Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

quyen-ve-doi-song-rieng-tu-bi-mat-ca-nhan-bi-mat-gia-dinh

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình của người khác, các quyền này được pháp luật bảo vệ nhằm chống lại những xâm phạm ấy. Vậy pháp luật bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là gì?

1.1. Đời sống riêng tư và quyền riêng tư

Mỗi cá nhân đều có đời sống riêng tư, nội hàm của mình. Đời sống riêng tư là tập hợp những dấn ấn cá nhân được tích luỹ bởi sự trải nghiệm trong quá trình sống của bản thân tạo thành nét đặc thù, độc lập, không thể pha trộn được với ai. Bên cạnh đó, đời sống riêng tư phản ánh tính độc lập và tư cách chủ thể của mỗi cá nhân.

Quyền riêng tư được hiểu là quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân, không ai phải chịu can thiệp một cách tuỳ tiện vào đời sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín cũng như bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Quyền này được pháp luật công nhận và bảo vệ.

1.2. Bí mật cá nhân

Bí mật cá nhân là những thông tin, các quan hệ quá khứ liên quan và có tính chất chi phối đến cá nhân đó nếu bộc lộ ra ngoài sẽ mang đến bất lợi cho họ. Bí mật cá nhân là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân được pháp luật bảo hộ.

1.3. Bí mật gia đình

Tương tự như bí mật cá nhân, bí mật gia đình là những thông tin về vụ việc, tài liệu liên quan đến các quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, có ý nghĩa rộng hơn bí mật cá nhân. Bí mật đó có thể là về huyết thống, bệnh lý, năng lực trí tuệ của các thành viên mà nếu bộc lộ ra ngoài sẽ gây bất lợi cho các thành viên. Đây là quyền được pháp luật bảo hộ, do đó không chủ thể nào được xâm phạm đến quyền này.

2. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

2.1. Theo quy định của Hiến pháp

Hiến pháp đầu tiên vào năm 1946 quy định “Tư pháp chưa quy định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”. Như vậy, có thể thấy ngay từ khi mới thành lập, Nhà nước ta đã quan tâm và bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân.

Đến Hiến pháp năm 1959, quyền về bí mật đời tư, bí mật cá nhân tiếp tục được ghi nhận. Điều 28 Hiến pháp quy định “Pháp luật bảo đảm nhà ở của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà không bị xâm phạm, thư tín được giữ bí mật”. Như vậy, có thể thấy quy định về việc bảo đảm quyền riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình vẫn được giữ lại, tuy nhiên phạm vi bảo vệ vẫn còn khá hẹp

Hiện nay, Hiến pháp 2013 ra đời đã quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có phần chặt chẽ, cụ thể hơn: “… Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm, an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc, mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

2.2. Dưới góc độ dân sự

Căn cứ vào điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được quy định như sau:

Thứ nhất, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Những thông tin, tư liệu mà cá nhân đã không muốn công khai, bộc bạch thì không ai được phép can thiệp vào. Với quyền này, cá nhân sẽ được sống theo mong muốn của mình mà không chịu sự can thiệp hay ảnh hưởng từ những người xung quanh.

Thứ hai, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Quy định này nhằm thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với đời sống riêng tư, bí mật gia đình và cá nhân.

Thứ ba, thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Bởi lẽ, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác chỉ được thực hiện trong một số trường hợp luật định.

Thứ tư, các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Khi các bên tiến hành xác lập hợp đồng, các thông tin cá nhân sẽ bị lộ, một số trường hợp các thông tin liên quan đến gia đình cũng được thể hiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hoàn thành hợp đồng, nhất là những dịch vụ mang tính chất nhạy cảm, riêng tư. Do đó, các bên có trách nhiệm phải tôn trọng và giữ bí mật cho nhau, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác không trái pháp luật thì ưu tiên áp dụng.

3. Trách nhiệm khi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

3.1. Trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm dân sự phát sinh khi đủ 4 điều kiện sau:

Thứ nhất, có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm pháp luật trong trường hợp này là việc cá nhân xâm phạm đến quyền nhân thân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Người có hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân này có trách nhiệm: xin lỗi, cải chính, bồi thường thiệt hại hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, có thiệt hại. Thông thường thiệt hại khi bị xâm phạm đến quyền nhân thân là thiệt hại về lợi ích tinh thần. Người gây ra thiệt hại phải bồi thường cả về vật chất và tinh thần như sau:

  • Bồi thường thiệt hại về tài sản: bao gồm các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị giảm sức do hành vi vi phạm của họ gây ra, thiệt hại khác do luật quy định.
  • Bồi thường thiệt hại về tinh thần: khoản tiền bù đắp cho những tổn thất về tinh thần mà người có quyền nhân thân bị xâm phạm gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật nhưng không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả. Theo đó, mối quan hệ nhân quả trong trường hợp này là việc hành vi xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình dẫn đến hậu quả là người bị xâm phạm thiệt hại trực tiếp về tinh thần.

Thứ tư, có lỗi. Lỗi trong trường hợp này có thể là lỗi vô ý hoặc cố ý, trường hợp lỗi cố ý và có tính hệ thống thường xuyên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.2. Trách nhiệm hành chính

Căn cứ nghị định 174/2013/NĐ-CP thì trách nhiệm hành chính sẽ được áp dụng trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi: tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Thứ hai, việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Thứ ba, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bóc mở bưu gửi trái pháp luật, tráo đổi nội dung bưu gửi; Chiếm đoạt, trộm cắp bưu gửi; hủy bưu gửi trái pháp luật.

3.3. Trách nhiệm hình sự

Các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích nhân thân ở trên được pháp luật bảo vệ, tuỳ vào mức độ hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định hai tội danh liên quan đến đến nhóm quyền này, đó là: Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158) và Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159). Cụ thể điều 159 quy định như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

– Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

– Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

– Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

– Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

– Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo đó, mức phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 03 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trong trường hợp người theo dõi thông qua việc xâm nhập nơi ở của người khác có thể bị truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 182. Theo đó, người có hành vi khám xét, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Mức phạt tối đa đối với người phạm tội này có thể lên đến 05 năm tù. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là bài viết phân tích về “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về các quyền này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon