Thành lập cửa hàng mua bán xe máy cũ tại Đà Nẵng

thanh-lap-cua-hang-mua-ban-xe-may-cu-tai-da-nang

Mua bán xe máy cũ tại Đà Nẵng hiện nay trở nên rất phổ biến. Bởi nhu cầu sống của người dân ngày càng tăng lên, nhiều người lại muốn thay đổi xe mới. Đồng thời, cũng có rất nhiều người mong muốn mua chiếc xe tầm trung phù hợp với khả năng tài chính của mình. Vì thế, nhiều cá nhân nảy sinh ý tưởng kinh doanh từ việc mở cửa hàng mua bán xe máy cũ. Nhưng vấn đề đặt ra trước hết là các thủ tục pháp lý để tiến hành đi vào hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nắm rõ những thủ tục, hồ sơ để thực hiện đúng. Bài viết trên đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn tìm hiểu nội dung thành lập cửa hàng mua bán xe máy cũ tại Đà Nẵng.

Căn cứ pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

Trước khi tiến hành kinh doanh mua bán xe máy cũ, chủ kinh doanh phải chuẩn bị hồ sơ và nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Theo đó, chủ kinh doanh có thể lựa chọn một trong hai hình thức đăng ký kinh doanh sau: thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh.

Như vậy, trong trường hợp chủ kinh doanh chỉ mở một cửa hàng nhỏ và sử dụng dưới mười nhân viên thì chủ kinh doanh có thể lựa chọn hình thức kinh doanh là hộ kinh doanh. Điều này không chỉ giúp đảm bảo việc kinh doanh vừa hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi chủ kinh doanh.

1. Những lưu ý khi thành lập cửa hàng mua bán xe máy cũ

1.1. Về mô hình kinh doanh

Như đã đề cập ở trên, mô hình hộ kinh doanh có thể là lựa chọn tốt nhất cho ý tưởng kinh doanh xe máy cũ. Chủ thể thành lập hộ kinh doanh là cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc một hộ gia đình làm chủ. Hộ kinh doanh sử dụng dưới mười lao động. Hộ kinh doanh chỉ mở được 1 địa điểm kinh doanh. Cơ cấu tổ chức của hộ kinh doanh rất đơn giản bao gồm chủ hộ và các thành viên.

1.2. Về tên cửa hàng

Tên cửa hàng có thể được xem là dấu hiệu ghi nhớ giúp cho cửa hàng của hộ kinh doanh có độ nhận diện cao để khách hàng có thể quay trở lại sử dụng dịch vụ. Theo đó, chủ hộ kinh doanh không nên đặt tên doanh nghiệp trái với quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp năm 2020.

1.3. Về địa điểm kinh doanh

Cửa hàng nên đặt tại nơi có địa điểm dân cư đông đúc, dễ gây chú ý. Địa chỉ được xác định gồm số nhà, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, bạn nên cập nhật số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

1.4. Về vốn kinh doanh

Pháp luật không quy định mức vốn tối thiểu hay tối đa. Điều này phụ thuộc vào kinh phí để thành lập cửa hàng mua bán xe máy cũ. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như số vốn hiện tại đang có.

2. Chủ thể thành lập hộ kinh doanh mua bán xe máy cũ

Căn cứ theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì chủ thể thành lập hộ kinh doanh bao gồm:

Cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

3. Về điều kiện để thành lập hộ kinh doanh

Để tiến hành thành lập hộ kinh doanh với mục đích mở cửa hàng mua bán xe máy cũ, cần phải đáp ứng các điều kiện về thành lập hộ kinh doanh được quy định tại khoản 1, Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:

– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

– Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

– Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ;

– Nộp lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

Đồng thời, căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư năm 2020 quy định ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Theo đó, việc mở cửa hàng mua bán xe máy cũ không thuộc các ngành nghề bị cấm kinh doanh. Như vậy, cá nhân có thể thành lập hộ kinh doanh để kinh doanh mua bán xe máy cũ.

4. Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh

Theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm các loại giấy tờ sau:

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

– Tờ khai thuế

– Giấy ủy quyền đăng ký hộ kinh doanh (trong trường hợp chủ hộ kinh doanh ủy quyền cho người khác đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền).

5. Thời hạn xử lý hồ sơ

Kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện xử lý hồ sơ theo thời hạn được quy định như sau:

Khoản 3, Điều 97 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã quy định rõ:

– Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

– Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến thủ tục thành lập cửa hàng mua bán xe máy cũ tại Đà Nẵng. Trường hợp có thắc mắc về những vấn đề khác, vui lòng liên hệ Luật Dương Gia để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon