Bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định về giấy tờ có giá theo pháp luật Việt Nam

bat-cap-va-kien-nghi-hoan-thien-quy-dinh-ve-giay-to-co-gia-theo-phap-luat-viet-nam

Qua nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành về giấy tờ có giá, bài viết “Khái quát về giấy tờ có giá” của Luật Dương Gia đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về khái niệm này. Qua đó, bài viết này vào việc phân tích những bất cập trong quy định pháp luật và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan.

1. Một số bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về giấy tờ có giá

Thực trạng quy định pháp luật hiện hành cho thấy, giấy tờ có giá đang được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm Bộ luật, Luật và rất nhiều văn bản dưới luật). Nói khác đi, quy định về giấy tờ có giá đang nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau – do đó không tránh khỏi sự thiếu thống nhất và chồng chéo. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ tập trung vào một số bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về khái niệm giấy tờ có giá – qua đây chỉ ra những quan niệm phổ biến về giấy tờ có giá hiện nay.

Với vai trò là luật gốc, luật “mẹ” trong hệ thống luật tư, BLDS năm 2015 đã ghi nhận và quy định về giấy tờ có giá. Theo đó, Điều 105 Bộ luật này quy định giấy tờ có giá là một loại tài sản. Tuy nhiên, điểm bất cập đáng nói ở đây là nhà làm luật chưa từng xây dựng quy định về nội hàm của loại tài sản này. Thuật ngữ “giấy tờ có giá” được nhắc đến hai lần tiếp theo với ý nghĩa là đối tượng của quan hệ nghĩa vụ và đối tượng của biện pháp bảo đảm Ký quỹ.

Khoản 1 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 quy định: “Công cụ chuyển nhượng là giấy tờ có giá ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định vào một thời điểm nhất định”. Ngoài ra, Điều 1 của Luật này ghi nhận công cụ chuyển nhượng gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác. Như vậy, Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 cũng không có quy định cụ thể khái niệm giấy tờ có giá mà chỉ gián tiếp cho phép chúng ta hiểu nội dung của giấy tờ có giá là sự ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định vào một thời điểm nhất định.

Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 đã đưa ra định nghĩa khái niệm giấy tờ có giá: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.”. Theo đó, giấy tờ có giá là cơ sở ràng buộc nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá khi khoản nợ đến hạn. Xét trong phạm vi điều chỉnh của Luật này – liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước thì cách giải thích thuật ngữ này tương đối dễ hiểu và có tính khái quát – theo đó có thể xác định đặc điểm của giấy tờ có giá là bằng chứng ghi nhận quyền đòi nợ của người sở hữu giấy tờ có giá đối với tổ chức phát hành giấy tờ có giá đó.

Đặc điểm này cũng gián tiếp cho phép chúng ta hiểu giấy tờ có giá hoàn toàn có thể trị giá được thành tiền và chuyển giao được trong các giao dịch nhất định. Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp khi đề cập tới séc và hối phiếu đòi nợ – bởi lẽ với hai loại giấy tờ có giá này, nghĩa vụ trả nợ thực sự cho chủ sở hữu thuộc về người ký phát (bên đề nghị phát hành séc, hối phiếu) chứ không phải thuộc về tổ chức phát hành (người bị ký phát). Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, hối phiếu đòi nợ và séc được quy định như sau:

“2. Hối phiếu đòi nợ là giấy tờ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.

4. Séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.”

Theo quy định này, việc thanh toán nợ của tổ chức phát hành cho người thụ hưởng (chủ sở hữu séc, hối phiếu đòi nợ) thực chất là việc thực hiện thay nghĩa vụ cho bên đề nghị ký phát để được hưởng khoản phí nhất định từ việc thực hiện nghiệp vụ này của họ. Nói cách khác, nghĩa vụ này chỉ phát sinh khi có yêu cầu của người ký phát hối phiếu đòi nợ, séc mà không phải là nghĩa vụ được xác lập giữa tổ chức phát hành và người thụ hưởng.

Khái niệm giấy tờ có giá tiếp tục được giải thích dưới dạng một quy phạm định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 16/2002/TT-NHNN ngày 30/11/2022 quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể như sau:

“Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá bao gồm: giấy tờ có giá loại ghi sổ (dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử) và giấy tờ có giá loại chứng chỉ.”

Quy định này được kế thừa hoàn toàn từ quy định tại khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, đồng thời bổ sung thêm về hình thức của giấy tờ có giá bao gồm hai loại: chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ.

Bên cạnh những quy định giải thích nội hàm thuật ngữ “giấy tờ có giá” thì phần lớn quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác đều đề cập tới giấy tờ có giá dưới dạng liệt kê những loại giấy tờ được xác định là giấy tờ có giá. Cụ thể:

Mục 1 Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/09/2011 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (sau đây được gọi tắt là Công văn số 141) quy định:

“Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, thì giấy tờ có giá bao gồm:

a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;

b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;

c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009;

d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010);

đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”…

Cách quy định về giấy tờ có giá theo hướng liệt kê thay vì đưa ra bản chất của vấn đề khó tránh khỏi những điểm chồng chéo, không thống nhất giữa các quy định pháp luật khác nhau liên quan đến nội dung này. Người viết xin chỉ dẫn một số nội dung như sau:

Khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định về các loại ngoại hối, trong đó bao gồm: “Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác”.

Khoản 1 Điều 32 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm:

“Chứng khoán, giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành”

Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định:

“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu

c) Chứng khoán phái sinh;

d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”

Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 19/3/2021 quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (sau đây được gọi tắt là Nghị định 21/2021/NĐ-CP) cũng đề cập tới giấy tờ có giá dưới góc độ là một loại tài sản bảo đảm. Theo đó, Điều 13 Nghị định này quy định: “Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng việc mô tả tài sản bảo đảm phải phù hợp với quy định của pháp luật về giấy tờ có giá, chứng khoán, ngân hàng”.

Từ những quy định này dẫn tới một số luận bàn sau đây:

(i) Cổ phiếu được xác định là một loại chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán. Đồng thời chứng khoán cũng được đề cập là một loại Dự trữ ngoại hối nhà nước. Nhưng quy định về ngoại hối thì liệt kê không thống nhất với quy định về Dự trữ ngoại hối mà chỉ quy định “cố phiếu và các loại giấy tờ có giá khác”. Vậy có được hiểu trong số “các loại giấy tờ có giá khác” này sẽ bao gồm tất cả các loại chứng khoán khác không? Chứng khoán tồn tại dưới dạng cổ phiếu có gì đặc biệt hơn so với các loại chứng khoán khác để được lựa chọn liệt kê tại đây liên quan đến các loại ngoại hối?

(ii) Quy định pháp luật liệt kê theo hướng “chứng khoán, giấy tờ có giá khác” cho phép chúng ta hiểu chứng khoán là một loại giấy tờ có giá. Cách hiểu này cũng phù hợp với sự liệt kê giấy tờ có giá tại Công văn số 141. Theo đó, việc xác định “chứng khoán là tài sản” là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cách liệt kê tại Nghị định 21/2021/NĐ- CP về nội dung này theo hướng “Giấy tờ có giá, chứng khoán,…” lại cho phép chúng ta có cách hiểu ngược lại – cụ thể là giấy tờ có giá và chứng khoán là hai loại tài sản bảo đảm độc lập. Thêm vào đó, quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được trích dẫn ở trên lại liệt kê theo hướng “cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác” – cho phép hiểu cổ phiếu là một loại giấy tờ có giá.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán năm 2019 cũng hoàn toàn không đề cập tới thuật ngữ “giấy tờ có giá” tại văn bản này. Vậy câu hỏi được đặt ra là: với các cách liệt kê khác nhau này thì chứng khoán có phải giấy tờ có giá không, hay chỉ một số loại trong số các loại chứng khoán được liệt kê được xác định là giấy tờ có giá? Thiết nghĩ, việc xác định rõ ràng tính pháp lý của loại tài sản này là rất cần thiết và quan trọng, bởi các giao dịch chứng khoán và thị trường chứng khoán đang có xu hướng phát triển rất mạnh mẽ và hoàn toàn có khả năng tiềm ẩn những tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể trong giao dịch này. Khi đối tượng của giao dịch chưa được làm rõ thì không tránh khỏi những khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp để đảm bảo được tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Ngoài một số quy định pháp luật được trích dẫn ở trên, các quy định liên quan đến “giấy tờ có giá” được quy định rải rác trong rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác – chủ yếu là các văn bản trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Về cơ bản, các quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định thống nhất về khái niệm giấy tờ có giá dưới góc độ là một loại tài sản nói chung cũng như điều kiện nhất định để tài sản này sẽ trở thành đối tượng trong các giao lưu dân sự nói riêng.

2. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về giấy tờ có giá

Có thể thấy rằng, việc quy định về “giấy tờ có giá” theo hướng liệt kê đã không bao quát được vấn đề và dẫn đến những sự chồng chéo, không thống nhất giữa các quy định trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật cũng như giữa các văn bản quy phạm pháp luật với nhau. Ngoài ra, việc đưa ra khái niệm giấy tờ có giá trong một số văn bản liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng, ngân hàng (như các quy định hiện hành đã được trích dẫn) cũng chỉ phần nào phù hợp với hoạt động đặc thù của các tổ chức này và vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định – chưa có tính bao quát các trường hợp khác nhau liên quan đến giấy tờ có giá.

Thiết nghĩ, cần xây dựng một quy định pháp luật có tính khái quát cao hơn về giấy tờ có giá ngay trong BLDS – để từ đó các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau có cơ sở quy định nội hàm giấy tờ có giá tương ứng với đặc thù của từng lĩnh vực được đề cập (nhưng vẫn cần đảm bảo phù hợp với nội hàm “giấy tờ có giá” được ghi nhận trong BLDS).

Trên cơ sở những nội dung đã phân tích ở trên, người viết xin đưa ra quan điểm cá nhân về việc xây dựng khái niệm giấy tờ có giá như sau: “Giấy tờ có giá là chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử ghi nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định đối với một chủ thể khác, trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự.”.

Cần lưu ý rằng, giấy tờ có giá và quyền tài sản là hai loại tài sản khác nhau. Tính chất “trị giá được bằng tiền” là giá trị của chính giấy tờ có giá đó, thay vì đó là giá trị của “quyền”. Điều này để lý giải cho trường hợp: ổ tiết kiệm hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải giấy tờ có giá do bản thân những giấy tờ này không có quá nhiều giá trị, và việc chuyển giao những giấy tờ này độc lập với việc chuyển giao “đối tượng được ghi nhận trong giấy tờ”.

Đơn cử là việc chúng ta không thể dùng sổ tiết kiệm mang tên người khác để yêu cầu tổ chức tín dụng chấp nhận yêu cầu rút tiền của mình; hoặc không thể dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người khác để xác lập giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khi quyền sử dụng đất vẫn đang thuộc sở hữu của họ. Trong khi đó, việc xác lập các giao dịch chuyển nhượng, chiết khấu, cầm cố bằng giấy tờ có giá đều có đối tượng là chính chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ này./.

Trường hợp bạn còn đang thắc mắc hoặc cần tư vấn và hỗ trợ pháp lý, liên hệ ngay Luật Dương Gia qua số Hotline: 079.497.8999 – 093. 154.8999 để được hỗ trợ sớm nhất!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon