Các vấn đề xã hội – pháp lý phát sinh khi nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn

cac-van-de-xa-hoi-phap-ly-phat-sinh-khi-nam-nu-chung-song-nhu-vo-chong-khong-dang-ky-ket-hon

Nhận thấy rằng, trên thực tế nếu hai bên trong quan hệ chung sống như vợ chồng luôn yêu thương và có một cuộc sống hạnh phúc thì có lẽ, chung sống như vợ chồng sẽ mang lại cho cả hai bên nhiều những niềm vui, sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống và tình yêu. Bên cạnh đó, họ có thể sẽ thoải mái về tư tưởng tinh thần vì không bị ràng buộc về vấn đề pháp lý khi xã hội càng hiện đại thì tư tưởng của mọi người càng thoáng hơn, hai bên có thể dễ dàng chấm dứt mối quan hệ bất kì lúc nào mình muốn mà không cần phải thông qua một cơ quan, tổ chức nào cả.

1. Liên quan đến quan hệ nhân thân

Trong quá trình chung sống, đến giai đoạn hai bên thấy cần thiết cần có sự ràng buộc pháp lý để phù hợp hơn với hoàn cảnh, suy nghĩ hiện tại thì các bên tiến hành kết hôn. Vậy việc việc chung sống như vợ chồng trước đó như một cơ hội để ta có được lựa chọn tốt nhất về người vợ, người chồng của mình, người mà mình muốn gắn bó.

Song, nhìn chung, việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn cũng sẽ đem lại nhiều hệ quả tiêu cực trong đó.

1.1. Về mặt tinh thần và thể chất

Chung sống như vợ chồng có thể dẫn đến sự tổn thương về mặt tinh thần hoặc nỗi đau thể chất cho cả hai bên, đặc biệt là người phụ nữ. Trong quan hệ chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ, nhìn chung, có thể có hoặc không có quan hệ tình dục, nhưng việc có quan hệ và người phụ nữ mang thai là khá phổ biến và dễ dàng. Nếu đối với các cặp vợ chồng hợp pháp thì việc có con là sợi dây kết nối bố mẹ là điều bố mẹ mong muốn có những người con thì những cặp chung sống như vợ chồng không có ràng buộc, cũng không muốn có quá nhiều sự ràng buộc việc có con có thể ngoài ý muốn của hai bên. Vì vậy, làm gia tăng tỉ lệ nạo phá thai ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người phụ nữ. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 350.000 ca phá thai trong khoảng 300.000- 350.000 ca phá thai hàng năm ở Việt Nam có 62% do mang thai ngoài ý muốn. Việt Nam là một trong năm quốc gia có tỉ lệ phá thai cao trên thế giới, Việt Nam và Thái Lan là một trong hai nước đứng đầu Đông Nam Á. Việc phá thai này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, gây nên nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần trong thời gian dài. Hoặc trong quá trình chung sống không tránh khỏi những mâu thuẫn đôi khi vì sự thiếu rằng buộc nhau khi hai bên không có quan hệ vợ chồng có những suy nghĩ bên kia không thực sự là vợ, chồng mình nên dễ có những hành vi lời nói, làm tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhau. Vì không có sự ràng buộc nên họ cũng dễ chấm dứt quan hệ chung sống hơn, sau đó có thể họ sẽ cảm thấy mất niềm tin vào tình yêu, vào cuộc sống hôn nhân. Chính sự mất niềm tin này có thể dẫn tới những suy nghĩ và lối sống tiêu cực khác. Đó có thể là việc lựa chọn cuộc sống độc thân, tạm bợ, coi hôn nhân và tình yêu là những “trò tiêu khiển”. Từ đây, nghiêm trọng hơn, nó sẽ làm hủy hoại cả phẩm chất đạo đức của một lớp người, đặc biệt là lớp trẻ.

1.2. Về vấn đề bạo lực gia đình

Các hành vi bạo lực gia đình được xác định như sau: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; Chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở. Các hành vi bạo lực cụ thể được liệt kê trên được chia thành bốn loại bạo lực: bạo lực thân thể, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục và bạo lực gia đình. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó mức phạt hành chính như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.”

Tuy nhiên phạm vi xác định hành vi bạo lực gia đình là là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Ngoài ra “gia đình” được giải thích “là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”. Như vậy, hai bên chung sống như vợ chồng có được coi là “thành viên gia đình” của nhau? (trừ trường hợp chung sống như vợ chồng được pháp luật thừa nhận). Cùng một hành vi được miêu tả nhưng chủ thể không xuất phát là những người trong “gia đình” không được coi là gia đình không được xem xét là hành vi bạo lực gia đình trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Nhận thấy rằng trong trường hợp trên thì hành vi được coi là hành vi bạo lực trong môi trường gia đình. Bởi lẽ, về bản chất các hành vi này là như nhau chỉ khác nhau về chủ thể được pháp luật xác định là thành viên gia đình và chủ thể chưa được xác định là thành viên gia đình nhưng lại đang chung sống trong môi trường gia đình. Nhưng hành vi trên không bị coi là hành vi bạo lực gia đình trong phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành. Đây là một điểm thiếu sót của Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007. Tuy nhiên, hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 được thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2023 đã khắc phục được thiếu sót trên của Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007. Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 đã mở rộng về hành vi bạo lực và chủ thể thực hiện hành vi bạo lực. Theo đó, hành vi bạo lực được thực hiện giữa những người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cũng chưa xác định rõ chủ thể chung sống như vợ chồng có bao gồm các cặp đôi đồng tính, chuyển giới hay không? Bởi vì, không chỉ với các cặp khác giới, ở cả các cặp đồng tính, chuyển giới thì bạo hành gia đình luôn là một vấn đề nhức nhối. Đối với các cặp đồng tính một khi yêu và chung sống cùng ai, họ thường “rất giữ”, thường ghen tuông vô cớ, giải tỏa tâm lý bằng cách đánh đập, bạo hành. Đặc biệt, bạo hành tình dục trong các cặp đồng tính là một vấn đề tế nhị và khó nói, do vậy, họ khó có thể chia sẻ với ai để giải quyết vấn đề. Mặt khác, do không muốn vướng tới pháp luật nên những người này luôn lựa chọn giải pháp im lặng. Không chỉ không có cơ chế giám sát, không có các quy định pháp luật bảo vệ mà còn vì tâm lý khi phải sống trái với giới tính thực của mình, bị định kiến xã hội nên những người đồng tính thường bị áp lực rất lớn.

Do không có một cơ chế bảo vệ cụ thể và rõ ràng nên quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trong quan hệ không được đảm bảo và dễ bị xâm phạm. Đó không chỉ là sự đánh đập, bạo hành mà còn có thể bao gồm cả sự xỉ nhục, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của nhau.

2. Về giao dịch đối với bên thứ ba

Trong cuộc sống luôn tồn tại những giao dịch dân sự, có những giao dịch dân sự quyền và nghĩa vụ phát sinh đối với cá nhân nhưng cũng có những trường hợp phát sinh trách nhiệm liên đới. Trong thời kì hôn nhân ngay khi một bên thực hiện giao dịch dân sự nhưng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình (ăn, mặc, ở, học tập, chữa bệnh) thì cũng phát sinh trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với giao dịch đó. Ngoài ra vợ chồng còn chịu trách nhiệm liên đới trong các trường hợp sau:

+ Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

+ Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

+ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường.

Quy định này rất phù hợp nhằm tăng trách nhiệm của vợ chồng đối với cuộc sống hôn nhân vừa để đảm bảo quyền lợi của người thứ ba khi tham gia giao dịch.

Trong trường hợp cha mẹ có hôn nhân hợp pháp pháp luật sẽ sử dụng biện pháp suy đoán pháp lý việc xác định cha, con sẽ đơn giản hơn nhiều so với trường hợp xác định cha, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp. Theo đó “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. “Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. Trong trường hợp cha, mẹ không được thừa nhận là vợ chồng thì sẽ không tồn tại thời kì hôn nhân vậy khi con được sinh ra trong thời gian hai bên đang chung sống với nhau không được áp dụng suy đoán pháp lý là con chung của vợ chồng. Tương tự như vậy, khi quan hệ chung sống như vợ chồng này chấm dứt chưa được 300 ngày đứa trẻ do người phụ nữ sinh ra cũng không được xác định là con của người đàn ông mà người phụ nữ đó chung sống. Vì thế cho nên, đối tượng chứng minh trong các vụ án xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp căn cứ như sau: Căn cứ vào thời điểm thụ thai, thời gian mang thai và thời điểm sinh con. Việc xác định thời điểm thụ thai và mang thai chỉ mang tính chất tương đối; nên cần căn cứ vào thời điểm sinh con; thể trạng của thai nhi và người mẹ. Căn cứ vào khoảng thời gian hai bên nam nữ quan hệ tình dục. Căn cứ vào mối quan hệ giữa cha mẹ và con trên thực tế và có thể căn cứ vào tư cách, phẩm chất của người mẹ. Chủ thể có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con được quy định tại Điều 102, Luật HN&GĐ năm 2014:

Thứ nhất, người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con phải là người cha, người mẹ hoặc người con. “Cha, mẹ” trong trường hợp này được hiểu theo hai trường hợp: là người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình; là người không được nhận là cha, mẹ của người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. Điều 90, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về quyền nhận cha, mẹ, con như sau: Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha. Căn cứ Điều 102 của Luật HN&GĐ năm 2014 thì người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con không phân biệt đối với con trong giá thú hay ngoài giá thú. Theo đó nếu con ngoài giá thú mà các bên nhận cha, mẹ, con là hoàn toàn tự nguyện thì giải quyết theo thủ tục hành chính. Nhưng nếu con ngoài giá thú xác định cha, mẹ cho mình khi cha, mẹ đã chết hay trường hợp con ngoài giá thú mà cha, mẹ muốn xác định con cho mình khi con đã chết hoặc có tranh chấp thì Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết.

Thứ hai, ngoài chủ thể là người cha, người mẹ hoặc người con, đối tượng có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con còn có các chủ thể khác. Theo quy định tại Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2014, trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.

Như vậy, trường hợp nếu người yêu cầu là người cha, người mẹ muốn xác định quan hệ cha, mẹ, con nhưng người cha, người mẹ này đã chết thì người thân thích như anh, chị, em ruột của người cha, người mẹ có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người cha, người mẹ đã chết. Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì chủ thể có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này là người giám hộ, người cha, người mẹ, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp có quyền tự mình yêu cầu xác định cha, mẹ cho trẻ em. Pháp luật quy định chủ thể có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con như vậy nhằm mở rộng phạm vi về mặt chủ thể khi tham gia vào yêu cầu xác định cha, mẹ, con, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon