Phân biệt tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

phan-biet-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-va-toi-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san-2

Trong cuộc sống hiện đại, khi nền kinh tế phát triển và giao dịch dân sự ngày càng phổ biến, việc bảo vệ tài sản và quyền lợi hợp pháp của mỗi cá nhân, tổ chức trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cùng với đó là sự gia tăng của các hành vi chiếm đoạt tài sản bằng nhiều phương thức tinh vi, trong đó nổi bật là hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Không ít người, trong quá trình bảo vệ tài sản của mình, gặp khó khăn trong việc nhận diện và phân biệt hai tội danh này. Việc hiểu đúng bản chất và điểm khác biệt giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi cũng như trong quá trình xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm.

Vậy lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có điểm giống và khác nhau như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu rõ sự khác biệt giữa hai tội danh này.

Mục Lục

1. Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

1.1. Khái niệm

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Ở đây, “thủ đoạn gian dối” được hiểu là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật, làm cho người bị hại tin tưởng và tự nguyện chuyển giao tài sản cho người phạm tội.

Điều kiện quan trọng để cấu thành tội này là hành vi gian dối phải có trước và dẫn đến việc chiếm đoạt tài sản.

1.2. Các yếu tố cấu thành tội phạm

– Chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội phải đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015.

– Khách thể: Theo pháp luật hình sự, các tội xâm phạm sở hữu là những tội có cùng khách thể là quan hệ sở hữu. Theo đó, mặt khách thể của tội danh này là hành vi xâm phạm trực tiếp vào quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ.

– Mặt khách quan: Bằng cách sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo ra thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Tài sản bị chiếm đoạt ở đây có thể là tiền, vàng, kim loại quý hoặc các vật dụng khác có giá trị. Đồng thời hành vi này phải được hình thành trước khi có được tài sản.

– Mặt chủ quan: Đây là hành vi được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp.Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là gian dối và biết rằng thông tin mình cung cấp là sai lệch, không đúng sự thật. Người phạm tội cũng nhận thức được hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác là trái pháp luật.

2. Về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

2.1. Khái niệm

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 thì Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong các tội thuộc nhóm tội về xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Tội phạm này có đặc trưng là thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Điểm khác biệt nổi bật so với lừa đảo là việc giao tài sản hoàn toàn toàn tự nguyện thông qua các hợp đồng, giao dịch hợp pháp, không có thủ đoạn gian dối lúc đầu. Tuy nhiên, hành vi chiếm đoạt thường xảy ra sau khi người phạm tội đã có được tài sản nhờ sự tin tưởng.

2.2. Các yếu tố cấu thành tội phạm

– Chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự, phải đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Khách thể: là hành vi xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của con người và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.

– Mặt khách quan: người phạm tội chiếm hữu tài sản của người bị hại một cách hợp pháp thông qua các hình thức vay mượn, thuê tài sản của người bị hại hoặc nhận tài sản của người bị hại dưới các hình thức hợp đồng.

Sau khi chiếm hữu tài sản của người bị hại thông qua một trong các hình thức trên, nhưng người phạm tội không thực hiện những gì đã cam kết với người bị hại mà dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho người bị hại.

– Mặt chủ quan: Đây là hành vi được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội có ý thức và biết được hành vi của mình là trái pháp luật. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

3. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Giữa Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015) thì dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn là thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, nhiều trường hợp người bị hại đến trình báo cơ quan Công an tố người phạm tội là lừa đảo, nhưng thực tế, người phạm tội chỉ có hành vi gian dối đối với người bị hại để giãn nợ hoặc có hành vi gian dối để vay được tiền, tài sản hoặc có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình đã vay, mượn của người bị hại trước đó. Vậy trường hợp nào thì coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt, còn trường hợp nào thì coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

3.1. Điểm giống nhau

Thứ nhất, dấu hiệu về chủ thể. Chủ thể thực hiện cả 2 tội danh trên đều là cá nhân, phải có năng lực chịu TNHS và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.

Thứ hai, dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm. Khách thể của hai tội danh này đều tương đồng nhau là chỉ xâm hại quan hệ sở hữu mà không xâm phạm đến quan hệ nhân thân, đây cũng là một điểm khác với các tội chiếm đoạt tài sản khác như cướp tài sản, tội cướp giật tài sản,…. Do đó,  ở cả 2 tội danh này đều không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt.

Thứ ba, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm. Theo ý thức chủ quan quan, ý chí của tội phạm thực hiện hành vi thì hai tội danh này đều được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích chính đều mong muốn chiếm đoạt được tài sản, ngoài ra còn có thể có những mục đích khác nhưng chủ đích vẫn hướng đến việc chiếm đoạt tài sản và đủ các yếu tố cấu thành thì vẫn thì người phạm tội cũng bị truy cứu về các tội danh này.

3.2. Điểm khác nhau

Tiêu chí Lừa đảo chiếm đoạt tài sản Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Ý thức chiếm đoạt tài sản Có ý định chiếm đoạt ngay từ đầu, trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi có được tài sản một cách hợp pháp mới xuất hiện ý định chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng chiếm đoạt Tài sản bị chiếm đoạt do người khác quản lý, có thể là tài sản của Nhà nước. Tài sản bị chiếm đoạt do chính người phạm tội quản lý.
Hành vi Bắt buộc có hành vi gian dối

Thực hiện hành vi gian dối trước thời điểm chuyển giao tài sản.

Có thể có hoặc không có hành vi gian dối

Nếu như có hành vi gian dối thì hành vi này luôn phải thực hiện sau thời điểm chuyển giao tài sản.

Hình thức phạm tội Bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản.

 

– B1. Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng.

-B2. Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Mức hình phạt – Khung hình phạt cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Mức phạt tối đa: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

– Khung hình phạt cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

– Mức phạt tối đa: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Cơ sở pháp lý Điều 174 BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung 2017 Điều 175 BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung 2017

4. Lưu ý cơ bản trong thực tiễn xét xử

Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có tính chất chiếm đoạt tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng thường nhầm lẫn trong việc định tội danh do dấu hiệu pháp lý đặc trưng của những tội phạm này có điểm tương đồng là việc diễn ra tương đối phổ biến, dẫn đến hệ quả truy tố, xét xử không đúng với bản chất của hành vi phạm tội và là một trong những nguyên nhân khiến bản án bị hủy hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Ví dụ: Ông Ngô H cho bà Bùi C vay số tiền 1,2 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, sau đó thị trường bất động sản bị “đóng băng” dẫn đến căn hộ chung cư của bà C không giao dịch được, vì vậy hai bên đã thỏa thuận chuyển nhượng quyền sở hữu căn hộ cho ông H để trừ nợ. Đến thời điểm làm thủ tục chuyển nhượng theo thỏa thuận, bà C vì muốn dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ trên cầm cố vay thêm tiền để trả nợ nên đã viện lý do mất giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ để trì hoãn. Sau đó bà C đã liên hệ bà Lê M vay 1,5 tỷ. Đến tháng 3/2020, vì không có khả năng trả nợ nên bà C đã thỏa thuận và làm thủ tục chuyển nhượng căn nhà nêu trên cho bà M. Khi ông H biết được hành vi trên đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra. Các cơ quan tố tụng nhận định hành vi của bà C cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 và xác định bị hại là ông H vì cho rằng bà C đã thực hiện giao dịch bán chung cư cho ông H nhưng khi nhận tiền lại nảy sinh ý định không thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng, đồng thời chiếm đoạt số tiền đã nhận bằng cách nói dối ông H là đã làm mất giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư.

Trên thực tế, quá trình điều tra cho thấy rõ ý định ban đầu của bà C là bán căn nhà cho ông H để trừ nợ, giao dịch dân sự giữa bà C và ông H đã hoàn thành và ông H trở thành chủ sở hữu căn hộ chung cư trên kể từ thời điểm thanh toán đủ số tiền như thỏa thuận và ông H trực tiếp quản lý căn hộ; bà C đã có hành vi lừa dối bà M bằng cách che giấu việc căn chung cư đã được bán cho ông H để chiếm đoạt tài sản của bà M. Hành vi của bà C đã cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 với nạn nhân là bà M. Xác định bà C lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không phù hợp với tính chất hành vi phạm tội.

Do đó, việc xác định đúng bản chất giữa các tội danh có yếu tố dễ nhầm lẫn là điều vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án

Trên đây là các nội dung nhằm phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự 2017 mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp quý khách hàng vẫn còn đang thắc mắc hoặc cần được tư vấn khác, vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Gọi ngay
Gọi ngay