Phân tích tập quán về hôn nhân gia đình

phan-tich-tap-quan-ve-hon-nhan-gia-dinh

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền sẽ có những bản sắc, phong tục tập quán khác nhau, trong đó đa dạng nhất là các tập quán về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, không phải phong tục tập quán nào cũng phù hợp mà sẽ bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật. Vậy dưới góc độ pháp luật tập quán hôn nhân gia đình là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Phong tục tập quán là gì?

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống nên các phong tục tập quán rất đa dạng. Phong tục tập quán có thể hiểu là những thói quen hay chuẩn mực trong cuộc sống hằng ngày và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Một số phong tục tập quán của nước ta như: Tục ăn trầu – Giao tiếp; Tết Nguyên Đán; Cúng giao thừa; Tết trung thu; Tết thanh minh; Lễ hội Đền Hùng; Lễ hội đền Gióng,…

Phong tục tập quán có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với pháp luật, chúng là thước đo chuẩn mực hành vi của con người. Từ đó, tạo thành một nét văn hoá thể hiện bản sắc dân tộc, góp phần phát triển cộng đồng, xã hội, đất nước.

2. Tập quán về hôn nhân gia đình là gì?

Dưới góc độ pháp luật, tập quán về hôn nhân và gia đình là các quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.

Các tập quán tốt đẹp sẽ được pháp luật tôn trọng, làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Từ đó bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật.

3. Điều kiện, nguyên tắc áp dụng tập quán hôn nhân gia đình

Việc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được quy định tại điều 7 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng…”. Theo đó, điều 2 của Luật hôn nhân và gia đình quy định:

“1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.” 

Như vậy, có thể hiểu nếu pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận thì tập quán về hôn nhân và gia đình có thể được áp dụng nhưng không được trái điều cấm của pháp luật và phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, nguyên tắc áp dụng tập quán theo Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 còn được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tập quán áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại Khoản 4 điều 3 Luật hôn nhân gia đình.

Theo đó, tập quán được áp dụng phải bao gồm các quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.

Thứ hai, việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại điều 7 Luật hôn nhân gia đình.

Điều 7 luật hôn nhân và gia đình quy định việc áp dụng tập quán đáp ứng đủ ba điều kiện sau đây thì mới được áp dụng: Pháp luật không đưa ra quy định điều chỉnh; không có sự thoả thuận giữa các bên, tức là không có thoả thuận về vụ việc cần được giải quyết; không trái với các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình và các điều cấm của pháp luật.

Thứ ba, tôn trọng sự thoả thuận của các bên về tập quán được áp dụng

Pháp luật tôn trọng sự thoả thuận các bên về việc áp dụng tập quán hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên thoả thuận đó không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Trường hợp các bên có thoả thuận về tập quán thì được áp dụng để giải quyết theo thoả thuận đó. Nếu các bên không có thoả thuận thì giải quyết theo quy định tại điều 4 Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Cụ thể:

“1. Trường hợp giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán thì thực hiện việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, khuyến khích sự tham gia hòa giải của người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo.

2. Trường hợp hòa giải không thành hoặc vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì Tòa án giải quyết vụ, việc đó theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.”

4. Tuyên truyền, vận động nhân dân về áp dụng tập quán

Nhằm đảm bảo giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp về hôn nhân gia đình, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, Nhà nước đã ban hành quy định về tuyên truyền vận động nhân dân về việc áp dụng tập quán như sau:

“1. Các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, thực hiện các chính sách, biện pháp sau đây:

a) Tạo điều kiện để người dân thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình;

b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, vận động người dân phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp và xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình;

c) Giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết và phát huy các giá trị văn hóa trong tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc.

2. Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc vi phạm điều cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng.”

5. Các tập quán lạc hậu về hôn nhân gia đình cần vận động xoá bỏ và cấm áp dụng

Để điều chỉnh quan hệ về hôn nhân và gia đình được hài hoà thì cần bổ trợ các phong tục tập quán và quy định pháp luật với nhau. Thực tế cho thấy, nhiều phong tục tập quán đã phát huy những giá trị tốt đẹp của mình trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ngược lại tồn tại các phong tục tập quán xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, cần thiết phải có những quy định nhằm vận động xoá bỏ hoặc thậm chí là cấm áp dụng.

5.1. Các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xoá bỏ

Thứ nhất, kết hôn trước tuổi quy định của luật hôn nhân và gia đình. Theo đó, luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định độ tuổi kết hôn là nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

Thứ hai, việc đăng ký kết hôn không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Như vậy, quan hệ hôn nhân trên sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, khi xảy ra các tranh chấp sẽ rất khó để giải quyết.

Thứ ba, cưỡng ép kết hôn do xem “lá số” và do mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo. Hiện nay, vấn đề mê tín dị đoan này vẫn còn tồn tại rất nhiều trong đời sống của người dân, do đó cần thiết phải vận động xoá bỏ nạn mê tín dị đoan trên.

Thứ tư, cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi từ bốn đời trở lên.

Thứ năm, nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố, mẹ vợ.

Thứ sáu, quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái.

Chế độ phụ hệ:

Khi ly hôn, nếu do người vợ yêu cầu ly hôn thì nhà gái phải trả lại nhà trai toàn bộ đồ sính lễ và những phí tổn khác; nếu do người chồng yêu cầu ly hôn thì nhà gái vẫn phải trả lại nhà trai một nửa đồ sính lễ. Sau khi ly hôn, nếu người phụ nữ kết hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì. Sau khi cha, mẹ ly hôn, con phải theo cha.

Khi người chồng chết, người vợ góa không có quyền hưởng phần di sản của người chồng quá cố để lại. Nếu người vợ góa tái hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì.

Khi người cha chết, chỉ các con trai có quyền còn các con gái không có quyền hưởng phần di sản của người cha quá cố để lại.

Chế độ mẫu hệ:

Người con bị bắt buộc phải mang họ của người mẹ.

Khi người vợ chết, người chồng góa không có quyền hưởng phần di sản của người vợ quá cố để lại và không được mang tài sản riêng của mình về nhà.

Khi người mẹ chết, chỉ các con gái có quyền còn các con trai không có quyền hưởng phần di sản của người mẹ quá cố để lại.

Sau khi ở rể, người con rể bị “từ hôn” hoặc sau khi ăn hỏi, nhận đồ sính lễ, người con trai bị “từ hôn” thì không được bù trả lại.

Thứ bảy, không kết hôn giữa người thuộc dân tộc này với người thuộc dân tộc khác và giữa những người khác tôn giáo.

5.2. Các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng

Thứ nhất, chế độ hôn nhân đa thê. Vấn đề này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Thứ hai, kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời. Vấn đề này không chỉ bị cấm dưới góc độ pháp luật mà dưới góc độ đạo đức và y học cũng không được phép thực hiện vì hệ luỵ mang lại là rất lớn.

Thứ ba, tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ. Pháp luật không thừa nhận quan hệ hôn nhân xuất phát từ sự cưỡng ép, do đó vấn đề này sẽ bị cấm theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới).

Thứ năm, phong tục “nối dây”; Khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố. Vấn đề này vi phạm nghiêm trọng tính tự nguyện tiến bộ trong quan hệ hôn nhân gia đình.

Thứ sáu, bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ.

Thứ bảy, đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.

Trên đây là bài viết “Phân tích tập quán về hôn nhân gia đình”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon