Những điểm mới trong quy định về hình thức và nội dung của di chúc

nhung-diem-moi-trong-quy-dinh-ve-hinh-thuc-va-noi-dung-cua-di-chuc

Di chúc phải được lập thành văn bản hoặc để lại di chúc bằng miệng. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của di chúc nên thông thường, trong thực tế, mọi người thường để lại di chúc bằng văn bản, thậm chí công chứng, chứng thực hoặc có người làm chứng (kể cả đối với trường hợp không yêu cầu bắt buộc). Việc cẩn trọng trong vấn đề này là không hề thừa thãi. Bởi lẽ di sản để lại thường có giá trị lớn, nếu di chúc không rõ ràng hoặc không có hiệu lực sẽ dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn rất lớn trong nội bộ những người ở hàng thừa kế thứ nhất, những người được hưởng thừa kế và những người có liên quan. Hãy cùng tìm hiểu những điểm mới về nội dung này trong Bộ luật Dân sự năm 2015 ở bài viết dưới đây.

1. Hình thức di chúc

1.1. Thứ nhất, quy định tại Điều 627 BLDS năm 2015.

BLDS năm 2005 quy định hình thức của di chúc tại Điều 649 thành 2 đoạn:

“Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình”.

BLDS năm 2015 đã lược bỏ đoạn 2 Điều 649 của BLDS năm 2005. Chúng tôi cho rằng việc lược bỏ quy định này là hợp lý. Vì việc được sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trên lãnh thổ Việt Nam là quyền của công dân đã được pháp luật ghi nhận. Nếu chúng ta còn cụ thể thêm một lần nữa vô hình chung mang đến sự dư thừa trong quy định lại vô tình tạo ra sự khác biệt về dân tộc khi khẳng định quyền công dân trên lãnh thổ Việt Nam.

1.2. Thứ hai, quy định tại Điều 629 BLDS năm 2015.

BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng”. Quy định này lược bỏ đoạn “do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác” của BLDS năm 2005. Việc lược bỏ quy định này là đúng, vì không quy định nguyên nhân dẫn đến cái chết bị đe dọa sẽ phổ quát hơn việc liệt kê mà không đầy đủ và không logic.

Quy định “Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ” vẫn chưa triệt để từ BLDS năm 2005. Chúng tôi đặt ngược lại vấn đề “sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống nhưng không minh mẫn, sáng suốt” thì di chúc miệng có bị hủy bỏ không? Điều này chưa được BLDS năm 2015 quy định bổ sung làm rõ.

2. Người làm chứng cho việc lập di chúc

BLDS năm 2015 bổ sung thêm người không được làm chứng. Theo đó, cá nhân có khó khăn trong khả năng nhận thức và điều khiển hành vi cũng không được làm chứng cho việc lập di chúc.

Người làm chứng đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định sự thật để giải quyết các tranh chấp. Do đó, việc loại bỏ những chủ thể không có đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ của người làm chứng là một quy định cần thiết.

3. Nội dung của di chúc

Ghi nhận mới đầu tiên về nội dung của di chúc tại BLDS năm 2015 là thuật ngữ “Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau” thay vì dùng “di chúc phải ghi rõ” tại BLDS năm 2005. Chúng tôi cho rằng, ghi nhận mới này thực sự phù hợp. Trước đó, quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thể hiện “khi giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật sẽ dẫn tới vô hiệu”. Mà thực tế, vi phạm những nội dung tại Điều luật (nội dung của di chúc) mà vô hiệu đôi khi không phù hợp. Ví dụ: Di chúc không thể hiện ngày, tháng, năm lập di chúc hay di chúc định đoạt toàn bộ di sản cho một người thừa kế nào đó… Với ghi nhận mới này, việc lập di chúc vi phạm các nội dung tại quy định này chưa hẳn đã bị vô hiệu và đây là môt sự hợp lý với thức tế.

Điểm mới thứ hai, lược bỏ quy định “xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản”. Việc lược bỏ quy định này là một sự hợp lý thể hiện ở chỗ: điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản phải tuân theo quy định của pháp luật chứ không phải ý chí của người để lại di sản. Vì nguyên tắc mà BLDS quy định, không một ai được hạn chế năng lực pháp luật dân sự của người khác.

Lược bỏ quy định “việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ”. Chỉ dẫn của đoạn luật mang tên gọi là “nội dung chủ yếu của di chúc” cho nên lược bỏ quy định này là phù hợp. Việc định đoạt thêm các nội dung khác quy định này là quyền của người lập di chúc nếu luật không cấm. Cho nên, quy định tại BLDS năm 2005 càng cụ thể nội dung sẽ càng rơi vào tình trạng rối rắm, lại không đầy đủ.

BLDS năm 2015 bổ sung thêm quy định: “Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa”. Nhằm loại bỏ khả năng người khác sửa chữa, tẩy xóa di chúc nên BLDS ghi nhận thêm quy định này. Đây cũng là một quy định loại bỏ rủi ro cho chính người thừa kế, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người thừa kế.

4. Di chúc chung của vợ, chồng

Điểm mới của BLDS năm 2015, quy định về di chúc chung của vợ, chồng đã được bỏ hoàn toàn. Chúng tôi cho rằng, đây là một sự tiến bộ đảm bảo tính hiệu quả cao trong việc khai thác, sử dụng di sản của người thừa kế và những người có liên quan đến di sản thừa kế. Đồng thời không làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của người để lại di sản. Lý giải cho điều này, chúng tôi xin phân tích một số ý sau:

Quy định như BLDS năm 2005, thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm bên sau cùng chết hoặc cả hai cùng chết. Với quy định này, người thừa kế khác ngoài vợ, hoặc chồng của người chết và những người có liên quan đến di sản thừa kế vô tình đã bị ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của mình. Vì người còn lại có thể sống lâu hơn những người thừa kế khác, hoặc thậm chí vượt qua các mốc thời hiệu mà Nhà nước cho phép để các chủ thể trong quan hệ thừa kế đảm bảo quyền và lợi ích của mình đối với di sản thừa kế. Trong cả khoảng thời gian đó, di sản được quản lý và khai thác, sử dụng bởi người vợ, chồng còn sống có thể được gia tăng hoặc giảm đi, thậm chí không còn đến thời điểm họ chết đi. Rõ ràng, tính hiệu quả và phù hợp trong việc khai thác, sử dụng di sản của người chết không được đảm bảo.

Quy định tại một số bản Dự thảo BLDS năm 2005 (sửa đổi) xác định hai mốc thời điểm có hiệu lực của di chúc là: Thời điểm một bên chết trước (quy định của pháp luật) và thời điểm bên sau cùng chết (nếu vợ, chồng có thỏa thuận) cũng không thực sự giải quyết được những bất cập trong việc đảm bảo tính tuyệt đối hóa cho người thừa kế, người có liên quan đến di sản thừa kế. Có thể đặt ra một số khả năng sau: Một là, vợ hoặc chồng còn sống đi lập gia đình và sinh con (chưa thành niên). Sau đó, người này chết, người vợ hoặc người chồng mới đó yêu cầu chia di sản thừa kế thì họ và những đứa con chưa thành niên có được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không? Hai là, phần di sản kể cả của vợ hoặc chồng trước đó cũng không còn nữa do người này khi lập gia đình mới đã sử dụng hết. Hoặc có thể họ không lập gia đình nhưng vẫn sử dụng hết vì nhiều lý do khác nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người thừa kế trong di chúc.

Mục đích lớn nhất khi quy định về di chúc chung của vợ, chồng là đảm bảo di sản thừa kế cho ai luôn có sự thống nhất ý chí của vợ, chồng khi định đoạt khối tài sản thuộc sở hữu chung. Nhưng chúng tôi cho rằng, khi pháp luật ghi nhận “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” điều đó có nghĩa rằng, trong trường hợp vợ, chồng cùng có nguyện vọng chuyển tài sản của mình cho người thừa kế thì họ hoàn toàn có quyền lập di chúc riêng của mình để định đoạt điều đó. Rõ ràng, việc làm này vẫn đạt được mong muốn, nguyện vọng của người lập di chúc để lại di sản lại loại bỏ được những bất cập nêu trên.

Phần lớn BLDS các quốc gia chúng tôi đã nghiên cứu cũng không có phần di chúc chung của vợ, chồng. Điều này không đồng nghĩa với sự vi phạm quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản của mình trước khi chết.

Tóm lại, hướng đến tính hiệu quả, công bằng và phù hợp trên thực tế khi đảm bảo quyền hưởng cũng như khai thác di sản thừa kế của người thừa kế, quy định về di chúc chung của vợ, chồng không được ghi nhận tại BLDS năm 2015 là một điểm mới mang tính đột phá. Một mặt khắc phục được những bất cập, tồn đọng của BLDS năm 2005, mặt khác tạo ra sự đơn giản hóa cho quá trình lập di chúc của người để lại di sản, phân chia và hưởng di sản của người thừa kế, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

5. Di chúc bị thất lạc

BLDS năm 2015 quy định bổ sung thêm vấn đề di chúc bị thất lạc. Theo đó, “trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu”. Như vậy, khi di chúc bị thất lạc được tìm thấy vẫn trong thời hiệu yêu cầu chia di sản nhưng di sản đã chia thì người thừa kế theo di chúc có quyền yêu cầu chia lại di sản đó. Quy định này nhấn mạnh vai trò của di chúc cũng như việc bảo vệ quyền, lợi ích của người hưởng thừa kế theo di chúc.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không thực sự triệt để khi bổ sung thêm quy định này. BLDS quy định khi di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Với quy định này, việc chia thừa kế khi di chúc bị thất lạc, hư hại là luật cho phép người thừa kế. Và khi chia thừa kế theo pháp luật, việc hưởng di sản của những người được hưởng thừa kế theo pháp luật là hợp pháp. Nhưng khoản bổ sung lại chỉ quy định lơ lửng rằng khi đã chia mà tìm thấy di chúc, người thừa kế theo di chúc có quyền yêu cầu chia lại di sản thừa kế theo di chúc. Vậy, trong trường hợp đã chia mà những người thừa kế đã sử dụng hết, tiêu dùng hết thì giải quyết hậu quả như thế nào? Chúng tôi cho rằng, BLDS khi đã ghi nhận trường hợp chia lại phải triệt để theo hướng chỉ trả lại phần giá trị tài sản hiện còn trừ trường hợp cố tình giấu hoặc làm hư hại bản di chúc.

6. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Về cơ bản, nội dung của điều luật này không có gì thay đổi chỉ sắp xếp lại đoạn cho phù hợp hơn. Cụ thể, Khoản 2 của Điều luật này trước đây là đoạn cuối của Điều 669. Tóm lại, hai quy định này đều chỉ dẫn rằng khi một người hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà họ không được hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 và từ chối hưởng theo quy định tại Điều 620 BLDS năm 2015. Chúng tôi cho rằng, quy định này cần cụ thêm chỉ dẫn để định hướng xác định kỷ phần mà người hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng.

7. Di tặng

Điều luật về di tặng được bổ sung thêm quy định cách xác định người được di tặng, theo đó: “Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”. Quy định này khẳng định, người được di tặng là người khác những người thừa kế. Điểm mới này, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao.

8. Giải thích nội dung của di chúc

Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

BLDS năm 2015 lược bỏ quy định “người công bố di chúc không phải là người giải thích nội dung của di chúc” bỏ quy định “coi như không có di chúc và di sản được chia theo pháp luật” đồng thời quy định rõ hơn “khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.

9. Hạn chế phân chia di sản thừa kế

Quy định về hạn chế phân chia di sản xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng của người để lại di sản hoặc của những người thừa kế. Theo quy định của cả BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015, việc người thừa kế không thể thực hiện hoặc yêu cầu hoàn tất thủ tục để phân chia sản thừa kế khi:

– Người lập di chúc thể hiện ý chí của mình sau một khoảng thời gian kể từ khi họ qua đời mới được phân chia di sản thì pháp luật sẽ tôn trọng và bảo đảm trên thực tế.

– Những người thừa kế thỏa thuận sau một khoảng thời gian kể từ khi người để lại di sản chết mới được phân chia, pháp luật sẽ tôn trọng và bảo đảm thực hiện.

– Việc chia di sản thừa kế ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống một bên vợ hoặc chồng và gia đình, theo yêu cầu của người này Tòa án chỉ xác định phần di sản của mỗi người nhưng chưa cho chia trong một khoảng thời gian, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Tuy nhiên, điểm mới của BLDS năm 2015 về vấn đề này là: “Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm”.

Như vậy, khoảng thời gian tối đa 3 năm và gia hạn một lần sẽ là khoảng thời gian để bên còn sống có thể khai thác, sử dụng di sản thừa kế đảm bảo cho cuộc sống của họ và gia đình. Quy định mới này cũng hướng tới việc tạo điều kiện tốt nhất cho những người thừa kế đang thực sự cần đến di sản để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho mình và gia đình, đồng thời vẫn xác định được phần quyền của những người thừa kế khác.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon