Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

toi-tron-tranh-nghia-vu-quan-su

Nghĩa vụ quân sự vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của công dân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn không nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện nghĩa vụ quân sự mà luôn tìm cách để trốn tránh trách nhiệm của mình, đi ngược lại với phẩm chất kiên cường, dũng cảm của con người Việt Nam. Đây là hành vi vừa trái pháp luật vừa trái đạo đức của công dân. Vậy trốn tránh nghĩa vụ quân sự là gì? Người trốn nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý ra sao? Hãy cũng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là gì?

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đem đến rất nhiều lợi ích cho người tham gia. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

Ngược lại trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi lẩn tránh trách nhiệm phục vụ đất nước. Dưới góc độ pháp luật, trốn tránh nghĩa vụ được định nghĩa như sau: “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.” (Theo quy định tại khoản 8, điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015)

Luật sư là gì? Những lợi ích khi thuê luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự

2. Chế tài xử lý hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, tuỳ từng trường hợp sẽ có chế tài xử lý khác nhau. Theo đó, việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị xử lý hành chính, nặng hơn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.1 Xử lý hành chính

2.1.1. Đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định:

Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định hành vi không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 bị xử lý như sau:

Phạt cảnh cáo đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.

Phạt tiền từ 08-10 triệu đồng đối trường hợp không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu (trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo nêu trên) hoặc các trường hợp không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, nơi cư trú… theo quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị; đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; đăng ký tạm vắng.

 2.1.2. Đối với hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

Theo Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP), hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý như sau:

Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

Phạt tiền từ 12-15 triệu đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
  • Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 02 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Phạt tiền từ 25-35 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

2.1.3. Đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ:

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP ( sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:

Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP.

2.2. Xử lý hình sự

Theo quy định tại điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015, trường hợp nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.”

3. Các yếu tố cấu thành tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Cũng giống loại tội phạm khác, tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 332 Bộ luật Hình sự có bốn yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan.

3.1. Chủ thể

Đối với hành vi không chấp hành quy định của Nhà nước về đăng ký nghĩa vụ quân sự thì chủ thể phạm tội là công dân Việt Nam, nam đủ 17 tuổi;

Đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thì chủ thể là nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ. Theo đó, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

3.2. Khách thể

Khách thể của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự là việc tội phạm xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện.

3.3. Mặt chủ quan

Mặt chủ quan là biểu hiệu bên trong của tội phạm, là hiểu hiệu tâm lý của tội phạm đối với hành vi và hậu quả nguy hiểm mà họ gây ra cho xã hội. Đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì đây là hành vi cố ý. Bởi lẽ tội phạm nhận thức được hành vi của mình và mong muốn trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

3.4. Mặt khách quan

Về hành vi: 

  • Không chấp hành quy định của Nhà nước về đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc lập hồ sơ về nghĩa vụ quân sự của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Công dân không chấp hành quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.
  • Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Theo đó, lệnh gọi nhập ngũ là việc cơ quan có thẩm quyền ra lệnh gọi các công dân đủ điện kiện nhập ngũ để vào phục vụ có thời hạn trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Không chấp hành lệnh này là việc có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi nhập ngũ lại bỏ trốn không thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập ngũ.
  • Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện. Theo đó, không chấp hành là việc có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về nên không thực hiện được chương trình huấn luyện.

Bên cạnh đó, để cấu thành tội này thì các hành vi trên phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Hành vi này phải được thực hiện trước khi địa phương giao quân cho đơn vị quân đội tiếp nhận.

Về mục đích: hành vi này được thực hiện nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

4. Hình phạt tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự:

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 2 khung, cụ thể như sau:

– Khung một (Khoản 1): Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.

– Khung hai (Khoản 2): Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình như chặt ngón táy, làm mù mắt, làm cho đứt tai…

+ Phạm tội trong thời chiến là việc khi đất nước có chiến tranh xảy ra, cần thiết phải có bộ đội đi nghĩa vụ quân sự, bản thân đủ điện kiện và được gọi đi nhưng lại hèn nhát tìm cách trốn tránh.

+ Lôi kéo người khác phạm tội. Được hiểu là người phạm tội đã có những lời lẽ rủ rê, dụ dỗ, kích động người khác cùng thực hiện tội phạm với mình.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự” Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon