống hôn nhân, việc phân chia vai trò giữa vợ và chồng thường được xác định dựa trên hoàn cảnh và sự thỏa thuận của cả hai bên. Tuy nhiên, khi xảy ra ly hôn, câu hỏi về quyền lợi tài sản, đặc biệt đối với những người vợ làm nội trợ trong khi chồng giữ vai trò kinh tế chính, trở thành một vấn đề gây tranh cãi. Liệu người vợ, với công sức chăm lo gia đình, có được công nhận quyền lợi trong khối tài sản chung? Đây là một vấn đề không chỉ mang tính pháp lý mà còn gắn liền với giá trị công bằng và bình đẳng trong hôn nhân.

Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây để làm rõ vấn đề tài sản của các bên khi ly hôn, cũng như điều kiện để người vợ ở nhà làm nội trợ được chia tài sản khi ly hôn

1. Tài sản của vợ chồng để phân chia khi ly hôn

Tài sản của vợ chồng được phân chia khi ly hôn thường bao gồm tài sản chung và tài sản riêng, được xác định dựa trên quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Khi phân chia tài sản, tòa án thường căn cứ vào nguyên tắc bình đẳng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mỗi bên, đồng thời xem xét đến công sức đóng góp, nhu cầu thực tế và hoàn cảnh sống của từng người.

1.1. Tài sản riêng của vợ chồng

Tài sản riêng của vợ hoặc chồng là những tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân, không bị ảnh hưởng bởi chế độ tài sản chung trong hôn nhân. Theo đó, tại Điều 43 Luật hôn nhân Gia đình đã quy định cụ thể về tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm:

– Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này;

– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.

– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Bên cạnh đó, Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định tài sản riêng khác của vợ, chồng gồm:

– Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

– Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

– Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Tóm lại, tài sản tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mỗi người có trước khi kết hôn; Và việc xác định tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng căn cứ vào nguồn gốc hình thành tài sản đó.

1.2. Tài sản chung của vợ chồng

Tài sản chung của vợ chồng có thể được hiểu là những tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, thuộc quyền sở hữu chung và được sử dụng nhằm phục vụ cho nhu cầu chung của gia đình

Căn cứ tại Điều 33 Luật Hôn nhân & Gia đình  tài sản chung của vợ chồng được định nghĩa cụ thể gồm:

– Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ những tài sản chung đã được chia trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

2. Phân chia tài sản sau ly hôn khi vợ ở nhà làm nội trợ

Trên cơ sở những quy định pháp lý liên quan đến vấn đề chia tài sản khi ly hôn thì tài sản sẽ được phân chia dựa theo thỏa thuận của vợ chồng với quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình, nếu không thể thỏa thuận có thể nộp đơn yêu cầu được sự giải quyết của Tòa án, lúc này Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó

Dựa trên nguyên tắc chia tài sản, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, nhưng cũng cần tính tới các yếu tố quy định tại Khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như:

– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng

– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Bên cạnh đó, tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định “công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của người đi làm. Ngoài ra, nếu công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

Như vậy, với trường hợp vợ ở nhà nội trợ, người vợ thực hiện công việc nội trợ, trông nom con cái, chăm sóc gia đình, lo công việc nội trợ. Người vợ không đi làm và không có thu nhập hàng tháng thì vẫn được tính là có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng mình và vẫn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Không phải là không đi làm, không trực tiếp tạo lập tài sản trong gia đình thì sẽ không được phân chia tài sản. Tuy nhiên, thực tế, việc chứng minh công sức đóng góp của bên nào nhiều hơn vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung trong trường hợp này là tương đối khó, cần phải xem xét thật toàn diện, khách quan.

3. Câu hỏi thường gặp liên quan đến chia tài sản khi ly hôn

3.1 Nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng theo hiện vật hoặc giá trị?

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận được phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

3.2. Đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng bao gồm các tài sản là động sản bắt buộc phải đăng ký và bất động sản theo quy định pháp luật hiện hành

Sau khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì vợ chồng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng thỏa thuận ghi tên một trong hai người

3.3.Nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng như thế nào?

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định tài sản riêng không dễ dàng xuất phát từ lời khai của hai bên vợ, chồng không giống nhau. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

3.4. Vợ chồng không giải quyết xong việc chia tài sản có được ly hôn không?

Tùy thuộc vào tòa án xem xét. Vợ chồng có thể tự thỏa thuận chia tài sản hoặc yêu cầu tòa án chia tài sản theo thỏa thuận hoặc yêu cầu trong đơn ly hôn. Trường hợp sau khi ly hôn mà vợ chồng chưa chia tài sản chung thì cả hai vợ chồng vẫn có quyền sở hữu chung đối vơi tài sản đó cho tới khi thỏa thuận phân chia. Như vậy, việc chia tài sản không phải là điều kiện bắt buộc, tiên quyết để giải quyết việc ly hon

4. Hỗ trợ tư vấn về ly hôn tại Đà Nẵng

Đối với mỗi vụ việc sẽ phát sinh nhiều vấn đề pháp lý khác nhau, Luật Dương Gia với đội ngũ Luật sư uy tín, nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn ly hôn, hỗ trợ giải quyết thủ tục ly hôn, giải đáp các thắc mắc đối với các vấn đề pháp lý mà khách hàng đang gặp phải. Ngoài ra, Luật Dương Gia còn cung cấp dịch vụ pháp lý như: Hỗ trợ soạn thảo đơn khởi kiện, hồ sơ thuận tình ly hôn, hồ sơn đơn phương ly hôn, tham gia tại các buổi làm việc, tranh tụng tại Toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng nếu có tranh chấp phát sinh liên quan đến vấn đề ly hôn.

Quý khách có nhu cầu, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây: 

– Số điện thoại đặt lịch hẹn tư vấn:

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

 Đặt lịch hẹn trên website của chúng tôi theo link dẫn sau: https://luatduonggia.vn/dat-hen-tu-van-truc-tiep/

Chúng tôi sẽ gọi lại để xác nhận lịch hẹn và sắp xếp Luật sư phù hợp chuyên môn để phục vụ bạn theo giờ bạn yêu cầu! 

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon