Các trường hợp không được đơn phương ly hôn

cac-truong-hop-khong-duoc-don-phuong-ly-hon

Ly hôn là điều không ai mong muốn xảy ra, tuy nhiên, nếu tình trạng hôn nhân giữa vợ chồng đã thực sự trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được thì việc ly hôn chỉ còn là vấn đề thời gian.  Để giải quyết vấn đề đó nhằm bảo vệ quyền lợi của vợ hoặc chồng trong một cuộc hôn nhân không trọn vẹn thì pháp luật hiện nay cho phép các bên được quyền đơn phương ly hôn.

Tuy nhiên, không phải trường hợp đơn phương ly hôn nào cũng được Tòa án thụ lý giải quyết mà cần có những điều kiện và yêu cầu pháp lý cụ thể theo luật định. Vậy vấn đề này được quy định như thế nào, hãy cùng Luật Dương gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

*Căn cứ pháp luật

– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

1. Đơn phương ly hôn là gì?

Hiện nay, trong các quy định của pháp luật không có khái niệm cụ thể về đơn phương ly hôn, tuy nhiên, dựa trên các định nghĩa xoay quanh vấn đề ly hôn thì có thể hiểu:

Đơn phương ly hôn là việc một bên vợ hoặc chồng yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ hôn nhân khi phát sinh những vấn đề nghiêm trọng khiến đời sống chung của họ không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

2. Điều kiện để Thủ tục đơn phương ly hôn được Tòa án giải quyết

Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân & Gia đình thì điều kiện để một bên vợ hoặc chồng có thể yêu cầu đơn phương ly hôn, gồm:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

  1. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
  2. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Theo đó, quyền đơn phương ly hôn của các bên trong quan hệ hôn nhân được phát sinh khi:

Thứ nhất, vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình về cả tinh thần lẫn thể xác như lăng mạ, đánh đập, gây áp lực lên gia đình đôi bên hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho nhau thất vọng, mất đi sự tin tưởng khiến đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Thứ hai, một bên Vợ/chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích.

Thứ ba, một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, và bên còn lại có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Điều kiện này phải xuất phát từ các bên, một bên khó khăn trong việc hiểu và phản ứng với thực tại xung quanh, trong khi đó, bên còn lại có hành vi bạo lực, thực hiện các hành động gây tổn thương về thể xác, tinh thần hoặc cảm xúc đối với người mắc bệnh dẫn đến những hậu quả khó lường. Sự tác động đồng thời này khiến cuộc sống và sự ổn định tinh thần của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy, họ có có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn trong trường hợp này nhằm tự bảo vệ lợi ích hợp pháp cũng như sự an toàn của chính mình.

Trường hợp này có một ngoại lệ được mở rộng ra về người yêu cầu ly hôn có thể là cha, mẹ, người thân thích khác của người bị bệnh.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định việc một bên yêu cầu ly hôn nhưng không có bằng chứng, chứng cứ để làm căn cứ ly hôn ví dụ: ảnh chụp, bằng chứng các di chứng của bạo lực gia đình, bằng chứng người chồng ngoại tình, bằng chứng đối phương nghiện ma túy,… thì không đảm bảo điều kiện để được đơn phương ly hôn và Tòa án không chấp nhận yêu cầu giải quyết ly hôn.

3. Những trường hợp không được đơn phương ly hôn

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân & Gia đình, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, người vợ đang mang thai

Quy định này được đặt ra bởi lẽ, trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ rất cần sự chăm sóc của người thân bên cạnh mình, đặc biệt người chồng là người gần gũi nhất với người vợ. Do vậy, nếu khi người vợ đang mang thai mà người chồng yêu cầu ly hôn thì sẽ tác động không chỉ đến người mang thai mà cả sức khỏe của thai nhi trong bụng.

Thứ hai, người vợ đang trong thời gian sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Hơn thế, trong thời gian sinh con và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, ngoài việc tinh thần nhạy cảm, thể trạng yếu chưa phục hồi thì người vợ không thể đi làm, do đó kinh tế phần lớn phụ thuộc vào người chồng, vì vậy nên nếu không nhận được sự hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất  cũng như không có sự đồng hành của người chồng trong thời điểm này là một thiệt thòi rất lớn.

Tuy nhiên, quy định này chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng. Có nghĩa là nếu vợ làm đơn xin ly hôn, mặc dù đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì tòa án vẫn thụ lý, giải quyết như những trường hợp bình thường khác.

Điều này gây ra khá nhiều tranh cãi cho các nhà làm luật, nhưng mục đích của quy định này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, vì trong thời gian nuôi con nhỏ, mang thai, cả người mẹ và đứa trẻ đều rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực bên ngoài nên đôi khi có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì vậy, việc đặt ra các quy định như thế này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em mà đồng thời còn là sự lường trước những sự việc tiêu cực có thể xảy ra với những đối tượng nêu trên.

4. Các quy định khác về đơn phương ly hôn

4.1. Quyền nuôi con khi đơn phương ly hôn

Việc ai là người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của 2 bên cha, mẹ đối với con sau khi ly hôn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa vợ và chồng.

Trường hợp không thỏa thuận được mà cần có sự giải quyết, can thiệp của Tòa án thì việc xác định bên nuôi con sẽ được căn cứ dựa trên quyền lợi về mọi mặt của con. Theo đó:

  • Nếu con từ đủ 7 đến dưới 18 tuổi: Tòa án triệu tập các con để lấy lời khai về nguyện vọng được sống với bố hoặc mẹ;
  • Nếu con dưới 36 tháng tuổi: Con được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng (trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc có thỏa thuận khác giữa cha và mẹ để phù hợp với lợi ích của con).

Người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ chu cấp cho con và phải tôn trọng nguyện vọng, quyền lựa chọn người trực tiếp nuôi dưỡng của con.

Nếu sau ly hôn, người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con được quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người kia.

4.2. Thời gian giải quyết đơn phương ly hôn

Căn cứ theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì:

 “Điều 203. Thời hạn chuẩn bị xét xử

  1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau
  2. a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này…”

Trường hợp ly hôn đơn phương, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án nhưng nếu vụ án có tính chất phức tạp thì có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng.

Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa. Trường hợp có lý do chính đáng thì có thể kéo dài thời hạn là 2 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian giải quyết vụ án ly hôn có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn thời gian của luật quy định do tùy vào tính chất của từng vụ án.

Tuy nhiên, việc đơn phương ly hôn là xuất phát từ yêu cầu của một người nên trong thực tế có khá nhiều trường hợp bên còn lại gây khó khăn, bất lợi thậm chí cản trở việc ly hôn này. Do đó, thời gian đơn phương ly hôn trên thực tế thường sẽ bị kéo dài hơn rất nhiều so với quy định của pháp luật

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến vấn đề đơn phương ly hôn nói chung cũng như các trường hợp không được đơn phương ly hôn nói riêng. Luật Dương Gia hi vọng bài viết này đã giúp ích cũng như giải đáp những thắc mắc mà bạn đang gặp phải. Nếu trong trường bạn cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon