Khoản 1, Điều 40, Luật đấu giá tài sản quy định: “Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; Đấu giá trực tuyến.”. Tuy nhiên, khi áp dụng các hình thức nêu trên để tổ chức cuộc đấu giá vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc.
1. Chưa thống nhất về cách thức trả giá trong các hình thức đấu giá
Hiện nay, vẫn có sự không thống nhất về cách thức trả giá trong các hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói.
Theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 41 về hình thức đấu giá bằng lời nói Luật đấu giá tài sản quy định rõ:
“Người tham gia đấu giá trả giá. Giá trả phải ít nhất bằng giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm”.
Tuy nhiên Điều 42 về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá Điều 43 đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp của Luật đấu giá tài sản lại không có quy định này. Tại điểm a khoản 2 Điều 42, Luật đấu giá tài sản về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá quy định:
“Người tham gia đấu giá được phát một tờ phiếu trả giá, ghi giá muốn trả vào phiếu của mình”. Tại Điều 43, Luật đấu giá tài sản về đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp thì chỉ quy định chung: “Khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá được nhận phiếu trả giá, hướng dẫn về cách ghi phiếu, thời hạn nộp phiếu trả giá và buổi công bố giá …”.
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 52, Luật đấu giá tài sản thì trong trường hợp không có khách hàng nào trả giá thì cuộc đấu giá sẽ không thành. Tại điểm c khoản 1 Điều 52, Luật đấu giá tài sản xác định giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp không công khai giá khởi điểm thì cuộc đấu giá được xác định không thành.
Do đó, dẫn đến một thực tế là khách hàng tham gia đấu giá sẽ được quyền không trả giá hoặc có thể trả giá thấp hơn giá khởi điểm. Như vậy, khi áp dụng hình thức đấu đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp mà giá khởi điểm được công khai nếu tất cả các khách hàng trả giá thấp hơn giá khởi điểm thì nguy cơ đấu giá không thành là rất cao. Đặc biệt, còn tạo điều kiện cho các “cò” đấu giá không thực sự có nhu cầu mua tài sản, cản trở, gây rối với khách hàng có nhu cầu thực sự mua tài sản.
2. Thiếu thống nhất trong cách thức xác định người trúng đấu giá
Đối với hình thức đấu giá bằng lời nói, theo quy định tại điểm d khoản 2 của Điều 41 quy định:
“Đấu giá viên công bố người đã trả giá cao nhất là người trúng đấu giá sau khi nhắc lại ba lần giá trả cao nhất đã trả và cao hơn giá khởi điểm mà không có người trả giá cao hơn”.
Với quy định này thì để xác định người trúng đấu giá bắt buộc phải là người trả giá cao hơn giá khởi điểm. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, Điều 42, về đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, Luật đấu giá tài sản không quy định các khách hàng tham gia hình thức đấu giá này phải trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm. Đặc biệt, việc xác định người trúng đấu giá cũng không đưa ra nguyên tắc người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất và cao hơn giá khởi điểm.
Đối với hình thức bỏ phiếu gián tiếp cũng tương tự như vậy, các khách hàng có thể để phiếu trắng, không trả giá hoặc có trả giá nhưng thấp hơn giá khởi điểm. Chỉ có vài khách hàng trả bằng giá khởi điểm và Đấu giá viên căn cứ vào quy định của pháp luật phải bốc thăm xác định người trúng đấu giá. Chính vì vậy, việc áp dụng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, bỏ phiếu gián tiếp rất dễ phát sinh tiêu cực giữa các khách hàng tham gia đấu giá, thông đồng, dìm giá, chỉ mua tài sản bằng giá khởi điểm.
3. Hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp còn quy định sơ sài, nhiều tình huống thực tế xảy ra khó xử lý
Hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp là một trong những hình thức đấu giá mới đang được nhiều các tổ chức đấu giá lựa chọn áp dụng vì tránh được nhiều tiêu cực như: thông đồng, dìm giá, cản trở, hạn chế khách hàng trả giá trong đấu giá tài sản nhưng trong quá trình triển khai cũng gặp một số vướng mắc.
Một là, khách hàng tham gia đấu giá tự bảo mật phiếu trả giá như thế nào?
Căn cứ vào khoản 2 điều 43 Luật đấu giá tài sản quy định:
“Phiếu trả giá của người tham gia đấu giá phải được bọc bằng chất liệu bảo mật, có chữ ký của người trả giá tại các mép của phong bì đựng phiếu”.
Căn cứ vào quy định này các tổ chức đấu giá đang lúng túng về chất liệu bảo mật bọc phiếu trả giá là chất liệu gì? Có tổ chức đấu giá cho rằng chỉ cần một tờ bìa dày đóng kín 03 lần phiếu trả giá có chữ ký của khách hàng của phong bì đựng phiếu là đảm bảo bảo mật.
Tuy nhiên, có tổ chức đấu giá cho rằng chất liệu bảo mật phải bao gồm 02 lớp: 01 lớp giấy than, 01 lớp giấy bạc. Lớp giấy than có ý nghĩa ghi khách hàng ký lên trên mép phong bì sẽ in chữ ký của chính khách hàng trên phong bì phiếu trả giá sau khi phiếu trả giá được niêm phong. Lớp giấy bạc có tác dụng tránh dùng các phương tiện kỹ thuật để soi giá của khách hàng đã trả.
* Tình huống thực tiễn
Công ty đấu giá hợp danh M tổ chức đấu giá tài sản THADS là 01 chiếc xe ô tô Camry 2.4 G. Hình thức đấu giá: bỏ phiếu gián tiếp. Tại cuộc đấu giá, Công ty đấu giá hợp danh M đã nhận được phiếu trả giá được để trong chai lavie nhựa và được đổ bê tông ở hai đầu, sau đó cho vào một phong bì giấy ký các
mép theo quy định. Khách hàng tham gia đấu giá cho rằng, phải đổ bê tông thì mới bảo mật được phiếu trả giá! Tại cuộc công bố giá tổ chức đấu giá phải dùng cưa để cắt bê tông lấy phiếu trả giá ra, loay hoay cả tiếng đồng hồ vì quy chế quy định phiếu trả giá hợp lệ là phiếu không được tẩy xoá, rách nát. Nếu cắt vào phiếu của khách hàng sẽ làm cho phiếu của khách hàng không hợp lệ!
Hai là, khách hàng tham gia đấu giá có quyền nộp phiếu trả giá như thế nào?
Cũng căn cứ vào khoản 2 điều 43 Luật đấu giá tài sản quy định:
“Phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và được tổ chức đấu giá tài sản bỏ vào thùng phiếu”.
Căn cứ vào quy định này, khi xây dựng quy chế đấu giá tài sản đối với hình thức bỏ phiếu gián tiếp các tổ chức đấu giá cũng đang có 02 cách hiểu khác nhau.
Cách hiểu thứ nhất: Tổ chức đấu giá khi xây dựng quy chế đấu giá cần quy định khách hàng tham gia đấu giá hoặc nộp phiếu trả giá trực tiếp cho tổ chức đấu giá, hoặc là nộp qua đường bưu điện
Cách hiểu thứ hai: Tổ chức đấu giá khi xây dựng quy chế cho phép khách hàng có quyền lựa chọn một trong hai cách thức nộp phiếu: nộp phiếu qua đường bưu điện, khách hàng đến nộp phiếu trả giá trực tiếp tại tổ chức đấu giá.
Thực hiện quy định này trên thực tế đã có tổ chức đấu giá chỉ nhận phiếu trả giá qua đường bưu điện, và có tổ chức đấu giá chỉ nhận phiếu trả giá tại tổ chức đấu giá. Và nếu chỉ nhận phiếu trả giá tại tổ chức đấu giá thì vô hình chung đã đang hạn chế khách hàng tham gia đấu giá. Nhưng các tổ chức đấu giá lại cho rằng Luật đấu giá đang cho phép được lựa chọn hoặc qua đường bưu điện hoặc là đến trực tiếp đều là hợp pháp. Và lựa chọn cách nào là do tổ chức đấu giá quy định cụ thể trong từng quy chế đấu giá, khách hàng tham gia đấu giá muốn mua tài sản đấu giá thì cần phải tuân thủ quy chế.
4. Việc áp dụng được hình thức đấu giá trực tuyến vào bán đấu giá còn hạn chế và thiếu thống nhất
Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 diễn biến rất phức tạp thì việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến là giải pháp tối ưu cho các tổ chức đấu giá triển khai đấu giá. Tuy nhiên, các quy định về đấu giá trực tuyến mới chỉ tập trung hướng dẫn về thủ tục tiến hành đấu giá, còn thủ tục để tham gia đấu giá vẫn chưa có quy định.
Vì vậy khi áp dụng hình thức đấu giá này, có tổ chức đấu giá tiến hành bán hồ sơ tham gia trực tiếp và đấu giá trực tuyến nhưng có tổ chức thì triển khai bán hồ sơ và đấu giá đều trực tuyến. Trong thực tiễn đấu giá tài sản THADS thì nhiều khách hàng và người có tài sản vẫn còn e ngại khi lựa chọn việc đấu giá trực tuyến do các quy định hướng dẫn đối với hình thức đấu giá này còn sơ sài và mang tính nguyên tắc.
5. Những bất cập trong thực tiễn đối với các hoạt động sau cuộc đấu giá
Pháp luật THADS đã quy định khá đầy đủ quyền nghĩa vụ của người mua được tài sản THADS. Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm. Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan THADS phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng.
Đánh giá các quy định của pháp luật đối với hoạt động sau cuộc bán đấu giá tài sản THADS cho thấy pháp luật đã có hệ thống các quy phạm pháp luật quy định tương đối đầy đủ các thủ tục sau đấu giá trong trường hợp đấu giá thành và đấu giá không thành (Điều 46, 53 Luật Đấu giá tài sản, Điều 103, 104, Điều 114,115,116 Luật THADS, Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định của pháp luật sau khi bán đấu giá tài sản THADS cũng gặp phải khá nhiều vướng mắc, bất cập, đặc biệt là một số vấn đề sau:
Thứ nhất, khó bàn giao được tài sản theo đúng thời hạn luật định
Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định:
“Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan THADS phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng”.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã ấn định ngày tổ chức cưỡng chế giao tài sản nhưng phải hoãn, hoặc tạm dừng vì nhiều lý do khách quan chứ không phải do ý chí chủ quan của chấp hành viên. Một vấn đề nổi lên về thực tiễn bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá trong thời gian vừa qua là trường hợp bàn giao nhà ở, quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất là tài sản duy nhất của người phải thi hành án. Lúc này, chấp hành viên sẽ phải đối mặt với sự chống đối quyết liệt,“một mất, một còn” từ phía người phải thi hành án như: ôm bình xăng tự thiêu, thuê thương binh gây náo loạn cản trở tại địa bàn cưỡng chế… Rất nhiều những tình huống xảy ra, lực lượng cưỡng chế đã không thể tiến hành bàn giao tài sản được.
Thứ hai, vướng mắc trong việc xác định đấu giá tài sản THADS không thành
Việc xác định kết quả đấu giá thành hay không thành có ý nghĩa quan trọng đối với Đấu giá viên, người trúng đấu giá, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá. Nếu Đấu giá viên xác định không đúng đấu giá thành hay không thành sẽ dẫn đến xác định không đúng người trúng đấu giá và có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá[1].
Đối với người trúng đấu giá thì kể từ thời điểm Đấu giá viên tuyên bố đấu giá thành hay không thành sẽ xác định quyền được mua tài sản đấu giá hay không được quyền mua tài sản đấu giá.[2]
Đối với tổ chức đấu giá kết quả cuộc đấu giá thành hay không thành sẽ làm căn cứ để xác định thù lao dịch vụ đấu giá hay chi phí đấu giá mà tổ chức đấu giá tài sản được nhận[3]. Thực tiễn cho thấy, các tổ chức đấu giá đang gặp rất nhiều khó khăn về đấu giá thành hoặc không thành. Xuất phát từ Điều 52, Luật đấu giá tài sản về đấu giá không thành chưa ghi nhận việc không bán được tài sản theo quy định tại Điều 49 là trường hợp đấu giá không thành.
Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá hoặc chỉ có một người trả giá khi đấu giá tài sản THADS. Việc xác định đấu giá thành hay không thành không chỉ có ý nghĩa đối với tổ chức đấu giá mà đối với người có tài sản đấu giá việc xác định đấu giá không thành còn làm căn cứ để giảm giá bán tài sản ở lần đấu giá tiếp theo đối với tài sản THADS[4]
* Tình huống thực tiễn
Công ty đấu giá hợp danh B đấu giá tài sản THADS lần đầu là 01 ngôi nhà 03 tầng có tổng diện tích là 120m2 gắn liền với 81,5 m2 đất tại số 5, tổ 8, phố M, phường N, quận K, thành phố Y. Giá khởi điểm 3.8 tỷ. Tài sản lần đầu tiên đưa ra đấu giá có 02 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nhưng tại cuộc đấu giá chỉ có 01 khách hàng tham gia đấu giá. Căn cứ vào quy định tại Điều 49, Luật đấu giá tài sản thì do tài sản đấu giá đưa ra đấu giá lần đầu nên không được bán tài sản trong trường hợp này. Tuy nhiên khi căn cứ vào Điều 52 về đấu giá tài sản không thành thì Luật đấu giá tài sản không quy định đây là trường hợp đấu giá không thành.
Thứ ba, trường hợp quy định tại điều 41, Luật đấu giá tài sản đối với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá khách hàng trả giá cao nhất chỉ bằng giá khởi điểm có được tuyên là đấu giá không thành?
Căn cứ điểm d, Khoản 2, Điều 41, Luật đấu giá tài sản:
Đấu giá viên công bố người đã trả giá cao nhất là người trúng đấu giá sau khi nhắc lại ba lần giá cao nhất đã trả và cao hơn giá khởi điểm mà không có người trả giá cao hơn.
Quy định này cho phép Đấu giá viên chỉ xác định được người trúng đấu giá đối với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói khi người trả giá cao nhất ít nhất phải cao hơn giá khởi điểm. Đây là một điểm lưu ý rất đặc biệt đối với tổ chức đấu giá khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói.
[1] Điểm c Khoản 5 Điều 22, Mục 5 hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đấu giá tài sản, Nghị định số 82/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2020 về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; THADS; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
[2] Khoản 1 điều 44, Luật đấu giá tài sản năm 2016.
[3] Điều 1, Thông tư số 108/2020/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản năm 2016.
[4] Điều 104, Văn bản Hợp nhất Luật THADS số 32/VBHN-VPQH ngày 07/12/2020.