Tổng quan về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

tong-quan-ve-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Bài viết phác hoạ những nội dung cơ bản của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò và những yếu tố quan trọng của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, bài viết cũng nghiên cứu và đánh giá những điểm mới cơ bản của Bộ luật dân sự năm 2015 so với các văn bản pháp luật trước đó về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để từ đó làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về từng khía cạnh của vấn đề này.

1. Khái niệm và đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trách nhiệm hiểu theo nghĩa chung nhất là “điều phải làm, phải gánh vác, phải nhận lấy về mình”. Vì rằng con người không thể tách mình ra khỏi xã hội và cuộc sống cộng đồng nên đòi hỏi phải có các quy phạm điều chỉnh xử sự của họ theo một trật tự chung nhất định. Khi con người bằng ý thức và ý chí của mình lựa chọn cách xử sự đi trái với lợi ích của xã hội, người đó phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, hoặc là trách nhiệm xã hội hoặc là trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý là hệ thống những quy định của nhà nước về các biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải gánh chịu những hậu quả bất lợi được quy định ở các chế tài của quy phạm pháp luật.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) là một chế định quan trọng của pháp luật dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho những người bị thiệt hại từ hành vi xâm phạm của người khác. Ở các nước khác nhau thì vấn đề trách nhiệm BTTH được qui định khác nhau về hình thức bồi thường và cách xác định thiệt hại. Tuy nhiên, tất cả đều hướng tới một nguyên tắc thống nhất người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc này đã được thể hiện một cách rõ ràng trong pháp luật của các quốc gia trên thế giới như:

  • Theo Điều 1382 Bộ luật dân sự (BLDS) Pháp thì bất cứ hành vi nào của một người gây thiệt hại cho người khác thì người đã gây thiệt hại do lỗi của mình phải bồi thường thiệt hại, còn Điều 1383 BLDS Pháp cũng với nội dung tương tự khi quy định mỗi người phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do mình gây ra, không những do hành vi mà còn do sự cẩu thả hoặc không thận trọng.
  • Điều 420 BLDS Thái Lan ghi nhận một người cố tình hay vô tình làm tổn thương một cách trái pháp luật đến đời sống thân thể, sức khỏe, tự do, tài sản hoặc bất cứ quyền nào của người khác thì bị coi là phạm một hành vi sai trái và có nghĩa vụ bồi thường tổn thương đó; trong khi BLDS Nhật Bản lại qui định rõ yêu cầu BTTH sẽ có giá trị đối với việc bồi thường các thiệt hại mà bình thường sẽ xảy ra do việc không thực hiện trái vụ. Trái chủ có quyền được bồi thường cả những thiệt hại xảy ra trong những tình huống đặc biệt, nếu các bên biết trước hoặc phải biết trước những tình huống đó tại Điều 416.

Trong BLDS Việt Nam năm 2015, vấn đề trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng được qui định thành một chương riêng (chương XX). Theo khoản 1 Điều 584: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Như vậy, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng theo quan niệm pháp lý của Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đều được hiểu là hình thức trách nhiệm dân sự mang tính tài sản áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại nhằm bù đắp những tổn thất về vật chất và tinh thần cho bên bị thiệt hại. Qua khái niệm đó, có thể thấy trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng có những đặc điểm pháp lý sau đây:

  • Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự: BTTH là một biện pháp dân sự nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của chủ thể bị thiệt hại. Do vậy, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng mang đầy đủ đặc điểm và tính chất của một trách nhiệm dân sự.
  • Cơ sở phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là sự vi phạm nghĩa vụ ngoài hợp đồng hoặc nghĩa vụ luật định. Sự vi phạm nghĩa vụ được biểu hiện thông qua sự không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật quy định.
  • Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do luật định; không xuất phát từ sự thỏa thuận của các bên. Nguyên tắc của quan hệ dân sự là tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận trong khuôn khổ pháp luật, quan hệ dân sự được xây dựng và duy trì bởi ý chí của các chủ thể tham gia; tuy nhiên, trách nhiệm này được phát sinh không dựa trên sự thoả thuận của các bên. Được hiểu là giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại không có quan hệ hợp đồng, hoặc nếu có quan hệ hợp đồng thì hành vi vi phạm nghĩa vụ không phải là hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Nó có thể liên quan đến hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng như A cho B vay 500 triệu đồng, đến hạn B không trả nợ cho A; A đến gặp B để đòi tiền thì hai bên xảy ra xô xát; A đã đánh B bị thương tích. Do vậy, hành vi A đánh B là hành vi xâm phạm ngoài hợp đồng chứ không phải là hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, cho dù nó có liên quan đến hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng giữa hai bên.
  • Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng có thể được thực hiện bởi người gây thiệt hại nhưng cũng có thể được thực hiện bởi người khác. Mục đích chính của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng theo quan điểm pháp lý của Việt Nam không phải là biện pháp trừng phạt mà chủ yếu nhằm khắc phục hậu quả thực tế. Về bản chất pháp lý, nghĩa vụ bồi thường trong dân sự là một món nợ mà người gây thiệt hại phải trả cho người bị thiệt hại vì những gì anh ta đã làm như là một hậu quả. Giống các món nợ khác, nó có thể được thanh toán bởi bên thứ ba mà không bắt buộc phải là người mang nghĩa vụ như: cha mẹ bồi thường thay cho con chưa thành niên, con không có năng lực hành vi hay chủ sử dụng lao động bồi thường thay cho người làm công…
  • Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng ngoài hợp đồng là trách nhiệm tài sản: Tính tài sản của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng ngoài hợp đồng trước hết được thể hiện ở việc các thiệt hại xảy ra dù là vật chất hay tinh thần đều được xác định dưới hình thức là tài sản. Vì vậy, người gây thiệt hại luôn phải bồi thường bằng tài sản để bù đắp và khôi phục những thiệt hại xảy ra từ hành vi của mình.
  • Giới hạn bồi thường: Nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp thiệt hại ngoài hợp đồng, các thiệt hại được xác định theo quy định của pháp luật và thông thường bao gồm cả thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần. Mức BTTH ngoài hợp đồng có thể được xác định theo thỏa thuận của các bên (có thể ấn định trước một khoản tiền bồi thường trong mọi trường hợp) hoặc theo thiệt hại thực tế.
  • Về các loại trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng: Có nhiều loại trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng dựa trên các tiêu chí phân loại khác nhau.[1] Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng có thể là trách nhiệm bồi thường về vật chất hoặc trách nhiệm BTTH về tinh thần; trách nhiệm BTTH do hành vi của con người gây ra hoặc trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra, trách nhiệm nhiều người hoặc trách nhiệm một người; trách nhiệm liên đới hoặc trách nhiệm riêng rẽ; trách nhiệm hỗn hợp hoặc trách nhiệm độc lập; trách nhiệm dựa trên cơ sở lỗi của người gây thiệt hại (fault-based liability) hoặc trách nhiệm bồi thường không dựa trên yếu tố lỗi (trách nhiệm nghiêm ngặt – strict liability)…

2. Những điểm mới của BLDS năm 2015 và một số nhận xét, đánh giá

Những sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong BLDS năm 2015 đi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm công bằng và nâng cao trách nhiệm giữa các bên, trong đó:

Thứ nhất, các nội dung trong chương XX về trách nhiệm bồi thường thiệt hại không quy định lại và bảo đảm áp dụng thống nhất với quy định chung về trách nhiệm dân sự được quy định từ Điều 351 đến Điều 364 của Bộ luật, theo nguyên tắc: quy định bảo đảm hơn về lẽ công bằng và bảo vệ quyền của người bị vi phạm; không cản trở sự an toàn, thông thoáng của giao lưu dân sự, nhất là quy định về trách nhiệm chứng minh về việc miễn trừ nghĩa vụ bồi thường của bên vi phạm, lỗi, thiệt hại do vi phạm, nghĩa vụ của bên bị vi phạm trong hạn chế thiệt hại của mình, nguyên tắc giảm mức bồi thường…;

Thứ hai, bổ sung quy định về bồi thường thiệt hại do tài sản gây thiệt hại theo nguyên tắc, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại về những thiệt hại do tài sản của mình gây ra, trừ trường hợp thuộc các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra đã phù hợp với nguyên tắc vật quyền: ai đang chiếm hữu (dù hợp pháp hay bất hợp pháp) thì đều phải chịu trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng.

Thứ ba, về yếu tố lỗi trong xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng: Theo nguyên tắc chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xem là phát sinh nếu có đủ 4 yếu tố sau: (1) có thiệt hại thực tế xảy ra; (2) có hành vi trái pháp luật/ hoạt động của tài sản gây thiệt hại; (3) chủ thể gây thiệt hại có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi gây thiệt hại; và (4) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật/ hoạt động của tài sản với thiệt hại xảy ra.

Khoản 1 Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005, Khoản 2 Điều 604 BLDS năm 2005 đã bổ sung quy định như sau “trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó5”. Khi đó, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ gồm 3 yếu tố là: (1) có thiệt hại thực tế xảy ra; (2) có hành vi trái pháp luật/ hoạt động của tài sản gây thiệt hại; và (3) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại/ hoặt động của tài sản với thiệt hại thực tế xảy ra.

Kế thừa quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 nhưng thay đổi kỹ thuật diễn đạt, BLDS năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (ngoài hợp đồng) tại Điều 584 cụ thể như sau:

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng6 hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Nếu quy định của các Bộ luật trước đây (Điều 609 Bộ luật dân sự năm 1995, Điều 604 – BLDS năm 20057 rất nhấn mạnh tới yếu tố lỗi của chủ thể có hành vi gây thiệt hại và lỗi được coi là một căn cứ làm phát sinh trách nhiệm thì nay BLDS [2] [3] [4] năm 2015 quy định theo hướng không dựa trên yếu tố lỗi.[5] Yếu tố lỗi trong BLDS năm 2015 mang tính chất suy đoán cho nên việc chứng minh về lỗi được đảo chiều: nếu trước kia, việc chứng minh là chủ thể gây thiệt hại có lỗi thì nay sẽ chứng minh là chủ thể gây thiệt hại không có lỗi; nếu trước đây chủ thể chứng minh lỗi là người bị thiệt hại thì nay việc chứng minh không có lỗi là của chính người gây thiệt hại; nếu trước đây chứng minh có lỗi để quy kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì nay chứng minh không có lỗi để giải thoát khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo PGS.TS. Đỗ Văn Đại thì việc không quy định yếu tố lỗi trong BLDS năm 2015 là phù hợp với thực tiễn vì thực tiễn ở Việt Nam Toà án vẫn xét xử người điên phải BTTH.[6] Theo tác giả Nguyễn Văn Hợi thì việc loại bỏ yếu tố lỗi cũng là hợp lý vì trách nhiệm BTTH không chỉ phát sinh do hành vi của con người gây ra mà còn do tài sản gây ra. Do đó, trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người sử dụng tài sản không có lỗi cũng phải BTTH là hợp lý vì họ là người được hưởng lợi ích do tài sản mang lại.[7] Hơn nữa, ở góc độ so sánh, Pháp trước đây đã từ rất lâu theo hướng người điên gây thiệt hại (tức không có lỗi) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường.[8] Như vậy, quy định của BLDS năm 2015 theo hướng bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại và đặt gánh nặng chứng minh cho người gây thiệt hại – đây cũng là xu thế của pháp luật cấc nước về vấn đề lỗi và căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của một số nước trên thế giới.

Thứ tư, về nguyên tắc bồi thường, Bộ luật bổ sung quy định người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác; trường hợp bên có quyền, lợi ích vị xâm phạm không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế ngăn chặn thiệt hại cho chính mình thì không được bồi thường (Điều 585). Quy định này dựa trên nguyên tắc thiện chí và công bảo, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng không chỉ của chủ thể bị thiệt hại mà còn của chủ thể gây thiệt hại.

Thứ năm, về mức bồi thường và cơ sở xác định tổn thất về tinh thần của BLDS năm 2015 đã điều chỉnh phù hợp hơn với sự phát triển của nền kinh tế xã hội và bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân của con người, góp phần răn đe, ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến giá trị tinh thần được pháp luật bảo vệ. Bộ luật quy định mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì xác định theo hướng: (i) về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm, mức tối đa cho một người có sức khoẻ bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Điều 590); (ii) Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Điều 591); (iii) thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Điều 592).

Thứ sáu, bổ sung quy định người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xâm phạm thi thể, mồ mả phải bồi thường một khoản tiền và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá ba mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Khoản 3 Điều 606); đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Khoản 3 Điều 607).

Thứ bảy, BLDS năm 2015 chỉ quy định về trách nhiệm BTTH do người thi hành công vụ gây ra và quy định chủ thể phải bồi thường là Nhà nước trên cơ sở quy định của Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước. Quy định này thay thế cho quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra và bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong BLDS năm 2005.

Thứ tám, bộ luật sử dụng thuật ngữ “người chiếm hữu ” thay cho thuật ngữ “người được chủ sở hữu giao chiếm hữu” trong các quy định có liên quan về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để đồng bộ với quy định về chiếm hữu tại Phần thứ hai “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” của Bộ luật.

Thứ chín, về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (ngoài hợp đồng) đã được quy định trong Bộ luật dân sự từ BLDS năm 2005 tại Điều 607 theo đó “thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm”. Nếu thời hiệu tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm là chưa hoàn toàn hợp lý bởi không tính tới yếu tố thực tế chủ thể này có nhận biết được thực tế quyền lợi của mình bị xâm phạm hay không để có hành động pháp lý phù hợp. Chính vì thế, BLDS năm 2015 đã có sự sửa đổi, bổ sung quy định trên của BLDS năm 2005 theo hướng kéo dài thêm thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (ngoài hợp đồng) (tương tự như quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng). Cụ thể, theo quy định tại Điều 588 BLDS năm 2015 “thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”./.

[1] Nguyễn Minh Oanh, “khái niệm chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại”- chuyên đề của đề tài cấp trường “Trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại- vấn đề lý luận và thực tiễn”, Trường Đại học Luật Hà Nội- Mã số:LH-08-5/ĐHL, Hà Nội Năm 2009.

[2] Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra

[3] Sự kiện bất khả kháng được giải thích tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Trong đời sống thường nhất, những sự kiện bất khả kháng thường được nhắc tới như các hiện tượng thiên tai, thảm họa thiên nhiên như bão, lũ, động đất, sóng thần v.v.

[4]  “người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà

gây thiệt hại thì phải bồi thường”

[5] TS. Đinh Trung Tụng (chủ biên), Bối cảnh xây dựng và một số nội dung mới chủ yếu của Bộ luật Dân sự năm 2015 (so sánh với Bộ luật dân sự năm 2005), NXB Tư pháp, 2016, tr.55.

[6] PGS.TS. Đỗ Văn Đại (chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015, NXB Hồng Đức- Hội Luật gia Việt Nam, 2016, tr.453.

[7] PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ- PGS.TS. Trần Thị Huệ (đồng chủ biên)- Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB CAND, 2017, tr.872.

[8] PGS.TS. Đỗ Văn Đại, tlđs, tr.453.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon