Tai nạn giao thông gây ra hệ lụy rất lớn cho người dân, tình hình an ninh trật tự xã hội. Do đó, việc giải quyết các vụ án cũng như công tác kiểm sát là rất quan trọng. Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án tai nạn giao thông, bài viết sẽ đưa ra một số đề xuất, giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ án tai nạn giao thông.
1. Kiểm sát công tác tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi
Ngày 17/4/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 111/QĐ-VKSTC về Quy chế công tác, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, thay thế Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định.
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên từ khi tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin, kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nói chung và các vụ tai nạn giao thông nói riêng đã được quy định rõ ràng, chi tiết, thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.
Lãnh đạo Viện phân công Kiểm sát viên trực nghiệp vụ 24/24 giờ (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết) để tiếp nhận, quản lý đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi do cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến theo lịch trực tháng. Mỗi ca trực đều có Kiểm sát viên, trực kèm Kiểm tra viên hoặc chuyên viên, tránh trường hợp Kiểm sát viên đi khám nghiệm trực tiếp tại hiện trường, khám nghiệm tử thi, không còn người để tiếp nhận thông tin tại đơn vị.
Trường hợp Công an giao thông, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận thông báo thông tin chậm hoặc không thông báo theo quy định, khi phát hiện cần kịp thời báo cáo Lãnh đạo viện bằng văn bản, đề xuất kiến nghị, đảm bảo kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đối với tất cả các vụ việc mà Cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành khám nghiệm theo quy định.
Đối với những hiện trường phức tạp, tai nạn nghiêm trọng Lãnh đạo viện cần nắm được năng lực, kinh nghiệm, sở trường của từng Kiểm sát viên và loại hiện trường, tính chất quan trọng, phức tạp của hiện trường từng vụ án cụ thể để phân công Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm cho phù hợp.
Đối với những địa bàn rộng, tình hình giao thông phức tạp, có thời điểm xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông một lúc. Ngoài kiểm sát viên đã được phân lịch, trực tại cơ quan, những kiểm sát viên còn lại luôn trong trạng thái sẵn sàng, đi khám nghiệm hiện trường ngay sau khi có thông tin của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an giao thông… và có phân công của Lãnh đạo viện, kịp thời hỗ trợ kiểm sát viên trong ca trực, đảm bảo mọi vụ việc tai nạn giao thông, khám nghiệm tử thi đều có kiểm sát viên tham gia.
Đối với những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở tuyến đường có địa hình phức tạp, đặc thù, ở điều kiện thời tiết xấu, thời tiết cực đoan (mưa lớn, bão, lụt…) đêm khuya, các Kiểm sát viên (đặc biệt là Kiểm sát viên nữ, tay lái yếu) cần đề xuất Lãnh đạo Viện bố trí phương tiện di chuyển phù hợp, đảm bảo an toàn hoặc chủ động trao đổi với Cơ quan điều tra, cùng di chuyển đến hiện trường tai nạn giao thông.
Đối với những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở địa điểm vắng người qua lại, xảy ra vào ban đêm, không đủ điều kiện ánh sáng. Kiểm sát viên cần chủ động chuẩn bị công cụ phương tiện hỗ trợ như đèn pin, đèn chiếu sáng, đảm bảo điều kiện cơ bản để tiến hành việc kiểm sát.
Trường hợp Kiểm sát viên mới bổ nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm bên cạnh việc tích cực, chủ động nghiên cứu quy định pháp luật có liên quan như Bộ luật, luật, thông tư, nghị định, quy chế của ngành, quy chế phối hợp…, nên đề xuất Lãnh đạo viện cho tham gia cùng các Kiểm sát viên có kinh nghiệm để học hỏi thêm kinh nghiệm thực tiễn, tự hoàn thiện kiến thức, kỹ năng kiểm sát, đảm bảo việc kiểm sát đúng quy định pháp luật.
Trước khi khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải chủ động nắm tình hình, chủ động yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, kiểm tra đầy đủ thành phần trước khi tiến hành khám nghiệm bảo đảm đúng quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Quá trình tiến hành khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, người có chuyên môn để thống nhất nội dung, kế hoạch, trình tự, phương pháp khám nghiệm hiện trường, bảo đảm khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Kiểm sát việc lấy lời khai những người biết sự việc ngay tại hiện trường. Đối với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thấy người làm chứng, người bị hại hoặc đối tượng có thể chết hoặc mất khả năng khai báo, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra lấy ngay lời khai và ghi âm lời khai của họ.
Kiểm sát viên phải chủ động nắm tình hình về hiện trường, quan sát và phân tích các yếu tố để đánh giá tình trạng hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị thay đổi, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ấy do các yếu tố con người, thời tiết, động vật qua lại hoặc các yếu tố khách quan khác; xác định phạm vi cần khám nghiệm và những loại dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử cần được xem xét, thu giữ để yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra thực hiện.
Chú ý quan sát xung quanh hiện trường, trường hợp phát hiện camera có thể ghi lại diễn biến vụ tai nạn như camera giao thông, camera tại nhà dân, camera hành trình của các phương tiện lưu thông khác… cần yêu cầu Điều tra viên chủ trì việc khám nghiệm hiện trường ghi nhận, thu giữ, trích xuất theo quy định. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Kiểm sát viên kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để xin ý kiến chỉ đạo; yêu cầu Điều tra viên ghi ý kiến của mình vào biên bản khám nghiệm.
Những dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử đã thu giữ phải trong những vụ án tai nạn giao thông là cực kỳ quan trọng, mang tính chất quyết định trong việc nghiên cứu, đánh giá sau này. Có những dấu vết, vật chứng nếu không được thu giữ ngay, ghi nhận đúng quy định, sau này không thể thu thập được nên phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong theo quy định của pháp luật, bảo đảm phục vụ cho việc giám định và sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra quán triệt những người tham gia khám nghiệm hiện trường giữ bí mật về kết quả khám nghiệm, tuyệt đối không được tiết lộ, gây khó khăn cho công tác điều tra, giải quyết vụ án.
Đối với các vụ tai nạn giao thông có người bị thương, bắt buộc phải giám định tỷ lệ thương tật để xác định mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân; Trước khi giám định tỷ lệ thương tật đối với người bị thương, cần phải thu thập đầy đủ bệnh án hoặc giấy chứng nhận thương tích, đối chiếu với thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế về Quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để đánh giá mức độ thương tật của người bị nạn để phân loại xử lý; Trong mọi trường hợp cần phải lấy lời khai của người bị nạn (hoặc thân nhân của người bị nạn) để biết yêu cầu của họ về việc giải quyết vụ tai nạn.
Trong mọi trường hợp tai nạn giao thông chết người thì cơ quan Công an phải trưng cầu giám định nguyên nhân chết để làm căn cứ xử lý. Trường hợp người bị hại từ chối giám định thương tật, nếu đã được giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ nhưng người bị nạn vẫn cương quyết từ chối giám định, kiểm sát viên cần yêu cầu cơ quan điều tra lập biên bản về việc từ chối của họ; nếu trên cơ sở hồ sơ bệnh án, giấy chứng thương có thể kết luận được thương tật thì ra quyết định trưng cầu giám định thương tật thông qua hồ sơ bệnh án để xử lý.
Sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên đều vào sổ khám nghiệm hiện trường để theo dõi, báo cáo Lãnh đạo viện.
2. Nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án tai nạn giao thông đường bộ
Trước hết, cần có kế hoạch đào tạo phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, kiểm sát viên học tập nâng cao trình độ, nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, Kiểm sát viên cần tích cực tự nghiên cứu, học tập, không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng kiểm sát điều tra tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Cần coi trọng việc định kỳ đào tạo chuyên sâu theo hình thức học tập nghiên cứu các chuyên đề án vi phạm các quy định về an toàn giao thông, chuyên đề kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi, về pháp y, chuyên đề về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.
Ngoài ra, việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào thực tiễn công tác kiểm sát là rất cần thiết, đặc biệt là việc quay phim, chụp ảnh hiện trường (khi cần thiết) và công tác số hóa hồ sơ nói chung, cũng như công tác số hóa hồ sơ các vụ án vi phạm các quy định về an toàn giao thông nói riêng. Ngoài các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-VKSNDTC ngày 28/12/2018 về việc “Triển khai thực hiện số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để đảm bảo sự thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng”;
Quy định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 về quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của Cơ quan điều tra, trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng với đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng kết luận, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Viện kiểm sát các quận, huyện phải quan tâm, chú trọng thực hiện công tác này.
Trong các vụ án giao thông, những video ghi lại quá trình, diễn biến xảy ra tai nạn giao thông là chứng cứ cực kỳ quan trọng, giúp cho các cơ quan có thẩm quyền có đánh giá tổng thể, khách quan về vụ án, lỗi của bên vi phạm… Các bản ảnh hiện trường, tử thi, dấu vết phương tiện… hầu hết là ảnh chụp có màu, khi sao lưu hồ sơ bằng cách photo sẽ khó khăn khi nghiên cứu hồ sơ. Do đó, việc số hóa hồ sơ sẽ phát huy hiệu quả tối đa đối với loại án này.
Thời điểm hiện tại, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cấp cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp các thiết bị kỹ thuật cần thiết như máy quay phim, máy ảnh, máy ghi âm, máy scan… Tuy nhiên, để thực hiện công tác này hiệu quả, đồng bộ, thống nhất và đúng quy định, Kiểm sát viên cần tích cực nghiên cứu các quy định có liên quan, chủ động nghiên cứu, sử dụng các thiết bị hỗ trợ, tìm hiểu các tính năng cần thiết.
Đối với trang thiết bị, nên sử dụng kết hợp máy Scan và máy photocopy Ricoh (đã được cấp) để tiến hành scan văn bản, tài liệu trong hồ sơ để đảm bảo nhanh chóng, scan được toàn bộ kích thước văn bản A5, A4, A3. Đối với phần mềm đọc định dạng tài liệu Pdf, sử dụng phần mềm Foxit Phamtom Pro Bussiness. Phần mềm này có nhiều ưu điểm trong việc tách, nhập file pdf sau khi scan; sắp xếp thứ tự các trang, xoay chiều 01 trang trong tệp lớn… Đối với máy quay phim, đề xuất mua chân máy để Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ có thể làm việc độc lập, vừa đặt máy quay, vừa tiến hành hỏi cung. Đồng thời, chân máy giúp việc quay phim được ổn định và có góc quay tốt hơn.
Ngoài ra, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Kiểm sát viên cần lưu ý các vấn đề như:
Về dấu vết hiện trường tai nạn giao thông: Dấu vết phanh là loại dấu vết hình thành khi người điều khiển phương tiện đạp phanh tạo vết lết của lốp xe trên mặt đường; Vết cà xước trên mặt đường khi đã có sự đâm va, chạm quệt giữa các phương tiện làm cho một hoặc cả hai bên phương tiện bị đổ ngã, kéo lê hoặc quăng quật trên mặt đường tạo thành; Vết trượt của lốp xe để lại trên mặt đường; Dấu vết máu (tồn tại dưới dạng lấm tấm, máu bị quệt, máu thấm, loang, đông, khô…), dấu vết là các chất lỏng khác như xăng, dầu, nước, bia, rượu, hóa chất, hàng hóa khác có ý nghĩa trong việc xác định vị trí đâm va, chiều hướng vận động của phương tiện, điểm chạm và truy nguyên phương tiện gây tai nạn bỏ chạy. Những tài liệu này phản ánh quá trình diễn biến vụ tai nạn giao thông, có thể giúp xác định xác định lỗi của các bên tham gia giao thông, qua đó định hướng phương pháp điều tra, làm rõ nguyên nhân gây tai nạn, xác định lỗi của các bên.
Khi tiến hành điều tra các vụ tai nạn giao thông, do công tác tiếp cận hiện trường để thực hiện các biện pháp bảo vệ hiện trường và khám nghiệm hiện trường chưa kịp thời nên một số vụ tai nạn giao thông khi lực lượng khám nghiệm đến nơi xảy ra tai nạn thì hiện trường đã bị xáo trộn do đưa bị hại đi cấp cứu, đảm bảo lưu thông…. và nhiều nguyên nhân khác. Trong trường hợp đó, cần căn cứ vào những dấu vết còn lại ở hiện trường, đồng thời căn cứ vào lời khai của nạn nhân, người gây tai nạn hoặc người làm chứng, Kiểm sát viên cần trao đổi với Điều tra viên để xác định lại hiện trường vụ tai nạn. Trường hợp cần thiết, cần tiến hành dựng lại hiện trường vụ tai nạn để làm rõ nguyên nhân, diễn biến vụ tai nạn nhằm xác định chính xác lỗi của các bên tham gia giao thông. Việc dựng lại hiện trường phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Kết quả giám định thương tích, Kết quả định giá tài sản và Kết quả khám nghiệm tử thi là nguồn chứng cứ được sử dụng để chứng minh các dấu vết để lại trên người nạn nhân có liên quan đến vụ tai nạn giao thông. Các tài liệu này cần xác định rõ dấu vết trên người bị nạn được kiểm tra từ bên ngoài (quần áo) đến thân thể của nạn nhân theo đúng các quy định của pháp luật, xác định dấu vết cụ thể nào là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của nạn nhân, dẫn đến việc hư hỏng phương tiện, qua phân tích đối chiếu với các chứng chứng cứ khác để đánh giá nguyên nhân, diễn biến, hậu quả.
Đối với các biên bản ghi lời khai của người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên cần nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể, khách quan lời khai của người bị hại, của bị can; lời khai của người làm chứng,… Đánh giá nội dung lời khai so với các chứng cứ khác như biên bản hiện trường, khám nghiệm phương tiện, khám nghiệm tử thi (nếu có) để làm rõ mọi vấn đề, xác định tính đúng đắn, tính logic về: vị trí, khoảng, hướng di chuyển của từng phương tiện; vị trí người, đồ vật, phương tiện sau khi xảy ra tai nạn; đặc điểm, loại phương tiện gây tai nạn. Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn đã xử lý như thế nào trước khi xảy ra tai nạn; Tình trạng mặt đường, thời tiết, thời điểm, lưu lượng phương tiện xung quanh tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn…
Ngoài ra khi đánh giá chứng cứ, khi xác định được lỗi của các bên tham gia giao thông, nếu lỗi thuộc về người vi phạm Luật Giao thông thông đường bộ mà gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác với định giá trên mức tối thiểu theo Khoản 1(điều khoản cơ bản) thì bị xử lý hình sự, nhưng cũng cần chú ý tới một số trường hợp sau khi khởi tố vụ án, bị can nếu có đủ điều kiện, có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình Sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Đây là điểm mới của Điều 260 cần chú ý khi trong quá trình giải quyết vụ án.
3. Nâng cao quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan liên quan khác trên địa bàn
Để công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định thì quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan trên địa bàn là rất cần thiết và quan trọng. Chính vì vậy, cần thiết phải xây dựng quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Cảnh sát giao thông và Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan có liên quan khác trên địa bàn trong việc quản lý và xử lý nguồn tin tội phạm và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.
Viện kiểm sát chủ trì tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện quy chế phối hợp để chỉ rõ những việc làm được, những việc còn khó khăn, vướng mắc, kịp thời bổ sung, sửa đổi quy chế để đem lại hiệu quả áp dụng cao nhất. Định kỳ hàng năm tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm trong điều tra, giải quyết tai nạn giao thông trên địa bàn.
Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bởi lẽ, đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông tại địa phương.
4. Tổng kết
Những vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là loại án phức tạp, cần nghiên cứu, nhận định một cách tổng thể, khách quan, toàn diện. Vì vậy, ngay từ bước đầu tiên là kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Tránh để xảy ra những sai sót không đáng có. Mỗi Kiểm sát viên phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức để làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xử lý về hình sự đối với các hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông.
Việc kiểm sát chặt chẽ, đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tai nạn giao thông nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông.