Kê biên tài sản của doanh nghiệp trong thi hành án dân sự

ke-bien-tai-san-cua-doanh-nghiep-trong-thi-hanh-an-dan-su

Kê biên tài sản của doanh nghiệp là một trong những công việc tương đối phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng của chấp hành viên khi tác nghiệp. Khi tiến hành kê biên tài sản của doanh nghiệp, chấp hành viên không chỉ nắm vững các quy định pháp luật về THADS mà còn cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về doanh nghiệp. Bài viết này tập trung phân tích một số vấn đề lý luận về kê biên tài sản của doanh nghiệp, từ đó chỉ ra các bài học kinh nghiệm cho chấp hành viên khi tiến hành kê biên tài sản này.

1. Khái niệm kê biên tài sản của doanh nghiệp

Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Để các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế, trong quá trình tổ chức thi hành án cơ quan thi hành án luôn lựa chọn biện pháp vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, không phải lúc nào người phải thi hành án cũng tự nguyện thi hành án theo đúng phán quyết của Tòa án. Trong rất nhiều trường hợp, người phải thi hành án có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án, buộc cơ quan thi hành án phải tổ chức cưỡng chế theo quy định của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Luật THADS, biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ là biện pháp cưỡng chế được sử dụng phổ biến nhất, chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các biện pháp cưỡng chế mà cơ quan THADS áp dụng. Theo quy định hiện hành của pháp luật THADS thì biện pháp kê biên, xử lý tài sản chỉ áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành án bằng tiền, được quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật THADS năm 2014. Việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án chính là việc cơ quan THADS tước đi quyền định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu, sử dụng tài sản. Do đó, bên cạnh việc đảm bảo quyền và lợi ích của người được thi hành án theo phán quyết của Tòa án thì cũng phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án đối với tài sản bị kê biên, xử lý nên trình tự thủ tục kê biên, xử lý được quy định hết sức chặt chẽ qua nhiều giai đoạn từ tiến hành kê biên, định giá tài sản, bán đấu giá tài sản và giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Theo khái niệm của Từ điển Luật học thì: “Kê biên, xử lý tài sản là biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo việc thi hành án. Trong thời gian kê biên, đối tượng bị áp dụng bị hạn chế quyền về tài sản”[1]. Điều này có nghĩa là khi bị kê biên tài sản, chủ sở hữu, sử dụng tài sản bị hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản.

Doanh nghiệp là một chủ thể đặc thù trong hoạt động THADS. Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì ở Việt Nam hiện nay có 04 loại hình doanh nghiệp là: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Từ việc phân tích các khái niệm trên, có thể rút ra khái niệm về kê biên tài sản của doanh nghiệp như sau: Kê biên tài sản của doanh nghiệp trong THADS là một biện pháp cưỡng chế thi hành án do người có thẩm quyền tổ chức thi hành án thực hiện đối với tài sản doanh nghiệp nhằm đảm bảo thi hành nghĩa vụ thanh toán tiền của doanh nghiệp theo bản án, quyết định dân sự có hiệu lực thi hành.

2. Đặc điểm kê biên tài sản của doanh nghiệp trong thi hành án dân sự

Kê biên tài sản của doanh nghiệp có những đặc điểm chung của biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản trong thi hành án. Đồng thời, cũng mang đặc điểm riêng của việc kê biên của doanh nghiệp.

2.1. Đặc điểm chung của biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản trong thi hành án dân sự

– Cưỡng chế kê biên tài sản thể hiện quyền lực nhà nước và được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước;

– Được Chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án hoặc cố tình tẩu tán tài sản nhằm buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định của Tòa án;

– Đối tượng của các biện pháp cưỡng chế kê biên là tài sản của người phải thi hành án.

2.2. Đặc điểm riêng của kê biên tài sản doanh nghiệp trong thi hành án dân sự

Ngoài những đặc điểm chung của việc kê biên tài sản trong THADS, có thể thấy rằng kê biên tài sản của doanh nghiệp có những đặc điểm riêng chủ yếu như sau:

Thứ nhất, chủ thể mà cơ quan THADS, chấp hành viên phải tác động khi kê biên tài sản là doanh nghiệp. Đây là một loại chủ thể hết sức đặc thù bởi mọi quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp đều phải thực hiện thông qua người đại diện. Cụ thể, khoản 1 Điều 12 Luật doanh nghiệp quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Toà án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Điều này đòi hỏi chấp hành viên phải xác định rõ ràng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm thi hành án để xác định quyền, nghĩa vụ của họ khi tham gia quá trình kê biên tài sản của doanh nghiệp, tránh tình trạng người tham gia hoạt động kê biên không có thẩm quyền để quyết định những nội dung, những vấn đề mà họ không có quyền quyết định.

Thứ hai, tài sản phải kê biên, xử lý của doanh nghiệp cũng phức tạp hơn tài sản phải kê biên, xử lý của các chủ thể khác. Tài sản phải kê biên của doanh nghiệp thường là các tài sản như nhà xưởng, máy móc, nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa, những tài sản này nhiều khi có giá trị rất lớn, mang yếu tố kỹ thuật, công nghệ… Do vậy, nếu không nắm được các quy định của pháp luật có liên quan và xử lý không triệt để sẽ dẫn đến khiếu nại, vi phạm và nhiều trường hợp phải bồi thường số tiền rất lớn. Nhiều tài sản của người phải thi hành án là doanh nghiệp còn gắn với đất thuê trả tiền hàng năm của Nhà nước nên khi kê biên, xử lý thì gắn với nhiều vấn đề nảy sinh phải giải quyết ví dụ như: tiền doanh nghiệp bỏ ra để san lấp mặt bằng, tiền xây tường bao, các đầu tư khác…

Thứ ba, việc kê biên xử lý tài sản của doanh nghiệp cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến người lao động. Đây là vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp rất dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để trì hoãn việc thi hành án.

Thứ tư, việc kê biên tài sản của doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc kê biên nghiêm ngặt hơn so với việc kê biên tài sản của các chủ thể khác. Cụ thể, cơ quan THADS chỉ kê biên tài sản khác của doanh nghiệp phải thi hành án, nếu sau khi đã khấu trừ tài khoản, xử lý vàng, bạc, đá quý, kim khí quý khác, giấy tờ có giá của doanh nghiệp đang do doanh nghiệp quản lý hoặc đang do người thứ ba giữ mà vẫn không đủ để thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định có quyết định khác hoặc đương sự có thỏa thuận khác (Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Đồng thời, luật cũng giới hạn những tài sản mà chấp hành viên không được kê biên liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đặc biệt liên quan đến vấn đề an sinh xã hội và người lao động như: Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường (Khoản 3 Điều 87 Luật THADS).

[1] Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, tr.243.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon