Thực tiễn kê biên, cưỡng chế tài sản đang cầm cố thế chấp và vướng mắc, kiến nghị

thuc-tien-ke-bien-cuong-che-tai-san-dang-cam-co-the-chap

Bài viết đề cập đến các quy định của pháp luật về kê biên tài sản cầm cố, thế chấp trong THADS, chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về vấn đề này cũng như trong thực tiễn thực hiện pháp luật THADS. Đồng thời bài viết đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện kê biên tài sản cầm cố, thế chấp trong THADS.

1. Thực tiễn thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp 

Trong thời gian vừa qua, các quy định về kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp đã phát huy tác dụng, góp phần hạn chế rất nhiều tình trạng người phải thi hành tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, giúp cơ quan thi hành án có cơ sở pháp lý để xử lý tài sản của người phải thi hành án, nâng cao hiệu quả THADS. Theo Báo cáo số 264/BC-BTP về công tác thi hành án năm 2021 của Bộ tư pháp[1] thì công tác THADS chú trọng việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, có giá trị lớn được tập trung chỉ đạo giải quyết. Cụ thể:

– Về việc: Đã thi hành xong là 493.971 việc, giảm 82.962 việc, giảm 14,38% so với năm 2020, đạt tỉ lệ 75,81% (giảm 5,60% so với năm 2020). Số việc chuyển kỳ sau là 349.131 việc.

– Về tiền: Đã thi hành xong là 45.705 tỷ 148 triệu 397 nghìn đồng, giảm 8.045 tỷ 547 triệu 427 nghìn đồng (giảm 14,97% so với năm 2020), đạt tỉ lệ 31,05% (giảm 9,05% so với năm 2020). Số tiền chuyển kỳ sau là 240.530 tỷ 345 triệu 096 nghìn đồng.

 – Về kết quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng: Tổng số việc phải thi hành là 36.215 việc, tương ứng với 125.875 tỷ 493 triệu 381 nghìn đồng, chiếm 4,3% về việc và 43,98% về tiền trong tổng số phải thi hành. Đã thi hành xong là 4.503 việc, tương ứng với 18.246 tỷ 613 triệu 423 nghìn đồng.

 – Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế:
          + Về việc: Tổng số phải thi hành 4.799 việc. Số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc.
          + Về tiền: Tổng số phải thi hành 72.034 tỷ 159 triệu 182 nghìn đồng. Số tiền, giá trị tài sản có điều kiện đang tổ chức thi hành là 34.946 tỷ 463 triệu 773 nghìn đồng; đã thu được 4.094 tỷ 558 triệu 342 nghìn đồng.

 Tuy nhiên, kết quả thi hành về việc, về tiền giảm so với năm 2020; kết quả thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp so với yêu cầu[2]. Trong đó, việc cưỡng chế kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp để thi hành nghĩa vụ trả tiền đang đứng trước những thách thức lớn khi mà việc kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

2. Khó khăn trong công tác thi hành án

 Thị trường bất động sản tuy có khởi sắc nhưng chưa rõ rệt, nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được, năm 2017, toàn quốc có 7.535 việc đã kê biên, định giá lại, bán đấu giá nhưng chưa xử lý được với số tiền trên 10.898 tỷ đồng, chiếm 11,8% số tiền có điều kiện đang thi hành của toàn quốc. Việc xác minh, kê biên, định giá, đấu giá tài sản thế chấp trong các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn như xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay, đấu giá không có người mua, bên được thi hành án không nhận tài sản. Điều kiện thi hành án trong những vụ án lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án[3]. Cơ chế quản lý, sử dụng tiền mặt, quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân, đăng ký tài sản còn đang trong quá trình hoàn thiện[4].

3. Vướng mắc trong việc xác định quyền của chủ sở hữu đối với tài sản

Sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người phải thi hành án cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ khác mà người nhận cầm cố, thế chấp cũng đã được cơ quan thi hành án nơi khác xử lý tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm đó đã được bán đấu giá thành dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc xác định quyền của chủ sở hữu đối với tài sản để chấp hành viên tiến hành kê biên.

Về vấn đề này, hiện nay có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, chấp hành viên có quyền kê biên vì việc cầm cố, thế chấp tài sản trong trường hợp này là không hợp pháp. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật THADS năm 2014.

Quan điểm thứ hai cho rằng, căn cứ vào Điều 103 Luật THADS năm 2014 cần phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình do họ đã mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật. Do đó, chấp hành viên không thể kê biên tài sản đã thế chấp, cầm cố[5].

Ở đây giữa Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP và Điều 103 Luật THADS năm 2014, Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 đang có sự mâu thuẫn, chưa tương thích với nhau. Theo quy định Điều 103 Luật THADS năm 2014, Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người thứ ba mua được tài sản thông qua thủ tục bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền (thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định Luật đấu giá năm 2016) thì tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của người mua được tài sản đấu giá. Việc bảo vệ quyền lợi của người mua được tài sản đấu giá ngay tình xuất phát từ lý do: người thứ ba không biết hoặc không thể biết những giao dịch trước đó bị vô hiệu bởi bất cứ lý do nào, họ có căn cứ tin rằng đối tượng và chủ thể giao dịch với mình đủ điều kiện mà pháp luật quy định và tài sản mà họ giao dịch không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật[6].

Tuy nhiên, nếu bảo vệ quyền lợi của mua tài sản đấu giá thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án theo bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật, trong khi quyền lợi của người được thi hành án cũng cần thiết được bảo vệ như người mua được tài sản đấu giá. Đó chính là lý do, Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định mọi việc cầm cố, thế chấp tài sản sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đều không hợp pháp và chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.

Vấn đề ở đây là do người nhận cầm cố, thế chấp không biết người thế chấp, cầm cố tài sản đang phải thi hành một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc đang có nghĩa vụ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nên mới nhận cầm cố, thế chấp tài sản. Trên thực tế, “các ngân hàng không thể biết bên cầm cố, thế chấp đang phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, hợp đồng bảo đảm và hợp đồng chuyển nhượng tài sản (mà tài sản này sau đó được sử dụng để cầm cố, thế chấp cho tổ chức tín dụng) ký kết sau thời điểm bản án, quyết định thi hành án có rủi ro bị vô hiệu, tổ chức tín dụng bị mất tài sản bảo đảm nếu cơ quan thi hành án kê biên tài sản bảo đảm để thi hành bản án khác. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là trong trường hợp tài sản bị kê biên là tài sản hình thành từ vốn vay của tổ chức tín dụng[7].

Để giải quyết vấn đề này, cần phải xem xét Nhà nước có cơ chế để buộc người nhận cầm cố, thế chấp biết được người thế chấp, cầm cố tài sản đang phải thi hành một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc đang có nghĩa vụ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật không? Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/NQ-HĐTP/2017 về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án thì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án trừ những bản án, quyết định không được công bố theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết. Các bản án, quyết định được công bố bao gồm: Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; Quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm giải quyết việc dân sự; Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; quyết định giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật. Điều 106 Luật cạnh tranh 2018 quy định: các quyết định của uỷ ban cạnh tranh quốc gia phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong thời gian 90 ngày liên tục kể từ ngày quyết định này có hiệu lực pháp luật. Thực hiện các quy định của Nghị quyết 03/NQ-HĐTP/2017 về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án thì ngày 22/10/2018 Toà án nhân dân tối cao ra mắt giao diện mới của cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân tối cao với 66 Trang thông tin điện tử của 03 Toà án nhân dân cấp cao và 63 Toà án nhân dân cấp tỉnh[8]. Như vậy, pháp luật quy định rất rõ về việc các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Toà án. Do đó, người nhận cầm cố, thế chấp tài sản buộc phải biết về nghĩa vụ của người cầm cố, thế chấp tài sản theo bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật. 

Do đó, tác giả đồng ý với ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP cần bổ sung: “trừ trường hợp chấp hành viên phát hiện ra tài sản quy định tại Điều 103 Luật THADS[9]. Tuy nhiên, để thực hiện quy định này thì: (i) cơ chế quản lý tài sản phải minh bạch; (ii) người được thi hành án ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật yêu cầu thi hành án và yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm; (iii) bên nhận cầm cố, thế chấp trước khi ký hợp đồng cầm cố, thế chấp cần phải xác định xem người cầm cố, thế chấp có nghĩa vụ theo bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật không thông qua việc kiểm tra trên cổng thông tin điện tử của Toà án và uỷ ban cạnh tranh quốc gia.

[1] Bộ Tư pháp tổng kết công tác THADS năm 2021, ban hành chương trình công tác trọng tâm năm 2022.

[2] Văn phòng Tổng cục THADS, Kết quả công tác THADS, hành chính năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2022,

[3] Như trường hợp Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin phải thi hành án hơn 600 tỷ đồng nhưng tài sản bảo đảm thi hành án chỉ có 5 tỷ đồng.

[4] Chính Phủ (2017), Báo cáo công tác thi hành án năm 2017 ngày 14 tháng 10 năm 2017, tr. 11.

[5] Dương Thị Thanh Xuân (2018), “Thi hành các bản án, quyết định về tín dụng ngân hàng, Luận văn thạc sỹ Luật học, tr. 54, 55.

[6] Ngô Thị Mỹ Dung (2017), Điều kiện bảo vệ người thứ ba ngay tình

[7] Các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm và kiến nghị

[8] Huy Vũ, Hướng tới xây dựng Toà án thông minh ở Việt Nam,

[9] Dương Thị Thanh Xuân (2018), “Thi hành các bản án, quyết định về tín dụng ngân hàng, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr. 55.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon