Nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản kê biên của người phải thi hành án ở Việt Nam là vấn đề cấp thiết đặt ra để đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản thi hành án, giảm lượng án dân sự tồn đọng. Kê biên tài sản của người phải thi hành án với tư cách là một biện pháp cưỡng chế thi hành án phức tạp được áp dụng nhiều nhất trong hoạt động THADS và mang tính chất quyết định để tổ chức thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đẩy nhanh được tiến trình xử lý tài sản kê biên nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào hoạt động này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần có sự thay đổi trong quy định của pháp luật cho thống nhất, cụ thể và phù hợp.
Căn cứ pháp lý:
– Luật đấu giá tài sản năm 2016.
– Văn bản Hợp nhất Luật THADS số 32/VBHN-VPQH ngày 07/12/2020.
– Nghị định số 82/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2020 về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; THADS; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Thông tư số 108/2020/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản năm 2016
1. Sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật đối với các hoạt động trước khi đưa tài sản kê biên ra đấu giá
Một là, bãi bỏ quy định chấp hành viên tự xác định giá đối với trường hợp tại địa bàn kê biên không có tổ chức thẩm định giá hoặc tổ chức thẩm định giá từ chối ký hợp đồng thẩm định giá.
Trong giai đoạn hiện nay khi các tổ chức thẩm định giá phát triển rất mạnh cả về số lượng và chất lượng thì việc tồn tại hình thức chấp hành viên xác định giá trị tài sản kê biên là không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, để bảo đảm trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án không bị khiếu nại, thắc mắc không đáng có từ các đương sự, tác giả đề xuất bãi bỏ quy định này điểm a, khoản 3, Điều 98, Luật THADS năm 2014.
Hai là, bãi bỏ quy định Chấp hành viên được quyền bán đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 101, Luật THADS năm 2014.
2. Sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật đối với các hoạt động tổ chức đấu giá tài sản kê biên
Thứ nhất, sửa đổi quy định về thời hạn để ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THADS.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 101, Luật THADS năm 2014: “Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá”. Thực tế thực hiện quy định này, chấp hành viên và tổ chức đấu giá tài sản khi áp dụng có những tranh cãi khi xác định thời điểm “kể từ ngày định giá là ngày nào”? Bên cạnh đó, quy định này lại chưa loại trừ được ngoại lệ của thời hạn để ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THADS đối với tài sản chung và chưa tính đến cả thời gian để cho chấp hành viên lựa chọn tổ chức đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản. Như vậy cần sửa lại quy định tại khoản 2 Điều 101, Luật THADS năm 2014:
“Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá” như sau: “Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày lựa chọn được tổ chức đấu giá, trừ trường hợp tài sản bán đấu giá là tài sản chung”.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến nội dung của Quy chế đấu giá tài sản.
Thực tiễn cho thấy Quy chế tài sản không chỉ dừng lại để quy định về tài sản, thời gian, địa điểm xem tài sản, thời gian, địa điểm bán hồ sơ, cách thức đấu giá thông qua hình thức, phương thức đấu giá mà còn cần phải quy định các điều kiện cơ bản mà người trúng đấu giá phải thực hiện khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản sau này. Để bảo đảm không mâu thuẫn giữa điểm d khoản 1 Điều 41, Luật Đấu giá tài sản với Điều 42, Luật Đấu giá tài sản tác giả đề nghị bổ sung quy định về bước giá trong quy chế đấu giá tài sản và quy định về bước giá là một trong những nội dung bắt buộc trong Quy chế đấu giá tài sản. Để bảo vệ quyền hợp ích hợp pháp của người tham gia đấu giá, trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu giá tài sản trong thời gian tới cần quy định một khung bước giá phù hợp chẳng hạn từ 1% đến 5% giá trị tài sản. Người có tài sản có quyền xác định bước giá trong giới hạn của khung bước giá này, tránh việc tùy tiện trong việc xác định bước giá, bước giá quá thấp hoặc quá cao trong cuộc đấu giá.
Thứ ba, sửa đổi bổ sung quy định liên quan đến thông báo, niêm yết theo hướng chặt chẽ hơn.
Pháp luật về bán đấu giá tài sản cần quy định về đăng thông báo trên một báo in chuyên trách về đấu giá thay cho việc đăng thông báo bán đấu giá trên tất cả các loại báo in hiện nay. Chúng ta đã có một báo riêng về hoạt động đấu thầu thì cũng cần phải xây dựng một báo riêng về hoạt động đấu giá. Bên cạnh đó, trong các kênh phát sóng của truyền hình cũng cần xây dựng chuyên mục về bán đấu giá tài sản và pháp luật về bán đấu giá cũng cần quy định việc đăng báo hình trên truyền hình trung ương phải đăng trong chuyên mục về bán đấu giá tài sản để khách hàng có thể nắm bắt được thông tin về bán đấu giá mọi loại tài sản trong đó có tài sản THADS.
Thứ tư, bổ sung một điều luật quy định cụ thể trong Luật đấu giá tài sản về quyền, nghĩa vụ của người đăng ký tham gia đấu giá; bổ sung quy định đối với tổ chức đấu giá về thời gian để xác định điều kiện tham gia đấu giá của tổ chức, cá nhân, trường hợp xác định điều kiện đăng ký tham gia đấu giá ít nhất là từ 02 đến 03 ngày làm việc.
Thứ năm, sửa quy định về cách thức xác định người trúng đấu giá đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu theo hướng giống với cách thức xác định người trúng đấu giá theo hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói.
Theo đó người trả giá từ vòng bỏ phiếu đầu tiên phải chấp nhận giá khởi điểm (trong trường hợp công bố công khai giá khởi điểm), và giá trúng đấu giá phải cao hơn giá khởi điểm thì mới đúng với nguyên tắc đấu giá lên. Như vậy, Điều 42 của Luật Đấu giá tài sản phải được sửa như sau: “Cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá. đấu giá viên công bố người trả giá cao nhất và công bố người đó là người trúng đấu giá với điều kiện giá đã trả ít nhất phải cao hơn giá khởi điểm trong trường hợp công bố công khai giá khởi điểm”. Tương tự như trên thì đoạn 3, khoản 3, Điều 43 của Luật đấu giá tài sản cũng phải sửa như sau: “Đấu giá viên công bố phiếu trả giá cao nhất và ít nhất giá đã trả phải cao hơn giá khởi điểm là người trúng đấu giá”.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá gián tiếp quy định tại điều 43, Luật đấu giá tài sản.
Luật đấu giá cần có hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức bảo mật phiếu trả giá. Khách hàng có thể bảo mật bằng nhiều cách thức khác nhau như bọc giấy than, bọc giấy bạc trước…nhưng sau đó thống nhất phải cho vào phong bì của tổ chức đấu giá. Sửa quy định khoản 2, Điều 43 Luật đấu giá tài sản chặt chẽ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tham gia đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp: “Người tham gia đấu giá gửi phiếu trả giá qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp tại tổ chức đấu giá. Tổ chức đấu giá phải lập biên bản nhận phiếu trả giá với khách hàng trong trường hợp nhận phiếu trả giá trực tiếp. Trong trường hợp nhận phiếu trả giá qua đường bưu điện cũng phải lập biên bản ký xác nhận thời gian nhận phiếu trả giá với nhân viên bưu chính”
3. Sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật đối với các hoạt động sau cuộc đấu giá
Thứ nhất, bổ sung quy định về việc bàn giao tài sản theo thỏa thuận của các bên
Tác giả cho rằng, việc bàn giao tài sản cần thiết phải quy định một thời gian cứng của Luật nhưng cũng cần thiết phải có một quy định tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao lưu dân sự. Vì vậy, cần bổ sung vào quy định trên như sau: “Trường hợp người mua được tài sản có thỏa thuận kéo dài thời gian bàn giao tài sản thì cơ quan THADS dân sự sẽ tổ chức bàn giao tài sản theo thỏa thuận của các bên, không bên nào phải bồi thường cho bên nào trong việc chậm bàn giao tài sản.”
Thứ hai, sửa đổi các quy định về đấu giá không thành.
Cần bổ sung thêm trường hợp đấu giá tài sản lần đầu theo quy định tại Điều 49, Luật đấu giá tài sản là một trong những trường hợp đấu giá không thành trong quy định tại Điều 52, Luật đấu giá tài sản. Bổ sung thêm trường hợp đấu giá trực tiếp bằng lời nói chỉ có 01 khách hàng trả giá bằng giá khởi điểm tại Điều 41, Luật đấu giá tài sản là trường hợp đấu giá không thành trong quy định tại Điều 52, Luật đấu giá tài sản.
Qua thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về xử lý tài sản kê biên của người phải thi hành án cho thấy việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về THADS mà cụ thể là Luật THADS năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá trong Luật Đấu giá tài sản trong việc xử lý kê biên tài sản của người phải thi hành án lại là một vấn đề cấp thiết. Việc khẩn trương hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý nêu trên trong thời gian tới sẽ đảm bảo công tác thi hành án được thống nhất, đúng quy định, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản kê biên trong THADS, giảm lượng án tồn đọng, hội nhập kinh tế, quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.