Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật. Thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật

hau-qua-phap-ly-cua-viec-huy-ket-hon-trai-phap-luat-tham-quyen-huy-ket-hon-trai-phap-luat

Hiện nay, không ít trường hợp kết hôn trái pháp luật diễn ra trong thực tế. Chủ yếu là vi phạm điều kiện về độ tuổi kết hôn. Việc kết hôn trái pháp luật không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các chủ thể mà còn ảnh hưởng đến đạo đức và trật tự xã hội. Để xử lý trường hợp này, pháp luật quy định về việc hủy kết hôn trái pháp luật rất cụ thể. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về quy định về hậu quả pháp lý việc hủy kết hôn trái pháp luật qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp luật:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

1. Kết hôn trái pháp luật là gì?

Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Hủy việc kết hôn trải pháp luật là biện pháp chế tài được áp dụng đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật, thể hiện thải độ của Nhà nước về việc không thừa nhận giá trị pháp lý của quan hệ hôn nhăn.

2. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

Theo quy định tại Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên Tòa án sẽ ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên vẫn chưa đủ các điều kiện kết hôn theo quy định. Cụ thể:

– Trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm độ tuổi kết hôn mà tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật các bên vẫn chưa đủ tuổi kết hôn;

– Trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm sự tự nguyện mà tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật yếu tố vi phạm sự tự nguyện vẫn còn cụ thể: Một bên vẫn còn bị cưỡng ép, bị lừa dối;

– Trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm điều cấm mà tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật yếu tố vi phạm vẫn còn, cụ thể: Người kết hôn vẫn đang mất NLHVDS; người kết hôn vẫn đang có vợ, có chồng với một người khác…

Tuy nhiên, Tòa án sẽ không ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật mà ra quyết định công nhận quan hệ hôn nhân trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật, cả hai bên đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật đồng thời hai bên có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân và được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó.

Hai bên sẽ được coi là đủ điều kiện kết hôn khi:

– Người kết hôn đã đủ tuổi kết hôn;

– Hành vi cưỡng ép, lừa dối đã không còn;

– Các bên không còn thuộc trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp sẽ được tính từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy đây là một quy định mang tính tiến bộ và phù hợp, bởi lẽ trong trường hợp các bên đã đủ điều kiện kết hôn, yếu tố vi phạm đã không còn thì việc ra quyết định xử hủy kết hôn trái pháp luật không còn mang lại ý nghĩa. Do đó, việc không ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật trong những trường hợp này là hoàn toàn cần thiết đồng thời đảm bảo được lợi ích cho các bên một cách tốt nhất.

Về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật:

Điều 12 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau:

“1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.”

Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình đã quy định rõ hậu quả pháp lý của việc kết hôn trái pháp luật về quan hệ nhân thân, quan hệ giữa cha, mẹ và con cũng như quan hệ về tài sản.

– Về quan hệ nhân thân:

Về nguyên tắc, khi hôn nhân bị coi là trái pháp luật Nhà nước sẽ không thừa nhận hai người là vợ chồng, do đó kể từ thời điểm các bên bắt đầu chung sống với nhau đến thời điểm Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật thì coi như giữa hai người chưa từng phát sinh và tồn tại quan hệ vợ chồng hợp pháp. Do đó kể từ ngày quyết định việc hủy việc kết hôn trái pháp luật của Tòa án có hiệu lực pháp luật hai bên không được duy trì quan hệ vợ chồng nữa.

– Về quan hệ giữa cha mẹ và con:

Khoản 2, Điều 12 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn”.

Như vậy, có thể thấy quan hệ giữa cha mẹ và con được pháp luật quy định không phụ thuộc vào hôn nhân của cha mẹ có hợp pháp hay không, còn tồn tại hay chấm dứt. Vì vậy, hai người kết hôn trái pháp luật tuy không phải là vợ chồng nhưng vẫn là cha, là mẹ của đứa trẻ. Do đó, quyền lợi của con sẽ được giải quyết giống như trong trường hợp ly hôn.

Việc giải quyết vấn đề con chung khi hủy kết hôn trái pháp luật giống như khi vợ chồng ly hôn nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của con một cách tốt nhất. Việc Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con nên quyền lợi của con chung vẫn được đảm bảo, tạo điều kiện cho đứa trẻ được phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần để có thể trở thành công dân có ích cho xã hội.

Theo đó, Điều 58 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con khi ly hôn như sau:

“Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được áp dụng theo quy định tại các điều 81, 82, 83 và 84 của Luật này”.

Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì hai bên thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết. Việc giao con cho một bên trực tiếp nuôi phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

Nếu con đủ 07 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

– Về quan hệ tài sản:

Tại Khoản 3, Điều 12 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về giải quyết quan hệ về tài sản khi hủy kết hôn trái pháp luật như sau:

“Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này”.

Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Như vậy, quan hệ tài sản trong trường hợp kết hôn trái pháp luật sẽ được giải quyết như trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Điều này cho thấy rõ thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với việc kết hôn trái pháp luật, quan hệ tài sản trong trường hợp này sẽ không được giải quyết như trường hợp kết hôn thông thường.

Theo đó, quan hệ tài sản cũng như nghĩa vụ và hợp đồng sẽ được ưu tiên giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên. Điều này phù hợp với bản chất của giao lưu dân sự đó là ưu tiên thỏa thuận của các bên trong giao dịch trước tiên. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, khi chia tài sản theo pháp luật, tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó, tài sản chung được chia theo quy định của pháp luật có tính đến việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập. Có thể thấy do hai người kết hôn trái pháp luật nên giữa họ không phát sinh quan hệ vợ chồng. Vì vậy, tài sản mà họ tạo ra trong thời gian chung sống không phải là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng.

3. Thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật

Về thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật, căn cứ theo khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong đó có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Đồng thời theo điểm g, khoản 2, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Như vậy, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đăng ký kết hôn trái pháp luật sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc hủy hôn.

Nếu là kết hôn có yếu tố nước ngoài thì sẽ thực hiện thủ tục hủy hôn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhưng là khu vực sát biên giới Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án cấp huyện. Ví dụ: Công dân Việt Nam kết hôn trái pháp luật với công dân Campuchia sinh sống tại khu vực xã giáp biên giới, thì khi có yêu cầu hủy hôn, thẩm quyền giải quyết vẫn là của Tòa án cấp huyện dù có yếu tố nước ngoài.

Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích rõ về trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon