Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường

quy-dinh-chung-ve-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do-o-nhiem-moi-truong

Từ khi tiến hành sự nghiệp, đổi mới mở cửa phát triển kinh tế đến nay bên cạnh những thành tựu to lớn do phát triển kinh tế mang lại, Việt Nam cũng chịu những tác động tiêu cực bởi mặt trái của kinh tế thị trường từ đó đã làm môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng gây ra nhiều thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường cũng như thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của mọi người ở Việt Nam. Nhận thức được điều đó, pháp luật đã ban hành những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhằm hạn chế tối đa những tác hại của con người đến môi trường. Vậy pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật bảo vệ môi trường năm 2014
  • Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xác định thiệt hại về môi trường

1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, theo đó, chủ thể (tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm pháp luật môi trường, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường thì phải trả giá về hành vi của mình qua việc khôi phục, đền bù, bù đắp những tổn thất và khắc phục những hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

2. Các chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại về môi trường

2.1. Các chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường

Trường hợp 1: Đối với những thiệt hại về suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2014 chưa quy định rõ về chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, căn cứ các quy định được ghi nhận tại Điều 170 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có thể xác định được chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích là Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về các thành phần môi trường có quyền yêu cầu các chủ thể vi phạm pháp luật môi trường gây thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường phải bồi thường thiệt hại.

Các cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường được cụ thể hóa trong Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xác định thiệt hại về môi trường, gồm: UBND cấp xã nếu thiệt hại xảy ra trên phạm vi địa bàn một xã; UBND cấp huyện nếu thiệt hại xảy ra trên địa bàn từ 2 xã trở lên; UBND cấp tỉnh nếu thiệt hại xảy ra trên địa bàn 2 huyện trở lên, và Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu bồi thường nếu thiệt hại xảy ra trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có 3 phương thức để yêu cầu bồi thường thiệt hại là: thương lượng, trọng tài hoặc Tòa án. Song hiện nay chỉ phổ biến phương pháp thương lượng.

Trường hợp 2: Đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, pháp nhân do hậu quả của suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra

Trường hợp này thì cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác theo quy định của pháp luật có thể trực tiếp yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc thông qua người giám hộ, người đại diện hợp pháp để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Yêu cầu bồi thường có thể được thực hiện bằng một trong hai phương thức là thỏa thuận với chủ nguồn thải hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, theo khảo cứu của chúng tôi thực tiễn ở Việt Nam hầu như chưa có vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người; tài sản và lợi ích hợp pháp do làm ô nhiễm môi trường nào được giải quyết tại Tòa thành công.

2.2. Các chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường

Theo quy định của pháp luật hiện hành chủ thể có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại môi trường là các cá nhân, pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường cũng như thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác hoặc hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý chủ thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường không phải mọi trường hợp đều là chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường. Ví dụ: trường hợp người của pháp nhân gây ô nhiễm môi trường,…

3. Quy định hiện hành về xác định thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường do làm ô nhiễm môi trường

3.1. Về xác định tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra

Theo đó, pháp luật quy định cần xác định: nguồn thải, hoạt động gây sự cố môi trường, xâm hại môi trường trực tiếp hoặc liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, bao gồm: loại hình hoạt động; sản phẩm, công suất, nguyên liệu đầu vào; quy trình sản xuất; chất thải; điểm xả thải; biện pháp xử lý chất thải; công tác quan trắc, phân tích các thông số môi trường; dữ liệu, chứng cứ cần thiết khác có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.

3.2. Về thành phần môi trường được xác định thiệt hại

Về lý thuyết, thiệt hại đối với môi trường tự nhiên được hiểu là thiệt hại đối với tất cả các yếu tố vật chất tạo thành môi trường, như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác. Còn dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì thành phần môi trường được xác định thiệt hại, gồm: “a) Môi trường nước phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng; b)Môi trường đất phục vụ cho các mục đích bảo tồn, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng; c) Hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái; d) Loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.”

Có thể thấy, thành phần môi trường được xác định thiệt hại theo pháp luật hiện hành là khá hẹp, chưa có quy định xác định thiệt hại chưa có quy định về xác định thiệt hại với môi trường không khí; với môi trường nước biển cũng chưa được quy định rõ còn nhiều tranh luận trên thực tiễn,… Môi trường nước, môi trường đất sử dụng cho mục đích khác bị ô nhiễm là mục đích gì chưa được pháp luật quy định rõ.

3.3. Về xác định mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường

Lượng hóa thành công các mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường sẽ là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định có áp dụng các trách nhiệm pháp lý về hành chính, hình sự hay trách nhiệm BTTH. Pháp luật môi trường hiện hành quy định có 3 mức: i) có suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường; ii) suy giảm nghiêm trọng; iii) suy giảm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 1, Điều 165 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014).

Việc xác định mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường dựa trên việc xác định hàm lượng các chất gây ô nhiễm môi trường so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Ngoài ra cũng có thể xác định mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường trên cơ sở xác định số lượng của thành phần môi trường bị khai thác, sử dụng quá mức so với trữ lượng tự nhiên của nó; dựa vào mức độ khan hiếm của thành phần môi trường trên thực tế hay mức độ ưu tiên của Nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển mỗi thành phần môi trường,…

Tiếp đó là khoanh vùng được phạm vi khu vực bị suy giảm chức năng, tính hữu ích. Căn cứ vào mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường. Pháp luật hiện hành xác định giới hạn của 3 khu vực là: 1. Vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; 2. diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm; 3. diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm. (khoản 2 Điều 165 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014).

Sau khi xác định mứ độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và phạm vi, giới hạn thành phần môi trường bị suy giảm, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định có thể dựa trên các căn cứ sau để xác định thiệt hại môi trường, như: Một là, tính toán thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường. Hai là, tính thiệt hại thông qua tính toán chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường. Ba là, tính toán chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại. Bốn là, thăm dò ý kiến đối tượng liên quan.

4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp khác

Căn cứ xác định thiệt hại tài sản được dựa trên thiệt hại thực tế; các chi phí hợp lý phát sinh từ những tổn thất về tính mạng, sức khoẻ của người bị thiệt hại và những tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại về sức khỏe hoặc những người thân của người bị thiệt hại về tính mạng phải gánh chịu để xác định thiệt hại.

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, bao gồm các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.

– Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định tương tự như trường hợp thiệt hại về sức khỏe.

– Khoản tiền bù đắp do tổn thất về tinh thần. Mức độ bồi thường trước hết sẽ được áp dụng theo nguyên tắc tự do thỏa thuận giữa các bên. Việc thỏa thuận này phải đảm bảo hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng và không có sự ép buộc. Nếu không thể thỏa thuận các bên có thể làm đơn đề nghị tòa án phán quyết và mức bồi thường tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (đối với người bị thiệt hại về sức khỏe) và không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (đối với thiệt hại về tính mạng) cho những người thân thích theo quy định của pháp luật.

5. Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do làm ô nhiễm môi trường

Trường hợp khi có thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích xảy ra do hành vi vi phạm pháp luật môi trường nói chung, do chất độc hóa học nói riêng được quy định như sau nếu thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích xảy ra trên địa bàn một xã hoặc hai xã trở lên thuộc cùng một huyện thì UBND các xã có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt 143 hại đối với môi trường.

Nếu thiệt hại xảy ra trên địa bàn hai huyện trở lên thuộc một tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường.

Còn thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường xảy trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường. Bên cạnh đó, các cơ quan thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định hại đối với môi trường này cũng phải có trách nhiệm tính toán thiệt hại, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường và cung cấp kết quả cho cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường. Các cơ quan có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trên cơ sở chứng cứ, có thể trực tiếp yêu cầu chủ thể gây ra thiệt hại phải bồi thường, nếu không có thể lựa chọn trọng tài hoặc tòa án để giải quyết

Trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp khác do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra thì việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính toán, xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.

Khi có thiệt hại môi trường xảy ra các bên có thể tự thoả thuận để giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường với nhau. Nếu không các bên có thể khởi kiện tại Toà án để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường”. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon