Không còn tình yêu có nên ly hôn hay tiếp tục sống chung

khong-con-tinh-yeu-co-nen-ly-hon-hay-tiep-tuc-song-chung

Tình yêu là một loại cảm xúc, trạng thái tâm lý của con người. Như Xuân Diệu từng nói “Làm sao sống được mà không yêu, không thích không thương một kẻ nào”. Ai rồi cũng sẽ gặp một người, khiến ta có cảm xúc rung động, từ đó dẫn đến tình yêu và rồi đi đến kết hôn. Thế nhưng, không ai có thể đảm bảo, chắc chắn việc người vợ, người chồng sẽ yêu  mình mãi. Vậy, khi không còn tình yêu thì có nên ly hôn hay vẫn tiếp tục sống chung.

1. Vợ chồng nên ly hôn hay tiếp tục sống chung khi đã hết tình cảm

Tình yêu là sự tự nguyện giữa hai người, sau khi tìm hiểu, yêu nhau thì đi đến kết hôn.  Việc đăng ký kết hôn sẽ là bằng chứng cho tình yêu đó, được nhà nước và pháp luật công nhận và bảo vệ. Đăng ký kết hôn khi cả hai đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình, được Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Từ đấy, giữa cả hai không chỉ còn tình yêu mà còn phát sinh thêm quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với nhau.

Lúc yêu nhau, mọi thứ đều là màu hồng, chỉ nhìn thấy những mặt tốt đẹp nhất của nhau. Khi đã là vợ chồng, sinh hoạt chung dưới một mái nhà, chuyện cơm áo gạo tiền rồi con cái và nhiều vấn đề khiến rất nhiều cặp đôi vì thế mà nảy sinh mâu thuẫn, quan điểm giữa cả hai bắt đầu không đồng điệu.

Khi đã là vợ chồng, việc ly hôn không đơn giản như tình yêu đơn thuần. Vợ chồng có một sự ràng buộc bởi quyền, nghĩa vụ không chỉ ở hai người mà còn là hai gia đình, con cái. Con cái không có tội, nó cũng chỉ là những đứa trẻ chưa hiểu ly hôn là gì, thế nhưng việc bố mẹ ly hôn sẽ khiến con cái dù ít dù nhiều sẽ bị thiếu thốn tình cảm, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Thế nên rất nhiều cặp đôi khi đã hết tình cảm nhưng vẫn lưỡng lự việc đi hay ở lạị.

Ta có thể thấy, thời ông bà hiếm khi cưới nhau vì tình yêu, họ đến với nhau phần lớn là do mai mối, cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, thế  nhưng họ vẫn sinh con, vẫn sống với nhau tồn tại đến lúc chết. Có thể thấy, tình yêu là thứ gì đó có thể vơi dần nhưng khi sự yêu qua đi, con người ta sống với nhau lâu dần sẽ sinh ra cái nghĩa cái tình và lớn hơn hết là trách nhiệm với nhau. Thế nhưng, giới trẻ hiện tại, yêu và cưới đến nhanh như một cơn gió và rồi lụi tàn cũng rất nhanh. Tình yêu hay hôn nhân thời nay đều là yêu thì đến, không yêu thì rời đi, không níu kéo, không quỵ lụy. Thứ giết chết tình yêu ngoài việc cảm xúc thay đổi thì còn có cái tôi. Khi xảy ra vấn đề, họ không ngồi xuống nói chuyện mà thay vì đó họ tranh nhau phần thắng trong một cuộc cãi vã và rồi cái chết là mối quan hệ.

Ngoại trừ những cuộc hôn nhân văn minh, đến và đi vẫn đối đãi tốt với nhau, ly hôn một cách nhẹ nhàng, đúng quy định pháp luật thì có rất nhiều cuộc hôn nhân được kể trong sự thống khổ, đầy nước mắt và thiệt thòi. Họ bị bạo lực gia đình, bị chà đạp, bị tổn thương không chỉ là thể xác mà cả tinh thần, thế nhưng vì gia đình, vì con cái và vì một phần chấp niệm trong mối quan hệ họ vẫn chấp nhận sống như vậy. Liệu cuộc hôn nhân đó có xứng đáng để ở lại không?

Mọi việc trên thế gian này đều có hai mặt, mặt tốt và mặt xấu. Hôn nhân cũng vậy, nó là kết quả của tình yêu, nhưng nó cũng là “nấm mồ” của rất nhiều cuộc hôn nhân. Vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận sự việc một cách khách quan. Khi một vấn đề nào xảy ra, cả hai nên ngồi xuống nói chuyện, tìm hướng giải quyết khi mọi thứ vẫn còn trong vòng kiểm soát, những rạn nứt vẫn còn có thể chữa lành. Hay trong một cuộc hôn nhân bị tổn thương quá nhiều, nước mắt nhiều hơn hạnh phúc thì việc ly hôn chính là phương pháp cuối cùng giúp cả hai kết thúc đoạn tình cảm vốn đã không còn này, cho nhau một cơ hội tình cảm khác, không tự làm khổ mình và cả đối phương. Tình cảm và lý trí là hai thứ vốn không thể tách rời nhau trong bất cứ quyết định nào, ta không thể quá nhẫn nhịn nhưng cũng không thể quá cứng rắn.

2. Thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn

Thuê luật sư ly hôn thuận tình tại Đà Nẵng

2.1. Thuận tình ly hôn

Thuận tình ly hôn là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của vợ chồng, khi cả hai đã xác định không thể ở với nhau được, cuộc sống hôn nhân không thể tiếp diễn. Và cả hai đã thỏa thuận được các vấn đề trong hôn nhân về quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung, nợ chung.

Việc thuận tình ly hôn cũng sẽ có những ưu điểm nhất định.

Thứ nhất, có thể nộp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại nơi có hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại của vợ hoặc chồng. Theo đó, thẩm quyền giải quyết của Tòa án do các bên tự thỏa thuận, thống nhất.

Thứ hai, hai vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau sẽ tránh những mâu thuẫn phát sinh không đáng có. Đặc biệt là đối với những cặp vợ chồng đã có con chung. Sau này, khi hoàn thành thủ tục ly hôn họ không còn là vợ chồng nữa nhưng con vẫn là con chung, cả hai người vẫn đều có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng. Nếu có thể thỏa thuận với nhau, sự việc sẽ nhẹ nhàng hơn, tránh ảnh hưởng xấu tới tâm lý của con.

Thứ ba, về thời hạn giải quyết.

Mặc dù thời hạn theo luật định là 4 tháng (có thể gia hạn) đối với cả trường hợp ly hôn thuận tìnhly hôn đơn phương. Thuận tình ly hôn sau khi thẩm phán thụ lý giải quyết thì sẽ mời hai bên lên hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận về toàn bộ các vấn đề như tài sản chung, nợ chung, quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con thì Thẩm phán sẽ ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thời gian giải quyết có thể sẽ ngắn hơn.

Thêm vào đó, Quyết định công nhận thỏa thuận có hiệu lực nhanh hơn so với bản án.

Căn cứ vào điều 57 Luật hôn nhân gia đình quy định:

“Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn

Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.”

Ngoài ra, Điều 212 BLTTDS năm 2015 quy định:

“Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải… ra quyết định công nhận hòa giải thành của các đương sự”

Như vậy quyết định công nhận thuận tình ly hôn được Thẩm phán ban hành sau thời gian là 07 ngày kể từ thời điểm hai vợ chồng ký biên bản thống nhất về việc ly hôn. Đồng thời, Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực ngay kể từ ngày ban hành.

Quan hệ hôn nhân gia đình chính thức chấm dứt, các bên được quyền yêu cầu cơ quan hộ tịch, cơ quan nhà nước tại địa phương ghi nhận quyết định để làm căn cứ thể hiện cá nhân bạn hiện đã trong tình trạng độc thân.

2.2. Đơn phương ly hôn

Đơn phương ly hôn là vụ việc khi một trong hai bên có yêu cầu ly hôn hoặc cả hai không thể thống nhất việc giải quyết các quan hệ trong hôn nhân như tranh chấp quyền nuôi con, tranh chấp về chia tài sản chung, nợ chung,….hay các trường hợp khác theo luật định.

Thủ tục ly hôn đơn phương tại Đà Nẵng

Về thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương sẽ khác so với thuận tình ly hôn, cụ thể:

Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, khi yêu cầu ly hôn đơn phương, người có yêu cầu phải nộp đơn đến Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 35 BLTTDS, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì nếu những vụ án ly hôn này có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền mà thuộc sẽ về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy, nếu hai công dân Việt Nam ly hôn trong nước thì nộp đơn ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu ly hôn đơn phương cư trú hoặc làm việc. Nếu có yếu tố nước ngoài sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện.

Trên đây là bài viết về việc không còn yêu có nên ly hôn hay tiếp tục sống chung. Việc ly hôn có rất nhiều vấn đề pháp lý, nếu bạn có thắc mắc, cần tư vấn, vui lòng liên hệ 1900 6568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon