Thực tế, hiện nay có rất nhiều trường hợp một bên vợ hoặc chồng có mong muốn ly hôn nhưng bên còn lại đã đi khỏi địa phương hoặc không xác định được nơi cư trú của người đó, người còn lại không biết làm cách nào để có được chữ ký của người vợ/chồng đã bỏ đi. Vậy đối với những trường hợp này, cần điều kiện gì để được giải quyết ly hôn? Không có chữ ký của đối phương có được ly hôn hay không? Ly hôn bằng hình thức nào? Hãy cùng các chuyên gia Hôn nhân và gia đình của Luật Dương Gia chúng tôi giải đáp các thắc mắc trên nhé!
Căn cứ pháp lý:
1. Các hình thức ly hôn?
Theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì hiện nay, pháp luật quy định 2 hình thức ly hôn chính là:
– Thuận tình ly hôn là việc vợ chồng cùng nhau thỏa thuận về việc ly hôn cũng như là con chung và tài sản chung.
– Đơn phương ly hôn hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên chính là việc các bên sau khi hòa giải không thành và Tòa án xét thấy có các căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì sẽ giải quyết cho ly hôn.
2. Chồng bỏ đi khỏi địa phương không ký đơn có ly hôn được không?
2.1. Có ly hôn được không khi một bên bỏ đi khỏi địa phương, không ký vào đơn ly hôn?
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.“
– Căn cứ tại khoản 1 điều 51 luật hôn nhân và gia đình năm 2014, theo đó vợ hoặc chồng đều có thể nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án mà không cần phải có sự đồng ý của bên còn lại, đây là hình thức đơn phương ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Tuy nhiên, trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2.2. Nguyên tắc giải quyết theo yêu cầu của một bên
Nguyên tắc giải quyết ly hôn theo yêu cầu của 1 bên được quy định tại khoản 1 điều 56 luật hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
– Theo quy định trên, Tòa án sẽ giải quyết đơn phương ly hôn khi đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Tức là giữa vợ chồng đã có nhiều lục đục, mâu thuẫn sâu sắc đến mức vợ chồng không thể chịu đựng được nhau nữa, quan hệ vợ chồng không thể tồn tại được, dẫn đến việc tan vỡ hôn nhân và gia đình ly tán là điều không thể tránh khỏi.
Như vậy, việc chồng bạn bỏ đi và không thể ký vào đơn ly hôn không quan trọng. Bạn vẫn có thể nộp đơn xin ly hôn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn cho bạn bằng hình thức Đơn phương ly hôn. Khi đơn phương ly hôn, Tòa án sẽ căn cứ vào tình trạng thực tế của vợ chồng để phán quyết, tức là lý do xin ly hôn phải xác đáng, cho thấy mục đích hôn nhân, hạnh phúc gia đình giữa hai bên không đạt được.
3. Hồ sơ đơn phương ly hôn
Ly hôn đơn phương cần những giấy tờ sau:
- Đơn xin ly hôn đơn phương (Theo nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP sửa đổi bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP hoặc Mẫu đơn xin ly hôn)
- Bản sao công chứng CMTND/CCCD còn hiệu lực của bạn.
- Bản sao giấy khai sinh của con.
- Giấy xác nhận nơi cư trú.
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
- Bản sao tài sản chung yêu cầu phân chia khi ly hôn.
Trong quá trình giải quyết, đối với những tài liệu bạn không có hoặc không tự thu thập được, bạn được quyền yêu cầu Tòa án thu thập các chứng cứ liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích của mình.
4. Thủ tục ly hôn đơn phương
Căn cứ theo các quy định tại Điều 191, 195, 196, 197, 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trình từ đơn phương ly hôn thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Bước 2: Nhận kết quả xử lý đơn
Bước 3: Khi đơn xin ly hôn được thụ lý thì nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Sau đó, nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí đơn phương cho Tòa án thụ lý đơn.
Bước 4: Tòa án tiến hành triệu tập vợ, chồng để lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Ly hôn đơn phương được giải quyết theo thủ tục tranh tụng như các vụ kiện dân sự thông thường tại Tòa án nên thời điểm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng là thời điểm bản án giải quyết vụ án ly hôn có hiệu lực pháp luật Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Do đó:
- Quyết định giải quyết vụ án ly hôn tại Tòa sơ thẩm là bản án chưa có hiệu lực pháp luật nên sau khi bản án được ban hành người yêu cầu ly hôn đơn phương phải chờ xem có kháng cáo của bên đối phương không thì mới xác định được thời điểm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng.
- Trường hợp bị kháng cáo bản án giải quyết ly hôn sơ thẩm thì thời điểm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng là thời điểm ban hành quyết định giải quyết vụ án ly hôn phúc thẩm.
5. Tại sao nên Thuê Luật sư tư vấn hôn nhân gia đình của Công ty Luật Dương Gia?
Khi thuê luật sư về hôn nhân gia đình của Công ty Luật Dương Gia sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề về việc “Chồng bỏ đi khỏi địa phương, không chịu ký đơn ly hôn”, bạn sẽ thấy được những ưu điểm vượt trội mà Luật Dương Gia đem lại, Bởi lẽ:
– Vì chúng tôi có đội ngũ Luật sư, Chuyên gia, Luật gia đông đảo, nhiều năm kinh nghiệm, tư vấn tận tình, cặn kẽ mọi vấn đề pháp lý
– Vì chúng tôi có gần 10 năm phát triển các loại hình dịch vụ Luật sư trên phạm vi cả nước
– Vì chúng tôi là đơn vị tư vấn trực tuyến uy tín tại Việt Nam
– Vì các loại hình dịch vụ của chúng tôi đa dạng nhất, tiếp cận dễ dàng nhất…
Chúng tôi luôn cố gắng hoàn thiện đội ngũ, năng lực, dịch vụ để đáp ứng mọi nhu cầu tư vấn của mọi quý khách hàng trên toàn quốc!
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi chia sẽ ở trên, Luật Dương Gia đã giúp các bạn rõ hơn về vấn đề “Chồng bỏ đi khỏi địa phương, không chịu ký đơn ly hôn”. Nếu có bất kỳ thác mắc gì xin hãy liên hệ đến chúng tôi theo số Hotline 19006568 để nhận được sự tư vấn tốt nhất.