Quyền sử dụng tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân

quyen-su-dung-tai-san-rieng-cua-vo-chong-trong-thoi-ky-hon-nhan

Sau khi kết hôn, mỗi bên vẫn có tư cách cá nhân trong các quan hệ pháp luật hay quan hệ xã hội. Do đó, bên cạnh sở hữu chung hợp nhất, pháp luật quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Pháp luật công nhận quyền có tài sản riêng của vợ, chồng là phù hợp với quy định quyền sở hữu riêng về tài sản của công dân đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận. Quy định về quyền có tài sản riêng và quyền sử dụng tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân là phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt về tài sản của công dân.

Căn cứ pháp lý

Giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng tại Đà Nẵng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng là gì?

1.1. Khái niệm

Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Do vậy, khi chủ sở hữu tài sản tặng cho hoặc để lại thừa kế cho vợ hoặc chồng thì tài sản mà vợ hoặc chồng được tặng, cho hoặc được thừa kế phải là tài sản riêng của họ mới phù hợp với nguyện vọng của người tặng cho hoặc người để lại tài sản. Quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng còn nhằm bảo đảm cho vợ, chồng có thể thực hiện các nghĩa vụ về tài sản một cách độc lập, không phụ thuộc vào ý chí của bên kia.

Trong thời kỳ hôn nhân, có thể chỉ một bên vợ hoặc chồng phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản cho người khác (nghĩa vụ dân sự riêng). Để tạo điều kiện cho vợ, chồng thực hiện nghĩa vụ riêng thì pháp luật phải công nhận quyền sở hữu riêng về tài sản của vợ, chồng. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích về tài sản cho người thứ ba. Ngoài ra, việc quy định quyền sở hữu riêng về tài sản của vợ, chồng còn góp phần ngăn chặn hiện tượng kết hôn nhằm vào lợi ích kinh tế mà không nhằm xác lập quan hệ vợ, chồng.

1.2. Căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ, chồng

Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm:

– Tài sản mà vợ hoặc chồng có từ trước khi kết hôn (có thể là thu nhập do lao động, sản xuất kinh doanh của vợ hoặc chồng, có thể được thừa kế, được tặng cho);

– Những tài sản mà vợ hoặc chồng được thừa kế riêng hoặc được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;

– Tài sản mà vợ hoặc chồng được chia từ tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân và những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó;

– Tài sản phục vụ nhu cầu cần thiết của vợ, chồng (theo khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

– Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng gồm: Quyền tài sản đối vớ đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuê; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

2. Quyền đối với tài sản riêng của vợ, chồng

Căn cứ theo Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”.

Với tư cách là chủ sở hữu tài sản, vợ, chồng có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2.1. Đối với quyền chiếm hữu

Vợ, chồng tự quản lý tài sản riêng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không uỷ quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó.

2.2. Đối với quyền sử dụng

Vợ, chồng có quyền sử dụng tài sản của mình để đáp ứng các nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì quyền sử dụng tài sản có thể chuyển giao cho người khác thông qua hợp đồng hoặc do pháp luật quy định. Do vậy, trong thời gian vợ, chồng chung sống, họ có thể thoả thuận cùng sử dụng tài sản riêng của mỗi bên sao cho có thể khai thác được tốt nhất giá trị sử dụng của tài sản, góp phần đáp ứng lợi ích chung của gia đình. Trên thực tế, khi vợ, chồng yêu thương nhau, cùng nhau chia sẻ và chăm lo, vun vén cho gia đình thì thường là không có sự phân biệt tài sản chung, tài sản riêng trong quá trình sử dụng tài sản. Như vậy, tài sản riêng của vợ hoặc chồng vẫn có thể được đưa vào sử dụng chung nhằm đáp ứng các nhu cầu chung của gia đình. Vì lợi ích chung của gia đình, pháp luật quy định trong trường hợp tài sản chung của vợ, chồng không đủ để đảm bảo đời sống chung của gia đình thì người có tài sản riêng phải có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng của mình để phục vụ nhu cầu chung của gia đình. Những tài sản đã chi dùng cho gia đình thì người có tài sản không được quyền đòi lại. Quy định tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình khi tài sản chung không đủ để đáp ứng đã cho thấy việc pháp luật công nhận vợ, chồng có quyền tài sản riêng không ảnh hưởng đến lợi ích chung của gia đình.

2.3. Đối với quyền định đoạt

Về nguyên tắc, vợ, chồng có quyền tự mình định đoạt tài sản riêng mà không phụ thuộc vào ý chí của người kia. Tuy nhiên, xuất phát từ việc bảo đảm cuộc sống chung của gia đình, quyền định đoạt tài sản riêng của vợ hoặc chồng có thể bị hạn chế trong trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì muốn định đoạt tài sản đó phải có sự thoả thuận của cả vợ và chồng.

Tài sản riêng của vợ, chồng dùng để thanh toán các nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Các nghĩa vụ riêng về tài sản gồm:

– Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng (trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng mà hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình và nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình).

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ hoặc chồng.

3. Nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ, chồng

Bên cạnh việc quy định vợ, chồng có tài sản riêng, pháp luật quy định vợ, chồng có quyền nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ, chồng. Do vậy, sau khi kết hôn, nếu vợ, chồng không muốn có sự phân biệt tài sản chung, tài sản riêng thì có thể thoả thuận nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ, chồng. Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất hoặc những tài sản có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vào tài sản chung phải được lập thành văn bản, có chữ ký của vợ và chồng. Văn bản đó cần được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Khi tài sản riêng đã được nhập vào tài sản chung thì trở thành tài sản chung của vợ, chồng. Tài sản riêng của vợ, chồng dùng để thanh toán những nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người. Do vậy, nếu người có tài sản riêng nhập tài sản của mình vào tài sản chung nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản thì việc nhập tài sản đó vào tài sản chung là vô hiệu.

Pháp luật quy định, vợ, chồng có quyền có tài sản riêng nhằm bảo đảm quyền của vợ, chồng. Quy định vợ, chồng có tài sản riêng không làm ảnh hưởng tới hạnh phúc của vợ, chồng và lợi ích của gia đình. Nếu vợ, chồng không muốn phân định tài sản chung, tài sản riêng thì có thể nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Tài sản riêng có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu chung của gia đình khi không có tài sản chung hoặc tuy có nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu chung.

Trên đây là nội dung của bài viết về “Quyền sử dụng tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”. Để được tư vấn pháp luật qua điện thoại, hãy gọi ngay cho Luật sư theo số điện thoại 1900.6568. Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật qua điện thoại sẽ được chúng tôi giải đáp!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon