Bị gọi điện, nhắn tin đe doạ, làm phiền đòi nợ dù không vay tiền hiện nay đang dần trở nên khá phổ biến. Mặc dù nhiều người không vay mượn tiền nhưng lại bị các đối tượng thường xuyên làm phiền đòi nợ bằng cách gọi điện thoại, tin nhắn khiến không ít người cảm thấy hoang mang, mệt mỏi, khó chịu vì bị ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Để ngăn chặn hành vi này và cách thức xử lý khi bị gọi điện làm phiền như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia xin cung cấp thông tin về các thủ đoạn đòi nợ phổ biến, cũng như cách xử lý khi bị gọi điện làm phiền.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 15/2020/NĐ-CP;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
1. Quấy rối qua điện thoại là gì?
Quấy rối qua điện thoại là hành vi làm phiền, gây khó chịu, bức xúc cho người khác, thông qua việc trêu đùa, đe doạ, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm hoặc các hành vi làm phiền người khác trái ý muốn của người khác.
Người bị coi là quấy rối qua điện thoại nếu thực hiện gửi 5 tin nhắn/ngày trở lên hoặc từ 3 cuộc gọi trở lên trong một ngày.
2. Các thủ đoạn đòi nợ phổ biến hiện nay
Hiện nay các đối tượng đòi nợ hoạt động liên tục mặc dù đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Khiến nhiều người hiện nay gặp phải tình trạng liên tục bị gọi điện làm phiền đòi nợ gây rối, ngay cả bạn bè, người thân đồng nghiệp cũng bị vạ lây. Dưới đây là một số thủ đoạn mà các đối tượng thường áp dụng để đòi nợ:
– Nhắn tin đòi nợ: Các đối tượng đòi nợ thường sử dụng một hoặc nhiều số sim điện thoại rác để nhắn tin đòi nợ theo mật độ tăng dần.
– Gọi điện thoại đòi nợ: Tương tự như phương thức trên, các đối tượng sẽ sử dụng một hoặc nhiều sim điện thoại rác để gọi điện làm phiền đòi nợ theo mật độ tăng dần nhằm thúc ép, thậm chí đe doạ, chửi bới, xúc phạm danh dự để buộc người vay phải trả nợ.
– Gọi điện thoại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay: Trong quá trình làm hồ sơ vay tiền, đa phần các tổ chức tín dụng, công ty tài chính sẽ yêu cầu người vay cung cấp thông tin, số điện thoại của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Trong trường hợp người vay không phản hồi tin nhắn, cuộc gọi thì các đối tượng sẽ gọi điện cho bạn bè, người thân của người vay để yêu cầu người vay trả nợ hoặc nhắc nhỏ người vay phải nghe điện thoại. Có trường hợp các đối tượng còn gọi điện đến cơ quan, tổ chức gây áp lực để người vay phải trả nợ.
– Đe doạ, khủng bố: Việc đe doạ, khủng bố tưởng chừng chỉ có ở bọn xã hội đen. Nhưng không, hiện đây là hình thức của các công ty đòi nợ thuê sử dụng rất nhiều, họ sẽ cho một nhóm thanh niên đến tận nhà hoặc tận nới làm việc của người vay để tạt sơn, phá hoại tài sản,…mục đích để bắt buộc ngừoi vay trả nợ. Nếu người vay không trả hoặc không gia hạn thời gian trả, thì bên đòi nợ sẽ sử dụng những biện pháp nặng hơn.
– Dùng vũ lực: Hành vi này được sử dụng nhiều nhất hiện nay, công khai đến tận nhà, nơi làm việc. Các công ty đòi nợ thuê sẽ cử một nhóm không rõ lai lịch tìm đến để đập phá đồ đạc, tài sản, cướp tài sản có giá trị cùng những lời đe doạ, cảnh báo và ép người vay trả nợ hoặc gia hạn ngày trả nợ gần nhất. Thậm chí là sẵn sàng khiến người vay bị xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.
3. Bị gọi điện làm phiền đòi nợ nên làm thế nào?
Theo quy định của Luật Viễn Thông, hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là hành vi bị nghiêm cấm. Do vậy, việc các nhân nào đó có hành vi dùng điện thoại, các phương tiện viễn thông để quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, làm nhục người khác thì tuỳ theo mức độ nguy hiểm của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Dưới đây sẽ là một số biện pháp khi bị gọi điện làm phiền đòi nợ:
3.1. Cách xử lý khi bị gọi điện làm phiền đòi nợ
Mọi người cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập đến các đối tượng đòi nợ này. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng).
Khi gặp phải tình huống trên, bạn hãy tình bĩnh và làm theo các bước sau:
Bước 1: Tiến hành kiểm tra thông tin thuê bao làm phiền
Có thể sao chép và tìm kiếm số điện thoại trên Zalo để tìm kiếm thông tin người gọi. Tuy nhiên rất ít trường hợp có thể tìm ra thông tin cá nhân của người gọi vì rất có thể chủ nhân số thuê bao không dùng Zalo hoặc không cho phép tìm kiếm.
Bước 2: Gọi điện cho nhà mạng đang sử dụng hoặc tổng đài ngân hàng, tín dụng để được hỗ trợ
Nếu bạn không hề vay tiền ai mà bị đe doạ đòi nợ, bình tĩnh gọi điện cho cơ quan các đơn vị tín dụng hoặc tổng đài ngân hàng để được nhân viên hỗ trợ. Để đảm bảo tài khoản của bạn bảo mật an toàn, không bị xâm phạm và lợi dụng cho các mục đích xấu.
Bên cạnh đó, bạn có thể liên hệ với giám sát ngân hàng và cơ quan thanh tra trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để xem xét xử lý các hành vi liên quan đến công tác thu hồi, đôn đốc nợ. Bằng cách gửi đơn đến các cơ quan hoặc chi nhanh của Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị giải quyết vấn đề vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín dụng của tổ chức, các nhân quấy rối đòi nợ bạn.
Bước 3: Trong trường hợp bạn đã làm theo bước 1 và 2 nhưng đối tượng xấu vẫn đe doạ và làm phiền. Bạn nên gọi điện hoặc đi ngay ra các cơ quan chính quyền, khai báo ngay với cơ quan Công An gần nhất. Ngoài ra, bạn có thể liên hệ với Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để đề nghị xem xét xử lý những dấu hiệu vi phạm liên quan đến công tác đôn đốc, thu hồi nợ.
3.2. Chặn các tin nhắn, cuộc gọi làm phiền
Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng gọi làm phiền đòi nợ. Nhưng khi đối tượng biết đến số điện thoại của bạn có thể sẽ thay đổi liên tục số khác để điện làm phiền. Bạn có thể sử dụng chức năng chặn số không lưu trong danh bạ điện thoại để tránh làm phiền. Đối với các trang mạng xã hội như Facebook cá nhân có thể khoá các bình luận của người lạ, hãy chuyển cài đặt về chế dộ riêng tư hoặc chế độ bạn bè để tránh người lạ tràn vào làm phiền.
3.3. Liên hệ ngân hàng hoặc các đơn vị tín dụng
Nếu bạn biết được tổ chức, ngân hàng nào đang đòi nợ mình hãy liên hệ trực tiếp đến văn phòng công ty đó để khiếu nại. Bằng cách gửi đơn để tố cáo và đề nghị xử lý, nhớ chuẩn bị đầy đủ bằng chứng liên quan, hành vi đe doạ,… Trường hợp bạn không rõ về công ty đòi nợ, hãy gửi đơn đến Sở Thông tin truyền thông để tố cáo xử lý. Sở có trách nhiệm kiểm tra và xử lý hành chính đối với tổ chức vi phạm các quy định về hoạt động trên môi trường mạng.
3.4. Nhờ sự trợ giúp của cơ quan Công an
Người bị làm phiền có thể đến trực tiếp cơ quan Công an để trình báo về hành vi của tổ chức, cá nhân đòi nợ bạn hoặc làm đơn trình báo gửi qua đường bưu điện kèm theo bằng chứng để trình báo. Cơ quan Công an khi tiếp nhận thông tin trình báo sẽ điều tra, tuỳ vào hành vi vi phạm sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Xử lý hành vi gọi điện làm phiền đòi nợ qua điện thoại
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Luật Viễn thông năm 2009 thì các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông như sau: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.”
Do đó, hành vi quấy rối, làm phiền qua điện thoại với những nội dung rất khiếm nhã thì chính là hành vi vi phạm pháp luật và bị pháp luật nghiêm cấm. Tuỳ vào tính chất và mức đồ nguy hiểm của hành vi quấy rối qua điện thoại mà hành vi này có thể chỉ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”
Đồng thời, theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
+ Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
Ngoài ra, hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc vu khống người khác (Điều 155, Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
Trong trường hợp hành vi gọi điện, nhắn tin nhằm ép buộc cá nhân hoặc tổ chức trả một khoản nợ khống là có dấu hiệu cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Căn cứ tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù 1 – 5 năm. Mức phạt cao nhất cho tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 – 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuỳ vào mức độ, tính chất và có đủ căn cứ, hành vi quấy rối qua điện thoại sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự.