Cạnh tranh có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, là cơ sở khẳng định vị trí của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh được xem là một động lực thúc đẩy cho sự phát triển của nền kinh tế. Vậy như thế nào là cạnh tranh không lành mạnh, đặc điểm của cạnh tranh không lành mạnh là gì? Hãy cùng luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Luật cạnh tranh 2018
1. Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Cạnh tranh không lành mạnh, trước hết, là một khái niệm bắt nguồn từ những quy định mang tính nguyên tắc trong pháp luật dân sự. Theo đó, các chủ thể trong giao dịch dân sự nói chung phải bảo bảm tôn trọng thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội ở mỗi quốc gia. Với những quy định như vậy, giao dịch thương mại trên thị trường cũng phải đảm bảo tôn trọng những quy tắc trong xã hội về đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, sự phát triển đa dạng của các quan hệ thương mại trong điều kiện tự do cạnh tranh và cạnh tranh khốc liệt ở các nền kinh tế thị trường đã kéo theo thực trạng các doanh nghiệp sẵn sàng đi ngược lại những nguyên tắc, giá trị chuẩn mực, gây hại cho các chủ thể khác trong kinh doanh để dành lợi thế cạnh tranh về mình. Đây chính là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 định nghĩa “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.”
Có thể thấy rằng Luật Cạnh tranh 2018 tiếp tục tiếp cận định nghĩa hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo hướng khái quát hóa. Tuy nhiên, cách định nghĩa này cũng đã đủ rõ ràng để xác định các dấu hiệu nhận dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm: chủ thể thực hiện hành vi, đặc điểm cơ bản của hành vi và đối tượng tác động của hành vi. Cách định nghĩa này về cơ bản có nhiều điểm phù hợp với định nghĩa trong Công ước Paris 1883 và pháp luật của một số nước tiêu biểu. Ngoài ra, để hạn chế tính khái quát và trừu tượng của khái niệm, Luật Cạnh tranh 2018 cũng đã liệt kê và mô tả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm tại Điều 45.
2. Đặc điểm hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Khác với các hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế bị kiểm soát, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh không thể hiện năng lực hay cường độ cạnh tranh của chủ thể tiến hành. Dưới góc độ của hạn chế cạnh tranh, doanh nghiệp thông qua sức mạnh thị trường, năng lực cạnh trạnh, liên kết, tích lũy vốn với nhau để thực hiện cạnh tranh những cản trở cạnh tranh nói chung trên thị trường. Dưới góc độ của cạnh tranh không lành mạnh, các chủ thể tham gia thị trường nói chung sử dụng các biện pháp, phương thức không phù hợp với nguyên tắc, giá trị đạo đức hay chuẩn mực trong kinh doanh nhằm gây thiệt hại hoặc bất lợi về cạnh tranh cho một hoặc một số chủ thể khác có liên quan.
Như vậy, chúng ta có thể khái quát được các đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sau:
Thứ nhất, chủ thể của hành vi cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên thị trường. Luật Cạnh tranh 2004 cũng xác định chủ thể của hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định từ Điều 40 đến Điều 48, tồn tại một số hành vi mà theo đó, chủ thể của hành vi lại có thể là các hiệp hội ngành nghề, các cá nhân nhất định hoặc thậm chí là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ như hành vi Xâm phạm bí mật kinh doanh, Phân biệt đối xử của hiệp hội hay Bán hàng đa cấp bất chính.
Thứ hai, về tính chất, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được xác định là các hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh. Nếu so sánh với khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004, chúng ta có thể nhận thấy rằng các nhà làm luật đã cố gắng cụ thể hóa tính chất trừu tượng của yếu tố “chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” thành hai nguyên tắc quan trọng nhất trong hoạt động thương mại là nguyên tắc thiện chí và nguyên tắc trung thực. Chúng ta có thể thấy rằng, có những giá trị xã hội sẽ thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, nguyên tắc thiện chí và trung thực là hai nguyên tắc gần như bất biến trong hoạt động kinh doanh trên thị trường và do đó được xác định cụ thể trong định nghĩa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, tập quán thương mại cũng có thể là đối tượng bị xâm phạm trong hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, cách quy định này có thể gây ra những tranh cãi nhất định trong thực tế bởi các tập quán thương mại được xác định là một nguồn luật điều chỉnh hợp đồng thương mại giữa các chủ thể và do đó, việc vi phạm các tập quán thương mại là các hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Việc không tách bạch rõ tập quán thương mại là nguồn luật của hợp đồng và tập quán thương mại là đối tượng bị xâm phạm của cạnh tranh không lành mạnh có thể khiến việc điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vượt quá phạm vi cần thiết. Bên cạnh nguyên tắc thiện chí, trung thực và tập quán thương mại thì các chuẩn mực khác trong kinh doanh cũng có thể là đối tượng bị xâm phạm của cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ ba, hậu quả của hành vi là gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Phạm vi đối tượng chịu sự tác động và là cơ sở để đánh giá hậu quả của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh 2018 theo hướng thu hẹp so với Luật Cạnh tranh 2004. Theo đó, hậu quả của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh không còn được “đo lường” dựa vào ảnh hưởng của hành vi đó lên lợi ích của Nhà nước hoặc người tiêu dùng nữa. Việc loại bỏ việc đánh giá ảnh hưởng của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến lợi ích của nhà nước là hướng tiếp cận phù hợp bởi mục đích điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh chính là bảo vệ môi trường cạnh tranh, bảo vệ thị trường do đó cần tập trung đánh giá thiệt hại của các hành vi này đối với các chủ thể tham gia thị trường.
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, doanh nghiệp không chỉ là chủ thể duy nhất tham gia thị trường mà người tiêu dùng cũng là một chủ thể vô cùng quan trọng. Người tiêu dùng chính là đại diện cho những lợi ích mà doanh nghiệp muốn đạt được khi tham gia thị trường. Hay nói cách khác, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp luôn luôn ảnh hưởng đến người tiêu dùng hoặc tác động đến người tiêu dùng. Do vậy, việc loại bỏ sự ảnh hưởng của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với người tiêu dùng khi nhận diện hành vi cạnh tranh không lành mạnh là một hướng tiếp cận tương đối thiếu hợp lý của Luật Cạnh tranh 2018.
Ngoài ra, hậu quả thiệt hại của hành vi không nhất thiết phải đã xảy ra trên thực tế khi xác định đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay chưa. Hành vi được xem là đã hoàn thành ngay cả khi thiệt hại của hành vi chỉ mới dừng lại ở mức độ “tiềm năng” nhưng chắc chắn sẽ xảy ra nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Quy định như vậy cho phép các đối tượng mà hành vi cạnh tranh không lành mạnh tác động tới có quyền sử dụng các công cụ pháp luật để bảo vệ mình ngay khi nhận thấy họ có nguy cơ bị thiệt hại, chứ không phải chờ cho đến khi thiệt hại đã xảy ra.