Hợp đồng thế chấp quyền tài sản vô hiệu do vi phạm thủ tục công chứng, bất cập và kiến nghị hoàn thiện

hop-dong-the-chap-quyen-tai-san-vo-hieu-do-vi-pham-thu-tuc-cong-chung-bat-cap-va-kien-nghi-hoan-thien

Pháp luật Việt Nam hiện hành thiếu vắng các quy định hướng dẫn cụ thể về thế chấp quyền tài sản cũng như giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng thế chấp quyền tài sản vô hiệu. Hiện nay, việc giải quyết hậu quả pháp lý của các giao dịch dân sự vô hiệu được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành ngày 16/04/2003. Qua một thời gian dài thực hiện, Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần phải được sửa đổi, bổ sung. Liên quan đến vấn đề này, tác giả nhận thấy chưa có quy định cụ thể để giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng thế chấp quyền tài sản vô hiệu, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xét xử của các Toà án địa phương.

 1. Thực tiễn những bất bất cập của Hợp đồng thế chấp quyền tài sản vô hiệu

Trong quá trình xét xử, một số Toà án địa phương tỏ ra lúng tung nên đã đưa ra những phán quyết gây nhiều tranh cãi. Bản án số 17/2020/DS-ST ngày 25/09/2020 của TAND quận NQ, Thành phố HP là một minh chứng.

Nội dung vụ việc: Ông Trần Văn C, bà Nguyễn Thị N đã ký các hợp đồng tín dụng để vay vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đồng thời thế chấp tài sản của mình và tài sản của người thứ ba để bảo đảm cho các khoản vay, cụ thể: (i) Hợp đồng tín dụng số LD0915917639 ngày 10/06/2009 vay số tiền 1.000.000.000 đồng. Để đảm bảo cho khoản vay trên ông C bà N đã thế chấp quyền sử dụng 200 m2 đất và tài sản trên đất của hộ gia đình ông C và bà N theo Hợp đồng thế chấp số LD0915917639/HĐTC ngày 10/06/2009 được Phòng công chứng số 5 chứng nhận công chứng số 527/TC-CC5. Giá trị tài sản định giá tại thời điểm thế chấp là 1.455.000.000 đồng; (ii) Hợp đồng tín dụng ngày 08/07/2010 vay 300.000.000 triệu đồng. Để bảo đảm bảo cho khoản vay của ông C và bà N, ông CH và bà X đã thế chấp quyền sử dụng đất 192 m2 của hộ gia đình ông CH và bà X theo Hợp đồng thế chấp số LD1018700008/HĐTC ngày 08/07/2010 được Phòng công chứng số 5 chứng nhận công chứng số 785/TC-CC5. Ngày 17/06/2011, các bên đã sửa đổi, bổ sung Hợp đồng thế chấp số PL01-LD1018700008/HĐTC được Phòng công chứng số 5 chứng nhận công chứng số 834/TC-CC5; Giá trị tài sản định giá tại thời điểm thế chấp tăng lên là 3.840.000.000 đồng, đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ tăng lên 1.500.000.000 đồng.

Hết thời hạn của hợp đồng vay, khách hàng không trả được nợ, Sacombank đã khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với ông C, bà N tại TAND huyện TN, thành phố HP. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành giám định chữ ký, xác định chữ ký trong hợp đồng thế chấp và các văn bản sửa đổi, bổ sung không phải chữ ký của bà X. Bản án sơ thẩm số 26/2014/KDTM-ST ngày 09/5/2014 của TAND huyện TN[1] và Bản án phúc thẩm số 26/2014/KDTM-PT ngày 05/9/2014 của TAND thành phố HP đã tuyên không chấp nhận yêu cầu phát mại tài sản của ông CH, bà X là quyền sử dụng 192 m2 đất, do hợp đồng thế chấp vô hiệu và buộc Sacombank phải giải chấp tài sản của ông CH, bà X.

Tháng 03/2020 Sacombank đã khởi kiện ra TAND quận NQ để yêu cầu Phòng Công Chứng số 5 phải bồi thường thiệt hại, bao gồm các khoản tiền: (i) nợ gốc 1.500.000.000 đồng trong hợp đồng tín dụng; (ii) tiền nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn đối với khoản nợ gốc trong hợp đồng tín dụng của ông C, bà N từ khi ký hợp đồng tín dụng đến ngày mở phiên tòa 25/9/2020, cụ thể: lãi trong hạn 1.805.337.500 đồng và lãi quá hạn 902.668.750 đồng. Tại phiên toà, Sacombank đã rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với phần nợ lãi trong hạn và nợ lãi quá hạn của hợp đồng vay.

Bản án số 17/2020/DS-ST ngày 15/09/2020 của TAND quận NQ, Thành phố HP[2] quyết định: (i) Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện bồi thường thiệt hại do hợp đồng thế chấp số LD1018700008/HĐTC ngày 08/07/2010 và thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp PL01-LD1018700008/HĐTC ngày 17/06/2011 vô hiệu của nguyên đơn Sacombank đối với bị đơn Phòng Công chứng số 5 thành phố HP, bởi không có căn cứ để tính được thiệt hại trên thực tế. (ii) Buộc ông C và bà N vẫn có nghĩa vụ trả khoản nợ cho Sacombank, bao gồm: nợ gốc, lãi trong hạn và lãi quá hạn.

Theo tác giả, bản án này tồn tại một số điểm chưa hợp lý: (i) Theo quy định tại Điều 38 Luật Công chứng năm 2014,“Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng”. Trong vụ việc, hợp đồng thế chấp số LD1018700008/HĐTC ngày 08/07/2010 và Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung Hợp đồng thế chấp PL01-LD1018700008/HĐTC ngày 17/06/2011 giữa các bên đã bị Bản án sơ thẩm số 26/2014/KDTM-ST ngày 09/5/2014 của TAND huyện TN và Bản án phúc thẩm số 26/2014/KDTM-PT ngày 05/9/2014 của TAND Thành phố HP tuyên vô hiệu, hậu quả dẫn đến Sacombank mất quyền xử lý tài sản bảo đảm. Vì vậy, việc Sacombank khởi kiện yêu cầu Văn phòng Công chứng số 5 phải bồi thường là có căn cứ pháp luật. (ii) Việc TAND quận NQ nhận định không có thiệt hại khi hợp đồng thế chấp đã công chứng bị tuyên vô hiệu, từ đó làm căn cứ không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Ngân hàng Sacombank là không hợp lý. Bởi Sacombank sẽ mất đi quyền bán phát mại tài sản thế chấp, điều này đồng nghĩa với khoản nợ của vợ chồng ông C và bà N không biết khi nào mới được thực hiện.

Qua việc phân tích bản án, có thể nhận thấy, khi hợp đồng thế chấp quyền tài sản đã được công chứng bị Toà án tuyên vô hiệu, đồng nghĩa với việc bên nhận thế chấp mất quyền ưu tiên xử lý tài sản thế chấp. Nghĩa vụ của bên thế chấp trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm. Trên lý thuyết, nếu bên thế chấp vẫn thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp thì không có thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bên thế chấp không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp, gây thiệt hại cho bên nhận thế chấp. Vì vậy, pháp luật đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Tổ chức hành nghề công chứng khi công chứng viên có lỗi trong hoạt động công chứng là cần thiết. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm bồi thường như nào, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường là bao lâu để bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên chủ thể trong quan hệ thế chấp quyền tài sản là điều rất khó khăn.

2. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật      

Cuối cùng, dựa trên nội dung vấn đề đã nghiên cứu, tác giả kiến nghị TAND Tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu theo hướng:

1. Khi hợp đồng thế chấp tài sản đã được công chứng bị Toà án tuyên vô hiệu thì tổ chức hành nghề công chứng quản lý công chứng viên đã thực hiện công chứng phải bồi thường thiệt hại.

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Toà án ấn định thời hạn thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo đảm, khi hết thời hạn đó, nếu bên được bảo đảm không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm thì tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường bổ sung phần còn thiếu.

Thiệt hại được yêu cầu bồi thường là toàn bộ phạm vi nghĩa vụ mà bên được bảo đảm chưa thực hiện được đối với bên nhận bảo đảm”.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Ngọc Điện (2005), Cần xây dựng khái niệm quyền tài sản trong Luật Dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 03 năm 2005.
  2. Nguyễn Văn Cừ – Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật dân sự 2015, Nxb Công An Nhân dân;
  3. Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về Đăng ký biện pháp bảo đảm;
  4. Điều 38 Luật Công chứng năm 2014;
  5. Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014;
  6. Bản án sơ thẩm số 26/2014/KDTM-ST ngày 09/5/2014 của Tòa án nhân dân huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng;
  7. Bản án sơ thẩm số 17/2020/DS-ST ngày 15/09/2020 của TAND quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng.

 

[1] Bản án sơ thẩm số 26/2014/KDTM-ST ngày 09/5/2014 của Tòa án nhân dân huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng

[2] Bản án số 17/2020/DS-ST ngày 15/09/2020 của TAND quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon