Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

hoan-thien-phap-luat-ve-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do-nguon-nguy-hiem-cao-do-gay-ra

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định quan trọng trong Bộ luật dân sự của nước ta từ quá khứ cho tới hiện tại. Bộ luật dân sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Bộ luật dân sự năm 2005 về nhiều vấn đề trong đó có nội dung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Hãy cùng Luật Dương Gia phân tích trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

1. Quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Thiệt hại có thể được gây ra bởi hành vi của con người hoặc do hoạt động của các loại tài sản. Trong đời sống hiện đại, số lượng và các chủng loại tài sản mới ngày càng gia tăng. Trong số đó, nhiều loại tài sản tiềm ẩn nguy cơ gây ra thiệt hại lớn, thường xuyên cho xã hội. Dưới góc độ pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, những loại tài sản này được gọi tên là “nguồn nguy hiểm cao độ”. Các nội dung liên quan đến bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được luật định gồm:

Về nguồn nguy hiểm cao độ: theo Điều 601 BLDS năm 2015, nguồn nguy hiểm cao độ gồm: phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Phương tiện giao thông vận tải cơ giới: Theo quy định tại điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008, thì “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật”.

– Hệ thống tải điện: được hiểu là một cấu trúc được thiết kế, lắp đặt hoàn chỉnh giữa máy biến áp và đường dây tải điện cùng với một số thiết bị khác nhằm cung cấp điện đến nơi tiêu thụ.

– Nhà máy công nghiệp: là nơi lắp đặt các máy móc, trang thiết bị nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa.

Theo quy định của Điều 601 Bộ luật Dân sự thì không phải phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp trong bất kỳ trường hợp nào cũng là nguồn nguy hiểm cao độ, mà những đối tượng này được coi là nguồn nguy hiểm cao độ khi đang hoạt động.

– Vũ khí: là những phương tiện được sử dụng với mục đích sát thương nhanh. Vũ khí thường được sử dụng trong chiến tranh, dẹp bạo loạn, truy bắt tội phạm… bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn…

– Chất nổ: là những chất có tính chất dễ phát nổ với mức độ mạnh, nhanh tỏa nhiệt và ánh sáng như thuốc nổ, thuốc pháo, thuốc súng…

– Chất cháy: được hiểu là những chất tồn tại dưới dạng khí, lỏng, rắn có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với ôxy trong không khí, nước hoặc dưới tác động của nhiệt như phốt pho, xăng, dầu, cồn, ga…

– Chất độc: là những chất khi thâm nhập vào cơ thể con người, động thực vật hay môi trường tự nhiên gây ra những phản ứng nguy hiểm do đặc tính độc tố của những chất đó.

– Chất phóng xạ: là những chất có khả năng sát thương rất cao và trên một diện rộng, có thể gây ra tình trạng nhiễm xạ đối với người, động thực vật và môi trường sống. Việc xử lý, tiêu hủy, hạn chế gây ô nhiễm môi trường của các chất phóng xạ là rất khó khăn, phức tạp và đòi hỏi phải xử lý trong một thời gian dài.

– Thú dữ: là động vật bậc cao, có lông mao, có tuyến vú, nuôi con bằng sữa, rất hung dữ như hổ, báo, sư tử, gấu… Đây là những động vật tiềm ẩn sự nguy hiểm, có thể gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.

1.1. Đặc tính nguồn nguy hiểm cao độ

Nhìn chung, để xác định tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ cần phải có các đặc tính sau đây:

– Nguồn nguy hiểm cao độ phải ẩn chứa nguy cơ dễ gây ra thiệt hại mà con người không thể lường trước hoặc ngăn chặn được kể cả khi đã áp dụng các biện pháp quản lý tài sản cần thiết;

– Những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thường lớn và mức độ ảnh hưởng rộng lớn hơn những loại tài sản thông thường khác.

1.2. Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

– Thiệt hại phải do chính sự tác động của bản thân nguồn nguy hiểm cao độ hoặc do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm gây ra (ví dụ: xe ô tô đang chạy với tốc độ cao đột nhiên mất phanh, mất lái hoặc nổ lốp gây ra thiệt hại…).

– Thiệt hại xảy ra không phải do hành vi của con người tác động vào nguồn nguy hiểm cao độ làm cho nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại.

– Những trường hợp thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ nhưng do tác động của con người, do hành vi của con người gây ra thì là trường hợp bồi thường thiệt hại do hành vi con người gây ra. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây ra thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ hay do hành vi con người có ý nghĩa rất lớn trong việc định ra chủ thể bồi thường thiệt hại.

1.3. Chủ thể bồi thường

Tùy theo từng trường hợp khác nhau, chủ thể được bồi thường được xác định như sau:

– Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

– Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

1.4. Thiệt hại được bồi thường

Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra gồm thiệt hai về tài sản, sức khỏe hoặc tính mạng được quy định cụ thể tại Điều 589 thiệt hại do tài sản bị xâm phạm Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và Điều 590 thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

BLDS năm 2015 đã quy định chủ thể bồi thường tại khoản 3, khoản 4 Điều 601 là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Quy định này đã mở rộng phạm vi chủ thể hơn so với quy định tại Điều 623 BLDS năm 2005. Những chủ thể chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thể theo sự chuyển giao của chủ sở hữu hoặc của một chủ thể khác hoặc do họ tự chiếm hữu, sử dụng thông qua một sự kiện nhất định.

2. Góp ý hoàn thiện BLDS năm 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Điều 601 BLDS năm 2015 mới chỉ tập trung vào việc sửa đổi quy định về trách nhiệm bồi thường của các chủ thể. Theo đó, tác giả kiến nghị Điều 601 BLDS năm 2015 cần phải sửa đổi một số nội dung sau đây:

Một là, xác định nguồn nguy hiểm cao độ. cần phải nghiên cứu để xây dựng khái niệm nguồn nguyhiểm cao độ theo hướng mô tả bản chất, đặc tính của nguồn nguy hiểm cao độ mà không phải dùng phương thức liệt kê các nguồn nguy hiểm cao độ như hiện nay.

Hai là, các loại nguồn nguy hiểm cao độ cụ thể:

– Đối với nguồn là phương tiện giao thông vận tải cơ giới: Hiện nay, có rất nhiều tranh luận liên quan đến các loại phương tiện như: xe đạp  điện, xe thương binh, xe công nông…hay những loại xe đặc thù khác như xe lu, xe ủi…có được coi là nguồn nguy hiểm cao độ hay không? Do đó kiến nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu xem xét  để có thể quy định bao quát hết các trường hợp khác nhau của phương tiện giao thông để tránh sự tranh cãi một thời gian dài liên quan đến những phương tiện chưa được xác định cụ thể.

– Đối với nguồn nguy hiểm cao độ là thú dữ:

Thực tiễn, có nhiều động vật như ong bò vẽ, rắn độc, cá sấu, trăn, bọ cạp độc…tiềm ẩn tính chất nguy hiểm cao. Nhưng những con vật này không thuộc lớp thú nên không được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Đây là điểm còn thiếu sót của BLDS năm 2015. Bởi, những con vật liệt kê ở trên tuy không thuộc lớp thú nhưng xét về tính chất nguy hiểm, khả năng tiềm ẩn gây thiệt cao thì cũng tương đương với mức độ của những con vật được coi là thú dữ.

Ba là, đoạn 2 khoản 1 Điều 601 BLDS năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật”. Hiểu theo quy định này, nghĩa vụ bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ chỉ thuộc về chủ sở hữu. Trong khi đó, chủ sở hữu không phải là chủ thể luôn luôn thực hiện việc bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Rất nhiều trường hợp chủ sở hữu chuyển giao việc bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ sang cho chủ thể khác.

Bốn là, khoản 2 Điều 601 BLDS 2015 gây ra các quan điểm trái chiều khi quy định chung chung: “nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Cần xác định rõ loại hình chuyển giao trong trường hợp này. Trường hợp chuyển giao tài sản mà người chiếm hữu, sử dụng không được khai thác tài sản một cách độc lập thì chủ sở  tài sản vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Năm là, khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015 quy định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khoản 2 quy định về chủ thể chịu trách nhiệm trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại; còn khoản 3 quy định về những trường hợp mà chủ thể ở khoản 2 không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Giữa khoản 2 và khoản 3 phải có sự thống nhất về mặt chủ thể. Do đó, tác giả kiến nghị sửa lại khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015 để hợp lý về mặt chủ thể với khoản 3 và đồng thời bao quát được đầy đủ các chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Sáu là, Nhà nước tham gia các quan hệ dân sự thì Nhà nước cũng bình đẳng với các chủ thể khác; do vậy, cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây ra cho các chủ thể khác; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan Nhà nước chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như: trưng dụng, tạm giữ..

Bảy là, Điều 601 BLDS năm 2015 chưa quy định đầy đủ các chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trong số các chủ thể này chưa bao quát trường hợp người thứ ba có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nên cần bổ sung trách nhiệm của người thứ ba trong trường hợp có lỗi để nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cho chủ thể khác.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon