Văn bản quy phạm pháp luật dân sự được xác định là nguồn quan trọng, phổ biến của pháp luật dân sự. Tác giả sau khi phân tích hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật là nguồn của luật dân sự, chỉ ra một số bất cập của văn bản quy phạm pháp luật dân sự và vướng mắc trên thực tiễn khi áp dụng các quy định pháp luật dân sự.
1. Một số thực trạng về nguồn pháp luật dân sự Việt Nam là văn bản quy phạm pháp luật
Trong lịch sử lập pháp dân sự Việt Nam, vấn đề nguồn của pháp luật dân sự được phân chia theo nhiều giai đoạn khác nhau. Trải qua mỗi giai đoạn, hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam nói chung và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dân sự nói riêng đã từng bước dần hoàn thiện, góp phần đáng kể trong việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dân sự hiện nay thì BLDS 2015 giữ vị trí, vai trò quan trọng, chủ đạo trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự phát sinh trong đời sống xã hội. Do đó, từ khi BLDS 2015 được ban hành và có hiệu lực trên thực tiễn nó đã tạo ra được cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự; đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật dân sự. BLDS 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung. Điều đầu tiên đáng ghi nhận, đó là việc bỏ từ “dân sự” ra khỏi tên mục và các điều luật có liên quan để đảm bảo sự thống nhất với các phần khác của BLDS nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (Luật Thương mại, Luật Đầu tư…)
Tiếp đến là sự sắp xếp lại các quy định mang tính trùng lặp ở các biện pháp bảo đảm cụ thể vào phần quy định chung, bổ sung thêm một số quy định mới như vấn đề hiệu lực đối kháng với người thứ ba, đăng ký biện pháp bảo đảm, các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm, thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, giao tài sản bảo đảm để xử lý, quyền nhận lại tài sản bảo đảm…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, các văn bản quy phạm pháp luật dân sự của chúng ta hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Do đó, đã tạo ra những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật dân sự, vấn đề này được thể hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, BLDS quy định còn chung chung, trong khi đó việc giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định của BLDS chưa được kịp thời hoặc chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế.
Ví dụ: BLDS 2015 ghi nhận hai quyền mới đó là Quyền hưởng dụng và quyền bề mặt. Trong đó, các nội dung chủ yếu liên quan đến các quyền này được ghi nhận như: Căn cứ xác lập, hiệu lực, thời hạn, nội dung quyền, chấm dứt quyền…Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đó là trong phần quy định về căn cứ xác lập quyền hưởng dụng cũng như quyền bề mặt có các căn cứ đó là: Theo thỏa thuận; theo quy định của luật và theo di chúc[1]. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản nào hướng dẫn việc xác lập quyền hưởng dụng và quyền bề mặt theo căn cứ – theo quy định của luật là xác lập như thế nào?
Ngoài ra, có thể thấy, trong Bộ luật dân sự, bên cạnh các quy định về tài sản nói chung, có các quy định riêng về quyền hưởng dụng tại các điều từ Điều 257 đến Điều 266. Trong Luật đất đai và các văn bản dưới luật về đất đai không có quy định về quyền hưởng dụng đối với đất.
– Bộ luật dân sự đã có quy định về quyền hưởng dụng đối với tài sản, tuy nhiên mới là những quy định khung có tính nguyên tắc, chưa có quy định chi tiết về các trường hợp của quyền hưởng dụng đối với bất động sản, đất đai (theo cách tương tự như quy định về quyền đối với bất động sản liền kề) nên khó triển khai trên thực tế việc bảo hộ các quyền này.
– Luật đất đai và các văn bản dưới luật về đất đai chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục đăng ký quyền hưởng dụng; cho nên kể cả đối với các trường hợp các chủ thể dân sự đã có thỏa thuận về việc một chủ thể được hưởng dụng đối với đất đai và tài sản gắn liền với đất của chủ thể kia thì cũng không triển khai được việc đăng ký quyền hưởng dụng vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất.
Việc chưa có văn bản hướng dẫn, cũng như chưa được ghi nhận ở các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng dẫn tới ảnh hưởng việc thực thi các quyền này và các biện pháp mà nhà nước đặt ra bởi các quy phạm pháp luật để các chủ thể bảo vệ quyền này của mình.
Thứ hai, một số quy định không đảm bảo được sự thống nhất của BLDS với luật chuyên ngành.
Cụ thể, Trong Bộ luật dân sự, ngoài những quy định áp dụng chung cho các loại tài sản, có 12 điều từ Điều 245 đến Điều 256 quy định riêng về quyền đối với bất động sản liền kề trong đó quy định về quyền đối với bất động sản liền kề nói chung, gồm định nghĩa, căn cứ xác lập quyền, hiệu lực của quyền, nguyên tắc thực hiện quyền, thay đổi thực hiện quyền, căn cứ chấm dứt quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản hưởng quyền và quy định về 4 quyền cụ thể đối với bất động sản liền kề. Luật đât đai có 1 điều (Điều 171) định nghĩa về quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề, quy định việc xác lập quyền thực hiện theo pháp luật dân sự và việc phải đăng ký theo quy định tại Điều 95, LĐĐ.
Việc hai luật sử dụng hai thuật ngữ khác nhau để chỉ về cùng một vấn đề là thiếu sự thống nhất cần thiết. Việc cả hai luật đều đưa ra định nghĩa về cùng một khái niệm là thừa, nên bỏ nội dung định nghĩa tại khoản 1, Điều 171 Luật đất đai.
Hay như, đối với quy định về lãi suất, khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD 2010 mặc dù nêu rõ lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD theo cơ chế thoả thuận nhưng “theo quy định của pháp luật”. Việc ghi thêm cụm từ này khiến các TCTD, khách hàng có quan hệ tín dụng với TCTD và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật lúng túng là không biết theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay). Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng . Theo quy định tại thông tư này, chủ thể quan hệ pháp luật “chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân” cụ thể tổ chức không có tư cách pháp nhân như: Hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Quy định này cũng có nhiều điểm không phù hợp với BLDS 2015 và một số văn bản luật khác.[2]
Ngoài ra, trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là chưa có cách hiểu thống nhất về việc thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác. Hiện nay, có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xác lập các biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiên nghĩa vụ cho người khác. Theo đó, có TCTD thì đồng ý xác lập giao dịch bảo đảm này, có tổ chức thì không; trong quá trình giải quyết tranh chấp của ngành Tòa án cũng có 02 quan điểm: (1) chấp nhận giao dịch bảo đảm dưới dạng cầm cố, thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ dân sự cho người khác; (2) không chấp nhận giao dịch bảo đảm thế chấp, cầm cố mà coi là bảo đảm bằng biện pháp bảo lãnh.
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về việc các bên có quyền xác lập biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác hay không? Điều này đã gây khó khăn và những rủi ro pháp lý cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác…
Hay theo quy định tại Khoản 5 Điều 630 BLDS 2015 về di chúc hợp pháp:
“…Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”. Như vậy, đối với di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí trước hai người làm chứng, được ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và được công chứng viên hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực (trong 05 ngày làm việc kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng).
Theo khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng thì: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng…”.
Như vậy, theo quy định này thì di chúc miệng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu.
Trong khi đó, theo quy định của khoản 1 Điều 643 BLDS 2015 về Hiệu lực của di chúc thì lại quy định: “1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế…” mà thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại tài sản chết[3]. Do đó, trong trường hợp di chúc miệng được người làm chứng công chứng thì theo quy định sẽ phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm công chứng nhưng sau đó người này lại không chết vậy thì bản di chúc miệng này có phát sinh hiệu lực pháp luật không?…
Tóm lại, có thể thấy các văn bản quy phạm pháp luật dân sự hiện hành còn nhiều vấn đề bất cập, mâu thuẫn nhau. Thiếu sự đồng bộ giữa các văn bản nên phần nào cũng gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật.
2. Một số giải pháp hoàn thiện quy định của văn bản quy phạm pháp luật dân sự liên quan đến nguồn của pháp luật dân sự Việt Nam
Như đã khẳng định ở trên, các văn bản quy phạm pháp luật dân sự cho thấy còn tồn tại tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, giữa luật với nghị định, thông tư vẫn xảy ra, gây khó khăn trong việc áp dụng và thực thi trong thực tiễn. Do vậy, cần sửa đổi một số quy định của các văn bản luật chuyên ngành cho phù hợp với BLDS cũng như bổ sung các văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS: Cụ thể như: (i) Mỗi luật chỉ nên đưa ra các quy định phù hợp với vị trí pháp lý của từng luật; cách phân chia phạm vi từng luật phải thống nhất, có sự tương đồng giữa các nhóm vấn đề. Ví dụ như: Bộ luật dân sự quy định chung về quyền khác, quy định chung về quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt, quyền hưởng dụng. Luật đất đai và các văn bản dưới luật quy định về định nghĩa các quyền cụ thể đối với bất động sản liền kề, quyền cụ thể về hưởng dụng đối với bất động sản, quyền bề mặt cụ thể; đồng thời quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký quyền; (ii) Giải thích, hướng dẫn áp dụng những quy định của BLDS còn chung chung, không rõ ràng chưa có văn bản giải thích hướng dẫn thi hành. Ví dụ như: Cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất. Theo đó, cơ quan lập pháp nên bỏ đi cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD 2010 nhằm phù hợp hơn với các quy định tại BLDS 2015…;(iii) Nhanh chóng bổ sung những quy định tại luật chuyên ngành cũng như văn bản dưới luật đối với các vấn đề còn bỏ ngỏ (quyền hưởng dụng, quyền bề mặt…), ví dụ như: Bổ sung các quy định hiện còn thiếu trong Luật đất đai về “quyền hưởng dụng đối với đất thuộc quyền sử dụng của người khác” và các quy định về căn cứ xác lập quyền hưởng dụng, quyền bề mặt theo luật định…và sửa đổi các quy định của văn bản pháp luật chuyên ngành còn mâu thuẫn với BLDS để bảo đảm các quyền, lợi ích cho các chủ thể tốt hơn và đồng thời để các chủ thể dễ dàng hơn khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự.
Như vậy, với một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dân sự ngày càng hoàn thiện và đồng bộ về nội dung cũng như hình thức đã tạo dựng cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và trở thành công cụ điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ dân sự. Quá trình quy định các quan hệ dân sự trong các văn bản pháp luật chuyên ngành sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn để hướng tới sửa đổi toàn diện để hướng tới sửa đổi toàn diện nguồn của pháp luật dân sự Việt Nam./.
[1] Xem: Điều 258 và Điều 268 BLDS 2015
[2] Xem: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
[3] Xem Khoản 1 Điều 611 BLDS 2015;