Ngày nay, khi mâu thuẫn vợ chồng ngày càng tăng cao, hạnh phúc gia đình không thể cứu vãn, nhiều cặp vợ chồng đi đến quyết định ly hôn. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp một trong hai bên vợ hoặc chồng không đồng ý ký vào đơn ly hôn. Vậy nếu chồng không ký đơn thì vợ có ly hôn được hay không? Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về cho Luật Dương Gia. Chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn với nội dung dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
1. Khái niệm ly hôn
Trước khi đến với nội dung cần tìm hiểu rằng vợ có được ly hôn khi chồng không ký đơn ly hôn, chúng ta cùng tìm hiểu ly hôn được định nghĩa như thế nào?
Theo đó, căn cứ theo khoản 14, Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Nam và nữ khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và kết hôn với nhau, mối quan hệ hôn nhân đó được Nhà nước công nhận thông qua việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Từ đó, mối quan hệ vợ chồng hợp pháp được công nhận, đồng thời quyền và nghĩa vụ giữa hai bên vợ và chồng cũng theo đó phát sinh.
Như vậy, khi cả hai bên vợ và chồng hoặc chỉ một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn thì Nhà nước cũng thực hiện việc can thiệp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tóm lại, có thể hiểu đơn giản ly hôn là việc cả hai bên vợ và chồng hoặc chỉ một bên vợ hoặc chồng có đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt mối quan hệ hôn nhân hợp pháp của họ, hủy bỏ các quyền và nghĩa vụ phát sinh và ràng buộc giữa hai bên.
2. Chồng không đồng ý ký vào đơn ly hôn, người vợ có được Tòa án giải quyết cho ly hôn hay không?
Căn cứ theo khoản 1, Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”
Theo đó, cả hai bên vợ và chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Vậy việc người chồng không ký vào đơn ly hôn không làm cản trở quyền yêu cầu giải quyết cho ly hôn của người vợ. Tức là khi Tòa án nhận được đơn yêu cầu đơn phương ly hôn của người vợ, Tòa án vẫn tiến hành giải quyết ly hôn nếu hồ sơ đủ điều kiện và hợp lệ.
Căn cứ theo Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứvề việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợpvợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợpcó yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Từ những quy định trên có thể thấy trong trường hợp người chồng không đồng ý ký vào đơn ly hôn, người vợ hoàn toàn có quyền đơn phương ly hôn. Theo đó đơn phương ly hôn là việc khi một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn hoặc các bên không đồng thuận trong việc thỏa thuận các vấn đề về quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung và nợ chung.
Như vậy, khi người vợ có căn cứ cho thấy mối quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng đã trở nên trầm trọng, không thể cứu vãn được nữa đồng thời người chồng đã vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng thì người vợ có quyền ly hôn đơn phương theo quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ đơn phương ly hôn
Để tiến hành đơn phương ly hôn, người vợ cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ dưới đây:
- Đơn khởi kiện về việc đơn phương ly hôn theo mẫu đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ban hành một số biểu mẫu trong Tố tụng dân sự.
- Giấy đăng ký kết hôn (bản chính). Đối với trường hợp thất lạc hoặc chồng giữ bản chính, bạn có thể xin trích lục Giấy đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã, nơi đã đăng ký kết hôn.
- Sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực).
- Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân của vợ, chồng (bản sao chứng thực)
- Giấy khai sinh của con.
- Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ đăng ký xe,…(nếu có tranh chấp về tài sản chung)
- Các giấy tờ chứng minh nợ chung (nếu có tranh chấp về nợ chung)
Vậy, khi ly hôn người vợ cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ trên, gửi đến Tòa án nơi có thẩm quyền để giải quyết.
4. Trình tự, thủ tục đơn phương ly hôn
Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, người vợ cũng cần nắm rõ những thủ tục tiếp theo như sau:
Thứ nhất, chuẩn bị và nộp hồ sơ
Người vợ cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ đã đề cập ở trên, trong trường hợp có căn cứ chứng minh người chồng bạo lực hoặc các hành vi khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hôn nhân thì người vợ cũng cần thu thập các chứng cứ chứng minh đến Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết.
Thứ hai, Tòa án xem xét hồ sơ và ra quyết định giải quyết vụ án
Căn cứ theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải tiến hành xem xét đơn khởi kiện.
Căn cứ theo khoản 1, Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 195. Thụ lý vụ án
“Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.”
Theo đó, nếu hồ sơ của nguyên đơn hợp lệ Tòa án phải gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí. Và kể từ thời điểm nguyên đơn, cụ thể ở đây là người vợ nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý vụ án, giải quyết đơn phương ly hôn.
Căn cứ theo Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thủ tục hòa giải. Theo đó hòa giải là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử, trừ những vụ án không tiến hành hòa giải hoặc những vụ án không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Khi Tòa án tiến hành hòa giải, sẽ có hai trường hợp xảy ra như sau:
- Thứ nhất, nếu hòa giải thành thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về thỏa thuận đó thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thảo thuận của các đương sư. Theo đó vợ và chồng sẽ đoàn tụ với nhau.
- Thứ hai, nếu hòa giải không thành, lúc này Tòa án phải lập biên bản ghi nhận hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ gửi giấy triệu tập và thông báo rõ thời gian, địa điểm diễn ra phiên tòa sơ thẩm.
Thứ ba, Tòa án ra bản án ly hôn
Nếu đương sự hòa giải không thành và khi xét thấy đầy đủ các điều kiện Tòa án tiến hành ra bản án tuyên chấm dứt mối quan hệ giữa hai vợ chồng.
Vậy khi có yêu cầu đơn phương ly hôn người vợ cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thực hiện theo trình tự thủ tục như nêu ở trên.
5. Thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn
Về thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
“Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.”
Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;”
Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”
Theo đó, thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn thuộc về Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn cư trú trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác.
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến thủ tục ly hôn đơn phương. Như vậy khi người chồng không đồng ý ký vào đơn ly hôn , người vợ hoàn toàn có quyền đơn phương theo yêu cầu của một bên. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.