Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ

ke-bien-tai-san-cua-nguoi-phai-thi-hanh-an-dang-do-nguoi-thu-ba-giu

Thi hành án dân sự là hoạt động được thực hiện nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định về mặt thực tế, thông qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các bên khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Bên cạnh việc áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý tài sản, thông qua việc xác minh của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) nắm được hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp nếu họ không tự nguyện thi hành án. Hiện nay, pháp luật THADS đã quy định kê biên cả tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng quy định kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ phát sinh nhiều bất cập từ thể chế đến thực tiễn, gây khó khăn cho Chấp hành viên, cơ quan THADS trong khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, để góp phần đánh giá toàn diện hơn về công tác THADS, tác giả xin phân tích, đánh giá một trong những biện pháp thi hành án mà hiện nay còn phát sinh khó khăn, vướng mắc cả về lý luận lẫn thực tiễn. Đó là biện pháp: Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ.

1. Các loại tài sản không được kê biên

Trong thi hành án dân sự, không phải bất cứ tài sản nào cũng có thể tiến hành kê biên cưỡng chế. Tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự quy định về những loại tài sản không được phép kê biên gồm có:

Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do Ngân sách Nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.

Tài sản của người phải thi hành án là cá nhân, gồm: Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới; số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình; đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình. Tài sản của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, gồm: Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

2. Trình tự, thủ tục kê biên cưỡng chế

Do tính chất đặc thù của công việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tài sản của người phải thi hành án nên trình tự, thủ tục tiến hành kê biên được quy định rất chặt chẽ.

Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng. Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được ủy quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản.
Trường hợp người phải thi hành án tự nguyện đề nghị kê biên tài sản cụ thể trong số nhiều tài sản mà không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án, các chi phí liên quan thì Chấp hành viên lập biên bản giải thích cho họ về việc phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản đó và tiến hành kê biên tài sản để thi hành án; người phải thi hành án bị hạn chế quyền thực hiện giao dịch đối với các tài sản khác cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản để thi hành nghĩa vụ trả tiền thì Chấp hành viên lập biên bản về việc tự nguyện giao tài sản; biên bản này là cơ sở để Chấp hành viên giao tài sản theo thỏa thuận hoặc tổ chức việc định giá, bán tài sản; chi phí định giá, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật do người phải thi hành án chịu.

3. Kê biên tài sản của người phải thi hành án do người thứ ba giữ

Biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ đã được quy định từ Luật THADS năm 2008 và Luật THADS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 vẫn giữ nguyên quy định này, cụ thể:
Một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án được Luật THADS quy định thì biện pháp thứ ba là “kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ” (khoản 3 Điều 71 Luật THADS). Đồng thời, để có cơ sở tổ chức thi hành, Luật THADS cũng dành một điều luật quy định cụ thể biện pháp này. Theo đó, tại Điều 91 Luật THADS năm 2014 quy định: “Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án, kể cả trường hợp tài sản được xác định bằng bản án, quyết định khác thì Chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản đó để thi hành án; trường hợp người thứ ba không tự nguyện giao tài sản thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc họ phải giao tài sản để thi hành án. Trường hợp tài sản kê biên đang cho thuê thì người thuê được tiếp tục thuê theo hợp đồng đã giao kết.

Quy định này có thể hiểu quá trình tổ chức thi hành án, kết quả xác minh cho thấy người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án Chấp hành viên được quyền kê biên, xử lý tài sản đó từ người thứ ba để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án, nếu người thứ ba không tự nguyện giao tài sản thì sẽ bị cưỡng chế buộc giao tài sản đó cho cơ quan THADS. Để hướng dẫn áp dụng Điều 91 Luật THADS thì khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ (nay là Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020) quy định: “Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án”. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì sẽ bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án và phải chịu chi phí.

Nếu người thứ ba giao tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan THADS để thi hành án. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án. Chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành án chịu.”

Như vậy, có thể tóm tắt các bước Chấp hành viên, cơ quan THADS phải thực hiện trong trường hợp này như sau:

Bước 1: Xác minh điều kiện thi hành án, thông tin về người thứ ba đang nắm giữ tài sản của người phải thi hành án.

Bước 2: Lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu người thứ ba giao tài sản của người phải thi hành án cho cơ quan THADS.

Bước 3: Nếu người thứ ba giao tài sản đó cho cơ quan THADS thì Chấp hành viên xử lý theo quy định của Luật THADS như đối với các tài sản thi hành án khác; Nếu người thứ ba không giao thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án.

Bước 4: Chấp hành viên thực hiện trình tự, thủ tục cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ và chi phí của việc cưỡng chế này người thứ ba phải chịu; đồng thời, nếu người thứ ba gây thiệt hại thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Thực tiễn tổ chức thi hành án, các cơ quan thi THADS đang lúng túng khi áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp này vì việc áp dụng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được quy định cụ thể, thống nhất để đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, đơn vị khi tham gia vào hoạt động THADS. Đồng thời, cũng là cơ chế bảo vệ Chấp hành viên, cơ quan THADS khi thực hiện nhiệm vụ.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Thị Thanh Hiền (2021), “Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong THADS”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội.
  2. Chu Quang Phúc (2018), “Biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong THADS”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội.
  3. Dương Quỳnh Hoa (2021), “Một số vấn đề về cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, (3).
  4. Dương Quỳnh Hoa (2019), “Một số vấn đề vướng mắc trong việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án”, Tạp chí Luật sư Việt Nam, (9).
  5. Hồng Thanh, Gỡ vướng xử lý xử lý tài sản do bên thứ ba nắm giữ,

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon