Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tiến hành tố tụng cạnh tranh

co-quan-tien-hanh-to-tung-canh-tranh-va-nguoi-tien-hanh-to-tung-canh-tranh

Chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng cạnh tranh là những tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ tiến hành hoặc tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, bao gồm: cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tham gia tố tụng cạnh tranh. Bài viết trên Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho các bạn các kiến thức liên quan đến “Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tiến hành tố tụng cạnh tranh”, mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu hơn vè kiến thức pháp luật liên quan đến tố tụng cạnh tranh.

1. Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh

Khoản 1 Điều 58 Luật Cạnh tranh 2018 quy định cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.

1.1. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Khoản 1 Điều 46 Luật Cạnh tranh 2018 quy định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên. Trong đó, Theo quy định tại Điều 48 Luật Cạnh tranh 2018, số lượng thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tối đa là 15 người, gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các thành viên khác. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được xác định là công chức của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương với nhiệm kỳ là 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại và sẽ thực hiện nhiệm vụ tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh.

Theo Điều 49 Luật Cạnh tranh 2018, để trở thành thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau đây:

– Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực.

– Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính.

– Có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 09 năm trong một hoặc một số lĩnh vực bao gồm luật, kinh tế, tài chính .

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 46 Luật Cạnh tranh 2018, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia có bộ máy giúp việc bao gồm cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau (khoản 2 Điều 46 Luật Cạnh tranh 2018):

– Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh;

– Tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và quy định của luật khác có liên quan.

1.2. Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh

Theo quy định tại Điều 60 Luật Cạnh tranh 2018, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định thành lập để xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể. Hội đồng chấm dứt hoạt động và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Số lượng thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh là 03 hoặc 05 thành viên, do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định lựa chọn trong số các thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong đó có 01 thành viên được phân công là Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.

Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.

Theo khoản 1 Điều 61 Luật Cạnh tranh 2018, trong quá trình xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Quyết định mở phiên điều trần;

– Triệu tập người tham gia phiên điều trần;

– Triệu tập người làm chứng theo yêu cầu của các bên;

– Quyết định trưng cầu giám định; quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch;

– Yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiến hành điều tra bổ sung;

– Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh;

– Quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;

– Đề nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 59 của Luật Cạnh tranh 2018;

– Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018

1.3. Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là cơ quan do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định thành lập để giải quyết các khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh mà không phải là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và tập trung kinh tế. Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và tất cả các thành viên khác của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trừ các thành viên đã tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh để đảm bảo tính khách quan tối đa.

1.4. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh

Theo khoản 1 Điều 50 Luật Cạnh tranh 2018, cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và là cơ quan giúp việc cho Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia giữ chức năng điều tra các hành vi vi phạm quy định tại Luật Cạnh tranh 2018. Để thực hiện chức năng của mình, cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây (khoản 2 Điều 50 Luật Cạnh tranh 2018):

– Thu thập, tiếp nhận thông tin nhằm phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh;

– Tổ chức điều tra vụ việc cạnh tranh;

– Kiến nghị áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh;

– Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra trong quá trình điều tra phù hợp với quy định của pháp luật;

– Nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

2. Người tiến hành tố tụng cạnh tranh

Người tiến hành tố tụng cạnh tranh được hiểu là các cá nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn nhất định được Luật Cạnh tranh 2018 quy định thành các chức danh và có các nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng trong tiến trình tố tụng cạnh tranh nhằm giải quyết hiệu quả, chính xác, đúng pháp luật các vụ việc cạnh tranh.

Theo Điều 58 Luật Cạnh tranh 2018, người tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm: Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; Thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh; Điều tra viên vụ việc cạnh tranh và Thư ký phiên điều trần.

2.1. Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Điều 47 Luật Cạnh tranh 2018).

Theo Điều 59 Luật Cạnh tranh 2018, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi tiến hành tố tụng cạnh tranh sẽ có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh để giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh và chỉ định thư ký phiên điều trần trong số công chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

– Quyết định thay đổi thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, thư ký phiên điều trần.

– Thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và đồng thời là Chủ tịch Hội đồng.

– Giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế hoặc cạnh tranh không lành mạnh.

– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

– Quyết định xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế.

– Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

– Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

2.2. Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh

Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh là một thành viên của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và được Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia trực tiếp phân công giữ vị trí này.

Theo khoản 2 Điều 61 Luật Cạnh tranh 2018, Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Tổ chức xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;

– Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;

– Ký văn bản của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;

– Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

2.3. Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh

Như đã đề cập, số lượng thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh là 03 hoặc 05 thành viên và do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định lựa chọn trong số các thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Như vậy, trong một vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể, chỉ có các thành viên của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia được Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định lựa chọn là thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh mới được xem là người tiến hành tố tụng cạnh tranh trong vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể đó.

Theo khoản 3 Điều 61 Luật Cạnh tranh 2018, thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Tham gia đầy đủ phiên họp của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;

– Thảo luận và biểu quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.

2.4. Thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm tất cả các thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhưng trừ các thành viên đã tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.

2.5. Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh

Theo quy định tại Điều 51 Luật Cạnh tranh 2018, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm. Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 50 của Luật Cạnh tranh 2018.

Khi tiến hành tố tụng cạnh tranh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây (Điều 62 Luật Cạnh tranh 2018)

– Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trên cơ sở chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

– Quyết định phân công điều tra viên vụ việc cạnh tranh;

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, thông tin, đồ vật và giải trình liên quan đến nội dung vụ việc theo đề nghị của điều tra viên vụ việc cạnh tranh;

– Quyết định thay đổi điều tra viên vụ việc cạnh tranh;

– Quyết định trưng cầu giám định; quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch trong quá trình điều tra;

– Quyết định triệu tập người làm chứng theo yêu cầu của các bên;

– Quyết định gia hạn điều tra, quyết định đình chỉ điều tra vụ việc cạnh tranh trên cơ sở chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

– Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra;

– Kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh;

– Tham gia phiên điều trần;

– Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

Kết thúc quá trình điều tra, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh; chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

2.6. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh

Điều tra viên vụ việc cạnh tranh là chủ thể rất quan trọng trong tiến trình tố tụng cạnh tranh nói chung và trong điều tra vụ việc cạnh tranh nói riêng. Theo Điều 52 Luật Cạnh tranh 2018, điều tra viên vụ việc cạnh tranh do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ việc cạnh tranh theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.

Để trở thành điều tra viên vụ việc cạnh tranh, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau (Điều 53 Luật Cạnh tranh 2018)

– Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực.

– Là công chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

– Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính và công nghệ thông tin.

– Có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 05 năm trong một hoặc một số lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều này.

– Được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.

Theo Điều 61 Luật Cạnh tranh 2018, điều tra viên vụ việc cạnh tranh khi tiến hành tố tụng cạnh tranh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.

– Lập báo cáo điều tra sau khi kết thúc điều tra vụ việc cạnh tranh.

– Bảo quản tài liệu đã được cung cấp.

– Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

– Tham gia phiên điều trần.

– Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra trong quá trình điều tra phù hợp với quy định của pháp luật.

– Kiến nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh quyết định gia hạn, đình chỉ và kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh, trưng cầu giám định, thay đổi người giám định, người phiên dịch trong quá trình điều tra.

– Báo cáo để Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra.

– Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

2.7. Thư ký phiên điều trần

Thư ký phiên điều trần do Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia chỉ định trong số các công chức của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia.

Theo quy định tại Điều 64 Luật Cạnh tranh 2018, thư ký phiên điều trần có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Chuẩn bị các công tác nghiệp vụ cần thiết trước khi khai mạc phiên điều trần.

– Phổ biến nội quy phiên điều trần.

– Báo cáo với Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh về sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập đến phiên điều trần.

– Ghi biên bản phiên điều trần.

– Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon