Một số kiến nghị trong áp dụng thoả thuận trong giải quyết vụ việc dân sự

mot-so-kien-nghi-trong-ap-dung-thoa-thuan-trong-giai-quyet-vu-viec-dan-su

Mặc dù phương pháp thỏa thuận còn một số điểm hạn chế nhất định so với các biện pháp giải quyết khác dành cho vụ việc dân sự. Mặc dù vậy, đây vẫn là phương pháp có nhiều ưu điểm, tích cực, vẫn tiếp tục được ưu tiên áp dụng trong hoạt động giải quyết tại Toà án dành cho nhóm vụ việc này. Do vậy, việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để hoàn thiện phương pháp thoả thuận cũng sẽ là yêu cầu tất yếu.

1. Hoàn thiện cơ chế áp dụng nguyên tắc thoả thuận trong giải quyết vụ việc dân sự

Phương pháp thoả thuận là phương pháp luôn gắn liền với bản chất của quan hệ dân sự. Do vậy, các chủ thể trong xã hội không thể và không có khả năng loại bỏ được phương pháp này trong giải quyết vụ việc dân sự. Khi nhóm quan hệ bình đẳng về địa vị pháp lý vẫn còn tồn tại thì đương nhiên phương pháp này tiếp tục được ghi nhận, là cơ sở hình thành quan hệ cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện quan hệ này.

Phương pháp thoả thuận là phương pháp cho phép các chủ thể được tự do, tự nguyện bày tỏ ý chí của mình liên quan đến vụ việc dân sự đang phát sinh. Trong các nhóm quan hệ pháp lý, những nhóm quan hệ mà chủ thể không có vị thế tương xứng, ngang bằng nhau thì chỉ được xác lập trong các hợp luật quy định bắt buộc. Còn những nhóm quan hệ mà chủ thể mong muốn được tham gia phải là những quan hệ mà chủ thể được tự do, tự nguyện bày tỏ những mong muốn của mình.

Khi tham gia vào những nhóm này, các chủ thể sẽ được sử dụng phương thức tự do thoả thuận. Thế nên, phương pháp thoả thuận vừa là cách thức để thể hiện ý chí bên trong của mình, vừa là con đường để tạo lập nên các quan hệ của mình với các chủ thể khác có địa vị ngang với mình.

Phương pháp thoả thuận cho phép tiết kiệm thời gian, chi phí và giúp thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế – xã hội. Phương pháp thoả thuận được coi là phương pháp nhanh nhất, không mất chi phí và không phải tuân thủ theo các trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Trong các quan hệ pháp lý phát sinh, thực hiện, hiệu qủa kinh tế được đo bằng việc tiết kiệm thời gian, giảm thiểu hoặc không mất chi phí cho các chủ thể. Chính vì lẽ đó, trong nhiều phương pháp thì phương pháp thoả thuận sẽ là tối ưu dành cho các chủ thể, đặc biệt trong giải quyết vụ việc dân sự.

Phương pháp thoả thuận là phương pháp thể hiện sự văn minh của nền văn hoá nhân loại ngày nay. Nội dung này cần nhìn nhận rằng, trong xã hội văn minh, hiện đại, các mâu thuẫn luôn luôn phát sinh nhưng cách giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phải văn minh nhất, tức là có sự đối thoại, tránh xung đột và làm gay gắt vấn đề. Nên chính vì thế, xã hội càng văn minh, hiện đại thì đòi hỏi các chủ thể phải sẵn sàng cùng ngồi lại, bàn bạc, thống nhất giải quyết vấn đề.

2. Cơ sở để hoàn thiện cơ chế áp dụng nguyên tắc thoả thuận

Như đã phân tích, việc tiếp tục áp dụng nguyên tắc thoả thuận vào giải quyết vụ việc dân sự là tất yếu giống như áp dụng cách thức này trong xác lập, thực hiện các quan hệ pháp luật dân sự. Thế nên, để hoàn thiện các nguyên tắc này thì cần phải thực hiện trên các cơ sở sau:

Trước hết, dựa trên bản chất của quan hệ dân sự. Các phương pháp nói chung, trong đó có phương pháp thoả thuận dù được hoàn thiện, đổi mới theo hướng nào thì vẫn phải luôn gắn với bản chất của quan hệ dân sự, tức là các chủ thể có địa vị ngang bằng về địa vị pháp lý, được phép tự do, tự nguyện thể hiện ý chí. Thế nên, các chủ thể đều được phép thể hiện những mong muốn bên trong của mình ra bên ngoài và các chủ thể khác không được quyền áp đặt ý chí của mình lên phía bên kia.

Thứ hai, phương pháp thoả thuận phải được hoàn thiện trên cơ sở tôn trọng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội, đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích từng chủ thể với lợi ích của quốc gia, lợi ích cộng đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.

Vấn đề lớn nhất của pháp luật khi hướng đến mục tiêu đảm bảo sự cân bằng xã hội chính là đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích của các chủ thể trong xã hội đó. Do vậy, mọi sự tự do, tự nguyện, thoả thuận trong quá trình xác lập, thực hiện các quan hệ dân sự chính là phải có sự tôn trọng nhất định đối với lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng và quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Để thực hiện cơ sở này, thông thường, pháp luật các quốc gia sẽ quy định nguyên tắc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và không xâm phạm đến quyền, lợi ích của các chủ thể khác.

Đây sẽ là hai cơ sở cơ bản để hoàn thiện nguyên tắc thoả thuận cũng như áp dụng phương pháp này vào xác lập, thực hiện các quan hệ dân sự cũng như giải quyết các vụ việc dân sự.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện cơ chế áp dụng nguyên tắc thoả thuận

Nguyên tắc thoả thuận là một trong các nguyên tắc lâu đời nhất của pháp luật dân sự nên việc áp dụng nguyên tắc này không còn xa lạ đối với các chủ thể. Tuy nhiên, dù được áp dụng lâu dài, liên tục thì cơ chế áp dụng nguyên tắc thoả thuận vẫn luôn có nhiều vướng mắc, đặc biệt là không giải quyết triệt để các trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các bên chủ thể. Do đó, nguyên tắc thoả thuận này cần hoàn thiện hơn về cơ chế áp dụng, đặc biệt trong giải quyết vụ việc dân sự. Một số hướng hoàn thiện cụ thể gồm:

Thứ nhất, tuyên truyền tới các chủ thể về bản chất của nguyên tắc thoả thuận, vai trò của sự thoả thuận trong giải quyết vụ việc dân sự. Rất nhiều chủ thể trong xã hội, đặc biệt với nhóm cá nhân có nhận thức pháp luật không cao chưa có sự hình dung đầy đủ về phương pháp thoả thuận, đặc biệt những lợi ích mà phương pháp thoả thuận đem lại. Khi phát sinh tranh chấp trong quan hệ dân sự, nhiều chủ thể còn mang nặng tính “ăn thua”, phải phân định rạch ròi “người đúng kẻ sai” nên từ chối sự thoả thuận. Thậm chí, nhiều chủ thể cho rằng, phán quyết của Toà án là thước đo cho việc xác định lỗi, trách nhiệm của từng chủ thể trong vụ việc dân sự.

Thứ hai, Toà án phát huy vai trò phổ biến, khuyến khích các chủ thể áp dụng phương pháp thoả thuận trong giải quyết vụ việc dân sự. Khi giải quyết vụ việc dân sự tại Toà án, nhiều chủ thể không nhận thức đầy đủ được nguyên tắc thoả thuận này nên chính các thẩm phán, thư ký toà án luôn luôn cần giải thích, khuyến khích các chủ thể áp dụng. Cán bộ Toà án cần trọng tâm giải thích tính cần thiết, hiệu quả tích cực nếu như các chủ thể áp dụng phương pháp thoả thuận trong giải quyết vụ việc.

Trong nhiều trường hợp, pháp luật không thể bằng quy định của mình để giải quyết triệt để, hợp lý và hợp cả tình cho tranh chấp của chủ thể, đặc biệt trong quan hệ về hôn nhân gia đình, quan hệ thừa kế… nên chính vì lẽ đó các chủ thể chỉ có thể dùng phương pháp thoả thuận để đạt được các mục tiêu nêu trên. Hiện nay, ngành Toà án đề cao kết quả hoà giải thành của các chủ thể trong giải quyết vụ việc dân sự và ghi nhận tính tích cực cho cán bộ Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc này.

Thứ ba, nâng cao sự tôn trọng đối với kết quả thoả thuận trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Bản thân kết quả thoả thuận được các chủ thể ghi nhận cũng đóng vai trò là một giao dịch dân sự làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của chủ thể theo nội dung mới này. Nhiều chủ thể cho rằng, thoả thuận xong các nội dung nhưng nếu sau đó không muốn thực hiện thì hoàn toàn có quyền huỷ bỏ mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Nếu tư duy theo hướng này thì những chi phí về thời gian, công sức, nhân lực, vật lực cho giai đoạn thoả thuận sẽ trở nên vô nghĩa, lãng phí.

Đặc biệt hơn nữa, vụ việc dân sự được giải quyết tại Toà án, là nhiệm vụ mà các cán bộ Toà án được giao phải thực hiện nên nếu như khâu thoả thuận liên tục thay đổi theo chu kỳ thành rồi không thành thì sẽ mất rất nhiều thời gian, lượng công việc sẽ bị quá tải do ùn ứ nhiều vụ việc và không thể giải quyết triệt để được các công việc đã phát sinh.

Do đó, phải phân tích, giúp cho các chủ thể có trách nhiệm với chính kết quả thoả thuận mà mình thực hiện. Thậm chí, chủ thể nào có lỗi để kết qủa thoả thuận bị huỷ bỏ hoặc không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì chủ thể đó cũng phải gánh chịu những hậu quả pháp lý mang tính bất lợi. Thực ra, nếu hoàn thiện theo hướng này thì cũng phù hợp nguyên tắc cơ bản khác trong luật dân sự đó là nguyên tắc tự chịu trách nhiệm. Bất kỳ chủ thể nào đã cam kết, thoả thuận thì đều phải chịu trách nhiệm với những cam kết, thoả thuận đó của mình.

Thứ tư, thúc đẩy sự ra đời các Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước cũng như sớm ban hành Luật Hoà giải. Việc ra đời Luật Hoà giải sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiệc thoả thuận tại Toà án giải quyết các vụ việc dân sự. Còn sự ra đời Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án cho phép vừa định hướng, vừa hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể thực hiện việc thoả thuận, hoà giải để giải quyết các vụ việc dân sự. Đây là một giải pháp rất quan trọng để thực hiện hiệu quả hơn nữa thoả thuận trong giải quyết vụ việc dân sự.

Hiện tại cũng như tương lai, nguyên tắc và phương pháp thoả thuận vẫn tiếp tục song hành cùng với sự hình thành, thực hiện quan hệ pháp luật dân sự và giải quyết các vụ việc dân sự. Do đó, việc hoàn thiện hơn nữa nội dung nguyên tắc, cách thức áp dụng thoả thuận là một yêu cầu tất yếu, khách quan. Chính vì thế, các giải pháp để hoàn thiện luôn cần được nghiên cứu và triển khai áp dụng trong thực tế để thoả thuận ngày càng phát huy được vai trò, tính tích cực của mình trong giải quyết vụ việc dân sự nói riêng và trong xác lập, thực hiện quan hệ dân sự nói chung.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon