Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

quyen-nghia-vu-cua-ong-ba-noi-ong-ba-ngoai-va-chau

Gia đình là tế bào của xã hội. Từ bao đời mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái luôn được quan tâm và đề cập khi nhắc đến gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó mối quan hệ giữa ông bà và các cháu cũng rất quan trọng trong việc thiết lập nên một gia đình hạnh phúc. Dưới góc độ pháp luật, ông bà và cháu có quyền và nghĩa vụ riêng biệt. Vậy quyền và nghĩa vụ đó được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Quyền và nghĩa vụ của ông bà ngoại, ông bà nội và cháu

1.1. Quyền và nghĩa vụ của ông bà ngoại, ông bà nội đối với cháu

Theo cách gọi ở nước ta, nếu cha mẹ của cha thì gọi là ông bà nội, nếu là cha mẹ của mẹ thì gọi là ông bà ngoại. Cũng như cha mẹ, ông bà giữ vị trí quan trọng trong việc định hướng tương lai của cháu mình. Mối quan hệ ông bà và con cháu là mối quan hệ có giá trị vừa truyền thống vừa hiện đại.

Dưới góc độ khoa học pháp lý, quyền dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được cấm cản hay hạn chế. Ngược lại, nghĩa vụ là việc mà theo đó một hoặc nhiều chủ thể phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể.

Theo quy định tại điều 104 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật dân sự năm 2015 quyền và nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu được thể hiện như sau:

1.1.1. Quyền và nghĩa vụ về nhân thân

Thứ nhất, ông bà nội và ông bà ngoại có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc và giáo dục cháu. Theo đó, trong gia đình thông thường người có vị trí cao nhất và lớn tuổi nhất sẽ là ông bà. Thông qua quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà đã có những kinh nghiệm nhất định về việc trông nom, chăm sóc và tạo điều kiện cho cháu được giáo dục tốt nhất, nhằm mục đích hỗ trợ cho cha mẹ.

Thứ hai, ông bà nội và ngoại cần phải sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Theo đó, con cháu trước tiên sẽ được giáo dục bởi gia đình, bên cạnh cha mẹ thì ông bà cũng có trách nhiệm giáo dục con cháu, do đó con cháu sẽ học tập từ những hành vi cách xử sự của ông bà và cha mẹ. Đây cũng là điều kiện mang tính tiên quyết trong xây dựng gia đình văn hoá.

Thứ ba, theo quy định tại điều 84 Luật hôn nhân và gia đình, cùng với các chủ thể khác khi cha mẹ không trực tiếp sau khi ly hôn hoặc người thân thích của con, trong đó có ông bà với tư cách là người có quan hệ trực hệ với cháu có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con dựa trên cơ sở lợi ích của cháu.

Thứ tư, có quyền và nghĩa vụ đại diện của ông bà đối với cháu.

1.1.2. Quyền và nghĩa vụ về tài sản

Thứ nhất, trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật hôn nhân và gia đình thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu. Như vậy, pháp luật hôn nhân gia đình thừa nhận quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu của ông bà ở hàng thứ ba và có thể phát sinh trong các trường hợp sau:

  • Khi cha mẹ của cháu không còn và cháu không thể nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng từ anh chị em.
  • Khi cha mẹ của cháu không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con mà cháu không có anh chị em chăm sóc, nuôi dưỡng, không phụ thuộc vào việc cha mẹ của cháu có hay không có quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ của cháu đã chấm dứt hay vẫn tồn tại, quyền và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cháu của ông bà nội ngoại đều có thể được xác định vì lợi ích hợp pháp và chính đáng của cháu.

Thứ hai nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ngoại với cháu. Nghĩa vụ này không được chuyển giao và không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác.

Nghĩa vụ này phát sinh trong hai trường hợp: cháu chưa thành niên; cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại điều 112 của Luật hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại điều 112 Luật hôn nhân và gia đình thì khi cha mẹ không còn hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng của ông bà nội và ông bà ngoại đối với cháu chỉ đặt ra điều kiện khi: ông bà nội, ngoại không chung sống với cháu; cháu không còn cha mẹ, không có anh, chị, em hoặc còn cha mẹ và có anh, chị, em song những người này không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng; ông bà nội, ông bà ngoại phải có khả năng để cấp dưỡng cho các cháu. Cần lưu ý là ông bà nội hay ông bà ngoại đều có khả năng để cấp dưỡng như nhau, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

Mức cấp dưỡng dựa vào thoả thuận giữa người có nghĩa vụ và người được cấp dưỡng, nếu không có thoả thuận thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Thứ ba, ông bà có quyền thừa kế tài sản của cháu theo hàng thừa kế thứ hai của Bộ luật dân sự 2015.

1.2. Quyền và nghĩa vụ của cháu đối với ông bà nội, ông bà ngoại

Theo quy định tại điều 104 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật dân sự năm 2015 thì cháu có các quyền và nghĩa vụ sau:

1.2.1. Quyền và nghĩa vụ về nhân thân

Thứ nhất, cháu có quyền được ông bà chăm sóc, giáo dục và yêu thương.

Thứ hai, có quyền và nghĩa vụ đại diện của cháu đối với ông bà. Theo quy định tại điều 53 Bộ luật dân sự năm 2015 thì cháu không phải người giám hộ đương nhiên của ông bà nội, ngoại. Tuy nhiên quy định tại Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015, cháu vẫn có thể là người giám hộ của ông bà nếu ông, bà có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn cháu là người giám hộ cho mình thì khi ông, bà mất năng lực hành vi dân sự cần có người giám hộ cháu sẽ là người giám hộ cho ông, bà.

1.2.2. Quyền và nghĩa vụ về tài sản

Thứ nhất, cháu có quyền được ông bà nuôi dưỡng trong trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng ( cha mẹ, anh chị em).

Thứ hai, cháu cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại; Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người cấp dưỡng.

Thứ ba, theo quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 thì cháu có quyền thừa kế tài sản của ông bà theo hàng thừa kế thứ hai. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống. Trong trường hợp này, cháu là người thừa kế thế vị.

Thứ tư, cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.

2. Quy định về quyền và nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại với cháu tại một số nước

Tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ông bà không có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều tiểu bang đã thừa nhận quyền chăm sóc, nuôi dưỡng của ông bà đối với cháu. Theo đó, đầu tiên quyền chăm sóc nuôi dưỡng sẽ thuộc về cha mẹ đầu tiên, Toà án chỉ quyết định quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu khi đáp ứng điều kiện theo quy định của các tiểu bang và dựa theo lợi ích tốt nhất của cháu. Ví dụ: trường hợp cha mẹ không còn sống hoặc còn sống nhưng không đủ điều kiện để nuôi dưỡng hoặc có căn cứ cho rằng cha mẹ bỏ bê, lạm dụng con thì ông bà có thể được chỉ định làm người giám hộ để thực hiện quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu.

Ở pháp, pháp luật quy định cha mẹ ly hôn hoặc ly thân mà không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp háp của con thì Toà án có quyền giao con cho người thứ ba, trong đó ông bà nội, ông bà ngoại là người được ưu tiên để lựa chọn trong số họ hàng của con.

Ở Trung Quốc, quyền nuôi dưỡng và chăm sóc đầu tiên sẽ thuộc về cha mẹ, không quan trọng con là ngoài giá thú hay trong giá thú. Trường hợp cha mẹ chết hoặc không có khả năng nuôi dưỡng thì anh chị em ruột nếu có điều kiện thì phải có nuôi dưỡng nhau. Trường hợp ông bà nếu có đủ điều kiện thì phải có nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cháu chưa thành niên trường hợp cha mẹ cháu đã chết hoặc cha mẹ cháu không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng con.

3. Ông bà nội, ông bà ngoại được làm người giám hộ cháu trong trường hợp nào?

Trường hợp cháu là người chưa thành niên thì ông bà nội, ông bà ngoại sẽ được quyền làm người giám hộ cho cháu theo quy định tại điều 52 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.”

Như vậy, trường hợp người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ thì người giám hộ theo thứ tự đầu tiên sẽ là anh cả, chị cả sau đó sẽ tính đến các anh chị kế tiếp trừ trường hợp có thoả thuận về anh chị làm người giám hộ.

Trường hợp không có anh em hoặc có nhưng không đủ điều kiện thì lúc này ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại sẽ là người có đủ điều kiện giám hộ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những phân tích về “Quyền nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại với cháu”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon