Khi ly hôn có bắt buộc hòa giải không?

khi-ly-hon-co-bat-buoc-hoa-giai-khong

Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc của hai vợ chồng. Trong ly hôn, thủ tục hòa giải là một phần được quy định để hai bên có thể thỏa thuận để giải quyết trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý ly hôn tại Tòa. Đây là một trong những phương thức được sử dụng phổ biến và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp, nó không chỉ làm giảm chi phí khi khởi kiện tại tòa án mà còn đẩy nhanh thời gian giải quyết.

Vậy có phải lúc nào ly hôn cũng bắt buộc hòa giải? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu chi tiết hơn thông qua bài viết dưới đây

Căn cứ pháp lý:

Luật Hôn nhân & Gia đình 2014

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

1. Hòa giải là gì?

Theo từ điển tiếng Việt, hòa giải là “việc thuyết phục các bên đồng ý giải quyết tranh chấp, xích mích bằng con đường thỏa thuận. Hiện nay thủ tục hòa giải gồm hòa giải tại cơ sở, hòa giải tại Tòa án, tại trung tâm trọng tài thương mại, … để giải quyết các tranh chấp về ly hôn, lao động, thương mại…. Đặc biệt, trong các vụ án ly hôn, hòa giải có ý nghĩa vô cùng to lớn để hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt, giải quyết các tranh chấp, xung đột giữa hai vợ chồng một cách ổn thỏa, đảm bảo quyền, lợi ích của cả vợ chồng và con cái

Từ cơ sở đó, hoà giải có thể được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó bên thứ ba độc lập không liên quan đến vụ việc làm trung gian hỗ trợ các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận về phương thức giải quyết bất đồng và xây dựng các phương án phù hợp trên cơ sở pháp luật, đạo đức xã hội.

2. Ly hôn có bắt buộc phải hòa giải không?

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Ngoài ra trong trường hợp thuận tình ly hôn thì hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về tài sản chung hoặc riêng của cả hai hoặc về việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái thì sẽ nộp đơn ly hôn lên tòa án. Có thể thấy, pháp luật luôn khuyến khích các bên thỏa thuận để giải quyết mọi vấn đề, nên việc hòa giải khi ly hôn cũng không bắt buộc nhưng bên cạnh đó pháp luật Việt Nam vẫn đặt ra những quy định cụ thể về vấn đề này.

2.1. Hòa giải cơ sở

Căn cứ Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

“Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở

Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”

Theo đó, hòa giải cơ sở là phương thức được nhà nước và xã hội khuyến khích tiến hành theo quy định pháp luật. Thủ tục này được diễn ra trước khi các bên chính thức nộp đơn ly hôn và mang tính khuyến khích để hàn gắn quan hệ 2 bên. Phạm vi hòa giải có thể từ nội bộ gia đình đến UBND xã, phường, thị trấn; các tổ chức như: Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân,..; và ngay cả cơ quan làm việc của cả vợ, chồng. Bên cạnh đó, hòa giải viên thường là những người quen biết, thậm chí có thể có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với vợ, chồng nên có thể hiểu rõ về mỗi người cũng như quan hệ hôn nhân của họ. Từ đó, có thể đưa ra những lời khuyên đúng đắn và thiết thực nhất cho những người trong cuộc.

Như vậy, việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn là không bắt buộc. Mục đích của việc này là để khuyến khích hàn gắn mối quan hệ hai bên vợ, chồng trên cơ sở tự nguyện.

2.2. Hòa giải tại Tòa án

Căn cứ theo Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 54. Hòa giải tại Tòa án

Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.”

Theo đó, sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành thủ tục hòa giải theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của các của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Việc tham khảo ý kiến này sẽ giúp thẩm phán thụ lý vụ án hiểu rõ hơn về nguyên nhân, tình trạng cuộc sống của vợ chồng để có hướng hòa giải phù hợp.

Như vậy, theo các điều trên thì trong giai đoạn chờ đưa vụ án ra xét xử ,Tòa án bắt buộc phải tiến hành thủ tục hòa giải đối với yêu cầu thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

3. Ai có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn?

Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

– Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

– Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

4. Trường hợp nào vụ án ly hôn không tiến hành hòa giải được?

Căn cứ quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được gồm:

+ Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

+ Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.

+ Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

+ Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

Như vậy, nếu vụ án dân sự thuộc một trong những trường hợp trên thì không được hòa giải và không tiến hành hòa giải được. Do đó, trong vụ án ly hôn, nếu muốn ly hôn mà không cần hòa giải thì một trong hai bên vợ chồng có thể làm đơn đề nghị không hòa giải gửi đến Tòa án. Hoặc nếu bị đơn trong yêu cầu ly hôn đơn phương vắng mặt sau 2 lần Tòa án triệu tập hòa giải hợp lệ thì sẽ không hòa giải được. Khi đó vụ án không cần hòa giải.

Tóm lại, hòa giải được xem là phương án giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất, góp phần tích cực trong việc hạn chế các khiếu nại phát sinh. Tuy nhiên, chỉ đối với yêu cầu hòa giải tại Tòa án thì đây là thủ tục bắt buộc, còn ở cơ sở là thủ tục dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận nên không bắt buộc phải tiến hành. Nhưng nếu bạn muốn rút ngắn thời gian giải quyết, không muốn hòa giải thì có thể làm đơn đề nghị không hòa giải gửi đến Tòa án.

Trên đây là những nội dung cần thiết liên quan đến vấn đề hòa giải khi ly hôn. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon