Thủ tục đăng ký doanh nghiệp tư nhân

thu-tuc-thanh-lap-doanh-nghiep-tu-nhan

Với sự phát triển của nền kinh tế, việc thành lập các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên và hình thức đa dạng. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân là một trong những loại một loại hình doanh nghiệp phù hợp với hình thức khởi nghiệp với vốn hạn chế và mô hình kinh doanh nhỏ hoặc bạn muốn tự mình điều hành mọi hoạt động kinh doanh mà không phụ thuộc vào các cá nhân, tổ chức khác. Vậy thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân như thế nào? Tham khảo về thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân qua bài viết sau đây của Luật Dương Gia.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thủ tục đăng ký doanh nghiệp ngày 04 tháng 01 năm 2024

1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Theo Điều 188 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.” Điều này có nghĩa là nếu doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính hoặc phá sản, chủ doanh nghiệp tư nhân phải sử dụng tài sản cá nhân để trả nợ.

Một cá nhân chỉ được phép thành lập một doanh nghiệp tư nhân và không thể đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là thành viên hợp danh trong một công ty hợp danh khác. Điều này nhằm tránh việc một cá nhân sử dụng nhiều hình thức pháp lý để quản lý tài sản và trách nhiệm kinh doanh. Hơn nữa, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành các loại chứng khoán và không được kêu gọi vốn từ công chúng để thành lập hoặc mua cổ phần vốn góp trong các loại hình doanh nghiệp khác như công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, hay công ty cổ phần.

2. Ưu điểm nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân.

2.1. Ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân

– Quyền tự chủ cao: Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định toàn bộ các hoạt động kinh doanh, từ chiến lược đến vận hành hàng ngày. Đồng thời, chủ doanh nghiệp cũng có quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận của doanh nghiệp

– Linh hoạt: Với thủ tục tương đối đơn giản do với các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp tư nhân có thể thay đổi hướng kinh doanh một cách nhanh chóng để thích ứng với thị trường.

– Thủ tục thành lập đơn giản: Quy trình đăng ký kinh doanh thường ít phức tạp và nhanh chóng hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.

– Ít ràng buộc về pháp lý: Doanh nghiệp tư nhân thường ít chịu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân có một cấu trúc đơn giản và rõ ràng, với chỉ một người đại diện theo pháp luật. Điều này giúp cho việc quản lý ít rủi ro về mặt pháp lý hơn.

2.2. Nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân

– Trách nhiệm vô hạn: Chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân đối với các khoản nợ của doanh nghiệp. Điều ngày có nghĩa là nếu tài sản của công ty không đủ để trả các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính khác thì chủ sở hữu sẽ phải dùng tài sản riêng của mình để giải quyết các khoản nợ này ngay cả khi công ty đã tuyên bố phá sản.

– Khó khăn trong huy động vốn: Việc tìm kiếm nguồn vốn để mở rộng kinh doanh thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các công ty lớn. Theo quy định của Luật Doang nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, do đó việc huy động nguồn vốn của doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp.

– Khả năng phát triển bền vững thấp: Doanh nghiệp tư nhân dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như biến động thị trường, chính sách của nhà nước. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có tuổi thọ ngắn do không có kế hoạch kế thừa rõ ràng.

2. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân

Thứ nhất, Điều kiện về chủ thể. Chủ doanh ngiệp tư nhân là cá nhân và không thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 17 luật Doanh nghiệp 2020

Thứ hai, Ngành nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh. Danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020, Điều 10 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và các phụ lục kèm theo.

Thứ ba, Tên của doanh nghiệp đặt theo đúng quy định. Những điều cấm đáng lưu ý trong đặt tên doanh nghiệp bao gồm:

  • Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp;
  • Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Ngoài ra, tên của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 37, 38, 39 Luật Doanh nghiệp 2020.

Thứ tư, điều kiện về địa điểm kinh doanh. Doanh nghiệp phải có địa chỉ trụ sở rõ ràng, được đặt trên lãnh thổ Việt Nam và được xác định theo địa giới hành chính.

3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

3.1. Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp:
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân: Bao gồm bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hoặc hộ chiếu của chủ doanh nghiệp.

3.2. Thủ tục thực hiện:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Hiện nay, có 3 phương thức nộp hồ sơ, cụ thể là:

  • Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch Đầu tư nơi doanh nghiệp tư nhân đặt trụ sở chính.
  • Nộp qua phương thức bưu chính viễn thông đến Phòng Đăng ký kinh doanh của địa phương mà doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại đó.
  • Nộp qua cổng thông tin điện tử theo quy trình trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

– Đối với trường hợp nộp trực tiếp và qua thư điện tử:

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ trao giấy biên nhận cho người nộp. Phòng Đăng ký kinh doanh sau đó nhập thông tin từ hồ sơ một cách chính xác và đầy đủ, kiểm tra tính hợp lệ và hợp pháp, và tiến hành số hóa thông tin vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân chỉ được tiếp nhận và nhập thông tin vào hệ thống thông tin của quốc gia khi đủ các điều kiện sau đây:

  • Có đủ các giấy tờ được quy định trong Điều 21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
  • Tên doanh nghiệp đã được điền trong đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.
  • Đã đóng đủ các loại phí, lệ phí theo quy định.

Nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc có sai sót, như tên doanh nghiệp không đúng quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ về các nội dung cần sửa đổi hoặc bổ sung trong vòng 03 ngày làm việc. Trong trường hợp từ chối hồ sơ vì không đủ điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh phải ra thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho người đăng ký.- Đối với trường hợp nộp qua thư điện tử.

– Đối với trường hợp nộp qua cổng thông tin điện tử

Người nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân sử dụng tài khoản cá nhân của mình để thực hiện các bước kê khai thông tin cần thiết, tải lên các tài liệu và văn bản dưới dạng điện tử, và tiến hành ký xác nhận hồ sơ thông qua cổng thông tin điện tử. Toàn bộ quy trình này, bao gồm cả việc nộp các khoản phí và lệ phí theo quy định, được thực hiện trực tuyến trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ((https://dangkykinhdoanh.gov.vn).

Sau khi hoàn thành các bước trên và gửi hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, người nộp sẽ nhận được giấy biên nhận thông qua cổng thông tin điện tử. Giấy biên nhận này xác nhận việc tiếp nhận hồ sơ và là cơ sở để tiếp tục các bước xử lý tiếp theo trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Nhận kết quả từ Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch Đầu tư.

Phòng đăng ký kinh doanh tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ giấy tờ đầy đủ và hợp lệ.

Bước 4: Công bố thông tin doanh nghiệp tư nhân.

Theo quy định tại Điều 32 luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp như sau:
“1. Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh;
b) Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).
2. Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, những thay đổi tương ứng phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Thời hạn thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là 30 ngày kể từ ngày được công khai.”

Như vậy, việc công bố thông tin doanh nghiệp là quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và lành mạnh của môi trường kinh doanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

5. Thủ tục cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp

Ngoài thủ tục công bố thông tin doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải thực hiện các công việc sau khi thành lập doanh nghiệp:

– Khắc con dấu doanh nghiệp: Ngoài việc công bố thông tin, chủ doanh nghiệp cần tiến hành khắc con dấu cho công ty. Chủ doanh nghiệp có quyền quyết định về số lượng, hình thức, và loại dấu cho doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, và các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021, các doanh nghiệp không cần thông báo mẫu con dấu.

– Thủ tục kê khai thuế ban đầu: Chủ doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ kê khai thuế ban đầu trong vòng 30 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh.

– Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng: Trong vòng 10 ngày kể từ khi hoàn tất thủ tục mở tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải thông báo số tài khoản này cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo rằng mọi giao dịch tài chính được kiểm soát bởi cơ quan chức năng.

– Thủ tục phát hành hóa đơn: Doanh nghiệp cần lựa chọn hình thức hóa đơn và báo cáo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp sau khi quyết định.

Trên đây là tóm tắt các quy định pháp lý cơ bản liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp tư nhân . Để được tư vấn chi tiết hơn về quy trình thủ tục và giải đáp mọi thắc mắc, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: danang@luatduonggia.vn hoặc hotline 19006568. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng quý khách trong quá trình thành lập doanh nghiệp tư nhân một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon