Thời hạn và thời hiệu là hai nội dung, vấn đề rất quan trọng trong Bộ luật Dân sự. Nó có ảnh hưởng rất lớn và có ý nghĩa quyết định trong nhiều trường hợp, nhiều tình huống pháp lý. Vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 có những điểm nào mới, có những quy định nào thay đổi so với các quy định trước đó? Cùng tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.
1. Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu theo yêu cầu
BLDS năm 2015 kế thừa 04 loại thời hiệu được quy định trong BLDS 2005 là thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự[1]. Song BLDS năm 2015 có quy định mới Tòa án không được tự mình áp dụng thời hiệu nếu không có yêu cầu của một bên hoặc các bên trong quan hệ dân sự.
Trường hợp một và các bên trong quan hệ dân sự có yêu cầu về việc áp dụng thời hiệu thì yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc; người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ[2].
Ví dụ: hết thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu phân chia di sản[3], một trong những người thừa kế vẫn có yêu cầu khởi kiện phân chia di sản; nếu người đang quản lý di sản là người thừa kế không yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện thừa kế thì Tòa án chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện vẫn phân chia di sản cho những người thừa kế. Hoặc khi đã hết thời hạn của thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thì di sản có thể thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó, nhưng người này đã từ chối xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Với quy định mới này, có ý kiến khảng định: “Quy định này là sự tiến bộ vì mở rộng thêm quyền cho các chủ thể trong việc áp dụng thời hiệu”[4].
Đây là sự thắng thế của một quan điểm lập pháp hay muốn tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn khi hết thời hiệu khởi kiện tài sản không thuộc về sở hữu chủ nào cần phải có thời gian áp dụng pháp luật để kiểm chứng. Song chúng tôi muốn nhìn nhận lại việc áp dụng quy định “Không áp dụng thời hiệu khởi kiện thừa kế” để so sánh tính khả thi của quy định mới này của BLDS năm 2015.
Trước đây Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:“Người thừa kế có quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này” (Điều 245 Bộ luật Dân sự). Đồng thời, thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”[5].
Như vậy, theo quy định trên thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyên thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyên thừa kế của người khác dành cho người thừa kế là 10 năm. Còn thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản là 03 năm đối với người không phải là người thừa kế.
Thực tế giải quyết các tranh chấp về thừa kế cho thấy: Di sản là tài sản chung của vợ, chồng, một bên vợ hoặc chồng chết trước và thời hiệu khởi kiện để chia di sản thừa kế của người này đã hết, còn người vợ hoặc chồng chết sau vẫn còn thời hiệu khởi kiện, có Tòa án đã đưa toàn bộ di sản của vợ, chồng ra chia, có Tòa án chỉ chia phần di sản của người chết sau. Còn có trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết trước đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, còn một bên vợ hoặc chồng vẫn đang quản lý toàn bộ tài sản chung của vợ chồng, có Tòa án đã công nhận người vợ hoặc chồng đang còn sống quản lý di sản của người kia với tư cách là chủ sở hữu.
Vấn đề đặt ra là áp dụng BLDS năm 2005 thì đối với phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện pháp luật chưa có quy định thuộc quyền sở hữu của ai. Để giải quyết tình thế trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế như sau:
“Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế. Trường hợp trong thời hạn mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản được chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết theo thủ tục chung”[6].
Theo hướng dẫn Nghị quyết nêu trên, không có tranh chấp về di sản thừa kế, các thừa kế hoàn toàn thống nhất xác định tài sản đó là di sản thừa kế chưa chia; không có tranh chấp về hàng, diện thừa kế; nghĩa là chỉ có họ là những người được hưởng thừa kế tài sản đó, ngoài ra không còn ai khác; không có tranh chấp về cách phân chia di sản; chỉ không thỏa thuận được về phần mỗi người được hưởng Tòa án sẽ thụ lý vụ kiện và áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.
Thực tế giải quyết chia tài sản chung là di sản, nhiều cấp Tòa án cho rằng những người thừa kế thừa nhận nguồn gốc tài sản là của cha mẹ họ để lại, coi như họ đã thừa nhận di sản đó là tài sản chung chưa chia; mặc dù người thừa kế đang quản lý di sản cho rằng họ đã được cho tài sản đó; hoặc họ đã kê khai, đăng ký, đứng tên nên không đồng ý chia tài sản.
Hoặc nhiều người ở những hàng thừa kế khác nhau cùng có quyền hưởng di sản (ví dụ như các con, cháu, chắt cùng có quyền hưởng thừa kế); căn cứ vào sự nhất trí của những người thừa kế hàng thứ nhất đồng ý chia tài sản chung, còn những người thừa kế thế vị và những người thừa kế hàng thứ hai, thứ ba… không đồng ý chia di sản, thì Tòa án vẫn áp dụng Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP để chia tài sản chung. Song nếu áp dụng Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP nêu trên thì một trong những người thừa kế đang quản lý di sản không đồng ý chia, thì không đủ điều kiện chia tài sản chung.
Thực chất hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP nêu trên là nhằm giải quyết những trường hợp tuy đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế nhưng nếu tất cả những người được hưởng di sản đều đồng ý chia tài sản chung thì Tòa án mới phân chia tài sản chung. Nhưng rất ít có trường hợp thỏa mãn các điều kiện mà Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP đặt ra.
Theo quy định chung của pháp luật thì:
“Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”[7].
Do đó, kể từ thời điểm mở thừa kế thì những người được thừa kế đã có quyền sở hữu chung đối với di sản do người chết để lại. Vì vậy, để bảo vệ quyền sở hữu của người thừa kế, áp dụng quy định Tòa án không được tự mình áp dụng thời hiệu nếu không có yêu cầu hay người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu đối với áp dung quy định về thời hiệu thừa kế nhằm xác lập quyền sở hữu cho những người thừa kế khi thời hiệu phân chia và yêu cầu hưởng di sản thừa kế đã hết là sự phù hợp về mặt lập pháp.
Còn về mặt thực tế, sẽ ít khi xảy ra trường hợp hết thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu phân chia di sản[8], người đang quản lý di sản là người thừa kế lại tự nguyện không yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện thừa kế để Tòa án chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện vẫn phân chia di sản cho những người thừa kế. Hoặc khi đã hết thời hạn của thời hiệu yêu cầu phân chia di sản mà di sản được pháp luât thừa nhận thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó, nhưng người này lại từ chối xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.
Vì lẽ đó, quy định Tòa án không được tự mình áp dụng thời hiệu nếu không có yêu cầu hay người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu có thể chỉ thể hiện ý chí của các nhà lập pháp.
2. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Chúng ta đã biết thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Theo quy định BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì:
“Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”[9].
Để giải thích rõ hơn về quy định này, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn: Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là tranh chấp ai có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất đó[10].
Vì BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự”[11], cho nên BLDS năm 2015 đã kế thừa quy định trên của BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) về không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu; tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai[12].
So với quy định BLDS năm 2005 về không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, BLDS năm 2015 kế thừa quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo về quyền nhân thân không gắn với tài sản[13]. Như vậy, BLDS năm 2015 đã tiếp thu có chọn lọc từ BLTTDS năm 2004 và BLDS năm 2005 có 3 trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện là: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu và tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Trong đó, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu bao gồm tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu. Cụ thể hóa quy định này, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn: Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện[14].
Cùng với sự thay thế BLTTDS năm 2015, BLTTDS năm 2004 và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nêu trên không còn hiệu lực thi hành; dẫn đến quy định mới không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu một cách chung chung là khó áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp.
3. Về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
BLDS cho phép xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu được quy định như sau: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai liên tục trong thời hạn 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản, thì trở thành chủ sở hữu của tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”[15].
Như vậy, để xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu cần thiết là phải có các điều kiện: Việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng phải ngay tình, tức là người chiếm hữu không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật; việc chiếm hữu tài sản được thực hiện trong một thời gian mà không có tranh chấp (chiếm hữu liên tục); việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm (chiếm hữu công khai); thời gian phải là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản.
Nội dung về điều kiện để được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu của BLDS năm 2015 không thay đổi so với BLDS năm 2005. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 quy định nguyên tắc chung về thời hiệu xác lập quyền sở hữu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật mà không phân biệt tài sản đó thuộc sở hữu của ai, không phân biệt tài sản thuộc sở hữu nhà nước như BLDS năm 2005[16].
Theo đó, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp BLDS, luật khác có liên quan quy định khác[17].
Ngoài ra, BLDS năm 2015 có quy định mang tính tương đồng: Hết thời hạn để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế, thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó[18].
So sánh với quy định xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật cho thấy, việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đủ các điều kiện như nêu trên đương nhiên được công nhận, nhưng đối với người chiếm hữu có căn cứ pháp luật trong trường hợp chủ sở hữu giao quyền quản lý hay chủ sở hữu bỏ quên cũng đủ điều kiệnngay tình, công khai, liên tục trong thời hạn 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản, thì không thể trở thành chủ sở hữu của tài sản đó là bất hợp lý.
Bởi vì, khi chủ sở hữu đã giao tài sản cho người khác chiếm hữu sau 10 năm đối với động sản và sau 30 năm đối với bất động sản mà không đòi lại dường như họ đã bỏ quên tài sản; giống như vậy, chủ sở hữu đã bỏ quên tài sản của mình nên họ không có ý thức đòi lại tài sản.
Do đó, BLDS năm 2015 có quy định mới xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với người thừa kế chỉ cần họ quản lý di sản 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kếthì trở thành chủ sở hữu di sản đó. Có nghĩa là pháp luật đã thừa nhận xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với người chiếm hữu có căn cứ pháp luật (người quản lý di sản), nhưng không chỉ rõ người chiếm hữu phải có điều kiện ngay tình, công khai, liên tục hay không.
Đồng thời, quy định như vậy là không rõ rang trong thời hạn 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản có nhiều người thừa kế cùng quản lý di sản thì có xác lập quyền sở hữu chung cho họ hay không? hoặc có sự kế tiếp về thời gian của những người thừa kế quản lý di sản và người sau cùng đang trực tiếp quản lý di sản lại có thời gian quản lý ít hơn những người thừa kế trước đó thì có công nhận quyền sở hữu di sản cho người đang quản lý được hay không?
4. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng
So với BLDS năm 2005, thì BLDS năm 2015 quy định: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng được kéo dài thời hạn từ 02 năm lên 03 năm; đồng thời, thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện cũng thay đổi, “kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm”[19] thành “người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”[20].
Việc kéo dài thời hiệu khởi kiện về hợp đồng nhằm bảo đảm hơn cho người có quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là hoàn toàn hợp lý. Song sư thay đổi việc xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện đã khắc phục được nhược điểm khi biết được quyền và lợi ích bị xâm phạm để khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện đã hết; nhưng xét trong mối liên hệ với các quy định khác của luật dẫn đến một số hậu quả pháp lý.
Theo đó, thời điểm người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm không trùng với thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Đối chiếu với quy định về thời hạn khiếu nại của Luật Thương mại, thời hạn khiếu nại về số lượng hàng hóa là 03 tháng, kể từ ngày giao hàng; thời hạn khiếu nại về chất lượng hàng hóa là 06 tháng, kể từ ngày giao hàng (hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là 03 tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành); thời hạn khiếu nại phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng là 09 tháng, kể từ ngày vi phạm nghĩa vụ (có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác)[21].
Như vậy, thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm được xác định là thời điểm giao hàng, thời điểm vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng và hết thời hạn bảo hành. Trong trường hợp này, thời điểm người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm được xác định sau thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Việc khiếu nại của bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm làm căn cứ để xác định thời điểm người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Cũng theo thời hạn khiếu nại của Luật Thương mai sẽ có 3 hậu quả pháp lý ra: thứ nhất, bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm có quyền khởi kiện trong thời hạn khiếu nại và đang giải quyết khiếu nại; thứ hai, bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm có quyền khởi kiện ngay khi thời hạn khiếu nại vẫn còn mà không cần phải khiếu nại trước khi khởi kiện; thứ ba, bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm có quyền khởi kiện khi thời hạn khiếu nại đã hết mà trước đó họ không khiếu nại. Tuy nhiên, nếu bên có quyền và lợi ích bị vi phạm không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại thì coi như họ đã chấp nhận vi phạm của bên vi phạm, họ vẫn có quyền khởi kiện nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn, nhưng Tòa án có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của họ hay không?
5. Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
So với quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bổi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của BLDS năm 2005 là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm;[22] thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của BLDS năm 2015 là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm[23].
Theo đó, BLDS mới đã tăng thời hiệu khởi kiện thêm 01 năm và thời gian tính thời hiệu khởi kiện bắt đầu có sự thay đổi, trước đây tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì nay là kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm cho phù hợp với quy định chung của BLDS về xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện và đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản và đầu tiên về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời[24].
Vì vậy, sự thay đổi của BLDS năm 2015 kéo dài thời hiệu và thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện dường như mâu thuẫn với nguyên tắc xác định được nhanh chóng toàn bộ thiệt hại thực tế và đáp ứng được yêu cầu bồi thường kịp thời.
6. Thời hạn từ chối nhận di sản
Pháp luật thừa nhận, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại và những người thừa kế có quyền hưởng di sản thừa kế, thì họ cũng có quyền từ chối không hưởng thừa kế. Việc từ chối không hưởng thừa kế có hai trường hợp: Người thừa kế đồng ý nhận di sản, sau đó nhường lại kỷ phần của mình cho người thừa kế khác và người thừa kế từ chối nhận di sản. Đối với trường hợp từ chối nhận di sản, pháp luật không cho phép người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trong trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản của mình đối với người khác[25].
Như vậy, từ chối nhận di sản có hạn chế nếu người thừa kế nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại. Mặc dù từ chối nhận di sản đã được xác định là quyền tự do ý chí của người thừa kế, pháp luật hiện hành đã đưa ra một hạn chế về thời gian đối với quyền từ chối nhận di sản, thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế[26].
Theo đó, người thừa kế chỉ được quyền từ chối nhận di sản trong một thời hạn là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Bất cập của quy định này thời hạn từ chối nhận di sản sáu tháng từ thời điểm mở thừa kế là quá ngắn. Theo phong tục tập quán, từ khi một người chết đến Giỗ Đầu (là ngày giỗ đầu tiên sau ngày người chết đúng một năm) trong thời kỳ tang gia này, thời gian một năm vẫn chưa đủ để làm khuây khỏa những nỗi đau buồn, xót xa trong lòng của những người thân.
Những người thừa kế là người thân thuộc của người chết vì lễ, nghĩa không thể nghĩ ngay đến quyền tài sản của mình. Đồng thời, đối với trường hợp thừa kế theo di chúc, nếu một năm sau kể từ khi người lập di chúc chết mới phát hiện được di chúc và lúc đó người thừa kế mới biết mình được người chết cho hưởng di sản theo di chúc, thì người thừa kế đó sẽ không được từ chối nhận di sản vì đã quá sáu tháng kể từ thời điểm mở thừa kế.
Chính vì vậy, người thừa kế không thực hiện quyền từ chối nhận di sản, mà họ thường nhường quyền nhận di sản của mình cho người thừa kế khác. Về bản chất pháp lý từ chối nhận di sản và nhường quyền nhận di sản là khác nhau, nhưng về mặt thực tế từ chối nhận di sản hay nhương quyền thừa kế đều là người thừa kế tự mình từ bỏ quyền thừa kế của mình để cho người thừa kế khác được hưởng.
Khắc phục thời hạn từ chối nhận di sản quá ngắn của BLDS năm 2005, nên BLDS năm 2015 đã sửa đổi quy định: Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản[27]. Có nghĩa là thời hạn từ chối nhận di sản của người thừa kế bắt đầu từ thời điểm mở thừa kế đến trước thời điểm phân chia di sản. Do đó, nếu không có việc phân chia di sản thì không có việc từ chối nhận di sản. Cho nên tôi đồng tình với ý kiến cho rằng:
“Đối với trường hợp chỉ có một người thừa kế thì sẽ không có thời hạn từ chối nhận di sản vì không có thời điểm phân chia di sản nên thời hạn từ chối nhận di sản trong trường hợp này có thể là không có thời hạn”[28].
Đồng thời, BLDS năm 2015 quy định: Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế[29]. Ngoài ra, thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế[30].
Từ đó cho thấy, thời hạn từ chối nhận di sản của người thừa kế có yêu cầu phân chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế là quá dài và không cần thiết. Nếu hạn chế người thừa kế từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, thì thời hạn từ chối nhận di sản của người thừa kế có yêu cầu phân chia di sản chỉ là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế để phù hợp với thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại.
7. Thời hiệu thừa kế
Theo BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được quy định như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người kháclà 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”[31].
Như vậy, theo quy định trên của BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyên thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyên thừa kế của người khác dành cho người thừa kế đều là 10 năm. Còn thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản là 03 năm đối với người không phải là người thừa kế.
Đến BLDS năm 2015 không chỉ quy định riêng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà quy định chung thời hiệu thừa kế. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế[32] là vẫn giữ nguyên quy định này của BLDS năm 2005. Riêng quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản có sự thay đổi là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế[33].
Ở đây có sự phân biệt giữa di sản là động sản và bất động sản để áp dụng thời hạn của thời hiệu khác nhau. Thực tế sẽ xảy ra trường hợp cùng một khối di sản của người thừa kế sẽ có 2 thời điểm phân chia di sản khác nhau làm cho quá trình giải quyết phân chia di sản trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, còn dự liệu trường hợp sẽ không phân định được rõ ràng đâu là động sản và đâu là bất động sản.
Ngoài quy định về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, BLDS năm 2015 còn quy định xác lập quyền sở hữu đối với di sản của người thừa kế: Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc về các chủ thể theo thứ tự như sau: (1) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; (2) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này[34].
Như đã phân tích ở trên (tại Mục 3), BLDS năm 2015 quy định việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu cho người thừa kế còn chưa rõ ràng nên sẽ tiềm ẩn nhiều bất cập khi áp dụng BLDS mới vào thực tiễn.
[1] Điều 155 BLDS năm 2005 và Điều 150 BLDS năm 2015.
[2] Khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015.
[3] Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015.
[4] PGS. TS. Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015, tr.198.
[5]Điều 645 BLDS năm 2005.
[6] Tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 10/8/2004.
[7]Điều 636 BLDS năm 2005 và Điều 614 BLDS năm 2015.
[8] Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015.
[9] Khoản 3 Điều 159 BLTTDS năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011.
[10] Khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
[11] Khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015
[12] Khoản 2 và 3 Điều 155 BLDS năm 2015.
[13] Khoản 2 Điều 160 BLDS năm 2005 và Khoản 1 Điều 155 BLDS năm 2015.
[14] Điểm b Khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
[15] Khoản 1 Điều 247 BLDS năm 2005 và Điều 236 BLDS năm 2015.
[16] Khoản 2 Điều 247 BLDS năm 2005.
[17] Điều 236 BLDS năm 2015.
[18] Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015.
[19] Điều 427 BLDS năm 2005.
[20] Điều 429 BLDS 2015.
[21] Điều 318 Luật Thương mại.
[22] Điều 607 BLDS năm 2005.
[23] Điều 588 BLDS năm 2015.
[24] Khoàn 1 Điều 585 BLDS năm 2015.
[25] Khoản 1 Điều 642 BLDS năm 2005 và Khoản 1 Điều 620 BLDS năm 2015.
[26] Khoản 3 Điều 642 BLDS năm 2005.
[27] Khoản 3 Điều 620 BLDS năm 2015.
[28] PGS. TS. Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015, tr.510-511.
[29] Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015.
[30] Khoản 3 Điều 623 BLDS năm 2015.
[31]Điều 645 BLDS năm 2005.
[32] Khoản 2 và 3 Điều 623 BLDS năm 2015.
[33] Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015.
[34] Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015.