Vướng mắc trình tự, thủ tục tiến hành đấu giá xử lý tài sản kê biên

vuong-mac-trinh-tu-thu-tuc-tien-hanh-dau-gia-xu-ly-tai-san-ke-bien

Khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì việc kê biên, cưỡng chế phải được tiến hành để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Trên thực tế, nhiều trường hợp có tài sản đảm bảo thi hành án nhưng họ không tự nguyện thì hành thì cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phải tiến hành ký hợp đồng với trung tâm đấu giá để tiến hành thủ tục bán đấu giá theo quy định. Bài viết dưới đây phân tích về những vướng mắc trong trình tự, thủ tục tiến hành đấu giá xử lý tài sản kê biên.

1. Thời hạn ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THADS

Để thực hiện quy định: “Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá” (khoản 1, Điều 101, Luật THADS năm 2014) chấp hành viên và tổ chức đấu giá tài sản đã có tranh cãi khi xác định thời điểm “kể từ ngày định giá” là thời điểm nào? Là “ngày đầu tiên thực hiện việc định giá” hay “ngày có kết quả định giá”? Nếu xác định ngày định giá là ngày đầu tiên thực hiện việc định giá thì chấp hành viên chỉ có 10 ngày thực hiện việc xác định giá và trong thời hạn 10 ngày là phải có giá khởi điểm để tiếp tục ký hợp đồng dịch vụ đấu giá. Khi áp dụng theo cách hiểu này thì các chấp hành viên thường ký hợp đồng chậm hơn so với thời gian theo quy định.

Bên cạnh đó, quy định về thời hạn ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THADS còn bất cập nữa là chưa loại trừ được trường hợp ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THADS đối với tài sản chung. Theo quy định tại khoản 3 Điều 74, Luật THADS năm 2014:

“Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản…”.

Như vậy, đối với tài sản chung, cơ quan THADS phải chờ hết thời hạn là 01 tháng đối với động sản, 03 tháng với bất động sản và trong thời hạn 05 ngày làm việc mới được ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Do đó, việc ký kết hợp đồng dịch vụ đối với tài sản THADS trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá, cần phải trừ trường hợp ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đối với tài sản chung.

2. Xây dựng quy chế, thủ tục thông báo, đăng ký tham gia đấu giá

Có thể nói Luật Đấu giá tài sản đã quy định về các hoạt động như xây dựng quy chế, thủ tục thông báo, niêm yết, thủ tục đăng ký cho xem tài sản đấu giá được áp dụng trong bán đấu giá tài sản THADS tương đối chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi ích của các khách hàng tham gia đấu giá quy định tại các điều từ Điều 34, 35, 36, 37, 38 đến Điều 39 Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các quy định về các thủ tục trên tổ chức đấu giá tài sản vẫn gặp phải những không ít những khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất, vướng mắc trong nội dung của Quy chế bán đấu giá tài sản

Luật Đấu giá tài sản đã thống nhất được các tổ chức đấu giá phải ban hành quy chế của cuộc đấu giá và quy định rõ thời điểm phải ban hành quy chế đấu giá là phải trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản. Tuy nhiên nội dung của quy chế đấu giá tài sản tại Điều 34, Luật Đấu giá tài sản đang quy định đóng khung cụ thể và không bắt buộc phải có bước giá. Căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 41, Luật Đấu giá tài sản quy định về đấu giá trực tiếp bằng lời nói thì tại cuộc đấu giá đấu giá viên phải thông báo bước giá là một thủ tục bắt buộc. Đối với đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá tại Điều 42, Luật Đấu giá tài sản cũng bắt buộc đấu giá viên phải thông báo bước giá. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn trong quy trình đấu giá tài sản là Quy chế đấu giá tài sản không bắt buộc quy định bước giá thì tại cuộc đấu giá căn cứ vào đâu để thông báo bước giá.

Thứ hai, vướng mắc trong việc đăng thông báo đấu giá trên báo in, báo hình của các tổ chức đấu giá.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 57, Luật Đấu giá tài sản quy định: “đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc”.

Thực tiễn cho thấy các tổ chức đấu giá khi áp dụng quy định này rất khác nhau và khó có thể kiểm soát việc đăng báo bán đấu giá của tổ chức đấu giá như thế nào là phù hợp. Do pháp luật chỉ quy định chung là đăng trên báo in, báo hình mà không thống nhất là báo in nào, báo hình nào nên có tổ chức đấu giá đăng trên nhiều báo khác nhau và thông tin rất khó đến được với khách hàng. Có tổ chức đấu giá đăng thông báo bán đấu giá trên báo mua bán với chi chít các thông tin, thông tin về bán đấu giá THADS nhỏ xíu, khách hàng khó có thể tìm được về thông tin bán tài sản, hoặc đăng trên báo rất ít người đọc như báo người cao tuổi, báo nông nghiệp… và chỉ cần tiêu chí mỗi lần cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc. Việc đăng báo trên báo hình của Trung ương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vì có quá nhiều các kênh truyền hình, có tổ chức đăng thông báo bán đấu giá trên kênh học tiếng dân tộc cho người thiểu số, có tổ chức đấu giá đăng thông báo bán đấu giá trên các kênh truyền hình VOV, VTC nhưng ở những khung giờ mà chẳng ai xem như 5 sáng, 11 giờ đêm…để tiết kiệm chi phí hoặc với mục đích bưng bít thông tin, hạn chế khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.

3. Vướng mắc trong quy định của pháp luật về đăng ký tham gia đấu giá

Một là, thiếu quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người đăng ký tham gia đấu giá

Có nhiều chủ thể tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản và Luật đấu giá tài sản đã có các quy định cụ thể để xác định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể. Căn cứ vào khoản 7, Điều 5, Luật đấu giá tài sản quy định:

Người tham gia đấu giá là cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản đấu giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của Luật đấu giá tài sản thì không có một điều luật nào quy định cụ thể người tham gia đấu giá có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Để xác định được quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của người đăng ký tham gia đấu giá thì trong thực tiễn áp dụng cần phải căn cứ vào các quy định tại các khoản 5, Điều 9, Điều 38, Điều 39, Luật đấu giá tài sản. Cụ thể:

– Người đăng ký tham gia đấu giá cần phải đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ theo quy định đối với tài sản đấu giá và không được thuộc trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá theo quy định tại Điều 38, Luật đấu giá tài sản

– Người đăng ký tham gia đấu giá không được thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 5, Điều 9, Luật đấu giá tài sản

– Người đăng ký tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước theo đúng quy định tại Điều 39, Luật đấu giá tài sản…

Chính vì không có một quy định chung thống nhất quy định quyền, nghĩa vụ của người đăng ký tham gia nên trong thực tiễn thực hiện các tổ chức đấu giá khi ban hành Quy chế đã quy định quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá không giống nhau và các khách hàng đã có sự thắc mắc so sánh tổ chức đấu giá này với tổ chức đấu giá khác. Luật đấu giá tài sản đã có các quy định về quyền, nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, Đấu giá viên, tổ chức đấu giá, người trúng đấu giá, người mua tài sản tham gia đấu giá đều có quy định cụ thể tại các Điều 19, Điều 24, Điều 47, Điều 48 nhưng lại chưa có quyền, nghĩa vụ cụ thể của người đăng ký tham gia đấu giá.

Hai là, Thiếu quy định về thời gian, cách thức xác định người đăng ký tham gia đủ điều kiện tham gia đấu giá

Luật đấu giá tài sản cũng không có quy định cụ thể về thời gian để tổ chức đấu giá xác định người đăng ký tham gia đủ điều kiện tham gia đấu giá mà chỉ có quy định về thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, thời gian nộp tiền đặt trước. Thực tế cho thấy các khách hàng thường tham khảo hồ sơ đấu giá từ sớm nhưng nộp hồ sơ vào các ngày cuối khi hết hạn nhận hồ sơ và kết hợp luôn nộp tiền đặt trước. Do đó, các tổ chức đấu giá gặp nhiều khó khăn khi rà soát, xem xét điều kiện tham gia đấu giá của khách hàng có đủ điều kiện hay không vì thời gian quá ngắn.

4. Tình huống thực tiễn

Công ty đấu giá hợp danh K tổ chức đấu giá tài sản là: 01 chiếc xe ô tô Honda Civic bị tạm giữ, kê biên để bảo đảm thi hành án. Giá khởi điểm: 450 triệu đồng. Đã có 130 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá. Ngày tổ chức đấu giá là: 8 giờ ngày thứ 5, thì 4h30 ngày thứ 4 mới hết thời gian nộp tiền đặt trước. 4h30 chiều thứ tư, Công ty đấu giá hợp danh K khi gửi giấy mời tham dự cuộc đấu giá cho Viện kiểm sát nhân dân huyện K tham dự cuộc đấu giá đã bị trả lời thời gian mời quá gấp nên không bố trí được Kiểm sát viên tham gia đấu giá. Đặc biệt, tổ chức đấu giá K phải thức xuyên đêm để rà soát danh sách hàng tham gia đấu giá có đủ điều kiện đăng ký tham gia đấu giá. Việc rà soát khách hàng đăng ký tham gia đấu giá trong thời gian gấp rút như vậy đã dẫn đến những sai sót khó tránh khỏi của tổ chức đấu giá. Vì căn cứ điểm b, khoản 6, Điều 33, Luật đấu giá tài sản thì người có tài sản có quyền hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản nếu tổ chức đấu giá cố tình cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá và trúng đấu giá.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon