Thời điểm bắt đầu, kết thúc thời hạn là các mốc quan trọng trong việc xác định hiệu lực của các quyền và nghĩa vụ pháp lý. Việc xác định chính xác thời điểm này giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong các giao dịch và quan hệ pháp luật. Thời điểm bắt đầu thường được tính từ khi một sự kiện pháp lý cụ thể xảy ra hoặc khi một điều kiện nhất định được đáp ứng, trong khi thời điểm kết thúc đánh dấu sự chấm dứt của quyền hoặc nghĩa vụ đó. Hiểu rõ và tuân thủ các quy định về thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn là cần thiết để tránh các tranh chấp và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Căn cứ pháp lý
1. Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn?
Theo quy định tại Điều 144 về Thời hạn của Bộ luật dân sự 2015 thì: “Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra”.
Về cách tính thời hạn: Thời hạn được tính theo dương lịch và được xác định như sau:
– Thứ nhất, trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
+ Đối với thời hạn tính theo năm thì được quy ước như sau: một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày còn nửa năm là sáu tháng.
+ Đối với thời hạn tính theo tháng thì được quy ước như sau: một tháng là ba mươi ngày còn nửa tháng là mười lăm ngày;
+ Đối với thời hạn tính theo tuần thì quy ước: một tuần là bảy ngày.
+ Đối với thời hạn tính theo ngày, giờ thì quy ước: một ngày là hai mươi tư giờ; một giờ là sáu mươi phút và một phút là sáu mươi giây.
– Thứ hai, trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau: đầu tháng thì tính là ngày đầu tiên của tháng; giữa tháng tính là ngày thứ mười lăm của tháng và cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
– Thứ ba, trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau: Đầu năm được tính luôn là ngày đầu tiên của tháng một tức ngày mùng 1 tháng 1; giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu; và cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
Có thể thấy, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta khi tính thời gian theo các mốc như năm, tháng, ngày, giờ cũng được áp dụng tính theo các quy ước này theo cả lịch âm và lịch dương trong vòng một năm. Việc áp dụng tính thời hạn này còn được áp dụng trong pháp luật như tính thời gian gây ra hành vi vi phạm đối với người vi phạm,….
2. Quy định về cách tính thời hạn về thời điểm bắt đầu thời hạn?
Theo quy định về thời điểm bắt đầu thời hạn tại điều 147 Bộ luật dân sự 2015 có thể thấy trong giải quyết một vụ việc, vụ án nào đó thì điều quan trọng nhất là xác định thời điểm bắt đầu của vụ việc, vụ án.
Chính vì vậy, việc xác định thời điểm bắt đầu được pháp luật xác định như sau: khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định; còn đối với thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định và khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.
Trong thực tế, các quan hệ dân sự có thể xảy ra tính theo giây (Ví dụ: thi chạy, thi bơi..), tuy nhiên đây là những trường hợp đặc biệt không diễn ra thường xuyên, vì vậy pháp luật quy định thời hạn ngắn nhất tính là phút. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu đến phút cuối cùng của thời hạn.
Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày được xác định.
Ví dụ, A và B thuê xe ô tô trong thời hạn 05 ngày từ ngày 01/01/2021 thì bắt đầu tính từ ngày 02/01/2021 đến hết ngày 06/01/2021. Theo nguyên tắc tính thời điểm theo ngày thì một ngày là 24 giờ, cho nên thời điểm bắt đầu ngày là thời điểm xảy ra sự kiện tính đến 24 giờ sau, cho nên sang ngày hôm sau mới tính là một ngày.
Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó. Ví dụ, thời hạn cho vay là nửa tháng kể từ khi nhận được lương làm việc là từ ngày 01/01/2021, thì ngày nhận lương không tính, mà ngày hôm sau tính là ngày thứ nhất là bắt đầu tính từ ngày 02/01/2021.
Như vậy, trong xác định thời hạn bắt đầu thì thời điểm được quy định ở đây là theo giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc theo sự kiện pháp lý đã được xác định từ trước, riêng đối với xác định theo ngày, tuần, tháng, năm và sự kiện pháp lý thì không tính vào ngày đầu tiên mà tính từ ngày tiếp theo.
3. Kết thúc thời hạn?
Theo quy định về thời điểm bắt đầu thời hạn tại điều 148 Bộ luật dân sự 2015 có thể thấy pháp luật đã quy định về thời điểm bắt đầu khi tính thời hạn thì khi xác định được thời điểm bắt đầu cũng phải xác định được thời điểm kết thúc thời hạn tại cùng một hoạt động, hành vi diễn ra của vụ án, vụ việc.
Việc kết thúc thời hạn được xác định như sau: đối với trường hợp thời hạn được tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn; còn trường hợp khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
Đối với thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
Đối với thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn. Trong trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó và thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
Xác định thời gian cụ thể qua ví dụ như sau:
– Thời hạn tính bằng ngày, ví dụ: 3 ngày từ ngày 01/03 thì kết thúc về ngày 04/03. Trường hợp này tính ngày 02/01 là ngày thứ nhất, ngày 03/01 là ngày thứ 2, ngày 04/01 là kết thúc 3 ngày.
– Thời hạn tính bằng tuần, ví dụ, 01 tuần bắt đầu từ ngày thứ năm thì kết thúc vào hết thứ 5 tuần tiếp theo.
– Khi thời hạn tính bằng tháng thì kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng. Ví dụ, cho vay 3 tháng từ ngày 01/01/2021 thì kết thúc vào ngày 01/04/2021. Nếu ngày tương ứng của tháng cuối cùng không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng, ví dụ, cho vay 4 tháng từ ngày 31/10/2015 thì kết thúc vào ngày 28/02/2016
– Thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn. Cách tính theo tháng cũng được áp dụng tính theo năm.
– Khi thời hạn cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ thì thời hạn kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật lao động 2012 thì các ngày sau đây là ngày nghỉ lễ
“Điều 115. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).“
Hiện nay, theo quy định về ngày làm việc hành chính thì thứ 7 và chủ nhật là ngày nghỉ cuối tuần. Nếu thời hạn kết thúc vào những ngày trên thì thời hạn kết thúc vào ngày làm việc tiếp theo ngày đó. Thời điểm kết thúc thời hạn là hai mươi tư giờ ngày cuối cùng của thời hạn
Như vậy từ những quy định trên về tính thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn được áp dụng của một số loại thời hạn cụ thể trong hoạt động tố tụng dân sự như sau:
Về thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc từ ngày nhận được bản án (Điều 273 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015)
Ví dụ: ngày 10/05/2021 ông M nhận được bản án của Tòa án thì: thời điểm bắt đầu của thời hạn là ngày tiếp theo của ngày ông M nhận được bản án, tức ngày 11/05/2021, và thời điểm kết thúc là ngày cuối cùng của thời hạn tức ngày 25/05/2021.
Về thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là 07 ngày, kể từ ngày hòa giải thành, theo Điều 212 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Ví dụ: Ngày 8/04/2021 Tòa án lập biên bản hòa giải thành giữa A và B, thời điểm tính thời hạn từ ngày 9/04/2021 đến ngày 15/04/2021, nếu ngày 15 là ngày thứ 7 thì ngày kết thúc là ngày làm việc đầu tiên là thứ 2 tức là ngày 17/04/2021 Tòa án phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.
Về thời hạn gửi thông báo thụ lý là 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án Tòa án phải gửi thông báo cho các đương sự, Viện kiểm sát biết theo Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Ví dụ: ngày 15/05/2021 Tòa án thụ lý vụ án, thì thời hạn được tính từ ngày 16/05/2021 đến 18/05/2021
Về thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải sao gửi Bản án cho đương sự, Viện kiểm sát theo Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Ví dụ: ngày 05/01/2021 Tòa tuyên án, thì thời hạn 10 ngày được tính cả ngày nghỉ, từ ngày 06/01/2018 đến ngày 16/01/2021)
Đối với thời hạn vay theo thỏa thuận của đương sự. Ví dụ: ngày 01/01/2021, D vay của F 200 triệu, thời hạn vay 20 ngày, thời hạn vay được tính từ ngày 02/01/2021 đến 21/01/2021.
Trên đây là bài viết liên quan đến nội dung về thời điểm bắt đầu, kết thúc thời hạn. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline: 19006568 để được hỗ trợ và tư vấn.