Thực tiễn kê biên tài sản của doanh nghiệp trong thi hành án dân sự

thuc-tien-ke-bien-tai-san-cua-doanh-nghiep

Thực tiễn thi hành án dân sự, rất nhiều vụ việc cơ quan thi hành án phải tiến hành kê biên cưỡng chế tài sản của doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp cũng rất đa dạng, bao gồm cả quyền sử dụng đất, tài sản gắn liên với đất và các tài sản khác như máy móc, thiết bị, nguyên liệu, sản phẩm… Trong nội dung bài viết sẽ đề cập đến “Thực tiễn kê biên tài sản của doanh nghiệp trong thi hành án dân sự”

1. Kê biên đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

Về cơ bản, thủ tục kê biên quyền sử dụng đất của doanh nghiệp không có sự khác biệt so với kê biên quyền sử dụng đất của các chủ thể khác. Sự khác biệt chủ yếu là trường hợp doanh nghiệp có quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê hàng năm và tài sản gắn liền là các nhà xưởng và các công trình xây dựng khác. Như tác giả đã trình bày ở mục 1.2. rất nhiều doanh nghiệp có quyền tài sản là quyền sử dụng đất trả tiền thuê hàng năm bởi việc sử dụng đất thuê trả tiền thuê hàng năm sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng khoản tiền thuê đất còn lại để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp chỉ phải chi trả một phần tiền thuê đất.

Thực tế, đây là một loại tài sản có giá trị khá lớn của doanh nghiệp, để có quyền này, nhiều doanh nghiệp đã phải chi trả rất nhiều loại chi phí khác nhau như chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí san lấp mặt bằng… Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật THADS và pháp luật liên quan như luật đất đai hiện hành thì không có quy định cho phép cơ quan THADS được kê biên, xử lý đối với quyền thuê đất mà chỉ được kê biên đối với tài sản gắn liền với đất thuê. Điều này đã gây thiệt hại đáng kể cho các chủ thể có liên quan đến tài sản này. Tác giả xin đưa ra tình huống minh hoạ cụ thể:

Bản án số 39/2018/KDTM-PT ngày 30/3/2018 của TAND thành phố H xét xử phúc thẩm Bản án số 10/2017/KDTM-ST ngày 24/5/2017 của TAND quận Đ, thành phố H có nội dung phần quyết định như sau:

“Buộc Công ty TNHH V phải trả Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam theo các Hợp đồng tín dụng: Hợp đồng tín dụng số 07TH200666.002/HĐTD ngày 25/9/2007; Hợp đồng tín dụng số 1483LAV200900800 ngày 23/9/2009 tính đến ngày 24/5/2017 như sau:

Nợ gốc: 129.128.837.000 đồng; Nợ lãi (lãi trong hạn và lãi quá hạn): 119.780.749.095 đồng. Tổng cộng: 248.909.586.095 đồng.

Xử lý các tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự để thu hồi nợ:

Tài sản gắn liền với đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH406613 vài sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T00421/QĐ 706 do UBND tỉnh B cấp ngày 31/5/2007 đứng tên Công ty TNHH V. Hợp đồng thế chấp công chứng số 1773/2010, quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 20/8/2010 tại Phòng công chứng số 1 tỉnh B. Đăng ký thế chấp ngày 10/9/2010 tại Văn phòng đăng ký QSDĐ tỉnh B”.

Sau khi nhận uỷ thác từ Chi cục THADS quận Đ, thành phố H, Cục THADS tỉnh B đã ra quyết định thi hành án và chấp hành viên đã ban hành quyết định cưỡng chế kê biên số 04/QĐ-CTHADS ngày 10/10/2018 với nội dung: Kê biên toàn bộ tài sản gắn liền với đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH406613 vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T00421/QĐ 706 do UBND tỉnh B cấp ngày 31/5/2007 đứng tên Công ty TNHH V. Hợp đồng thế chấp công chứng số 1773/2010, quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 20/8/2010 tại Phòng công chứng số 1 tỉnh B. Đăng ký thế chấp ngày 10/9/2010 tại Văn phòng đăng ký QSDĐ tỉnh B.

Theo phương án thẩm định giá của Công ty Cổ phần tư vấn và thẩm định giá VINA thì tài sản được định giá như sau:

– Giá trị tài sản gắn liền với đất: 4.722.422.000 đồng

– Chi phí san lấp, thi công cọc móng: 10.580.956.000 đồng

– Quyền thuê đất: 25.203.133.000 đồng

Cơ quan THADS đã cùng đơn vị thẩm định giá thực hiện việc khảo sát giá thị trường có tính chất để tham khảo, tổng giá trị tài sản trên theo giá thị trường khoản từ 35 đến 40 tỷ đồng do vị trí thửa đất có vị trí sát đường Quốc lộ 1A nên lợi ích thương mại cao.

Từ tình huống trên có thể thấy, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá trị thị trường của tài sản và giá của tài sản gắn liền với đất. Theo đó, tài sản gắn liền với đất  có giá trị không đáng kể so với quyền thuê đất mà người phải thi hành án đang sở hữu. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 175 Luật Đất đai thì tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm không được chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ được chuyển quyền đối với tài sản gắn liền với đất, do đó, đối với quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, chấp hành viên không được kê biên.

Đồng thời, cũng không có quy định cho phép chấp hành viên kê biên giá trị đầu tư trên đất, lợi ích thương mại, quyền thuê đất… nên sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Vì vậy, cần xem xét sửa đổi quy định về việc xử lý đối với các quyền của người thuê đất để đảm bảo quyền của họ cũng như của người được thi hành án.

Bên cạnh đó, việc kê biên đối với tài sản gắn liền với đất là nhà xưởng và các công trình xây dựng khác của doanh nghiệp cũng đòi hỏi sự cẩn trọng của chấp hành viên khi tiến hành kê biên nếu gặp phải sự chống đối của doanh nghiệp. Tình huống dưới đây là một bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chấp hành viên khi tiến hành kê biên nhà xưởng của doanh nghiệp.

“Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, theo bản án số 08/2014/DSPT ngày 29/9/2014 của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định, ông Lê Viết Chín, chủ Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (Gia Lai) có nghĩa vụ trả cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Phát (Bình Định) số tiền hơn 19,24 tỷ đồng.

Sau khi có đơn yêu cầu thi hành án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Phát, ngày 9/10/2014, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định ký Quyết định số 01/QĐ-Cthi hành án cho thi hành khoản bồi thường theo nội dung bán ản đã có hiệu lực pháp luật. Ông Nguyễn Văn Chánh, chấp hành viên sơ cấp được phân công trực tiếp tổ chức thi hành án vụ việc này.

Trong quá trình tổ chức thi hành án theo Quyết định số 01/QĐ-Cthi hành án của Cục THADS tỉnh Bình Định, Nguyễn Văn Chánh thiếu trách nhiệm trong việc xác minh sổ sách kế toán, không xác minh đầy đủ tài khoản của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi cũng như của vợ chồng ông Lê Viết Chín tại các ngân hàng có liên quan để thực hiện THADS theo quy định.

Hành vi thiếu trách nhiệm trên dẫn đến việc Chánh không biết bên trong nhà xưởng (kho) của Doanh nghiệp Phú Lợi tại Khu Công nghiệp Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đang chứa 25.728,9 tấn sắn lát và gần 33,4 tấn hạt ươi là tài sản không thuộc diện bị kê biên. Khi cưỡng chế kê biên, Chánh đã không mở khóa kho hàng mà niêm phong ngay cổng ra vào, không thực hiện đúng theo kế hoạch tổ chức cưỡng chế kê biên đã ban hành trước đó, vi phạm Điều 93 Luật THADS 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014. Vì vậy, Doanh nghiệp Phú Lợi đã phải chịu thiệt hại với số tiền 49,437 tỷ đồng do không thể xuất được số hàng hóa là sắn lát và hạt ươi để thực hiện hợp đồng với các đối tác.

Doanh nghiệp Phú Lợi yêu cầu bồi thường thiệt hại 76 tỷ đồng do hành vi phạm pháp luật của Chánh gây ra.

Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị Hội đồng xét xử, tuyên phạt Nguyễn Văn Chánh từ 10-12 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời tuyên buộc Cục THADS tỉnh Bình Định bồi thường thiệt hại cho hai doanh nghiệp theo đúng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định nhận định: Nguyễn Văn Chánh là chấp hành viên của Cục THADS tỉnh Bình Định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không thực hiện đầy đủ, không đúng trách nhiệm của chấp hành viên theo quy định của pháp luật, không xác minh sổ sách kế toán, không xác minh số dư tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp bị kê biên; niêm phong nhưng không mở kho để kiểm tra nên không biết được bên trong kho chứa những gì. Trong khi đó, thời điểm niêm phong, trong kho có tài sản không thuộc diện bị kê biên, do đó không có biện pháp để di dời những tài sản này ra khỏi khu vực kê biên.

Hành vi của bị cáo Chánh thể hiện sự cẩu thả, chủ quan làm cho Doanh nghiệp Phú Lợi không thể giao hàng cho đối tác theo đúng hợp đồng, điều này dẫn đến tài sản bị suy giảm về số lượng, chất lượng, hư hỏng. Do đó, hành vi của Chánh đã vi phạm Điều 93 Luật THADS 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014, gây thiệt hại cho Doanh nghiệp Phú Lợi với số tiền hơn 49,4 tỷ đồng.

Với những nhận định trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Chánh 9 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự; đồng thời tuyên buộc Cục THADS tỉnh Bình Định bồi thường cho hai doanh nghiệp tư nhân với tổng số tiền hơn 55 tỷ đồng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017; trong đó bồi thường cho Doanh nghiệp tư nhân Huy Phương gần 5,67 tỷ đồng; bồi thường cho Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi gần 49,44 tỷ đồng”[1].

Đây là một vụ việc dẫn đến sự kiện bồi thường Nhà nước lớn nhất trong lịch sử ngành THADS. Mặc dù, đến thời điểm hiện nay, vụ việc này vẫn chưa xác định được kết quả cuối cùng do có đơn kháng cáo của bị cáo và Cục THADS tỉnh Bình Định nhưng cũng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho các chấp hành viên khi tiến hành kê biên tài sản của doanh nghiệp nói riêng và kê biên đối với đồ vật bị khoá, bị đóng gói nói chung. Theo nhận định của Hội đồng xét xử, trong vụ việc này, bị cáo Nguyễn Văn Chánh đã có hành vi cẩu thả, chủ quan khi tiến hành kê biên nhà xưởng của doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp khoá cửa nhà xưởng nhưng lại không thực hiện việc phá khoá, mở khoá, mở gói theo quy định tại Điều 93 Luật THADS mà tiến hành niêm phong tại cổng của nhà kho. Hành vi này dẫn đến hậu quả là, một lượng lớn hàng nông sản là 25.728,9 tấn sắn lát và gần 33,4 tấn hạt ươi của doanh nghiệp không thể xuất hàng theo các hợp đồng với các đối tác, dẫn đến hàng hoá bị hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Trong vụ việc này, nếu chấp hành viên tiến hành kê biên theo đúng trình tự, thủ tục luật định là tiến hành mở khoá, mở gói để xác định hiện trạng tài sản kê biên, sau đó, có thông báo cụ thể cho doanh nghiệp về trách nhiệm nhận bảo quản đối với tài sản kê biên và tài sản không thuộc diện kê biên thì chắc rằng chấp hành viên và cơ quan THADS sẽ không phải gánh chịu những hậu quả lớn như trong vụ việc nêu trên.

Ngoài ra, đối với các công trình xây dựng gắn liền với quyền sử dụng đất cũng cần được chấp hành viên vận dụng sáng tạo để tránh những sai lầm có thể mắc phải trong quá trình kê biên tài sản. Ví dụ như trường hợp chấp hành viên đã tiến hành kê biên đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là nhà xưởng, nhà kho, nhà vệ sinh, nhà tạm, hàng rào, cổng rào…

Tuy nhiên, trong quá trình kê biên, người phải thi hành án là doanh nghiệp lại yêu cầu chấp hành viên phải kê biên hệ thống thoát nước được xây dựng để phục vụ cho việc sản xuất gạo của doanh nghiệp. Hệ thống thoát nước này có chiều dài 146m từ cổng nhà máy đến bờ sông. Đây là một hệ thống được xây ngầm dưới lòng đất, khác hoàn toàn với nhà xưởng, nhà kho, hàng rào… là những tài sản chấp hành viên dễ dàng quan sát được mà không cần phải có quá trình đào lên để quan sát. Với kết cấu phức tạp, lại nằm sâu dưới lòng đất, để xác định được giá trị và tính xác thực của tài sản này đòi hỏi chấp hành viên phải vận dụng phương pháp kiểm tra xác suất, bởi việc đào toàn bộ cống thoát nước để kiểm tra sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Kê biên đối với động sản

Trong hoạt động THADS, một cách phân loại động sản có giá trị rất lớn đối với hoạt động tác nghiệp của chấp hành viên là động sản có đăng ký quyền sở hữu và động sản không có đăng ký quyền sở hữu. Theo đó, đối với động sản có đăng ký quyền sở hữu sẽ dễ dàng hơn cho chấp hành viên khi xác định điều kiện để kê biên tài sản của doanh nghiệp. Còn đối với động sản không có đăng ký quyền sở hữu sẽ gây rất nhiều bất lợi và khó khăn cho chấp hành viên khi xác định điều kiện để kê biên đối với loại tài sản này.

2.1. Đối với động sản có đăng ký quyền sở hữu

Theo quy định hiện hành, những tài sản sau bắt buộc chủ sở hữu phải đăng ký quyền sở hữu tài sản: nhóm các tài sản là phương tiện giao thông đường thủy (tàu biển (theo Nghị định 171/2016/NĐ-CP), các phương tiện thủy nội địa (theo Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi, bổ sung năm 2014), tàu cá (theo Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT); nhóm tài sản là phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô, các loại xe chuyên dùng thi công đường bộ… (theo Thông tư 15/2014/TT-BCA); các loại tài sản là phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa chở hàng, toa chở khách…(theo Thông tư 21/2018/TT-BGTVT); tàu bay (theo Nghị định 68/2015/NĐ-CP).

Khi kê biên các động sản nói trên, một số tài sản, chấp hành viên phải tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành như kê biên tàu bay, một số tài sản khác sẽ gặp phải khó khăn do người phải thi hành án là doanh nghiệp cố tình tẩu tán tài sản bằng cách chuyển nhượng cho người khác hoặc cất giấu tài sản ở một nơi khác hoặc cố tình không về nơi neo đậu để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Ví dụ: “Bản án kinh doanh thương mại số 342/KDTM-PT của TAND thành phố H có nội dung: Buộc công ty TNHH vận tải biển T phải trả cho Ngân hàng TMCP C số tiền là 12 tỷ đồng.

Nếu Công ty T không trả được nợ thì Ngân hàng C có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền phát mãi tài sản thế chấp là con tàu cá Star 18 theo hợp đồng thế chấp số X để đảm bảo thi hành án. Sau khi Ngân hàng TMCP C có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ, cơ quan thi hành án có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án theo đúng quy định pháp luật. Hết thời gian tự nguyện thi hành án, Công ty TNHH T không trả nợ, chấp hành viên đã tiến hành xác minh đối với con tàu cá Star 18. Sau khi xác định chính xác quyền sở hữu đối với tài sản và hiện trạng của con tàu, chấp hành viên đã ra quyết định kê biên tài sản và yêu cầu Công ty TNHH T phải lai dắt con tàu về cảng biển N để cơ quan THADS thực hiện việc kê biên, giao bảo quản tài sản. Tuy nhiên, đến ngày cưỡng chế theo thông báo, Công ty TNHH T không thực hiện nghĩa vụ lai dắt con tàu về cảng biển”.

Tình huống nói trên phản ánh khó khăn của chấp hành viên khi tiến hành kê biên tài sản là động sản của người phải thi hành án. Vì vậy, trên thực tế, để có thể kê biên tài sản, cần phải có sự hỗ trợ của người được thi hành án. Cụ thể, người được thi hành án sẽ là người tìm kiếm và cung cấp thông tin để chấp hành viên thực hiện việc kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ tài sản khi phát hiện động sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi thực hiện việc kê biên đối với một số loại tài sản đặc biệt như tàu biển, tàu cá… thì công tác bảo quản tài sản cũng gặp nhiều khó khăn như phải bảo quản tại nơi neo đậu tàu thuyền, các cảng cá… Điều kiện neo đậu này sẽ dễ dẫn đến sự xuống cấp, hư hỏng của tài sản.

2.2. Đối với động sản không có đăng ký quyền sở hữu

Loại động sản không có đăng ký quyền sở hữu mà chấp hành viên thường xuyên gặp phải khi kê biên động sản của doanh nghiệp là các dây chuyền sản xuất. Thực tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vô cùng đa dạng nên dây chuyền sản xuất cũng rất phong phú khiến chấp hành viên sẽ gặp phải những lúng túng nhất định khi mời các thành phần tham gia kê biên và mô tả tài sản kê biên. Theo quy định tại Điều 88 Luật THADS “Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được uỷ quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, chấp hành viên và người lập biên bản”.

Từ quy định này có thể hiểu ngoài các thành phần bắt buộc phải ký trong biên bản kê biên, những thành phần khác là không bắt buộc. Tuy nhiên, trên thực tế, khi kê biên dây chuyền sản xuất, chấp hành viên sẽ mời thêm các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan đến dây chuyền sản xuất hoặc là các chuyên gia giám định, kiểm định. Ví dụ, khi kê biên dây chuyền sản xuất giấy vệ sinh, chấp hành viên đã mời chuyên gia đến từ Công ty Vinacontrol để kiểm tra và mô tả tài sản kê biên là dây chuyền sản xuất này. Hoặc khi kê biên dây chuyền sản xuất lốp cao su, chấp hành viên mời chuyên gia đến từ Công ty cao su Sao vàng – là một doanh nghiệp có cùng loại hàng hoá sản xuất để đánh giá chất lượng của dây chuyền sản xuất…

Ngoài ra, đối với một số động sản không có đăng ký quyền sở hữu đặc thù như các loại nông sản hoặc các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thì việc xác định điều kiện để tiến hành kê biên tài sản của chấp hành viên sẽ vô cùng khó khăn nếu gặp phải sự chống đối của doanh nghiệp.

Trở lại với vụ việc bồi thường nhà nước của Cục THADS tỉnh Bình định trong bản án hình sự của Toà án nêu trên, bên cạnh những sai phạm khi thực hiện việc kê biên nhà xưởng, bị cáo Nguyễn Văn Chánh còn bị xem xét về hành vi kê biên tài sản là sắn (mì) lát của doanh nghiệp. Vụ việc được mô tả như sau:

“Ngày 5/11/2014, ông Chánh lập biên bản tạm giữ, niêm phong 1.538 tấn sắn (mì) lát là tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Huy Phương (Gia Lai) gửi trong kho của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi. Sau đó, Chánh đã mặc nhiên công nhận số sắn lát này thuộc sở hữu của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi và không tiến hành xem xét tài liệu do đương sự cung cấp, vi phạm khoản 3 Điều 68 Luật THADS 2008.

Sau khi bị tạm giữ, niêm phong tài sản, Doanh nghiệp Huy Phương đã gửi đơn kiến nghị và cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh là chủ sở hữu số tài sản đó nhưng Chánh không xem xét và cũng không có thao tác nghiệp vụ để xác minh quyền sở hữu đối với tài sản đó.

Hành vi thiếu trách nhiệm của Chánh đã trực tiếp dẫn đến việc số sắn lát bị tạm giữ lâu ngày sụt giảm về chất lượng và số lượng, gây thiệt hại cho Doanh nghiệp Huy Phương với số tiền hơn 5,65 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Huy Phương có văn bản đề nghị Cục THADS tỉnh Bình Định bồi thường thiệt hại 9,89 tỷ đồng”[2]

Từ vụ việc trên, có thể thấy, việc xác định động sản không có đăng ký quyền sở hữu thuộc hay không thuộc sở hữu của người phải thi hành án là điều không đơn giản khi chấp hành viên lại phải đặt vụ việc trong khả năng người phải thi hành án cố tình cấu kết với người khác để tẩu tán tài sản. Khi xem xét về vụ việc này, có ý kiến cho rằng, do người phải thi hành án là doanh nghiệp nên để chứng minh tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp chấp hành viên phải xem xét sổ sách kế toán của doanh nghiệp, các hoá đơn xuất hàng, nhập hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều trường hợp, chấp hành viên không thể tiếp cận được với các loại sổ sách kế toán và các hoá đơn của doanh nghiệp do có sự chống đối của họ.

[1] Nguyên Linh (2019), “Chấp hành viên cẩu thả, Cục Thi hành án phải bồi thường hơn 55 tỷ đồng”.

[2] Nguyên Linh (2019), “Chấp hành viên cẩu thả, Cục Thi hành án phải bồi thường hơn 55 tỷ đồng”.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon