Một số điểm mới của Bộ Luật Dân sự năm 2015

mot-so-diem-moi-cua-bo-luat-dan-su-nam-2015

Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015; được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 08/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017, gồm 27 chương, 689 điều.

BLDS 2015 thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật tư. Trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành, Bộ luật Dân sự đứng ở vị trí trung tâm với tư cách là luật gốc. Các quy định trong BLDS 2015 thể hiện rõ nét chức năng đạo luật gốc trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

BLDS 2015 có một số điểm mới cơ bản đáng chú ý sau đây:

1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

So với phạm vi điều chỉnh được thể hiện tại BLDS 2005 (địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân và hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân), BLDS 2015 không điều chỉnh về địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của chủ thể khác ngoài cá nhân, pháp nhân.

Các quan hệ dân sự này được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Việc tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được thực hiện thông qua các thành viên hoặc thông qua người đại diện.

2. Mở rộng các loại nguồn áp dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự (Điều 4, 5, 6)

Điểm nhấn trọng tâm trong BLDS năm 2015 là sự thay đổi nhận thức trong tư duy lập pháp với việc mở rộng các loại nguồn theo thứ tự ưu tiên: áp dụng BLDS, áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật. Qua đó khẳng định vai trò của BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Đặc biệt, lần đầu tiên ghi nhận quy định tại khoản 2 Điều 6 BLDS 2015: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng”.

Như vậy, BLDS 2015 khẳng định vị trí, vai trò của án lệ – một trong những nguồn luật mới được thừa nhận trong thời gian gần đây.

3. Bảo vệ quyền dân sự (từ Điều 8 đến Điều 15)

Để thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật, BLDS 2015 quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Ngoài ra, khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Đây là quy định tiến bộ, đã xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết mọi tranh chấp trong nhân dân, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

4. Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân (từ Điều 16 đến Điều 24)

Điều 23 BLDS 2015 bổ sung các quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Theo đó, người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

5. Quyền nhân thân của cá nhân (từ Điều 25 đến Điều 39)

BLDS 2015 đã cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của BLDS 2015 này và luật khác có liên quan.

Cũng theo BLDS 2015, cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính

6. Pháp nhân (Điều 48, 50, 74, 75, 76, 80, 138)

Để bao quát, dự báo được sự đa dạng của pháp nhân trong giao lưu dân sự, BLDS 2015 quy định 2 loại pháp nhân cơ bản: pháp nhân thương mại (mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên) và pháp nhân phi thương mại (bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác) (trong khi BLDS 2005 quy định 06 loại pháp nhân). BLDS 2015 cũng đã công nhận quốc tịch của pháp nhân: pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.

Để làm rõ hơn địa vị pháp lý của pháp nhân trong quan hệ dân sự, đồng thời bảo đảm được tính bao quát trong điều chỉnh về pháp nhân, BLDS 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản về điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân, quyền thành lập pháp nhân, phân loại pháp nhân, các thành tố cơ bản của pháp nhân (điều lệ, tên gọi, trụ sở, quốc tịch, tài sản, cơ cấu tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện), đại diện của pháp nhân, năng lực pháp luật của pháp nhân, trách nhiệm dân sự của pháp nhân, tổ chức lại pháp nhân, chấm dứt pháp nhân.

Ngoài ra việc giám hộ không chỉ được quy định cho cá nhân mà còn cho pháp nhân khi pháp nhân có đủ các điều kiện: có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ và có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

BLDS 2015 đã chính thức cho phép một pháp nhân có thể ủy quyền cho một pháp nhân khác xác lập và/hoặc thực hiện giao dịch cho mình. Đây là một điểm tiến bộ đáng ghi nhận so với quy định cũ (BLDS 2005 chỉ cho phép cá nhân là người đại diện cho cá nhân hay pháp nhân khác).

7. Tài sản (từ Điều 105 đến Điều 115)

Để bảo đảm tính khái quát, dự báo và minh bạch về tài sản, BLDS 2015 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài sản, đăng ký tài sản, bất động sản và động sản, quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản phải được đăng ký theo quy định của BLDS 2015 này và pháp luật về đăng ký tài sản. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác. Việc đăng ký tài sản phải được công khai.

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác, trong đó, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ được quy định trong BLDS 2015 này và pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất được quy định trong BLDS 2015 này và Luật đất đai.

8. Giao dịch dân sự (từ Điều 116 đến Điều 143)

BLDS 2015 quy định, khi các bên giao dịch đã đáp ứng những điều kiện nhất định do luật dự liệu (một bên hoặc các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch) thì giao dịch dù có vi phạm về hình thức vẫn được Tòa án công nhận hiệu lực pháp lý, làm cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên;

Quyền lợi của người thứ ba ngay tình còn được bảo vệ trong trường hợp “giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao hoặc được dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

BLDS 2015 đã có một số sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện nhằm tạo điều kiện pháp lý tốt hơn trong việc trợ giúp cá nhân, pháp nhân thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của mình và hạn chế rủi ro pháp lý trong các quan hệ dân sự.

Theo đó, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; đại diện theo quy định của pháp luật; Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và có thể là người đại diện theo ủy quyền cho các chủ thể khác.

9. Hình thức sở hữu (Điều 197 đến Điều 220)

BLDS 2015 quy định 03 hình thức sở hữu bao gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung thay vì việc ghi nhận 06 hình thức sở hữu như trong BLDS 2005. Việc xác định các hình thức sở hữu dựa vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu.

Việc xác lập quyền sở hữu có hiệu lực kể từ thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác;

Trường hợp tài sản đã được chuyển giao trước thời điểm hợp đồng được giao kết thì quyền sở hữu và vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác; Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, trừ trường hợp luật khác có quy định khác; Trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản khi chưa được chuyển giao thuộc về bên có tài sản.

10. Quyền của cá nhân, pháp nhân không phải là chủ sở hữu tài sản (Điều 245 đến Điều 273)

Bên cạnh quyền sở hữu, BLDS 2015 sửa đổi quy định về quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề trong BLDS 2005 và bổ sung quy định về quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.

11. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 292 đến Điều 350)

BLDS 2015 ghi nhận đầy đủ, rõ ràng và hợp lý hơn về những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ sau đây: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp.

Trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp được bán, trao đổi, tặng cho, thay thế thì bên mua, bên nhận trao đổi, bên nhận tặng cho tài sản có nghĩa vụ phải giao tài sản theo yêu cầu của bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp (BLDS 2015 bổ sung hai biện pháp bảo đảm mới sao với các quy định của BLDS 2005: “cầm giữ tài sản” và “bảo lưu quyền sở hữu”).

BLDS 2015 đã có cách tiếp cận mới về đăng ký biện pháp bảo đảm, từ đăng ký là “nghĩa vụ” của công dân sang đăng ký là “quyền” của công dân. Ngoài ra, theo quy định của khoản 2 Điều 298 BLDS 2015, “Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”. Theo đó, đăng ký biện pháp bảo đảm chỉ mang tính bắt buộc và là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định.

12. Quy định chung về hợp đồng (Điều 385 đến Điều 429)

BLDS 2015 quy định các điều khoản chung về hợp đồng, định hướng cho việc xây dựng các quy định về hợp đồng trong các luật khác có liên quan và đủ để áp dụng trong trường hợp các luật khác có liên quan thiếu quy định về hợp đồng. Ngoài ra, một số quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế, với thực tiễn nước ta đã được bổ sung, nhất là các quy định về điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng khi có thay đổi hoàn cảnh, phụ lục hợp đồng, hủy bỏ và hậu quả của hủy bỏ hợp đồng…

BLDS 2015 quy định theo hướng: những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này. Điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với bên xác lập giao dịch trong trường hợp điều kiện giao dịch này đã được công khai theo trình tự, thể thức do pháp luật quy định để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó.

Đối với việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Điều 420 BLDS 2015 quy định: Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

13. Một số hợp đồng thông dụng (Điều 430 đến Điều 569)

BLDS 2015 chỉ quy định về một số hợp đồng mang tính đặc trưng và đại diện cho quan hệ pháp luật dân sự. So với BLDS 2005, BLDS 2015 không quy định về hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng bảo hiểm. Những hợp đồng này đã được quy định trong Luật nhà ở, Luật kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, BLDS 2015 cũng bổ sung một loại hợp đồng mới là hợp đồng hợp tác để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đối với một số hợp đồng cơ bản như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản…, BLDS 2015 bổ sung nhiều quy định để bảo đảm các quy định này có thể áp dụng cho các hợp đồng có liên quan và cũng bao quát được những dạng thức hợp đồng phái sinh, đặc thù có thể phát sinh trong tương lai

14. Lãi suất (Điều 468, 466)

Trong hợp đồng vay tài sản, BLDS 2015 không sử dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố làm lãi suất tham chiếu. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm trả nợ.

BLDS 2015 không quy định về lãi suất phạt chậm trả áp dụng trong trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm và bên thuê chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất do không có nội dung quy định cụ thể về hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng thuê quyền sử dụng đất như tại BLDS 2005.

Về lãi suất áp dụng trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ (lãi suất nợ quá hạn), Khoản 4 Điều 466 BLDS 2015 quy định cụ thể, rõ ràng về lãi suất phạt quá hạn áp dụng trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ

15. Về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 584 đến Điều 608)

BLDS 2015 quy định người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại để thay thế cho quy định hiện hành đang tạo gánh nặng chứng minh của người bị thiệt hại.

Theo đó, người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. BLDS 2015 bổ sung quy định trường hợp tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon