Phân biệt hoa lợi, lợi tức

phan-biet-hoa-loi-loi-tuc

“Hoa lợi, lợi tức” là gì? Cụm từ này thường ít được sử dụng trong thực tế cuộc sống, bởi vì thế, khi được nhắc đến thì sẽ có rất ít người hiểu rõ được bản chất của nó. Không phải ai cũng có thể dễ dàng phân biệt được: Thế nào là hoa lợi? Thế nào là lợi tức? Bởi lẽ, hoa lợi và lợi tức đều là tài sản được hình thành từ vật chính và chúng sẽ có những điểm giống và khác nhau nhất định. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp bạn đọc giải thích ý nghĩa của các khái niệm trong thực tiễn giao dịch dân sự và áp dụng pháp luật dân sự ở Việt Nam. Đồng thời đưa ra các ví dụ cụ thể để người đọc dễ dàng nắm và hiểu rõ hơn bản chất của hoa lợi, lợi tức.

Căn cứ pháp lý:

1. Hoa lợi, lợi tức là gì?

Căn cứ vào điều 109 Bộ luật dân sự 2015 quy định khái niêm hoa lơi, lợi tức như sau:

  • Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại.

Ví dụ như: bạn trồng một cây bắp, bạn chăm sóc cây cho đến khi ra hoa kết trái, bạn thu được quả bắp. Vậy quả bắp đó được coi là hoa lợi.

  • Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

Ví dụ: Bạn xây một dãy nhà trọ và cho thuê 1 phòng với giá 1 triệu/ tháng, Vậy số tiền mà hằng tháng bạn thu được được gọi là lợi tức

Như vậy hoa lợi, lợi tức là những vật được tạo ra từ sự phát triển tự nhiên có tính chất hữu cơ hoặc được hình thành từ hoạt động đầu tư, khai thác từ tài sản. Nói cách khác hoa lợi, lợi tức là tài sản phát sinh từ tài sản chính

2. Một số quy định về hoa lợi, lợi tức theo Bộ luật dân sự 2015

2.1. Xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức

Việc xác định quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức căn cứ vào các quy định sau:

Thứ nhất, đối với chủ sở hữu, người sử dụng tài sản

Căn cứ Điều 224 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.

Thứ hai, thời điểm chuyển giao tài sản là thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, bao gồm cả hoa lợi, lợi tức. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Thứ ba, đối với mốc ngăn cách các bất động sản

Đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản là cây thì hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ tư, đối với tài sản chung

Đối với tài sản chung, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ năm, quyền sử dụng và quyền được hưởng dụng

– Quyền sử dụng bao gồm quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo các quy định tại Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2015.

– Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định (Điều 257 Bộ luật Dân sự năm 2015).

– Người hưởng dụng có quyền tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng

Căn cứ Điều 264 Bộ luật Dân sự 2015:

+ Người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian quyền này có hiệu lực.

+ Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.

Thứ sáu, hoa lợi, lợi tức liên quan đến tài sản của vợ chồng:

+ Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung của vợ chồng.

+ Đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng mà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng thì được quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

+ Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng được chia trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

2.2. Nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức

Điều 581 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

Thứ nhất, Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

Thứ hai, Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm các đối tượng cụ thể: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.”

Ngoài ra, trường hợp giao dịch dân sự vô hiêu thì nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức cũng được phát sinh

Theo đó, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

3. Phân biệt hoa lợi, lợi tức

Căn cứ vào sự phát triển tự nhiên của tài sản và việc khai thác, sử dụng tài sản để có được những lợi ích vật chất nhất định, pháp luật quy định nhằm phân biệt hoa lợi với lợi tức như sau:

– Về điểm giống nhau: Nhìn chung thì hoa lợi và lợi tức đều là tài sản và được pháp luật bảo vệ đối với chủ sở hữu hoặc đối với người quản lý tài sản. Và đều mang về giá trị nhất định nào đó đối với người được thừa hưởng. Việc hình thành hai loại tài sản này đều sẽ phụ thuộc vào thời gian hình thành, tức là đều trải qua quá trình hoạt động, phát triển mới có thể thu về được.

– Về điểm khác nhau:

Tiêu chí Hoa lợi Lợi tức
Căn cứ pháp lý Khoản 1 điều 109 Bộ luật Dân sự 2015 Khoản 2 điều 109 Bộ luật Dân sự 2015
Khái niệm Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại  Lợi tức là khoản thu được từ việc khai thác tài sản.
Đặc điểm Hoa lợi hay quả thực của một tài sản (vật chủ) theo một quy luật sinh học tự nhiên và có định kỳ sẽ làm phát sinh một sản vật mới.

– Lợi tức có được nhờ việc chủ sở hữu khai thác tài sản.

– Khai thác tài sản là khai thác những lợi ích vật chất của tài sản.

– Việc khai thác này thông qua các hành vi có ý thức và có mục đích của chủ thể.

– Chủ sở hữu tài sản phải thưc hiện đúng các quy định của pháp luật trong qua trình tạo ra lợi tức

Quyền xác lập sở hữu + Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

+ Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc

+ Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

+ Hưởng hoa lợi, chịu thiệt hại về gia súc thuê khoán.

– Sở hữu do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp.

– Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận.

– Được thừa kế.

– Trường hợp khác do luật quy định.

Như vậy, chúng ta có thể thấy việc phát sinh hoa lợi, lợi tức đối với tài sản là một vấn đề thường xuyên xảy ra trong thực tế. Tuy nhiên nhiều người khi gặp phải vẫn chưa biết cách giải quyết như thế nào cho đúng luật. Và việc không biết cách xử lý cũng như phân biệt giữa hoa lợi, lợi tức sẽ là một trong những vấn đề khiến gặp nhiều khó khăn và từ đó gây ra những hậu quả không đáng có.

Trên đây là một số các quy định cũng như cách thức phân biệt giữa hoa lợi, lợi tức được được chúng tôi làm rõ. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc có những tranh chấp phát sinh trong quá trình phân chia giải quyết các vấn đề hoa lợi, lợi tức, hãy liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon