Thẩm tra viên là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên?

tham-tra-vien-la-gi-nhiem-vu-va-quyen-han-cua-tham-tra-vien

Thẩm tra viên là một chức danh mới được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Vậy, để hiểu rõ hơn về chức danh Thẩm tra viên là gì, nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên được quy định như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 62/2015/NĐ-CP

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

– Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

1. Thẩm tra viên là gì?

Thẩm tra viên là công chức chuyên môn của Tòa án đã làm Thư ký Tòa án từ 05 năm trở lên, được đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên và bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên.

Thẩm tra viên có các ngạch:

– Thẩm tra viên;

– Thẩm tra viên chính;

– Thẩm tra viên cao cấp.

Tiêu chuẩn, điều kiện và việc thi nâng ngạch Thẩm tra viên do Chánh án TANDTC. Thẩm tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án Tòa án về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật được quy định tại khoản 5 Điều 93 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014.

Thẩm tra viên tiếng Anh là Examiner

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên

2.1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên trong tố tụng dân sự

Khi được phân công tiến hành tố tụng đối với các vụ việc dân sự, Thẩm tra viên có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

– Thẩm tra hồ sơ vụ việc dân sự mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tức là sau khi bản án đã được xét xử, Thẩm tra viên sẽ có nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm tra lại xem bản án, quyết định đó của Tòa án đã đúng hay chưa? Có sự sai sót mà chưa phát hiện ra trong hoạt động tố tụng hay không, kiểm tra quá trình thực hiện thủ tục của cơ quan tiến hành tố tụng xem đã đúng trình tự và chuẩn xác hay chưa? Việc thẩm tra lại hồ sơ vụ việc, quyết định của Tòa án có ý nghĩa giúp rà soát lại quá trình tố tụng vụ án, giúp nâng cao và bảo đảm quyền con người, vì Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các bên khi tham gia vào quan hệ dân sự. Chính vì vậy, nên trong hoạt động tố tụng cần phải có sự xem xét và kiểm tra một cách chính xác, để tránh sự sai sót đối với các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp.

– Kết luận về việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra, đề xuất phương án giải quyết vụ việc dân sự với Chánh án Tòa án. Sau khi, đã có sự thẩm tra, kiểm định lại vụ án mà không có sự sai sót nào thì Thẩm tra viên phải có bản kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án Tòa án.

– Thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

– Hỗ trợ Thẩm phán thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

– Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ luật này

2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên trong tố tụng hình sự

Thẩm tra viên là chức danh tố tụng mới và được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự. Theo Điều 48 Bộ luật tố tụng hinh sự 2015, những nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên là: 

– Thẩm tra hồ sơ vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án;

– Kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án;

– Giúp Chánh án thực hiện nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án và nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án.

Thẩm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án, Phó Chánh án Tòa án về hành vi của mình.

2.3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên trong thi hành án dân sự

Điều 67 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật thi hành án dân sự có quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên trong thi hành án dân sự, cụ thể:

– Thứ nhất, thực hiện thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành do Chấp hành viên sơ cấp thực hiện theo kế hoạch được duyệt hoặc theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự, đề xuất hướng giải quyết và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình; Thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự của Chấp hành viên sơ cấp, của các cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc;

– Thứ hai, tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự: Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền đối với những vụ việc đơn giản; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những vụ việc đơn giản thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự;

– Thứ ba, thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự; tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự, báo cáo kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự của các đơn vị trực thuộc;

– Thứ tư, tham mưu xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự.

3. Thẩm quyền bổ nhiệm Thẩm tra viên

– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm vào các ngạch Thẩm tra viên tại Tòa án nhân dân tối cao và bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên cao cấp tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương.

– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương bổ nhiệm vào các ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương.

– Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm vào các ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

– Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương bổ nhiệm vào các ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính tại Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.

4. Tiêu chuẩn của Thẩm tra viên

4.1. Đối với ngạch Thẩm tra viên cao cấp

Căn cứ theo Quyết định 1718//QĐ-TANDTC ngày 22 tháng 11 năm 2017 quy định về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện và thủ tục thi nâng ngạch Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án:

– Thẩm tra viên cao cấp chức danh tư pháp có yêu cầu chuyên môn cao nhất về nghiệp vụ Thẩm tra viên, được bố trí tại Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án quân sự trung ương.

– Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của Thẩm tra viên cao cấp:

+ Nắm vững và am hiểu sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hệ thống chính trị; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển của Tòa án nhân dân;

+ Nắm vững và am hiểu hệ thống các quy định của pháp luật về nghiệp vụ Thẩm tra viên; tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;

+ Chủ trì xây dựng các quy trình nghiệp vụ thẩm tra viên gắn với yêu cầu nhiệm vụ của Tòa án nhân dân để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

+ Chủ trì nghiên cứu, xây dựng các đề án, đề tài, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;

+ Thành thạo và làm chủ các kỹ năng soạn thảo, thuyết trình, bảo vệ và tổ chức thực hiện để xây dựng và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn được giao;

+ Có năng lực phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và đề xuất được các phương pháp để hoàn thiện hoặc giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án nhân dân;

+ Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực thi công vụ theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao;

+ Có năng lực thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao.

– Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

+ Có bằng tốt nghiệp Cử nhân luật trở lên;

+ Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị;

+ Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

+ Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

4.2. Đối với ngạch Thẩm tra viên chính

– Là chức danh tư pháp có yêu cầu chuyên môn cao về nghiệp vụ Thẩm tra viên, được bố trí tại Tòa án nhân dân các cấp.

– Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

+ Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;

+ Nắm vững hệ thống các quy định của pháp luật về nghiệp vụ Thẩm tra viên;

+ Có kỹ năng soạn thảo, thuyết trình, bảo vệ và tổ chức thực hiện để xây dựng và triển khai các dự án, đề án, chương trình liên quan đến công tác nghiệp vụ chuyên môn được giao;

+ Có năng lực tổng hợp, hệ thống hóa và đề xuất được các giải pháp để hoàn thiện hoặc giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo sự phân công của Chánh án Tòa án;

+ Có năng lực tham gia nghiên cứu, xây dựng các đề án, đề tài, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;

+ Có năng lực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao;

+ Có năng lực thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao.

– Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

+ Có bằng tốt nghiệp Cử nhân luật trở lên;

+ Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

+ Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

4.3. Đối với ngạch Thẩm tra viên

– Là chức danh tư pháp có yêu cầu chuyên môn cơ bản về nghiệp vụ Thẩm tra viên, được bố trí tại Tòa án nhân dân các cấp.

– Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

+ Nắm vững các quy định của pháp luật về nghiệp vụ Thẩm tra viên, quy trình tố tụng; tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;

+ Có kỹ năng soạn thảo văn bản tố tụng và các văn bản khác theo đúng thể thức, quy trình, thủ tục và thẩm quyền;

+ Có năng lực làm việc độc lập hoặc phối hợp theo nhóm để triển khai công việc bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

+ Có năng lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao.

– Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

+ Có bằng tốt nghiệp Cử nhân luật trở lên;

+ Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

+ Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Trên đây là bài viết về nội dung Thẩm tra viên là gì, nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm tra viên. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon