Thực trạng hoạt động trợ giúp pháp lý tại tỉnh Đắk Lắk

thuc-trang-hoat-dong-tro-giup-phap-ly-tai-tinh-dak-lak

Hoạt động TGPL tại Đắk Lắk thời gian qua đã giải quyết được một số vướng mắc pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính… những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại… hạn chế được các khiếu kiện không cần thiết, nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật cho nhân dân, góp phần phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật và tranh chấp do thiếu hiểu biết pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn có những điểm bất cập và chưa làm được trong công tác này. Cùng luật Dương Gia tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.

1. Về phạm vi trợ giúp pháp lý

Từ năm 2015 – 2019, theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan tỉnh Đắk Lắk và yêu cầu của người dân, các tổ chức TGPL đã thực hiện tổng cộng 10.647 vụ việc TGPL cho 10.647 lượt người, trong đó: Người nghèo: 5.799 người; Người có công với cách mạng là 43 người; Người tàn tật không nơi nương tựa 63 người; Người dân tộc thiểu số: 4.481người; Người già cô đơn không nơi nương tựa 45 người; Trẻ em không nơi nương tựa 42 người; Vị thành niên 23 người và đối tượng khác là 150 người, Người nhiễm HIV 01 người[1].

Trong 06 tháng đầu năm 2019, Trung tâm TGPL nhà nước đã tổ chức 03 đợt truyền thông TGPL tại các xã Ea Kiết, huyện Cư’Mgar và xã Đắk Phơi, huyện Lắk; thụ lý và thực hiện tổng số 157 vụ việc TGPL cho 157 lượt người, trong đó tư vấn 03 vụ việc (01 vụ việc hành chính, 02 vụ việc dân sự và hôn nhân gia đình); tham gia tố tụng 154 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 01 vụ việc (112 vụ việc hình sự, 41 vụ việc dân sự và hôn nhân gia đình, 01 vụ việc hành chính) trong đó: 10 đối tượng là người có công với cách mạng 35 đối tượng là người nghèo, 1 đối tượng là người dân tộc thiểu số, 07 đối tượng là trẻ em, 16 đối tượng là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, 15 đối tượng là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, 01 đối tượng là người cao tuổi, 01 đối tượng vừa nghèo vừa dân tộc thiểu số[2].

Các đối tượng được TGPL đa phần tập trung ở các thôn, buôn, xã thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thuộc các huyện C’Mgar, Krông Pắk, Krông Buk, M’Đrắk, Lắk, Ea Hleo… Thực hiện Quyết định số 3517/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2019. Công tác TGPL đã được triển khai sâu rộng ở các địa phương trong toàn tỉnh, trong đóđặc biệt chú trọngTGPL tại cơ sở, nơi tập trung đông dân cư là người dân tộc thiểu số, điều kiện đi lại khó khăn, đẩy mạnh và tăng cường TGPL lưu động để kịp thời giải quyết nhu cầu TGPL cho người dân.

2. Về nội dung hoạt động trợ giúp pháp lý

Trong 05 năm, từ 2015 – 2019 (đến tháng 6/2019), tỉnh Đắk lắk đã thực hiện 10.647 vụ việc TGPL, với các nội dung sau:

Tư vấn pháp luật 9.638 vụ việc, trong đó tư vấn tại trụ sở là 4.709 vụ việc, tư vấn thông qua hoạt động TGPL là 4.929 vụ việc. Đa phần các vụ việc tư vấn pháp luật chủ yếu do TGVPL và luật sư thực hiện , số vụ việc được CTVTGPL tư vấn rất ít.

Tham gia tố tụng 1.018 vụ việc, số vụ việc TGPL bằng hình thức tố tụng ngày càng tăng về số lượng và đạt về chất lượng, năm sau cao hơn năm trước, nhiều trường hợp Trung tâm TGPL nhà nước đã cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra.Năm 2016 số vụ việc TGPL tố tụng là 209 vụ, tăng 112 vụ so với năm 2015 (tăng 54%)[3].

Năm 2018 số vụ việc TGPL tố tụng là 578 vụ, tăng 176 vụ so với năm 2017 (tăng 30%)[4]. Chất lượng các vụ việc TGPL bằng tố tụng ngày càng được nâng lên, năm 2016 trong tổng số 141 vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành, án hình sự có 126 vụ, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chấp nhận trả hồ sơ bổ sung 02 vụ, chấp nhận quan điểm của người thực hiện TGPL cho bị cáo hưởng án treo là 27 vụ, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là 93 vụ, miễn trách nhiệm hình sự là 04 vụ, chấp nhận tăng mức mình phạt và trách nhiệm dân sự 01 vụ, 02 vụ đối tượng được TGPL đồng ý mức bồi thường và mức án áp dụng cho bị cáo.

Án dân sự là 12 vụ, người thực hiện TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng trong các vụ án dân sự thì 02 vụ án đình chỉ, 04 vụ án hòa giải thành, 06 vụ bảo vệ thành công quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng được TGPL được đối tượng TGPL hài lòng về kết quả hỗ trợ[5].

Đại diện ngoài tố tụng 05vụ việc; Hòa giải 04 vụ việc; các hình thức khác 09 vụ việc[6].

Thực hiện TGPL lưu động 298 đợt thu hút 14.946 lượt người tham dự, tư vấn pháp luật tại chỗ trong các đợt TGPL lưu động là 4.929  vụ việc cho 4.929 người[7].

Hoạt động kiến nghị, đã kiến nghị độc lập 02 vụ việc thông qua TGPL lưu động, trong đó có 01 vụ việc kiến nghị được cơ quan chức năng giải quyết và phản hồi theo quy định của pháp luật.

Hoạt động bồi dưỡng, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk và Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tổ chức 09 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng TGPL cho 542 người là thành viên Ban chủ nhiệm các CLBTGPL, chuyên viên, CTVTGPL, các đối tượng là già làng, trưởng thôn, buôn, cán bộ hòa giải cơ sở; nội dung tập trung vào các chuyên đề như: Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, kỹ năng tư vấn trong hoạt động TGPL; vấn đề thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở.

Hoạt động truyền thông, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện 23 đợt truyền thông tại 19 xã thuộc 8 huyện cho 997 người, đã giải đáp pháp luật tại chỗ 57 vụ việc cho 70 đối tượng[8

3. Về các hình thức trợ giúp pháp lý

Các hình thức TGPL được triển khai đồng bộ và linh hoạt trong quá trình thực hiện TGPL, thông qua các hình thức TGPL, pháp luật TGPL đã thực sự đi vào đời sống của người dân, trở thành chỗ dựa tin cậy để người dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Tư vấn pháp luật 9.638 vụ việc, trong đó tư vấn tại trụ sở là 4.709 vụ (1.426vụ việc tại Trung tâm TGPL, 3.283 vụ việc tại Chi nhánh); tư vấn tại chỗ trong các đợt TGPL lưu động là 4.929 vụ việc cho 4.929 lượt người.

Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi ích của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ việc dân sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính là 1.018 vụviệc.

Đại diện ngoài tố tụng thực hiện 05 vụ việc; tham gia hòa giải thực hiện 04 vụ việc,kiến nghị 02 vụ việc, các hình thức TGPL khác 09 vụ việc.

4. Về xử lý vi phạm trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động TGPL, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về TGPL, trong những năm qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động TGPL luôn được Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk quan tâm, thực hiện, cụ thể:

Từ 2015 đến 2018, Thanh tra Sở Tư pháp và Phòng Bổ trợ tư pháp tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức thực hiện 08 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó thanh tra là 05 cuộc, kiểm tra 03 cuộc) đối với 08 đơn vị, xử phạt cảnh cáo đối với 04 tổ chức; phạt tiềnđối với 02 tổ chức và 03 cá nhân với tổng số tiền là 11.000.000 đồng (trong đó tổ chức 7.000.000 đồng, cá nhân 4.000.000 đồng)[9]. Chưa có trường hợp nào vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường dân sự cho đối tượng TGPL.

* Đánh giá chung về thành tựu đã đạt được

Trong thời gian qua, hoạt động TGPL tại tỉnh Đắk Lắk đã có những tác động tích cực đến đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu TGPL ngày càng đa dạng của người được TGPL, nổi bật lên một số điểm cụ thể như sau:

Thứ nhất, Khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong bảo đảm quyền được TGPL của công dân, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ người nghèo, người yếu thế trong xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thứ hai, Tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành và phát triển hệ thống TGPL nhằm cung ứng dịch vụ pháp lý miễn phí kịp thời cho người được TGPL để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp khi có vướng mắc pháp luật.

Thứ ba, Bước đầu xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL của Nhà nước (TGVPL) chuyên trách, chuyên nghiệp, bảo đảm tính chủ động, góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tăng hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Thứ tư, Người thuộc diện được TGPL đã được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tiếp cận hệ thống TGPL. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức pháp luật của người dân, góp phần hạn chế, phòng ngừa các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ gìn đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thứ năm, Góp phần hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ, làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình; hạn chế tình trạng tùy tiện, lạm quyền, vi phạm quyền công dân, góp phần giải tỏa vướng mắc pháp luật, giảm bớt khiếu kiện, giảm thiểu tranh chấp phải đưa ra cơ quan tư pháp giải quyết; nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ gây ra; kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thứ sáu, Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của dịch vụ TGPL trong xã hội. Khẳng định TGPL là một yếu tố quan tronhj trong hệ thống tư pháp hình sự, hỗ trợ tích cực cho công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, công bằng đúng pháp luật, góp phần thực hiện cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng đã đề ra trong chiến lược cải cách tư pháp, góp phần tạo niềm tin cho xã hội trong hoạt động tố tụng hình sự.

[1] Tổng hợp số liệu báo cáo về công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn từ 2015 – 2018.

[2] Báo cáo số 126/BC-STP ngày 31/2/2019 kết quả thực hiện công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật 06 tháng đầu năm 2019

[3] Báo cáo số 53/BC-TGPL ngày 19/11/2018 của Trung tâm trợ giúp pháp ý nhà nước tỉnh Đắk Lắk về công tác trợ giúp pháp lý năm 2018

[4]Báo cáo số 53/BC-TGPL ngày 19/11/2018 của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk về công tác trợ giúp pháp lý  năm 2016

[5]Báo cáo số 53/BC-TGPL ngày 19/11/2018 của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk về công tác trợ giúp pháp lý  năm 2016

[6] Tổng hợp số liệu báo cáo kết quả trợ giúp pháp lý tại tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2015 – 2019

[7] Tổng hơp số liệu báo cáo kết quả trợ giúp pháp lý tại tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2015 – 2019

[8] Báo cáo số 22/BC-STP ngày 31/01/2019 của Sở tư pháp tỉnh Đắk Lắk về tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019; Báo cáo số 126/BC-STP ngày 31/2/2019 kết quả thực hiện công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật 06 tháng đầu năm 2019

[9] Tổng hợp số liệu Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2015 – 2018 (Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk)

[10] Báo cáo số 22/BC-STP ngày 31/01/2018 của Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk tổng kết công tác tư háp năm 2018

[11] Trong năm 2017, theo thông tin quản lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk có 02 TGVPL nghỉ việc chuyển sang làm ở đơn vị khác.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon