Quyền bất khả xâm phạm của người bị buộc tội

quyen-bat-kha-xam-pham-cua-nguoi-bi-buoc-toi

Tố tụng hình sự (TTHS) là trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. “Hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước nhằm xác định để xử lý tội phạm và người phạm tội và luôn gắn với thời hạn tố tụng, thẩm quyền tố tụng… nên dễ vi phạm đến quyền và lợi ích của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo – người yếu thế”[1].

Xét về tính chất thì quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người bị buộc tội chính là quan hệ giữa “người mạnh” và “kẻ yếu”. Vấn đề đặt ra là làm sao để bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật TTHS? Làm sao bảo vệ “kẻ yếu” trước “người mạnh”?

Như vậy, cần thiết phải có và phải thực hiện hiệu quả quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người bị buộc tội trong TTHS nói chung và trong từng giai đoạn tố tụng nói riêng. Bài viết sẽ phân tích cụ thể về vấn đề bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội là cá nhân khi tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật hiện hành.

1. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người nói chung, người bị buộc tội nói riêng là một trong những giá trị của con người cần được bảo đảm ở mức cao nhất. Trên phương diện pháp lý có thể hiểu quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân là quyền mà pháp luật quy định nhằm đảm bảo không ai có thể xâm phạm đến thân thể (cơ thể) của người khác và không ai có thể bị xâm phạm đến thân thể một cách trái pháp luật.[2]

Nhân phẩm, danh dự là những giá trị nội tại, vốn có, được hình thành và phát triển cùng với sự hoàn thiện của con người về mặt thể chất và tinh thần. Nhân phẩm và danh dự thuộc giá trị chung nhất của tất cả mọi người trong cộng đồng nhân loại, không dựa trên bất kỳ sự phân biệt hay khác biệt nào về địa vị xã hội, kinh tế, chính trị, chủng tộc, tôn giáo, dân tội, giới tính. Nhân phẩm và danh dự con người cũng chính là cái làm nên sự khác biệt, là bước tiến vượt bậc của con người với phần còn lại của tự nhiên. Vì nhân phẩm, danh dự là những giá trị chung của con người, do vậy, tôn trọng nhân phẩm, danh dự của mỗi cá nhân là sự tôn trọng đối với chính mình, đối với đồng loại, trên cơ sở đó con người thực hiện được sự công bằng và bình đẳng.[3]

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là những giá trị xã hội cao nhất được ghi nhận và bảo vệ, trong cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Điều 1 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR) tuyên bố: ” Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Mọi người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm, và cần phải đối xử với nhau bằng tình anh em”. Tiếp đó Điều 5 UDHR khẳng định: “Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”.

Tinh thần này tiếp tục được ghi nhận tại các Điều 7, 10, 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR). Cụ thể Điều 7, 17 ICCPR thể hiện: “Không một người nào có thể bị tra tấn, đối xử hoặc bị áp dụng hình phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc nhục hình”, “Không ai bị can thiệp một cách độc đoán hoặc bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín hoặc bị xúc phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín”. ICCPR quy định trong trường hợp cần phải tước đoạt tự do đối với một người thì người này cũng phải được đối xử nhân đạo cùng với sự tôn trọng nhân phẩm và tự do vốn có của con người (Điều 10).

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm nói riêng được ghi nhận trong Hiến pháp, văn bản có giá trị hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Cụ thể hoá tinh thần Hiến pháp, Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 ghi nhận: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể… Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm đến thân thể, tính mạng và sức khoẻ của con người”. Điều 11 BLTTHS năm 2015 cũng quy định: “Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm… Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm… của cá nhân… đều bị xử lý theo pháp luật”.

Người bị buộc tội là những người bị tình nghi thực hiện tội phạm, đối với họ chưa có bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật nên theo nguyên tắc suy đoán vô tội họ chưa phải là người có tội nên họ hoàn toàn được bảo đảm bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm. Mặt khác, cho dù sau này họ bị kết tội bởi một bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì do họ cũng là con người nên thân thể, danh dự, nhân phẩm của họ vẫn sẽ được pháp luật bảo vệ.

2. Quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội

Hoạt động TTHS nói chung và các hoạt động điều tra nói riêng được tiến hành trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người, trong đó có người bị buộc tội. Việc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người bị buộc tội trong TTHS được thể hiện thông qua việc thừa nhận, tuân thủ và bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của những người này là nghĩa vụ của Nhà nước. Trong khi tiến hành các hoạt động tố tụng nghiêm cấm việc bắt, giữ, giam người trái pháp luật.

Việc tạm thời hạn chế quyền tự do thân thể của người bị buộc tội chỉ được tiến hành khi có căn cứ, điều kiện được pháp luật quy định cụ thể. Việc bắt, giữ, giam người phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định, chịu sự giám sát chặt chẽ của Toà án, Viện kiểm sát. Khi phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho hoạt động điều tra thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng phải đảm bảo thực thi các quy định về giam, giữ để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội.

Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi trái pháp luật xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội trong các hoạt động TTHS cũng như các hoạt động điều tra. Mọi hành vi trái pháp luật xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội đều được xử lý theo pháp luật.

Trong các hoạt động điều tra thì hoạt động hỏi cung bị can dễ dẫn đến vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của bị can nhất. “Bức cung, dùng nhục hình, tra tấn hay áp dụng các hình vi đối xử trái pháp luật khác đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không những dẫn đến oan sai, xâm phạm quyền con người, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan này”[4].

Để đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội khi tiến hành hoạt động hỏi cung, BLTTHS năm 2015 đã có quy định trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung (Khoản 1 Điều 183).

Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên có thể thực hiện được thẩm quyền kiểm tra, giám sát của mình đối với hoạt động hỏi cung và người bào chữa cũng có cơ hội chứng kiến các hoạt động của người tiến hành tố tụng thực hiện đối với thân chủ của mình, một mặt nâng cao hiệu quả hoạt động bào chữa, mặt khác đảm bảo tính minh bạch trong các hoạt động điều tra.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng có những quy định nhằm hạn chế việc xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của bị can trong quá trình hỏi cung như nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn, hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có người bị buộc tội (Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015). Trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết thì Kiểm sát viên sẽ hỏi cung bị can (Điều 183 BLTTHS năm 2015).

Quy định này đã có những đổi mới so với trước đây, thay vì quy định mang tính chung chung, ước lệ, bộ luật hiện hành đã chỉ rõ các trường hợp cụ thể Kiểm sát viên được quyền hỏi cung bị can. Điều này sẽ góp phần bảo đảm cho bị can không bị xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm trong quá trình hỏi cung. Có thể nói so với trước đây, pháp luật TTHS hiện hành đã có những bước phát triển trong việc bảo đảm các quyền con người nói chung và quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của bị can nói riêng.

Để tăng cường tính minh bạch trong quá trình hỏi cung, ngăn chặn các hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, ngoài việc quy định các hành vi nghiêm cấm áp dụng đối với người tiến hành tố tụng, BLTTHS năm 2015 còn quy định việc hỏi cung tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 183).

Trong giai đoạn điều tra, ngoài hoạt động hỏi cung, một số hoạt động điều tra khác như khám xét người (Điều 194 BLTTHS năm 2015), xem xét dấu vết trên thân thể người (Điều 203 BLTTHS năm 2015), thực nghiệm điều tra (Điều 204 BLTTHS năm 2015) cũng có thể xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội. Để hạn chế điều này pháp luật cũng đã có những quy định mang tính chất ngăn ngừa như khi tiến hành hoạt động khám xét người không được xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét. Việc khám xét phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể xem xét dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án trên thân thể bị can.

Việc xem xét dấu vết trên thân thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. Trong quá trình xem xét dấu vết trên thân thể người nghiêm cấm hành vi xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người bị xem xét dấu vết trên thân thể. Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 về chuyển đổi giới tính quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Như vậy, Bộ luật Dân sự mới chỉ công nhận về vấn đề chuyển đổi giới tính mà chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định các trường hợp chuyển đổi giới tính hoàn toàn hay chuyển đổi một số bộ phận cơ thể. Trong trường hợp người mới thực hiện một giai đoạn trong việc chuyển đổi giới tính (mới phẫu thuật ngực chưa phẫu thuật bộ phận sinh dục hoặc ngược lại), chưa xác định rõ ràng giới tính thực tế phạm tội thì việc khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể sẽ được thực hiện như thế nào? do ai thực hiện? ai chứng kiến? Nếu không sớm có hướng dẫn thì cũng là khó khăn cho Cơ quan điều tra để đảm bảo quyền cho những người bị buộc tội là người chuyển giới.

Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác. Như vậy, trong trường hợp người bị buộc tội tham gia thực nghiệm điều tra thì người có thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra này không được phép xâm hại đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội.

[1] TS. Hồ Sỹ Sơn, “Bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự và một số đề xuất về hoàn thiện pháp luật”, Tạp chí Luật học, số 1/2011, tr. 42.

[2] TS. Vũ Gia Lâm (2011), “Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân”, Đề tài NCKH cấp trường Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhằm đảm bảo nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr. 127.

[3] TS. Trần Quang Tiệp, Về bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong Tố tụng hình sự (Sách chuyên khảo), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 30.

[4] TS. Trần Quang Tiệp, sđd, tr.82.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon