Giấy tờ có giá được hình thành xuất phát điểm từ sự tồn tại quan hệ mua bán hàng hóa nhưng chậm trả tiền giữa các chủ thể, dẫn đến việc sử dụng các chứng thư nợ để làm bằng chứng cho các khoản nợ giữa các thương nhân. Tại Việt Nam, giấy tờ có giá được ghi nhận là một loại tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, nội hàm của giấy tờ có giá vẫn là một vấn đề pháp lý chưa thực sự rõ ràng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, Luật Dương Gia tập trung nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành quy định về khái quát về giấy tờ có giá.
1. Lịch sử hình thành và phát triển về giấy tờ có giá ở Việt Nam
Giấy tờ có giá dưới hình thức là các loại hối phiếu, chứng khoán đã được ghi nhận trong pháp luật một số quốc gia và pháp luật quốc tế từ những năm 1603 dựa trên cơ sở của các tập quán thương mại về phát hành và sử dụng thương phiếu (chứng thư ghi nhận nợ của các thương nhân hình thành trong quan hệ mua bán chịu hàng hóa, mua bán hàng hóa trả chậm).
Ở Việt Nam, một thời gian dài quan hệ hàng hóa – tiền tệ trong xã hội được vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung – hướng tới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, do đó quan hệ thương mại giữa các cá nhân chưa được thừa nhận và phát triển. Các quy định về giấy tờ có giá trong giai đoạn này cũng chưa xuất hiện.
1.1. Từ năm 1986 đến năm 1995
Từ năm 1986, khi nền kinh tế của nước ta được định hướng chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, quan hệ hàng hóa – tiền tệ bắt đầu phát triển và sôi động, sự dịch chuyển của dòng tiền cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Thuật ngữ “giấy tờ có giá” bắt đầu được ghi nhận trong những văn bản pháp luật đầu tiên của nước ta liên quan đến hoạt động của ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính.
Cụ thể, ngày 23/05/1990, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh số 37-LCT/HDDNN8 về Ngân hàng nhà nước và số 38-LCT/HDDNN8 về Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính. Theo đó, Ngân hàng nhà nước có thể cho vay, mua, bán, chiết khấu, tái chiết khấu đối với giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, đồng thời Ngân hàng thương mại, công ty tài chính có thể thực hiện những nghiệp vụ về cất giữ, mua, bán, chuyển nhượng, quản lý các chứng khoán và giấy tờ có giá khác. Mặc dù đã có sự ghi nhận về giấy tờ có giá, nhưng đây là thuật ngữ được nhắc đến một lần duy nhất trong cả hai văn bản này và chưa có quy định giải thích cụ thể giấy tờ có giá là gì.
Bộ luật Dân sự (sau đây được gọi tắt là BLDS) năm 1995 ra đời đánh dấu một bước phát triển mới của nền lập pháp nước nhà, theo đó đây là Bộ luật đầu tiên điều chỉnh một cách toàn diện các quan hệ xã hội trong lĩnh vực luật tư. Giấy tờ có giá đã bước đầu được ghi nhận trong BLDS này dưới góc độ là một loại tài sản với tên gọi “giấy tờ trị giá được bằng tiền”.
1.2. Từ 1995 đến nay
Điều 327 BLDS năm 1995 đã liệt kê một số loại giấy tờ trị giá được bằng tiền – cho phép chúng ta có hình dung bước đầu về “hình dáng” của loại tài sản này. Cụ thể, khoản 2 điều luật này quy định: “Trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và các giấy tờ khác trị giá được bằng tiền được phép giao dịch có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, có thể thấy trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu được coi là một trong những loại giấy tờ trị giá được bằng tiền phổ biến nhất trong các giao dịch dân sự thời điểm đó. Thuật ngữ “giấy tờ có giá” chỉ chính thức được ghi nhận là một thuật ngữ pháp lý dưới dạng một loại tài sản khi BLDS năm 2005 được ban hành.
Theo đó, Điều 163 BLDS năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Quy định này tiếp tục được kế thừa trong BLDS năm 2015 tại Điều 105. Xét về mặt câu từ thì BLDS hiện hành quy định Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản – thay vì quy định Tài sản bao gồm những loại nào, tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của người viết thì bản chất của vấn đề ở đây không có sự thay đổi.
Thật vậy, quy định hiện hành cho phép chúng ta hiểu quy định về Tài sản là một quy phạm định nghĩa. Nhưng rõ ràng “định nghĩa” này đang làm phức tạp hóa vấn đề hơn khi đưa ra ba khái niệm khác (vật, tiền, giấy tờ có giá) và bỏ ngỏ, không quy định cách hiểu về chúng. Nói cách khác, BLDS năm 2015 ghi nhận về giấy tờ có giá nhưng chưa có bất kỳ quy định nào cụ thể hóa cách hiểu về giấy tờ có giá.
2. Giấy tờ có giá mang những đặc điểm nhất định của tài sản nói chung
Dưới góc độ là một loại tài sản, giấy tờ có giá sẽ mang những đặc điểm nhất định của tài sản nói chung. Cụ thể:
Thứ nhất, con người có thể kiểm soát, nắm giữ, chi phối;
Tài sản nói chung và giấy tờ có giá nói riêng đều cần đặt trong sự kiểm soát, nắm giữ, chi phối được của con người. Nói cách khác, với những thực thể tồn tại trong thế giới khách quan nhưng con người không thể chi phối, kiểm soát được thì sẽ không được nhìn nhận là tài sản dưới góc độ luật định.
Thứ hai, đáp ứng cho con người một lợi ích vật chất hoặc tinh thần nhất định;
Thật vậy, mỗi loại tài sản khác nhau khi nằm trong sự kiểm soát, chi phối của con người đều mang lại cho chủ thể đó một lợi ích nhất định. Nói cách khác, nó thỏa mãn được những nhu cầu nhất định của người đang chiếm hữu, sử dụng. Đây có thể là những nhu cầu về mặt tinh thần (lợi ích tinh thần), hoặc những nhu cầu về mặt vật chất (lợi ích vật chất). Rõ ràng, mỗi loại giấy tờ có giá khác nhau đều có thể đáp ứng những nhu cầu khác nhau của chủ sở hữu giấy tờ có giá đó.
Ví dụ: Anh A có mong muốn trở thành cổ đông của Công ty B thì có thể mua cổ phiếu do Công ty này phát hành; hoặc chị B có một khoản tiền nhàn rỗi muốn gửi vào ngân hàng để sinh lời thì có thể sở hữu trái phiếu do ngân hàng phát hành – theo đó bản chất chính là cho ngân hàng vay khoản tiền này với một mức lãi suất cam kết và trong một thời hạn nhất định.
Thứ ba, mang tính giá trị.
Đặc điểm này được hiểu là mỗi loại tài sản thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật đều chứa đựng trong mình giá trị nhất định về lượng lao động tiêu hao để có thể tạo ra tài sản đó. Ngoài ra, để thỏa mãn được đặc điểm thứ hai thì tài sản cần có giá trị sử dụng – được hiểu là tính chất có ích, công dụng của tài sản – có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó cho việc sản xuất hoặc tiêu dùng cá nhân. Giá trị sử dụng của tài sản được quyết định bởi những thuộc tính tự nhiên và những thuộc tính mà con người hoạt động tạo ra cho nó.
Theo đó, mỗi loại giấy tờ có giá khác nhau cũng có những giá trị khác nhau – nó có thể là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa các chủ thể nhất định, hoặc cũng có thể là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành… Thêm vào đó, khi tài sản được giao lưu trong giao dịch dân sự thì nó được thêm vào giá trị trao đổi và thường được biểu hiện bằng một lượng tiền nhất định (gọi là giá – giá cả của tài sản). Giấy tờ có giá cũng không ngoại lệ khi nó cũng được là loại tài sản trị giá được bằng tiền.
3. Đặc điểm riêng của giấy tờ có giá
Bên cạnh những đặc điểm chung kể trên, giấy tờ có giá cũng có những đặc điểm riêng nhất định để có thể phân biệt được với những loại tài sản khác, bao gồm:
Thứ nhất, là bằng chứng xác định quyền tài sản của một chủ thể nhất định;
Nội dung của giấy tờ có giá chứa đựng thông tin thể hiện quyền tài sản của chủ sở hữu giấy tờ có giá. Cụ thể:
– Quyền này có thể là quyền đòi nợ khi đến thời hạn nhất định trong trường hợp chủ thể sở hữu trái phiếu, hối phiếu đòi nợ;
– Quyền đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành trong trường hợp sở hữu cổ phiếu; quyền đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán trong trường hợp sở hữu chứng chỉ quỹ;
– Quyền yêu cầu ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của chủ thể khác cho mình trong trường hợp người yêu cầu là người thụ hưởng của một tấm séc nhất định…
Thứ hai, được phát hành theo trình tự, thủ tục nhất định bởi chủ thể có quyền phát hành giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật;
Rõ ràng, không phải chủ thể nào cũng có quyền phát hành giấy tờ có giá. Thông thường chủ thể này là các tổ chức (ví dụ: Bộ Tài chính phát hành Trái phiếu chính phủ; Công ty cổ phần phát hành cổ phiếu; ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi…).
Chủ thể là cá nhân đáp ứng điều kiện luật định của có thể trở thành người ký phát giấy tờ có giá trong trường hợp ký phát séc. Theo đó, cá nhân này phải thỏa mãn điều kiện “có tài khoản tại ngân hàng”.
Thứ ba, chuyển giao được trong giao dịch dân sự.
Đối với tài sản là vật hoặc tài sản là quyền tài sản, chúng ta không lấy việc có chuyển giao được hay không để làm thước đo vật đó (quyền đó) có phải tài sản hay không. Nói cách khác, một vật không được phép giao dịch, hoặc một quyền tài sản không thể chuyển giao (quyền tài sản gắn với nhân thân) vẫn được gọi là tài sản – bởi lẽ rõ ràng “tài sản” và “tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự” sẽ có những thuộc tính khác nhau.
Tuy nhiên, bản thân giấy tờ có giá cần thỏa mãn đặc tính này vì trong rất nhiều trường hợp, giấy tờ có giá cần được chuyển giao từ chủ thể này sang chủ thể khác mới có thể thể hiện đúng được bản chất và vai trò của mình. Đơn cử như trường hợp giấy tờ có giá là cổ phiếu. Trong rất nhiều trường hợp, giấy tờ có giá được xem là một loại hàng hóa trong một thị trường đặc biệt – đó là thị trường chứng khoán.
Giấy tờ có giá tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như: có mệnh giá hoặc không có mệnh giá, có thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng, có thể ghi danh hoặc không ghi danh. Giấy tờ có giá có thể được thể hiện dưới dạng một chứng chỉ chứng nhận quyền sở hữu, hoặc dưới dạng bút toán ghi sổ…
Trên đây là bài viết về “Khái quát về giấy tờ có giá”. Trường hợp bạn còn đang thắc mắc hoặc muốn được sử dụng dịch vụ pháp lý, liên hệ ngay Luật Dương Gia qua Hotline: 079.497.8999 – 093.154.8999 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!