Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra là một trong những chế định pháp luật quan trọng của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chế định pháp luật này đã có một quá trình hình thành và phát triển với nhiều mục tiêu, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là khôi phục lại những tổn thất, mất mát của người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Vậy đâu là cơ sở pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau.
Cơ sở pháp lý:
- Hiến pháp năm 2013
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
1. Người thi hành công vụ là ai?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ định nghĩa về người thi hành công vụ như sau: “Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.”
2. Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra là gì?
Có thể nói, chế định pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra đã có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Ở Việt Nam, ngay từ thời phong kiến, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra đã được quy định trong các Bộ luật nổi tiếng như Quốc triều hình luật, Quốc triều khám tụng điều lệ, Hoàng Việt luật lệ… Ở thời kỳ này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phải là trách nhiệm của Nhà nước mà là việc quan lại trực tiếp bồi thường cho người bị thiệt hại và mối quan hệ bồi thường là giữa cá nhân với cá nhân.
Về cơ bản bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Song, trong trường hợp này Nhà nước mới là bên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
3. Cơ sở pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra
3.1. Cơ sở pháp lý trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự
Tính đến nay, nước ta đã có 05 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) và hiện nay là Hiến pháp năm 2013.
Quyền được bồi thường nói chung và quyền được bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra được ghi nhận từ bản Hiến pháp năm 1959 đến nay. Cụ thể, Hiến pháp năm 1959 quy định: “Người bị thiệt hại về hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên cơ quan nhà nước có quyền được bồi thường” (Điều 29). Hiến pháp năm 1980 thì quy định “Mọi hành động xâm phạm quyền lợi chính đáng của công dân phải được kịp thời sửa chữa và xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường.” (Điều 73). Hiến pháp năm 1992 thì quy định: “…người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự…” (Điều 72) và “…Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự…” (Điều 74).
Hiến pháp năm 2013 quy định: “…Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.” (Điều 30) và “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.” (Điều 31).
Như vậy, người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có quyền được bồi thường. Tuy nhiên, Theo Hiến pháp năm 2013 thì quyền này có thể bị giới hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 14 – “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xãhội, sức khỏe của cộng đồng” – và cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại Điều 30. Trong khi ở các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 trước đó thì quyền được bồi thường không bị giới hạn.
Tiếp đó, quyền được bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra được quy định trong cả 03 Bộ luật dân sự của nước ta. Bộ luật dân sự năm 1995 quy định “Cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ” (Điều 623) và “Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.” (Điều 624). Bộ luật dân sự năm 2005 thì quy định “Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.” (Điều 619) và “Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng.” (Điều 620).
Bộ luật dân sự năm 2015 cũng có quy định về trách nhiệm bồi thường như sau: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.” (Điều 598). Như vậy, khác với Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 trách nhiệm bồi thường thiệt hại hiện nay được quy định cho Nhà nước. Thêm vào đó, BLDS năm 2015 quy định dẫn chiếu áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.
Tóm lại, dưới góc độ quyền hiến định và quyền dân sự thì người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có quyền được bồi thường.
3.2. Cơ sở pháp lý từ pháp luật chuyên ngành
Theo đó, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là luật riêng điều chỉnh quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.
3.2.1 Văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự năm 1995
Có hai văn bản quy phạm pháp luật như sau: (1) Nghị định số 47/CP ngày 03/05/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (Nghị định số 47/CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành; (2) Nghị quyết số 388/2013/NQ-UBTVQH11 ngày 17/03/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị quyết số 388).
Theo đó, khác với quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Hiến pháp 1992 thì hai nhóm văn bản quy phạm pháp luật này có sự “giới hạn” trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể: (1) người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; (2) người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội; (3) người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội; (4) người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội và (5) những người thuộc các trường hợp từ (1) đến (4) nêu trên nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại thì được bồi thường.
3.2.2. Văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 2015
Theo quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra quy định tại Điều 598 của Bộ luật Dân sự:
“Thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường thì Tòa án xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.”
3.2.2 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009
Theo đó, luật này quy định ngay từ đầu về việc phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước phải được quy định phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định 06 lĩnh vực hoạt động của Nhà nước thuộc trường hợp được bồi thường là: quản lý hành chính (Điều 13); tố tụng hình sự (Điều 26); tố tụng dân sự (Điều 33); tố tụng hành chính (Điều 33); thi hành án dân sự (Điều 38) và thi hành án hình sự (Điều 39). Trong từng lĩnh vực, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định liệt kê các trường hợp được bồi thường.
3.2.3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 tiếp tục giữ cách tiếp cận như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, theo đó, quy định 06 lĩnh vực hoạt động của Nhà nước thuộc trường hợp được bồi thường là: quản lý hành chính (Điều 17); tố tụng hình sự (Điều 18); tố tụng dân sự (Điều 19); tố tụng hành chính (Điều 19); thi hành án hình sự (Điều 20) và thi hành án dân sự (Điều 21). Trong từng lĩnh vực, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cũng quy định liệt kê các trường hợp được bồi thường và có “mở rộng” hơn phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Việc có mở rộng hơn phạm vi bồi thường thiệt hại cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền “cân nhắc về tính khả thi của từng quy định mới được bổ sung”
Mặc dù có mở rộng hơn phạm vi Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng có thể thấy rằng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 vẫn giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước. Tuy nhiên, việc Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 vẫn giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước thì lại có cơ sở giải trình hơn so với Luật năm 2009 nếu giải thích khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 về giới hạn quyền con người, quyền công dân theo nghĩa rộng cũng như phù hợp với cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013. Lý do của việc Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 vẫn giới hạn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đó là “việc sửa đổi Luật TNBTCNN năm 2009 cần bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển kinh tế – xã hội, tiến trình cải cách hành chính, công vụ, cải cách tư pháp, hướng tới mục tiêu phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Cơ sở pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra” Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.