Thoả thuận vừa là một nguyên tắc rất quan trọng, vừa là phương thức thực hiện đối với việc xác lập quan hệ dân sự cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh. Bài viết tập trung phân tích về bản chất thoả thuận, vai trò, ý nghĩa cũng như nguyên tắc của thỏa thuận trong giải quyết vụ việc dân sự.
1. Thỏa thuận là gì?
Thoả thuận, trong tiếng anh là “discussion” hoặc “agreement”, là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến, đặc biệt trong góc độ pháp lý khi đề cập đến các quan hệ tư (còn gọi là quan hệ dân sự) hoặc hợp đồng. Theo nghĩa rộng nhất, thoả thuận được hiểu “bất kỳ sự đồng ý của hai hay nhiều chủ thể cho dù có hay không hậu quả pháp lý”[1]. Thực sự, quan niệm thoả thuận ở góc độ này được nhìn nhận trong mối liên hệ có phát sinh hay không phát sinh một hậu quả pháp lý – tức là các quyền, nghĩa vụ của chủ thể trong một mối quan hệ mà pháp luật ghi nhận, bảo hộ thực hiện. Tuy nhiên, với quan niệm này cho thấy đặc điểm nổi bật là “sự đồng ý”, sự gặp gỡ ý chí của từ hai chủ thể trở lên về một nội dung, một vấn đề, thậm chí một quan điểm nhất định.
Sự thoả thuận được đề cập như một lẽ tự nhiên trong đời sống con người. Mỗi cá thể người tồn tại trong xã hội, dù ở xã hội phát triển như ngày nay hay xã hội trước đây, thậm chí cả trong xã hội nguyên thuỷ được ghi nhận là “động vật cấp cao” có sự phát triển trí tuệ nhất định. Sự phát triển trí tuệ này được thể hiện rõ nét qua việc mỗi cá thể có tư duy độc lập, quan điểm riêng biệt về bất kỳ vấn đề gì xảy ra trong đời sống hàng ngày. Khi các vấn đề trong đời sống hàng ngày (còn được gọi đời sống xã hội) phát sinh nhiều khi sẽ liên quan đến nhiều chủ thể cùng một lúc như những vấn đề thuộc tự nhiên (lũ lụt, hạn hán, hoả hoạn…) cho đến các vấn đề thuộc về riêng con người như câu chuyện chia sẻ lợi ích, chăm sóc lẫn nhau… Lúc này, các chủ thể có liên quan cần có sự trao đổi để các vấn đề được giải quyết phù hợp theo nhu cầu của mỗi người trong mối quan hệ hài hoà với lợi ích các chủ thể với nhau. Do đó, thoả thuận – một thuật ngữ định danh cho quá trình các bên trao đổi quan điểm đi đến thống nhất với nhau để đạt được một đường hướng chung trong thực hiện công việc hoặc giải quyết sự khác biệt trong quan điểm giải quyết vụ việc chung đó. Qua sự phân tích nêu trên cho thấy, thoả thuận có những đặc điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, thoả thuận chỉ được đặt ra trong bối cảnh phát sinh sự khác biệt trong quan điểm của con người trước nhiều vấn đề xã hội phát sinh mà làm ảnh hưởng đến nhiều người. Đây sẽ là căn cứ khởi thuỷ để các chủ thể có liên quan cần thực hiện thoả thuận và đi đến thống nhất với nhau cách thức thực hiện tiếp theo.
Thứ hai, thoả thuận là một quá trình của sự trao đổi thông qua việc thể hiện ý chí các bên ra bên ngoài dưới nhiều hình thức như lời nói, văn bản… Thoả thuận là một quá trình mà có thể diễn ra nhanh chóng hoặc lâu dài. Sự nhanh chóng hay lâu dài phụ thuộc nhiều yếu tố: yếu tố khách quan như sự phức tạp của vấn đề, sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau lên vấn đề đó, quan niệm xã hội về vấn đề phát sinh… hay yếu tố chủ quan như quan niệm sống từng cá nhân, tính cách, điều kiện sống… của mỗi chủ thể đang tham gia quá trình thoả thuận. Tuy nhiên, quá trình này là chuỗi bày tỏ quan điểm, đưa ra đề xuất để có thể thống nhất các quan điểm.
Thứ ba, thoả thuận gắn liền với sự tự do được thể hiện những mong muốn bên trong của mỗi chủ thể. Mỗi chủ thể có những suy nghĩ riêng về mỗi vấn đề nên đòi hỏi các chủ thể phải thể hiện ra bên ngoài để giúp cho các chủ thể khác nhận biết được suy nghĩ của mình. Thế nên, quá trình thoả thuận chính là quá trình các chủ thể cùng nhau thể hiện ra bên ngoài những suy nghĩ, mong muốn của mình về cùng một vấn đề. Mỗi chủ thể cần tôn trọng, lắng nghe những mong muốn của phía bên kia để cùng đi đến thống nhất trong quan điểm về từng vấn đề cụ thể phát sinh.
Thứ tư, thoả thuận cần mang đến kết quả có sự thống nhất về quan điểm đối với vấn đề mà các bên trước đó đã có quan điểm khác nhau. Ý nghĩa, tầm quan trọng của thoả thuận phải được thể hiện ở khía cạnh này. Suy cho cùng, sự chia sẻ quan điểm của các chủ thể, điều chỉnh sự khác biệt làm sao để về cùng một điểm đối với hướng giải quyết các vấn đề phát sinh là yếu tốt quan trọng nhất. Do đó, nếu như các chủ thể không thể tìm được hướng đi chung giải quyết vấn đề thì sự thoả thuận của các chủ thể sẽ không có ý nghĩa nữa. Nên chính vì vậy, nói đến thoả thuận là nói đến một kết quả tích cực trong giải quyết vấn đề phát sinh.
2. Vai trò sự thoả thuận trong các quan hệ dân sự
Nhắc đến các quan hệ dân sự là nhắc đến thoả thuận. Nói một cách khác, thoả thuận trở thành nguyên tắc đối với các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng nhất. Tức là, quá trình xác lập các giao dịch dân sự và khi các giao dịch hợp pháp để hình thành nên các quan hệ dân sự thì chủ yếu dựa trên nguyên tắc thoả thuận. Quan hệ dân sự được định danh cho quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng về địa vị pháp lý. Chính địa vị ngang nhau cho phép các chủ thể đều được quyền thể hiện ý chí và không ai có quyền áp đặt ý chí của mình lên người khác. Chính vì thế, sự thoả thuận như một lẽ tự nhiên trong quan hệ dân sự, trở thành con đường hình thành và là nguyên tắc đương nhiên dành cho nhóm quan hệ này. Nếu xét về vai trò, mối quan hệ giữa thoả thuận với quan hệ dân sự nói chung có thể thấy qua các khía cạnh sau:
Thoả thuận là cách thức để quan hệ dân sự hình thành. Các chủ thể được phép bày tỏ ý chí, thống nhất ý chí để xác lập nên quan hệ giữa các chủ thể với nhau. Khi quan hệ này chính thức xác lập, các chủ thể có quyền, nghĩa vụ và phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Nói một cách khác, chỉ những sự thoả thuận mà sau đó, các chủ thể có sự ràng buộc, phải thực hiện các nghĩa vụ với nhau thì lúc đó mới được coi là thoả thuận có tính pháp lý, tức là pháp lý ghi nhận và bảo hộ thực hiện.
Thoả thuận là cách thức để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong vấn đề dân sự. Mặc dù đây không phải là phương thức duy nhất để giải quyết những vấn đề bất đồng, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự nhưng vẫn luôn là phương thức cơ bản nhất và thực hiện đầu tiên. Điểm xuất phát của quan hệ dân sự là sự thoả thuận thì cách thức kết thúc các tranh chấp sao cho hài hoà nhất, đảm bảo quyền lợi các bên nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí nhất, tiệm cận gần nhất đến sự tự nguyện của các bên vẫn chỉ bằng con đường thoả thuận, mà ở giai đoạn này còn được gọi dưới thuật ngữ hoà giải. Hoà giải thực chất là sự thoả thuận trong khi các bên phát sinh tranh chấp hướng đến hài hoà lợi ích của các bên.
Tóm lại, thoả thuận đóng vai trò vô cùng quan trọng, luôn luôn gắn liền với quá trình hình thành, thực hiện và chấm dứt các quan hệ dân sự. Phương pháp này là sự thể hiện bản chất của quan hệ dân sự – nhóm quan hệ của các chủ thể có sự bình đẳng về địa vị pháp lý.
3. Nguyên tắc thoả thuận trong pháp luật dân sự
Mối liên hệ tất yếu giữa sự thoả thuận với các quan hệ pháp lý dựa trên sự bình đẳng về địa vị pháp lý (chính là các quan hệ dân sự) đã tạo nên một nguyên tắc được luật hoá và đảm bảo thực thi là nguyên tắc thoả thuận trong các quan hệ dân sự. Nguyên tắc đã trở thành nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong các pháp luật các nước. Với các nước theo hệ thống Civil Law[2] có Bộ luật Dân sự là luật gốc trong lĩnh vực luật tư thì nguyên tắc này được ghi nhận là nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật. Đơn cử như, nguyên tắc thoả thuận được ghi nhận trong Điều 10 Bộ luật Dân sự Iran, Điều 7 Bộ luật Dân sự của Trung Quốc, Điều 6 Bộ luật Dân sự Philippines, Điều 6 Bộ luật Dân sự Pháp, Điều 7 Bộ luật Dân sự bang Louisiana[3].
Tại Việt Nam, khi Bộ luật Dân sự đầu tiên năm 1995 ban hành sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, giành được độc lập, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội theo định hướng kinh tế thị trường thì nguyên tắc thoả thuận được ghi nhận là một nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt. Tại Điều 7, Bộ luật Dân sự năm 1995 ghi nhận “nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận” với nội dung: “Quyền tự do cam kết, thoả thuận phù hợp với quy định của pháp luật trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm. Trong giao lưu dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào. Mọi cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên”. Trong Bộ luật Dân sự năm 1995, thoả thuận gắn liền với tự do, tự nguyện của các bên chủ thể. Nhưng trong nguyên tắc ghi nhận rất rõ, khi các chủ thể được tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận và những cam kết, thoả thuận này hợp pháp thì có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên chủ thể tham gia.
Đến Bộ luật Dân sự năm 2005, nguyên tắc thoả thuận tiếp tục được kế thừa, ghi nhận tại Điều 4. Về cơ bản, nội dung nguyên tắc này không có sự thay đổi nhiều so với Bộ luật Dân sự năm 1995 ngoài việc chỉnh sửa câu chữ, từ ngữ cho phù hợp với thực tiễn áp dụng cũng như góc nhìn mới trong khoa học pháp lý.
Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, nguyên tắc thoả thuận được quy định trong khoản 2 Điều 3 về “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện, cam kết, thoả thuận. Mọi cam kết, thoả thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khac tôn trọng”. Như vậy, sự thoả thuận là nền tảng cơ bản trong suốt quá trình từ xác lập, thực hiện hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên. Thoả thuận của các chủ thể bị giới hạn bởi điều cấm pháp luật và yêu cầu đạo đức xã hội. Nói một cách khác, các chủ thể được phép tự do thoả thuận nhưng không được vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc đi ngược với đạo đức xã hội.
Khi có tranh chấp xảy ra, thoả thuận là phương pháp được ưu tiên trước nhất trong giải quyết. Chỉ khi các bên không có sự thoả thuận thì lúc đó mới áp dụng các quy phạm trực tiếp điều chỉnh hoặc áp dụng tập quán hoặc áp dụng tương tự pháp luật hoặc áp dụng án lệ, lẽ công bằng vào giải quyết vụ việc dân sự. Do đó, trong thứ tự ưu tiên giải quyết vụ việc dân sự, sự thoả thuận của các bên chủ thể là phương pháp đầu tiên và được ưu tiên trước nhất.
Sự ghi nhận của pháp luật dân sự nói chung, trong đó có pháp luật dân sự Việt Nam dành cho nguyên tắc thoả thuận trong suốt lịch sử khoa học pháp lý cho thấy nguyên tắc này gắn liền với bản chất của dân sự, làm nên đặc trưng của dân sự so với các lĩnh vực khác cũng như quan hệ pháp luật dân sự so với các nhóm quan hệ xã hội khác.
[1] Nguyễn Thị Mai Hương (2009), So sánh chế định giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ, Luận văn thạc sĩ luật học, khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 22.
[2] Còn được gọi tên là “hệ thống pháp luật lục địa (continental Law), hệ thống Luật dân sự (Civil law) hay gọi đơn giản hơn là hệ thống pháp luật Pháp – Đức. Đây là hệ thống pháp luật lớn nhất thế giới được xây dựng trên nền tảng di sản của Luật La Mã (ius civile), phát triển ở các nước Pháp, Đức và một số nước lục địa Châu Âu” và “hệ thống pháp luật của các nước này nhìn chung đều chịu ảnh hưởng của Luật La Mã, luật vật chất được coi trọng hơn luật thủ tục, luật tư là lĩnh vực pháp luật được coi trọng hơn cả” (Nguồn: Nguyễn Minh Tuấn (2007), Tập bài giảng Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia
[3] Lê Nguyễn Gia Thiện, Lê Nguyễn Gia Phúc (2014), Những nguyên tắc cơ bản của các Bộ luật Dân sự trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam